“Con đường nhanh nhất dẫn đến sự chấp thuận là khi người tiêu dùng nhận thấy công nghệ BĐG mang lại những lợi ích cá nhân trực tiếp, và từ đó, có động lực để vượt qua sự chối từ mang tính trực giác của mình. Con đường chậm nhất, nhưng có lẽ là lâu dài nhất, là qua giáo dục. Nếu mọi người được học nhiều hơn về sinh vật BĐG, về gen, về nông nghiệp và những thứ tương tự, có thể họ sẽ miễn nhiễm với những đại diện tiêu cực của công nghệ này.”
Các nhà khoa học nhận định rằng sinh vật biến đổi gen (BĐG) là an toàn. Nhưng cộng đồng lại nghĩ khác. Vậy nỗi sợ của chúng ta có thực sự hợp lý không?
Hãy nghĩ tới một người từ chối khoa học, và bạn sẽ hình dung đó là một người đang tranh cãi rằng biến đổi khi hậu là không có thật hoặc vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ. Nhưng “lỗ hổng” lớn nhất giữa các nhà khoa học và cộng đồng thực sự lại là sinh vật BĐG: 88% các nhà khoa học Hoa Kỳ nhận định rằng thực phẩm BĐG là an toàn và có thể ăn được, và chỉ 37% dân số Hoa Kỳ đồng ý.
Tại sao chúng ta – và phần lớn mọi người trên thế giới – chống lại cây trồng BĐG?
Một đội ngũ các nhà khoa học thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học và triết gia đã tranh luận trong các bài viết gần đây đăng trên tạp chí Trends in Plant Science (Xu hướng trong lĩnh vực Khoa học Thực vật) và đã chỉ ra rằng câu trả lời nằm trong tâm lý con người. Khi mà rất ít người thực sự dành thời gian để đào sâu tìm hiểu những chi tiết của từng nghiên cứu khoa học về chủ đề này, chúng ta rất dễ bị xoay chuyển bởi những lý luận đánh vào những gì trực giác ta luôn mong chờ. Phần lớn những gì ta nghĩ, các tác giả cho biết, đều dựa trên trực giác.
Như bài nghiên cứu nói:
“Một tâm trí đã tri phối bởi trực giác sẽ không được trang bị để xử lý những câu hỏi phức tạp, ví dụ như ‘công nghệ sinh học là gì?’, ‘nó hoạt động như thế nào?’, hay, quan trọng nhất là, ‘nó có nguy hiểm không?’ Khả năng hiểu những vấn đề đó, và từ đó đưa ra những đánh giá mang tính chủ quan và lý trí tiếp theo đòi hỏi mỗi người cần bỏ ra một nỗ lực quan trọng và, kể cả khi đó, tâm trí ta vẫn có xu hướng rơi lại vào cách suy nghĩ không khách quan ban đầu. Người bình thường thường không thể, hoặc đơn giản là không hứng thú với việc đầu tư một lượng lớn thời gian và năng lượng vào việc thu thập một sự hiểu biết sâu sắc về các công nghệ phức tạp.”
Một trong những lí do ta chối bỏ ý tưởng về sinh vật BĐG là một sự kỳ thị mang tính trực giác
Chúng ta có xu hướng nhìn nhận BĐG như một quá trình làm nhiễm độc thực phẩm, và sau đó, theo trực giác, tin rằng thực phẩm đó có thể không an toàn. Mọi người cũng có xu hướng tin vào “bản chất luận” – rằng bản chất của một thứ chỉ có thể là cái này hoặc cái kia, và khi bạn bơm gen của một con cá vào một quả cà chua, về cơ bản bạn đã thay đổi bản chất của quả cà chua đó. Một khía cạnh khác của kiểu suy nghĩ trực giác nhìn nhận các sinh vật BĐG như là “đùa với Chúa” hoặc “trái tự nhiên”, bỏ qua sự thật rằng việc thay đổi cấu trúc gen của cây trồng đã xảy ra trong suốt lịch sử phát triển của ngành nông nghiệp.
Điều đó không có nghĩa là công nghệ đó – cũng như bất kỳ công nghệ nào khác – không thể bị sử dụng sai. Ví dụ các giống cây kháng thuốc trừ cỏ, đã đang dẫn đến tình trạng siêu cỏ dại ở một số vùng. Nhưng các nhà nghiên cứu đã cho rằng đó là do sự lạm dụng, không phải một lỗi có sẵn trong công nghệ, nếu xét một cách tổng thể.
“Sự kháng thuốc diệt cỏ trong cỏ là hậu quả của những phương pháp thực hành nông nghiệp tồi và phương pháp lựa chọn tự nhiên,” tác giả chính Stefaan Blancke, người cùng viết bài báo thể hiện ý kiến cá nhân cùng với nhà công nghệ sinh học Marc Van Montagu, nhà sáng lập Viện Công nghệ Sinh học thực vật Tiếp cận cộng đồng thuộc Đại học Ghent, cho biết. (Montagu là nhà đại diện lâu năm và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực cây trồng BĐG – ông nhận Giải thưởng Lương thực Thế giới – World Food Prize năm 2013)
Lý trí mà nói, các giống cây trồng BĐG về bản chất vốn không khác gì những kỹ thuật nhân giống truyền thống khác mà mọi người đã luôn tin tưởng – vì thế nên cho dù chúng ta không thể chắc chắn 100% rằng những cây này sẽ không mang đến những ảnh hưởng tiêu cực, cũng chẳng có lí do gì để tin rằng chúng sẽ mang đến những ảnh hưởng tiêu cực. “Không có đặc điểm gì cụ thể ở công nghệ BĐG có thể khiến chúng mang nhiều rủi ro hơn” Blancke cho biết. “Ngược lại, nếu đem so sánh với các kỹ thuật nhân giống thông thường khác, công nghệ BĐG cho phép các nhà khoa học kiểm soát tốt hơn những gì đang xảy ra ở cấp độ gen.”
Nguyên tắc phòng ngừa, luận điểm cho rằng xã hội không nên sử dụng công nghệ mới nếu như nó có cơ hội tạo ra kết quả tiêu cực, đang ngăn không cho chúng ta tiến lên phía trước, ông Blancke nói. Ông cho biết thêm: “Bằng chứng đã chỉ ra rằng việc ứng dụng công nghệ hiện tại này đang mang đến những lợi ích về sức khỏe và môi trường thiết thực và những lợi ích kinh tế cho nông dân ở những nước đang phát triển. Việc ngăn chặn công nghệ này chỉ vì đi theo nguyên tắc phòng ngừa sẽ là một sai lầm rất lớn.”
Có rất ít bằng chứng cho thấy thái độ này đang thay đổi: Mới đây khi chuỗi nhà hàng Chipotle thông báo sẽ bỏ các nguyên liệu có thành phần BĐG khỏi thực đơn, báo chí đã tấn công. Nhưng quan điểm của cộng đồng có lẽ sẽ cần nhiều thời gian hơn.
Ông Blancke chia sẻ: “Con đường nhanh nhất dẫn đến sự chấp thuận là khi người tiêu dùng nhận thấy công nghệ BĐG mang lại những lợi ích cá nhân trực tiếp, và từ đó, có động lực để vượt qua sự chối từ mang tính trực giác của mình. Con đường chậm nhất, nhưng có lẽ là lâu dài nhất, là qua giáo dục. Nếu mọi người được học nhiều hơn về sinh vật BĐG, về gen, về nông nghiệp và những thứ tương tự, có thể họ sẽ miễn nhiễm với những đại diện tiêu cực của công nghệ này.”
Bài viết gốc (Tiếng Anh): http://m.fastcompany.com/3046274/the-psychology-of-why-so-many-people-are-anti-gmo
Bình luận