Các nhà khoa học cho biết, việc ứng dụng trên quy mô lớn đối với các công nghệ và cải tiến nông nghiệp mới nổi hiện nay có thể là giải pháp cho những thách thức đặc thù mà nông dân sản xuất nhỏ ở châu Phi đang phải đối mặt, bao gồm dịch bệnh, sâu hại và áp lực về biến đổi khí hậu.
Denis Kyetere – Giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm của Tổ chức Công nghệ Nông nghiệp Châu Phi (AATF) cho biết việc chuyển đổi hệ thống canh tác tự cung tự cấp ở châu lục này phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận các cải tiến và cải thiện liên kết phát triển thị trường.
Trong một cuộc họp trực tuyến ở thủ đô Nairobi, ông Kyetere cho biết: “Việc tiếp cận với các cải tiến nông nghiệp một cách phù hợp và với chi phí phải chăng chính là chìa khóa nhằm giải quyết những khó khăn mà nông dân châu Phi đang phải đối mặt, từ sự tác động của biến đổi khí hậu cho đến độ phì nhiêu của đất.”
Ông nhận định mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa các chính phủ, ngành công nghiệp và các cơ quan nghiên cứu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các công nghệ và cải tiến ở khu vực châu Phi Hạ Sahara với mục đích tăng năng suất của các mặt hàng chủ lực như ngô, kê và gạo.
Kyetere cho biết việc ra mắt giống đậu đũa đã được cải tiến ở Nigeria vào ngày 29/06 vừa qua đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc khai thác các công nghệ chọn tạo giống cây trồng mới nhằm phát triển giống cây có năng suất cao cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng về căn bệnh suy dinh dưỡng ở châu Phi.
Theo chia sẻ của ông, giống đậu đũa mới này với khả năng kháng sâu bệnh, sẽ không chỉ cho ra năng suất cao mà còn giúp người nông dân giảm bớt lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phải dùng từ 8 lần mỗi vụ xuống còn 2 lần. Bên cạnh đó, ứng dụng giống mới này sẽ giúp năng suất trung bình tăng lên tới 350 kg/ha, từ đó hỗ trợ nông dân Nigeria giải quyết được tình trạng thâm hụt về lượng đậu đũa tiêu dùng ở quốc gia này khi bổ sung thêm khoảng 500.000 tấn/năm.
Kyetere cho biết thêm nông dân sản xuất nhỏ ở Kenya, Ethiopia và Mozambique có thể sẽ sớm bắt đầu trồng ngô BĐG có khả năng chịu hạn và sâu bệnh đói khát như sâu keo mùa thu, tùy thuộc vào quá trinh cấp phép của cơ quan quản lý.
Ông cho rằng chính phủ các nước khu vực châu Phi phải nhanh chóng tạo ra một chính sách và môi trường pháp lý phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận các cải tiến nông nghiệp cho các nông hộ quy mô nhỏ cũng như tăng cường an ninh lương thực và thu nhập ở các vùng nông thôn. Việc nỗ lực liên tục nhằm chuyển đổi chuỗi giá trị ngành hàng sắn ở Nigeria, Zambia, Uganda và Tanzania thông qua quá trình cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản đã cải thiện năng suất và thu nhập cho nông dân địa phương.
Ông Ousmane Badiane – Chủ tịch Hội đồng Quản trị AATF cho biết, việc hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất nhỏ ở châu Phi trong việc cung cấp các công nghệ và cải tiến với mức giá phải chăng và thân thiện với người tiêu dùng chính là chìa khóa để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến vấn đề chấm dứt nạn đói nghèo cũng như tình trạng suy dinh dưỡng. Việc triển khai có mục tiêu đối với CNSH trong nông nghiệp đã giúp thay đổi sinh kế của cộng đồng nông dân sản xuất nhỏ ở khu vực châu Phi thông qua việc tiếp cận với các loại cây lương thực với khả năng chín nhanh, giàu giá trị dinh dưỡng cũng như kháng lại dịch bệnh.
Bình luận