Biến đổi gen là một trong những sự lựa chọn. Như Andrew Kiniss chia sẻ: “Tôi cho rằng những tranh luận mệt mỏi này đang làm chúng ta xa dần với những vấn đề quan trọng khác của ngành nông nghiệp. Biến đổi gen có thể hoặc sẽ không thể tạo ra thuốc chữa bách bệnh cho ngành nông nghiệp, nhưng chắc chắn công nghệ này đang tạo ra giá trị.”
Một bài báo phát hành gần đây trên báo New York Times với tên gọi Broken Promises of Genetically Modified Crops (tạm dịch: Những lời hứa không thực hiện được của cây trồng biến đổi gen) và bài Doubts About the Promised Bounty of Genetically Modified Crops (tạm dich: Nghi ngờ với những kỳ vọng về cây trồng biến đổi gen”. Các bài viết là những phân tích dựa trên các dữ liệu của cây trồng biến đổi gen (BĐG) tại Mỹ và Canada do hai phóng viên Danny Hakim và Karl Russell thu thập, phân tích và đưa ra kết luận: Công nghệ này không giúp tăng thêm năng suất cây trồng cũng như giảm lượng sử dụng thuốc trừ sâu.
Sau khi đăng tải, bài báo đã tạo ra sự phản đối khá lớn từ cộng đồng các nhà khoa học và nghiên cứu chuyên sâu. Nhiều ý kiến cho rằng các luận điểm đưa ra từ bài báo là rất không chính xác và gây nhầm lẫn lớn. Dưới đây là thông tin tổng hợp các phản biện của các nhà khoa học hàng đầu thế giới với những căn cứ mà hai tác giả của New York Times đã đưa ra:
- Kết luận cho rằng cây trồng biến đổi gen không làm tăng năng suất: Trong bài viết trên New York Times, các tác giả sử dụng dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, tổng hợp và so sánh năng suất hạt cải dầu của Tây Âu (nơi không sử dụng công nghệ biến đổi gen) và Canada (nơi sử dụng công nghệ này) và kết luận mức độ tăng năng suất là như nhau ở cả hai khu vực.
Theo Tiến sỹ Graham Brookes, luôn có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới năng suất ví dụ như thời tiết, chất lượng đất, tập quán canh tác, mức độ sử dụng đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu và giống, kiến thức và kỹ năng canh tác của nông dân, giá của các nguyên liệu đầu vào, hiệu quả của các công nghệ hiện có trong việc kiểm soát cỏ dại, sâu và dịch bệnh… Khả năng di truyền của giống giúp cây trồng có thể sinh trưởng tốt và kháng lại sâu hại, dich bệnh và cỏ dại nhưng dó mới chỉ là hai trong nhiều yếu tố làm giảm năng suất. Cây trồng biến đổi gen đã được ứng dụng qua hơn 20 năm qua, chủ yếu tích hợp hai công nghệ:
- Công nghệ kháng sâu: (được sử dụng chủ yếu trong bông và ngô) giúp nông dân quản lý sâu hại tốt hơn. Cây trồng vì thế có thể chống lại các nguy cơ bị giảm năng suất đến từ sự tấn công của những loại sâu hại là mục tiêu của công nghệ này. Những báo cáo liên tục trong các năm từ 1996 cho đến nay đều cho thấy các con số khả quan về mức độ chống chịu sâu hại tốt hơn của ngô và bông biến đổi gen. (Xem thêm tại đây)
- Công nghệ kháng thuốc trừ cỏ: (cũng được sử dụng nhiều trong ngô và đậu tương) giúp người nông dân quản lý cỏ dại tốt hơn và trên thực tế giúp giảm bớt chi phí cho nông dân khi canh tác. Ý nghĩa quan trọng nhất của công nghệ này không phải để làm tăng năng suất mà là giúp người nông dân giảm bớt khó khăn, vất vả cũng như chi phí thuê nhân công lao động đầu vào để quản lý cỏ dại theo phương thức truyền thống (làm cỏ bằng tay).
Ông cho biết thêm: “Sẽ không ngạc nhiên khi bài báo đưa ra kết luận cho rằng thiếu bằng chứng cho thấy năng suất tăng lên do công nghệ biến đổi gen tại Canada trong mối tương quan so sánh với năng suất của các nước Tây Âu – nơi không sử dụng công nghệ này. Bởi vì, ý nghĩa chính của công nghệ kháng thuốc trừ cỏ không phải để làm tăng năng suất. Và cũng sẽ không ngạc nhiên khi năng suất trung bình của cây trồng này tại Tây Âu cao hơn tại Canada vì các giống cây trồng được trồng khác nhau tại hai khu vực: Ở Canada cải dầu được trồng vào vụ Xuân trong khi tại Tây Âu hạt cải dầu được trồng vào vụ Đông, thường thì năng suất cây vụ Đông luôn cao hơn so với vụ Xuân… Các phân tích của tác giả bài báo đã không cân nhắc về bối cảnh và từ đó gây nhầm lẫn cho người đọc.
Còn theo Andrew Kniss – nếu chúng ta nhìn một bức tranh lớn hơn về ngành lai tạo giống, chúng ta sẽ thấy rằng từ trước tới nay mỗi phương pháp lai tạo giống đều nhằm mục đích để tạo ra bước nhảy vọt về năng suất bao gồm cả công nghệ biến đổi gen. Nếu như coi việc công nghệ này không tạo ra những bước nhảy vọt như chúng ta vẫn nghĩ là một sự thất bại thì đó cũng là thất bại của các phương pháp lai tạo giống truyền thống khác. Điều duy nhất có thể khiến chúng ta nhìn ra được sự tăng vọt năng suất của cây trồng nhờ vào công nghệ biến đổi gen đó là tại nơi đó, với cây trồng đó trước khi có công nghệ này người nông dân chưa có phương thức quản lý sâu hại hiệu quả và thích hợp.
- Kết luận cho rằng cây trồng BĐG không làm tăng năng suất: Bài báo so sánh số liệu sử dụng các loại thuốc tại Mỹ (nơi áp dụng công nghệ biến đổi gen) và Pháp (nơi không ứng dụng công nghệ này). Biểu đồ cho thấy mức độ sử dụng các loại thuốc trừ sâu, nấm và thuốc trừ cỏ đều giảm trong khi tại Mỹ mức độ sử dụng thuốc trừ sâu và nấm có giảm nhưng mức độ sử dụng thuốc trừ cỏ lại tăng lên.
Theo Andrew Kniss, sự so sánh và biểu đồ được đưa ra trong bài báo là “thiếu trung thực”.
- Thứ nhất, các thông số so sánh trong hai biểu đồ ở Pháp và Mỹ là phức tạp và gây hiểu nhầm: đơn vị đo lường tại Pháp là nghìn tấn, trong khi đơn vị đo lường của Mỹ là triệu bảng), không để ý người đọc rất dễ bị hiểu lầm giữa các con số.
- Thứ hai, lượng thuốc trừ sâu được tính toán đã không được lượng hóa trên một đơn vị diện tích thống nhất. Mỹ có tổng diện tích canh tác nông nghiệp gấp 9 lần so với Pháp nêu sẽ là vô lý nếu như Mỹ lại không sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hơn so với Pháp? Vì thế cách làm đúng đó là cần phải lấy các dữ liệu này, chuẩn hóa thành một đơn vị đo lường chung trên cùng 1 đơn vị diện tích và mới làm so sánh.
Ông cũng cho biết thêm, sự thật đúng là Pháp hiện đang sử dụng ngày càng ít thuốc BVTV hơn, nhưng lượng sử dụng thuốc trên hỗi ha của Pháp vẫn đang cao hơn so với Mỹ. Nếu tính lượng thuốc trừ sâu và trừ nấm thì khoảng cách này là rất lớn. Công nghệ biến đổi gen chỉ tạo ra 1 phần cho sự khác biệt này; việc sử dụng thuốc BVTV còn phụ thuộc vào thời tiết, các chủng côn trùng, sâu hại, các loại giống, điều kiện kinh tế, tính sẵn có, mức độ cày xới, mức độ luân canh và vô vàn các yếu tố khác. Andrew do đó kết luận so sánh hiện tại của bài báo là “không có ý nghĩa”, đặc biệt là nó lại được dùng để phân tích về tác động của cây trồng BĐG. Nếu chọn so sánh một nước láng giềng của Pháp trong EU với điều kiện và thói quen canh tác gần như là giống với khu vực đã ứng dụng biến đổi gen, thì cách thức tiến hành có thể sẽ có ý nghĩa hơn (mặc dù vẫn chưa hoàn hảo).
Andrew cũng đặt ra câu hỏi rằng với tất cả các thông tin gây nhiễu trên, tại sao Pháp lại là quốc gia duy nhất được lựa chọn để nói về xu hướng sử dụng thuốc BVTV tại Châu Âu. Mức độ sử dụng thuốc BVTV tại các quốc gia Châu Âu có sự khác biệt nhỏ tuy nhiên xu hướng chung hiện nay là đang ngày một gia tăng, Pháp hiện đang là một ngoại lệ tuy nhiên không phải là nguyên tắc bởi vào những năm 90 của thế kỷ trước, Pháp đã sử dụng lượng thuốc trừ cỏ cao hơn rất nhiều so với tất cả các quốc gia còn lại nên không có gì ngạc nhiên là lượng thuốc sử dụng hiện nay đang giảm đi vì quá trình tái thiết Châu Âu đã tạo ra các quy định pháp lý chuẩn hóa chung cho cả khu vực vào năm 1993. Nếu nói việc sử dụng thuốc trừ cỏ tăng tại Mỹ là do công nghệ BĐG, thì điều gì sẽ giải thích cho việc mức độ sử dụng thuốc trừ cỏ tại hầu hết các nước Châu Âu – nơi không ứng dụng rộng rãi công nghệ này cũng đang tăng?
Cũng theo ông, thông số về lượng sử dụng thuốc BVTV không cung cấp đầy đủ bằng chứng cho tác động của việc sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là khi dẫn chứng nó với cây trồng biến đổi gen. Tiến sỹ Graham cũng đồng tình với ý kiến này và khẳng định: “Nếu lấy thước đo là mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đưa ra tác động đối với môi trường thì đây là một cách phân tích tồi bởi vì thực sự điều cần phải đi sâu tìm hiểu đó là mức độ độc tố mà môi trường, con người và vật nuôi sẽ phải chịu đựng nếu tiếp xúc với các loại thuốc đó.”
Lượng thuốc có thể sẽ tăng nếu người ta thay thế 1 loại thuốc đang được sử dụng với tần suất cao bằng 5 hay 6 loại thuốc khác. Hoặc lượng thuốc có thể giảm nếu thay thế một loại thuốc khá an toàn bằng một loại khác rẻ hơn nhưng mức độ độc tính cao hơn.
Tác giả của các phân tích trên đã lấy các dẫn chứng của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Hoa Kỳ – (National Academies of Sciences, NAS) khi đưa ra thông tin về mức độ sử dụng gia tăng thuốc trừ cỏ trên cây trồng BĐG để hỗ trợ cho lập luận của mình. Tuy nhiên ông đã quên một điều rằng, chính Viện này cũng khuyến cáo: “Thay vì nhìn vào trọng lượng thuốc trừ sâu được sử dụng, các nhà khoa học nên nhìn vào các thành phần hoạt chất được sử dụng.” Ông Andrew cũng đã từng thực hiện các nghiên cứu về mức độ sử dụng thuốc trừ cỏ trên ngô, bông và đậu tương và thấy lượng sử dụng có tăng, nhưng ông cũng chỉ ra mức độ sử dụng thuốc trừ cỏ treen các cây như gạo, lúa mỳ cũng tăng – mà chúng ta đã biết chưa có giống lúa mỳ và gạo biến đổi gen nào được thương mại. Thêm vào đó, ông cũng chỉ ra rằng mức độ tăng lượng sử dụng thuốc trừ cỏ trên cây BĐG là thấp hơn so với cây trồng thường và vì thế có thể kết luận rằng, cây trồng BĐG giúp làm giảm lượng sử dụng thuốc trừ cỏ. Tuy nhiên, ông cho rằng, để có thể có được báo cáo toàn diện và chuẩn mực, cần có sự tham gia mang tính quốc gia, bản thân ông hay tác giả của bài báo không phải là người có thể có thông tin chính xác và phân tích đúng nhất về điều này.
Một điểm cần lưu ý trong các luận điểm của Andrew đó là việc các tác giả sử dụng dữ liệu của Liên Hiệp Quốc làm dẫn chứng cho kết luận của mình là chưa thực sự khách quan bởi các dữ liệu này đã có sự xem xét và can thiệp từ các cơ quan có liên quan, ít nhiều có màu sắc chính trị. Dữ liệu nên được lấy từ các nguồn thông tin có tính khoa học nhiều hơn.
Tập đoàn Monsanto đã bày tỏ sự thất vọng rất lớn với các bài viết này và cho rằng: “Phóng viên đã chọn những dữ liệu dựa trên mục đích có sẵn để đi đến kết luận rằng GMO không mang lại lợi ích cho nông dân đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nhất là xét về khía cạnh năng suất. Các luận điểm của phóng viên làm sai lệch thông tin và bỏ qua tiếng nói của hàng triệu nông dân tại Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nam Mỹ và rất nhiều nơi khác trên thế giới – những người đã lựa chọn canh tác cây trồng biến đổi gen trong suốt hai thập kỷ qua. Chúng tôi đặc biệt thất vọng bởi chúng tôi đã hợp tác trả lời phỏng vấn, chia sẻ thông tin, nguồn dữ liệu từ các chuyên gia độc lập với phóng viên này trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, hầu hết những thông tin này đều không xuất hiện trong bài báo. Từ đó, cách viết, lựa chọn dữ liệu và kết luận của bài báo có thể đã tạo ra những hiểu lầm đáng tiếc và quan ngại từ công chúng – những người không quen thuộc với các giải pháp nông nghiệp hiện đại. Như chúng tôi đã chia sẻ nhiều lần với phóng viên, thống kê xu hướng năng suất ở các khu vực địa lý khác nhau rất phức tạp do các đặc thù về nông học, trình độ canh tác cũng như nhiều yếu tố khác. Tất cả các yếu tố này đều cần phải được cân nhắc khi làm báo cáo thống kê. Rất khó để có thể đưa ra những so sánh lấy mẫu ở các vùng địa lý quá lớn – như Hoa Kỳ với châu Âu. Khi so sánh, lấy mẫu ở các khu vực nhỏ hơn sẽ giúp kiểm soát các biến thiên dữ liệu tốt hơn và đưa ra những so sánh chính xác hơn.”
Biến đổi gen là một trong những sự lựa chọn, người nông dân có thể lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng hạt giống BĐG, hoặc không tiếp tục sử dụng glyphosate. Nhưng họ vẫn sẽ cần phải sử dụng các loại thuốc trừ cỏ khác cho nông trại của mình và có thể sẽ độc hại hơn cho chính bản thân họ và cộng đồng. Luôn có rất nhiều tranh cãi về BĐG nhưng có lẽ chúng ta cần nhìn xa hơn thế, đến câu chuyện của ngành nông nghiệp và làm sao để có thể ứng dụng các phương thức công nghệ mới nhất và mang nó đến với người nông dân. Như Andrew chia sẻ: “Tôi cho rằng những tranh luận mệt mỏi này đang làm chúng ta xa dần với những vấn đề quan trọng khác của ngành nông nghiệp. Biến đổi gen có thể hoặc sẽ không thể tạo ra thuốc chữa bách bệnh cho ngành nông nghiệp, nhưng chắc chắn công nghệ này đang tạo ra giá trị.”
Thông tin tham khảo:
Giới thiệu về Andrew Kniss
Ông là một nhà nghiên cứu độc lập được công nhận quốc tế về khoa học cây trồng và là chuyên gia về cỏ tại Đại học Wyoming. Ông không có mối quan hệ nào với các công ty trong ngành. Ông nổi tiếng với những công trình nghiên cứu tập trung của mình về nông nghiệp bền vững. Ông viết bài viết phê phán này và đăng tải lần đầu trên trang blog có tên “Control Freak” dưới tiêu đề “Các cuộc thảo luận mệt mỏi cho những kỳ vọng ban đầu với biến đổi gen”.
Giới thiệu về Graham Brookes:
Ông là một nhà kinh tế và có 26 năm kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn, phân tích thị trường cho khối tư nhân cũng như nhà nước. Graham có kiến thức chuyên sâu về phát triển thị trường cũng như chuỗi cung ứng trong nhiều ngành hàng như ngũ cốc, hạt có dầu, gạo, đường, sữa, rượu, khoai tây, thịt và các sản phẩm chế biến. Ông có rất nhiều kinh nghiệp và hiểu biết về tính cạnh tranh cũng như về kinh tế nông nghiệp, các vấn đề thuộc về chính sách và ảnh hưởng của nó tới thị trường, và tiến hành rất nhiều đánh giá tác động về chính sách. Ông cũng là chuyên gia trong việc phân tích và đưa ra các báo cáo về tính cạnh tranh và tác động kinh tế, xã hội, môi trường của một công nghệ mới, trong đó có các báo cáo về công nghệ biến đổi gen.
Dưới đây là một vài đường link chia sẻ quan điểm về bài báo được viết bởi nông dân, các nhà khoa học nhằm cung cấp thông tin chính xác và phản hồi trực tiếp với các dữ liệu sai lệch trong bài báo trên New York Times (tiếng Anh)
- Andrew Kniss: Những tranh luận lê thê về kỳ vọng đối với cây trồng biến đổi gen
- Kevin Folta: Lại tiếp tục một cuộc tranh luận lê thê
- Steven Novella: Thời báo New York đưa thông tin sai lệch về GMO
- Robb Fraley: Công nghệ sinh học tạo nên những giá trị khác biệt
Thông tin thêm về báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Hoa Kỳ – (National Academies of Sciences, NAS) về cây trồng biến đổi gen: Thêm một báo cáo khoa học toàn diện chứng minh tính an toàn của thực phẩm và cây trồng BĐG
Bình luận