Singapore, 16/10/2019 – Nhân kỉ niệm ngày Lương thực thế giới năm nay, CropLife Châu Á cam kết tham gia hưởng ứng lời kêu gọi thực hiện một “chế độ ăn uống lành mạnh, bền vững, dễ tiếp cận với chi phí hợp lý cho tất cả mọi người” của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), đồng thời khẳng định ứng dụng những thành tựu đổi mới trong khoa học thực vật là công cụ quan trọng để hiện thực hoá tầm nhìn đó.
Báo cáo mới nhất về “An ninh Lương thực và Dinh Dưỡng trên Thế giới” (SOFI) của FAO cho thấy trong khi đang có hơn 820 triệu người trên thế giới phải chịu cảnh đói, thì lại có hơn 670 triệu người lớn và 120 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5-19 bị béo phì. Trẻ em dưới 5 tuổi cũng là một phần của xu hướng đáng ngại này với số lượng trẻ béo phì trên toàn thế giới lên đến hơn 40 triệu.
Nghịch lý về sự mất an ninh lương thực liên quan đến cả vấn đề suy dinh dưỡng và vấn đề quá cân và béo phì cũng rất phổ biến ở Châu Á – nơi mà phần lớn dân số thiếu dinh dưỡng (hơn 400 triệu người). Năm 2018, Châu Phi và Châu Á chiếm tỉ lệ suy dinh dưỡng lớn nhất khi có tới 9 trên 10 trẻ em bị suy dinh dưỡng (ở tất cả các thể) trên toàn thế giới thuộc hai châu lục này, trong khi đó gần ba phần tư số trẻ em bị thừa cân trên toàn cầu cũng sống tại Châu Á.
“Những con số được tiết lộ trong báo cáo SOFI của FAO rất đáng báo động và cho thấy một cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên thế giới” – tiến sĩ Siang Hee Tan, giám đốc điều hành của CropLife Châu Á phát biểu. “Những công nghệ như các sản phẩm BVTV và cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng này. Các công cụ khoa học thực vật này góp phần làm thay đổi cuộc chiến an ninh lương thực và thực phẩm, giúp cho các nông hộ nhỏ ở Châu Á không chỉ sản xuất được nhiều thực phẩm hơn với chất lượng cao mà còn giảm thiểu các tác động của biến đối khí hậu.” – ông cho biết thêm.
Các loại cây trồng CNSH với được phát triển với các tính trạng chuyển gen giúp cải thiện năng suất, tăng khả năng kháng sâu bệnh và/hoặc cải thiện mức dinh dưỡng so với các loại cây trồng thông thường khác. Các tính trạng này là những công cụ quan trọng cho phép nông dân ứng phó với các thách thức toàn cầu như mất an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Cùng lúc đó, việc sử dụng các sản phẩm BVTV cũng giúp sản xuất nhiều thực phẩm hơn trên một diện tích ít hơn với sản lượng mỗi hec-ta cây trồng cao hơn. Nếu không có các sản phẩm BVTV, 40% sản lượng lúa và ngô thu hoạch hàng năm trên toàn cầu sẽ bị mất đi[1], sản lượng hoa quả và rau củ mất đi có thể lên tới 50-90%.
Tiến sĩ Siang Hee Tan bổ sung thêm: “Ngoài những đổi mới trên, các chính sách thực phẩm giàu dinh dưỡng cũng như các mối quan hệ đối tác công-tư đều đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm giá cả phải chăng, an toàn và giàu dinh dưỡng cho mọi người dân. Hành động của chúng ta phải được phối hợp chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn để xử lý cuộc khủng hoảng này”.
Một trong những mối quan hệ đối tác của CropLife châu Á năm nay là với Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (US-ASEAN Business Council) và Hội đồng kinh doanh châu Âu – ASEAN (EU-ASEAN Business Council) để thành lập Liên minh Thực phẩm Dinh dưỡng và An toàn ASEAN. Liên minh mới này đã thực hiện một số hội thảo đối thoại công-tư tại Băng Cốc và Hà Nội, qua đó đưa ra các khuyến nghị quan trọng, các giải pháp chung và các cơ hội hợp tác sâu rộng để đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào, an toàn và giàu dinh dưỡng ở Thái Lan và Việt Nam.
[1] Oerke, E.C., 2006, “Crop losses to pests,” Journal of Agricultural Science, vol. 144
Bình luận