Trong hai ngày 4 và 5 tháng 3 năm 2025 tại thành phố Hồ Chí Minh, gần 40 đại biểu gồm chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp đã tham gia trao đổi tại buổi Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực về giải pháp IPPC e-Phyto nhằm thúc đẩy thương mại hạt giống ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.
Sự kiện do Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (TT & BVTV), Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, với sự phối hợp của Hiệp hội các Tổ chức nghiên cứu Nông nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (APAARI), Hiệp hội Hạt giống Châu Á – Thái Bình Dương (APSA) và Hiệp hội CropLife.

Đây được xem là hội thảo đầu tiên về e-Phyto (Electronic Phytosanitary Certificate), hay còn gọi là Chứng nhận Kiểm dịch thực vật (KDTV) điện tử, được tổ chức tại Việt Nam. Hội thảo nhằm khuyến khích, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong thương mại hạt giống ,hài hoà hoá các tiêu chuẩn kỹ thuật về KDTV đối với hạt giống, đồng thời tạo nền tảng cho việc xây dựng và triển khai hệ thống cấp ePhyto tại Việt Nam cũng như các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hội thảo cũng tạo cơ hội để các bên liên quan kết nối, chia sẻ ý tưởng và thảo luận về các giải pháp quản lý KDTV xuyên biên giới hiệu quả, hướng tới sự hài hòa các hoạt động thương mại trong khu vực.

Trong bài phát biểu khai mạc, TS. Ravi Khetarpal – Giám đốc điều hành APAARI nhấn mạnh vai trò của buổi hội thảo đối với việc thúc đẩy các giải pháp kỹ thuật số hóa trong công tác KDTV và những lợi ích đem lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam: “Việt Nam là một trong những quốc gia duy trì mức tăng trưởng tích cực về xuất khẩu nông sản trong những năm qua. Việc triển khai các cải tiến mới trên thế giới về các biện pháp KDTV như e-Phyto sẽ tạo động lực lớn giúp Việt Nam nâng cao kim ngạch xuất khẩu hơn nữa trong thời gian tới.”

Đồng phát biểu trong phiên khai mạc, đại diện Cục TT & BVTV, ông Lê Văn Thiệt – Phó Cục trưởng, đánh giá cao ý nghĩa của việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số trong nông nghiệp. “Chúng tôi vui mừng khi có cơ hội phối hợp cùng các đơn vị quốc tế đồng tổ chức hội thảo này, nhằm thúc đẩy thảo luận các giải pháp kỹ thuật số và cải thiện thương mại hạt giống theo hướng thuận lợi, an toàn và tiết kiệm hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước nói chung và KDTV nói riêng là một xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Điều này cũng là chủ trương mà Chính phủ Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tập trung đẩy mạnh, thông qua thúc đẩy chuyển đổi hệ thống trong quản lý KDTV và tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế về nông sản.”
Hệ thống e-Phyto cho phép các quốc gia trao đổi chứng nhận KDTV nhanh chóng, an toàn và minh bạch thông qua nền tảng e-Phyto Hub do Công ước quốc tế về Bảo vệ thực vật (IPPC) phát triển. Giải pháp này không chỉ nâng cao hiệu quả công tác KDTV mà còn tạo thuận lợi cho thương mại nông sản, đặc biệt là hạt giống giữa các nước. Tham dự sự kiện, ông Haddon Bell, Lãnh đạo Cục Xuất khẩu nông sản thuộc Bộ Nông – Lâm – Thuỷ sản Úc nhấn mạnh: “E-Phyto là giải pháp cần thiết để các quốc gia duy trì tăng trưởng của ngành nông nghiệp, đồng thời tăng cường tính bảo mật của Chứng nhận KDTV và bảo vệ nền nông nghiệp toàn cầu khỏi sinh vật gây hại”. Ông cũng khẳng định rằng lợi ích của e-Phyto là vô cùng to lớn, không chỉ giúp các cơ quan chức năng tăng cường hiệu quả quản lý rủi ro, mà còn tạo điều kiện cho các lô hàng hạt giống và nông sản dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ mong Chính phủ Úc tăng cường hợp tác với các đối tác thương mại và các bên tham gia trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, bao gồm Tổ chức Bảo vệ thực vật của Việt Nam (Cục TT & BVTV) và ngành hạt giống của hai nước, nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại nông sản trong tương lai.
Bà Thelma Soriano – Giám đốc Hạt giống của Hiệp hội Croplife Châu Á chia sẻ tại hội thảo
Chia sẻ góc nhìn từ doanh nghiệp, bà Thelma Soriano – Giám đốc Hạt giống từ Hiệp hội CropLife Châu Á đã chia sẻ những khó khăn chính trong việc triển khai e-Phyto và đề xuất một số nhóm giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy việc triển khai e-Phyto tại khu vực châu Á. Trước tiên, các quốc gia cần tập trung nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo kết nối internet ổn định, xây dựng cơ sở dữ liệu an toàn và tích hợp hệ thống với mạng lưới e-Phyto toàn cầu. Đồng thời, việc nâng cao năng lực số cho các bên liên quan là rất cần thiết, tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, tiêu chuẩn hóa quy trình, đảm bảo tính tương thích của hệ thống e-Phyto với các nền tảng thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, các nước cần triển khai các giao thức an ninh mạng nghiêm ngặt để bảo vệ dữ liệu, thực hiện lộ trình chuyển đổi từng bước để tích hợp hệ thống mới với các nền tảng thương mại hiện có. Ngoài ra, Chính phủ các nước cũng cần cập nhật khung pháp lý để công nhận giá trị pháp lý của e-Phyto, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản quốc tế. Để giảm gánh nặng chi phí và tối ưu hóa nguồn lực, các đơn vị quản lý có thể tận dụng nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế và hợp tác với khu vực tư nhân để đẩy nhanh quá trình áp dụng e-Phyto một cách hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Cục trưởng Cục TT & BVTV tham dự trực tuyến và phát biểu bế mạc
Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Cục trưởng Cục TT & BVTV đã đưa ra một số định hướng để áp dụng e-Phyto tại Việt Nam trong thời gian tới: “Đối với Cục TT & BVTV, công tác KDTV luôn được xác định là một bộ phận vô cùng quan trọng. Trong cơ cấu tổ chức mới của Cục sau khi hợp nhất, chúng tôi sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào việc nâng cao hiệu quả quản lý và hiện đại hóa công tác KDTV, trong đó việc triển khai e-Phyto là một nội dung quan trọng cần được ưu tiên. Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và chuyên gia nhằm đẩy nhanh tiến trình triển khai hệ thống e-Phyto tại Việt Nam.”
###
Bình luận