Khi các nhà phê bình im lặng, các chính sách sẽ có khả năng cao trở nên sai lầm và thiển cận.
Ảnh: Trang trại chăn nuôi bò sữa ở Quebec, Canada (Nguồn: The Canadian Press)
Không một ngày nào trôi qua mà không thấy một nhóm người, hoặc thậm chí một chính phủ nào thay đổi các quy định đối với nông dân. Nhân danh vì hành tinh, phúc lợi đối với vật nuôi hay thậm chí sức khoẻ của chính chúng ta, nhiều quy định đang thay đổi bất chấp kiến thức và kinh nghiệm của nông dân. Đây là một hiện tượng thú vị, đang diễn ra tại hầu khắp các nơi trên thế giới. Nông dân từ lâu đã được coi là những người quản lý môi trường tốt nhất trên trái đất. Vậy tại sao chúng ta lại không tin tưởng vào quan điểm của họ về các hoạt động sản xuất nông nghiệp khi họ sống dựa vào đất đai và động vật?
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều sự cố cho thấy các quan điểm mang tính dân túy được truyền thông mạng xã hội ủng hộ đang dần nắm quyền kiểm soát các chính sách lương thực.
Tại Hà Lan, sau khi các chính trị gia bỏ phiếu ủng hộ đề xuất giảm lượng khí thải nitơ, nông dân tại đây đã tổ chức biểu tình và rải phân bón vào một vài toà nhà công bởi điều này được xem là một động thái gây tranh cãi. Chính phủ viện dẫn thực tế rằng lượng khí thải nitơ oxit và amoniac do vật nuôi tạo ra phải được giảm thiểu, đặc biệt ở những khu vực gần với môi trường sống tự nhiên của các loài thực vật và động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng ở một số quốc gia. Cơ sở lý luận để đưa ra chính sách như vậy có thể có lý, nhưng bối cảnh thực tế lại cho thấy điều này hầu như không có ý nghĩa.
Mặc dù là nhà sản xuất nông nghiệp lớn thứ ba thế giới về khối lượng và thứ hai về giá trị, Hà Lan vẫn muốn giảm đi một nửa sản lượng chăn nuôi, ngay cả khi cả thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, chỉ để họ có thể tuân thủ các giới hạn nitơ được quy định ở Brussels. Mục tiêu này được đề ra nhằm tuân thủ các quy tắc mới của Liên minh Châu Âu về việc giảm ô nhiễm khí nitơ. Theo một số nguồn tin, để đạt được những mục tiêu này, nông dân sẽ phải thu hẹp quy mô kinh doanh hoặc thậm chí ngừng hoạt động.
So với những gì đang diễn ra trên thế giới, thì những biện pháp này được xem là hơi mang tính cực đoan.
Bên ngoài khu vực Châu Âu, chúng ta cũng thấy những trường hợp tương tự xảy ra với nông dân chăn nuôi bò sữa ở Canada – một trong các nhóm nông dân hùng mạnh ở nước này. Ví dụ điển hình: Cuộc đình công hiện tại của hợp tác xã Agropur tại Quebec. Trong nhiều năm qua, nông dân chăn nuôi bò sữa tại đây chỉ trích rằng họ là nạn nhân của các cuộc đình công, đại dịch và những sự cố không lường trước khác. Tại Canada, nông dân chăn nuôi bỏ sữa đã bỏ phí từ 100 triệu đến 300 triệu lít sữa mỗi năm ở mọi nơi, và sự lãng phí này lại luôn là điều không ai thắc mắc trong khi giá sữa tại các siêu thị đang tăng lên.
Với việc giá sữa đang ở mức cao kỷ lục gần đây và thực tế cho thấy nhiều gia đình hiện đang gặp khó khăn do giá thực phẩm tăng cao, người tiêu dùng đang đặt câu hỏi về hệ thống và tự hỏi liệu có giải pháp nào tốt hơn không. Bất chấp hệ thống hạn ngạch được cho là giúp loại bỏ mọi khả năng gây lãng phí, việc bán phá giá sữa vẫn diễn ra trong nhiều thập kỷ qua, và người dân Canada đã chấp nhận điều này. Đây là một cuộc tranh luận phức tạp được thúc đẩy bởi các luận điểm và dàn dựng của nhóm vận động hành lang nổi tiếng với quyền lực và tầm ảnh hưởng lớn – Nông dân Chăn nuôi Bò Sữa Canada. Các chính trị gia, học giả và thậm chí cả các nhà báo đã phải trả giá đắt vì chỉ trích quy tắc này.
Có rất nhiều những ví dụ tương tự khác tại Canada. Tại Ottawa, nhiều ủy ban, hội đồng và lực lượng đặc nhiệm do Bộ trưởng Marie-Claude Bibeau và bộ phận của bà tổ chức phần lớn là những người có cùng chí hướng. Tất nhiên, lương thực có thể mang tính chính trị, nhưng sự sai lệch trong hoạch định chính sách thì không thể được thể chế hóa.
Việc hoạch định chính sách đối với thực phẩm hiện đang gặp nguy hiểm. Các cuộc tranh luận trong lĩnh vực nông sản thực phẩm về các vấn đề như glyphosate và kỹ thuật di truyền, biến đổi khí hậu, vấn đề ghi nhãn thực phẩm cũng như tiến hành thương mại toàn cầu,…vốn đã bị hủy hoại khi tập thể tham gia không có khả năng trao đổi ý kiến. Năng lực nhận biết được chúng ta đang làm gì với các chính sách lương thực đã bị dập tan chủ yếu do sự tác động của các phương tiện truyền thông mạng xã hội cùng với chính phủ các nước theo chủ nghĩa dân túy.
Ngay cả trong giới học thuật, văn hóa “hủy bỏ” giữa các đồng nghiệp được xem là phổ biến, những cuộc thảo luận không được khuyến khích, ngay cả giữa các cấp cao của các trường đại học. Lo lắng về việc có thể mất bất kỳ khoản tài trợ nghiên cứu nào vẫn còn hiện hữu một cách mạnh mẽ.
Và điều này không chỉ mang tính thể chế. Là một công dân, trong hơn một thập kỷ qua, chúng ta đã thu nhận được sức mạnh để kết nối và trao đổi. Nhưng truyền thông mạng xã hội – phương tiện giao tiếp mới này đã tỏ ra hiệu quả trong việc dập tắt các ý tưởng, đặc biệt là những ý tưởng đến từ một số ít người. Chúng ta đang chứng kiến những suy luận logic và cơ sở lý luận hợp lý đang bị tiêu biến dần trong chính sách lương thực ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Canada, và điều này đang gây bất lợi cho chúng ta.
Người tiêu dùng đang được tiếp nhận nhiều thông tin hơn, điều này đồng nghĩa với việc xã hội cũng dễ trở nên bị tổn thương hơn về mặt trí tuệ. Khi các nhà phê bình im lặng, dẫn đến việc các chính sách trong tương lai rất có thể sẽ trở nên sai lầm và thiển cận hơn, đó là những gì chúng ta đang thấy bây giờ. Để đưa ra một lộ trình phát triển các chính sách lương thực hiệu quả, chúng ta cần bảo vệ những nhà phê bình – đối tượng thường công chúng phản đối kịch liệt trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội. Những nhà phê bình hiện đang không có cơ hội để làm điều họ muốn.
Trong vài năm gần đây, chúng ta thấy ngày càng có nhiều người tham gia vào ngành lương thực hơn. Đây có thể là kết quả của việc các kệ hàng trở nên trống vắng cùng với đó là kỷ lục của sự lạm phát thực phẩm. Thể chế của chúng ta cần đảm bảo với công chúng rằng tất cả mọi người đều được tiếp cận với nguồn thực phẩm, đồng thời duy trì mục tiêu an ninh lương thực.
Tiến sĩ Sylvain Charlebois là giáo sư, giám đốc cấp cao của Phòng thí nghiệm Phân tích Thực phẩm Nông nghiệp tại Đại học Dalhousie, đồng thời là người đồng tổ chức các buổi nói chuyện (podcast) của kênh The Food Professor.
Bình luận