Từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 9 năm 2023 vừa qua, tổ chức ISAAA cùng các đối tác đã tổ chức thành công Khóa học ngắn hạn lần thứ 6 về “Cây trồng Công nghệ sinh học, Quy định về An toàn Sinh học và Truyền thông” (ASCA6) tại Khách sạn Santika, Bogor, Indonesia.
ASCA là sáng kiến xây dựng năng lực của ISAAA Inc. và Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Malaysia (MABIC) được khởi động vào năm 2018 nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi thông tin cho những nhà khoa học và đại diện cơ quan quản lý có thẩm quyền trong việc đưa ra các quy định và chính sách liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp. Năm nay, từ Việt Nam có 5 đại diện là các cán bộ từ Phòng cây lương thực, cây thực phẩm, Phòng cây công nghiệp, cây ăn quả, Văn phòng bảo hộ giống cây trồng và Trung tâm kiểm nghiệm giống thuộc Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tham dự.
Tham gia khoa học, có 16 chuyên gia từ Châu Úc, Indonesia, Malaysia, Philippin, Singapore và Thụy Sĩ đã có bài trình bày và chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Bên cạnh đó, 37 nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý, học giả từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan, USA và Việt Nam đã tham gia sự kiện kéo dài năm ngày này.
Trong ngày đầu tiên của ASCA6, ISAAA Inc. và Trung tâm Sinh học Nhiệt đới Khu vực của SEAMEO (BIOTROP) đã ký một biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức. Sau đó, những người tham dự đã được cập nhật thông tin về những cải tiến mới trong cải thiện cây trồng, giới thiệu về Nghị định thư Cartegena cũng như các đánh giá về an toàn thực phẩm và môi trường. Tại phần này, Tiến sĩ Michael Jones đã thảo luận về tiến trình phát triển của những công nghệ lai tạo giống; bà Ma. Lorelie U. Agbagala giới thiệu về Công ước Đa dạng sinh học và các nghị định thư; Tiến sĩ Satya Nugroho trình bày đánh giá rủi ro môi trường theo CPB và Tiến sĩ Ernelea P. Cao thảo luận về đánh giá an toàn thực phẩm theo CODEX. Các chủ đề như cây mía chịu hạn ở Indonesia, cà tím Bt và Gạo vàng ở Phippines cũng được chia sẻ tại sự kiện bởi các Tiến sĩ Nugroho và Tiến sĩ Cao.
Phiên cuối cùng trong ngày tập trung thảo luận về các chủ đề liên quan tới chỉnh sửa gen. Tiến sĩ Gabriel Romero đã chia sẻ về các ứng dụng chỉnh sửa gen trong nông nghiệp và tiềm năng phát triển xa hơn. Bên cạnh đó, bà Agbagala giải thích về những xem xét trong quy định của chỉnh sửa gen ở Philippines; Tiến sĩ Jones trình bày tình hình quản lý các loại cây trồng và sản phẩm được chỉnh sửa gen/bộ gen ở Châu Á và Châu Úc.
Vào ngày làm việc thứ hai, các nhà khoa học và đại diện các cơ quan quản lý tham dự chương trình ASCA6 đã đến thăm khảo nghiệm khoai tây GM ở Bandung. Tiến sĩ Edy Listanto thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Di truyền Tổ chức Nghiên cứu Khoa học Đời sống và Môi trường đã dẫn đoàn trong chuyến thăm tới Hikmahfarm, một hợp tác xã do gia đình sở hữu ở Pangalengan, Kabupaten Bandung, Tây Java chuyên sản xuất hạt giống khoai tây, rau tươi, cà phê và trà được chứng nhận .
Trong ngày thứ ba, những người tham gia đã chia sẻ kinh nghiệm, quy định, sự phát triển và thách thức của quốc gia mình trong việc ứng dụng CNSH trong nông nghiệp. Tiếp theo các báo cáo quốc gia là phần trình bày của Tiến sĩ Konstantinos Vavitsas về kỹ thuật sinh học của Singapore và quá trình biến đổi tảo. Tiến sĩ Romero đã thảo luận về cách thức sử dụng an toàn và có trách nhiệm các cải tiến CNSH Nông nghiệp thông qua chương trình “stewarship”. Tiến sĩ Ratih Neumann của Cargill đã nói về sự hiện diện ở mức độ thấp và tác động của nó đối với thương mại. Bài trình bày cuối cùng về tác động kinh tế xã hội của việc sử dụng glyphosate của Tiến sĩ Qiang Chen của Bayer đã được trình bày thông qua hình thức Menti Quiz.
Những người tham gia, diễn giả và nhà tổ chức đã đến thăm cơ sở nghiên cứu của Trung tâm Sinh học Nhiệt đới Khu vực SEAMEO (BIOTROP) tại Bogor vào ngày thứ tư của ASCA6. Giám đốc BIOTROP, Tiến sĩ Imran Zulhamsyah, Bà Dewi Suryani, Giám đốc Bộ phận Trung tâm Con người và Đổi mới, và Tiến sĩ Rhomi Ardiansyah, Trưởng bộ phận Quản lý Rủi ro Tài chính và Môi trường đã tiếp đón đoàn. Đoàn đã đến thăm cơ sở nuôi ong không đốt của Phòng thí nghiệm Côn trùng học, Phòng thí nghiệm Nuôi cấy mô và Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học của BIOTROP.
Ngày cuối cùng của ASCA6 được dành để chia sẻ về cách thức truyền thông chủ đề CNSH trong nông nghiệp trên nhiều nền tảng khác nhau. Tiến sỹ Rhodora Romero-Aldemita – Giám đốc điều hành ISAAA đã trình bày các sáng kiến chia sẻ kiến thức của ISAAA. Mahaletchumy Arujanan, Điều phối viên Toàn cầu của BioTrust-ISAA đã đưa ra một số phương pháp giao tiếp hiệu quả với những người tham gia. Clement Dionglay của ISA Inc. đã thảo luận về cách thức xây dựng câu chuyện đối với chủ đề CNSH nông nghiệp trên cácn nền tảng mạng xã hội và Ms. Sarah Vengadesen của MABIC trình bày về Đĩa Petri và văn hóa truyền thông.
ASCA là sự kiện thường niên do ISAAA Inc. và các đối tác tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp hiệu quả, hiểu rõ các khung pháp lý quốc gia dựa trên cơ sở khoa học và cung cấp hiểu biết đầy đủ về các công cụ pháp lý quốc tế liên quan đến công nghệ sinh học hiện đại cho các bên quan tâm.
###
Bình luận