Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đã có cuộc nói chuyện với Tiến sĩ Sianghee Tan, Giám đốc điều hành của CropLife Châu Á về những khó khăn mà nông dân châu Á đang gặp phải trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và quan điểm của ông về những gì các nhà lãnh đạo nên làm để hỗ trợ họ.
Trong khi đại dịch COVID-19 làm chậm hoặc hạn chế các hoạt động kinh tế, nông dân sản xuất thực phẩm không thể ở nhà và đợi cho đến khi khủng hoảng qua đi. Họ phải đối mặt với nhiều thách thức về năng suất như thiếu lao động, thiếu nguồn cung đầu vào, áp lực dịch hại và môi trường đang diễn ra.
Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đã có cuộc nói chuyện với Tiến sĩ Sianghee Tan, Giám đốc điều hành của CropLife Châu Á về những khó khăn mà nông dân châu Á đang gặp phải trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và quan điểm của ông về những gì các nhà lãnh đạo nên làm để hỗ trợ họ.
Ông Manabe – APO (M): Thưa ông, ông có thể cho biết về những thay đổi trong hành vi mua sắm trong thời kỳ bùng nổ dịch Covid?
Tiến sĩ Tan Sianghee (T): Như các bạn đã biết, chúng ta đang sống trong giai đoạn phong tỏa trong nhiều ngày, nhiều tuần qua. Ở Singapore, người dân có sự thay đổi rất lớn trong việc mua sắm và ăn uống. Trong số top 10 mặt hàng thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong tháng 03/2020, gạo, đồ ăn sẵn, hay sữa tăng hơn 300% so với số lượng tháng 03/2019 chỉ trong mấy tuần qua. Việc phong tỏa cũng dẫn đến sự đóng cửa của hàng loạt các nhà hàng trên thế giới. Chính phủ Singapore và nhiều nước khác vẫn cho phép người dân ra đường mua nhu yếu phẩm, tuy nhiên, toàn bộ chuỗi giá trị cung ứng vẫn bị thay đổi bởi vì không thể cung cấp thực phẩm cho nhà hàng được nữa. Điều này tạo nên tình trạng bị tàn phá trên thị trường hiện nay.
Những số liệu mới được công bố bởi USDA cách đây vài ngày cho thấy giá gạo Thái tăng cao do nhu cầu gạo tăng và nông dân phải đối mặt với hạn hán cũng như dịch Covid-19. Hiện tại Chính phủ Việt Nam đang giới hạn mức xuất khẩu gạo trong tháng 04/2020 và đến ngày 25/04 Việt Nam mới quyết định lại lượng gạo được phép xuất khẩu cho tháng 05/2020. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động tại các cơ sở sản xuất của họ, đặc biệt là nguồn lao động nhập cư từ nước láng giềng do việc cấm di chuyển vì dịch bệnh. Dịch bệnh đang gây ra rất nhiều ảnh hưởng thậm chí là tàn phá và tất cả chúng ta cần phải chủ động trong công việc để đảm bảo các cơ sở kinh doanh không bị đóng cửa hay gây ra những tác động tiêu cực.
M: Cảm ơn ông. Như vậy những người nông dân cần nhận thức được các thay đổi đang diễn ra để chủ động trong việc sản xuất của họ. Câu hỏi tiếp theo chúng tôi muốn đề cập về chuỗi cung ứng thực phẩm. Vậy trong giai đoạn hiện nay những tác động và thách thức đối với chuỗi cung ứng thực phẩm là gì?
T: Theo nhận định của giáo sư Joanne Yoong tại Mỹ, tình trạng phong tỏa sẽ vẫn diễn ra không liên tục cho đến khi chúng ta có vắc xin cho dịch Covid-19. Việc phát triển được vắc xin rất quan trọng đối với sự an toàn của con người cũng như thực vật và rất cần thiết để bảo vệ cộng đồng.
Hầu hết các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ đang trải qua đợt lây nhiễm thứ nhất và thứ hai. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng trừ khi chúng ta có vắc xin và tiến hành quá trình tiêm chủng, một khi tình trạng lây nhiễm tăng lên, chúng ta sẽ lại phải kích hoạt việc phong tỏa. Vì vậy chúng ta cần rút kinh nghiệm trong việc bảo vệ chuỗi cung ứng hay chuỗi giá trị từ tình trạng hiện tại đề phòng trường hợp việc phong tỏa lại tiếp tục kích hoạt trong vòng 18 tháng tới hay chúng ta cần bảo vệ những người nông dân như thế nào để họ có thể tiếp tục sản xuất lương thực cho thế giới.
Cũng trong tình trạng này, chúng ta thấy giá lúa mì tăng lên 15% và gạo Thái Lan tăng lên 17%. Do đó, nếu tình trạng này tiếp tục và nông dân không thể làm việc, giá cả sẽ tăng vọt hơn đáng kể qua các tuần hay các tháng tới.
Lấy ví dụ như khối lượng hàng hóa vận chuyển từ Malaysia vào Singapore ngay trong đợt lây nhiễm đầu tiên đã giảm 30% do lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO) ban hành. Do đó, mọi cơ sở đều phải tái thiết lập chuỗi cung ứng của họ để tiếp tục tham gia vào thị trường. Cũng do việc phá vỡ chuỗi cung ứng, nông dân đang phải bán phá giá rất nhiều mặt hàng đã sản xuất trước đó. Việc này ảnh hưởng đến sinh kế của họ và khiến cho họ mất khả năng sản xuất tốt tạo nên một vòng luẩn quẩn. Nông dân không thể bán sản phẩm của mình, họ không thể kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình và mua các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất. Trừ khi có sự can thiệp tập thể và liên kết, nông dân sẽ là người chịu thiệt hại số một và người tiêu dùng sẽ phải mua các sản phẩm với giá cao hơn do sản xuất trên thị trường ngày càng ít đi.
Và thật tốt vì chúng ta có thương mại điện tử trong giai đoạn này. Ví dụ như Lazada đã nhảy vào một cách nhanh chóng, kết nối người bán với người mua. Chúng ta cũng có thể thấy thương mại điện tử đã rút ngắn khoảng cách giữa các nhà xuất khẩu, người bán và người sản xuất ở nhiều quốc gia.
Điều tôi muốn nói là việc chúng ta bảo vệ sức khỏe cộng đồng là vô cùng quan trọng, tuy nhiên không nên để việc phong tỏa tạo nên các cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Do đó chúng ta cần tìm cách để duy trì hệ sinh thái nông nghiệp mong manh này.
M: Cảm ơn ông đã chia sẻ các quan điểm về chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Vậy theo như các thách thức của chuỗi cung ứng và các thay đổi trong nhu cầu mà ông đề cập ở trên, ông nghĩ đâu là thách thức chính mà nông dân đang phải đối mặt?
T: Trước khi trả lời câu hỏi này tôi muốn đề cập rằng trong vòng 24 giờ qua, hai cơ quan chức năng toàn cầu đã nói hai điều:
Một là các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nói rằng chúng ta mới ở giai đoạn hai của sự lây nhiễm, điều này có nghĩa là sẽ còn nhiều tình huống hay nhiều đợt bùng phát xảy ra.
Hai là Chương trình Lương thực thế giới (WFP) nói rằng đại dịch virus Corona sẽ khiến cho nạn đói bùng nổ trên toàn cầu.
Hai cảnh báo này được đưa ra trong vòng 24 giờ trước trên kênh CNN. Đây là một lời kêu gọi thực sự, một mối đe dọa thực sự.
Vài ngày trước ở Mỹ có tiến hành một cuộc khảo sát với 1,258 người nông dân về mức độ lo lắng của họ đối với dịch Covid. Kết quả cho thấy 45% vô cùng lo lắng, 34% có phần lo ngại. Hai nhóm này chiếm hơn 70% số người tham gia khảo sát. Người nông dân ở các nước đang phát triển còn lo lắng về khả năng sản xuất hiệu quả của họ trong vụ mùa tiếp theo. Đây là thời điểm mà Bắc bán cầu, từ Trung Quốc đến Mỹ, bắt đầu vụ mùa của họ.
Nếu đánh giá tỉ lệ lây nhiễm dựa trên số lượng thử nghiệm trong những tuần qua, ví dụ như ở Trung Quốc có 25% dân số thuộc lĩnh vực nông nghiệp thì số lượng nông dân có tiềm năng lây nhiễm là 20,506 người. Con số này nhìn có vẻ không lớn lắm tuy nhiên nếu số lượng người nhiễm bệnh ở Trung Quốc tăng lên trong thời gian tới trước khi vắc xin được chế ra thì cộng đồng nông dân cũng sẽ bị lây nhiễm với nguy cơ tương đương.
Rất nhiều nhà máy chế biến thịt đã phải đóng cửa. Có nghĩa là dù tình hình dịch bệnh tiến triển thì chuỗi cung ứng sẽ vẫn tiếp tục bị phá vỡ. Đó là lí do tại sao việc bảo vệ người nông dân, để họ có thể tiếp tục trồng trọt sản xuất là vô cùng quan trọng để cung cấp lương thực hàng ngày, để bảo toàn chuỗi cung ứng, và bảo vệ GDP của nền nông nghiệp.
Theo giám đốc WFP, cho đến nay có 354 triệu người châu Á đang trong tình trạng mất an ninh lương thực và hơn 4545 triệu người có nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Với tình hình Covid hiện tại, số lượng người thiếu đói sẽ chuyển từ 800 triệu lên 1 tỷ người mỗi ngày. Đó là một con số vô cùng đáng sợ, nhưng đây mới chỉ là phần mở đầu thôi. Nếu các nông hộ sản xuất nhỏ không thể tiếp tục tham gia vào thị trường sẽ tạo nên một hiệu ứng domino với việc cung cấp thực phẩm với mức giá hợp lý cho cộng đồng nói chung. Nút thắt trong cung và cầu chỉ là một trở ngại tạm thời trong quá trình tập trung sức khỏe cộng đồng vào việc ngăn chặn bùng phát. Tuy nhiên chúng ta cần tìm ra giải pháp sớm nhất có thể để phá bỏ nút thắt này bởi thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, không phải là nhu cầu xa xỉ và nông dân sẽ tiếp tục sản xuất thực phẩm chất lượng trong khi việc duy trì sự an toàn là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Vì vậy tất cả các bên liên quan trong ngành cần phối hợp để bảo vệ nông dân.
Vậy làm thế nào để làm việc với một chuỗi giá trị vừa năng suất lại vừa an toàn, làm thế nào để đưa công nghệ đến với người nông dân thông qua các nhà sản xuất địa phương, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các cơ quan nông nghiệp quốc gia để đảm bảo rằng người nông dân có những nguyên liệu đầu vào cơ bản để sản xuất. Và vì sự gián đoạn hiện nay, giai đoạn sau thu hoạch là rất quan trọng: làm thế nào để giúp nông dân bảo quản các nông sản sau thu hoạch, làm thế nào để huy động,… Tôi được biết một vài quốc gia đã huy động các phòng lạnh dọc theo chuỗi giá trị để giúp nông dân bảo quản các nông sản của họ sau thu hoạch trong khi chờ nhu cầu nguồn cung được thiết lập lại. Hay như ở Singapore, hôm nay, sau khi giai đoạn phong tỏa kết thúc, đường hàng không đã được mở lại và sẽ có một chuyến hàng nông sản mới từ Úc được đưa tới và toàn bộ chuỗi cung ứng tại Singapore đã hoạt động lại để chuyến hàng có thể tới nơi kịp thời. Tiếp theo, chúng ta cần loại bỏ các ràng buộc nhân tạo đối với thương mại nội địa trong toàn chuỗi thực phẩm để liên kết các nông hộ sản xuất nhỏ với thị trường, và việc tổ chức lại phương thức tiếp cận thị trường cũng cần được nhanh chóng thực hiện. Cuối cùng là giải quyết các nhu cầu cơ bản của nông dân và các nông hộ sản xuất nhỏ. Để làm được điều này thì cần các chính sách của chính phủ đưa ra để hỗ trợ các nông hộ sản xuất nhỏ.
M: Vậy chính phủ cần làm gì để bảo vệ người nông dân?
T: CropLife đã kết hợp với Hiệp hội hạt giống châu Á Thái Bình Dương (APSA) tại Thái Lan tiến hành cuộc khảo sát về tình hình thương mại hạt giống tại châu Á Thái Bình Dương từ sau khi ban bố tình trạng phong tỏa. Khảo sát này nhằm xác định các vấn đề bị ảnh hưởng hay các quy trình bị đứt đoạn trong giai đoạn này. Khảo sát này hi vọng sẽ được đưa vào báo cáo tới chính phủ nhằm xác định những điểm cần được tổ chức tốt trong giai đoạn phong tỏa tiếp theo để nông dân vẫn có thể tiếp cận với nguyên liệu đầu vào và sản xuất hiệu quả. Khảo sát đã chỉ ra 20-40% người tham gia nhận định các yếu tố như vận chuyển quốc tế hay trong nước, việc mua bán và giao nhận hạt giống cho các nông trại,nhà máy, lao động xử lý hạt giống và tiếp cận với nguồn tài chính chịu tác động tiêu cực vừa đến mạnh mẽ. Đồng thời trong quá trình chuẩn bị hạt giống xuất khẩu, việc xin giấy phép xuất nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các cơ quan nhà nước tạm dừng hoạt động dẫn đến việc nhiều chứng chỉ không được cấp đúng thời hạn. Điều này gây ra sự gián đoạn trong tình hình xuất khẩu và tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp.
Theo một khảo sát được tiến hành bởi Tổ chức thực phẩm châu Á (FIA) và công ty kiểm toán PwC về top 3 thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải trong cuộc khủng hoảng Covid-19, việc gián đoạn trong cung cấp các nguyên liệu thô và hạn chế nguồn nhân lực là 2 yếu tố chiếm tỉ lệ cao nhất. Nếu như nhìn vào Thái Lan, Việt Nam hay Campuchia, một khi biên giới đóng cửa, người lao động nhập cư sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển để hỗ trợ trồng trọt và sản xuất. Đây là một vấn đề toàn cầu xảy ra ở tất cả các quốc gia. Ngay cả những nước phát triển ở châu Âu cũng phải đối mặt với thách thức trong việc đảm bảo lao động để trồng trọt và thu hoạch. Sự giới hạn thương mại ảnh hưởng tới dòng di chuyển của hàng hóa và dịch vụ cũng là một thách thức rất lớn. Tôi nghĩ rằng các chính phủ đã rất cố gắng trong việc giải quyết vấn đề này tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn trong vài tuần qua.
Trở lại với vấn đề cốt lõi là làm thế nào để tăng cường chuỗi cung ứng nông hộ sản xuất nhỏ. Tôi nghĩ rằng chuỗi thực phẩm bao gồm ngành công nghiệp khoa học thực vật đang nhận được rất nhiều sự miễn trừ từ chính phủ. Tuy nhiên lấy ví dụ khi ta có một hộp trái cây cần đóng gói và vận chuyển đi. Nông dân có thể đi thu hoạch và bỏ chúng vào hộp, tuy nhiên, các nhà sản xuất hộp lại không được tính là đơn vị kinh doanh thiết yếu nên họ không thể tiếp tục sản xuất, dẫn đến không có hộp để đặt trái cây vào. Đây là vấn đề trật khớp đầu tiên trong chuỗi cung ứng. Sau đó khi các đơn vị bắt đầu được sản xuất hộp nhưng vì không phải dịch vụ thiết yếu, hộp lại không được vận chuyển đến các nhà máy hay trang trại. Đây có thể chỉ là một vấn đề nhỏ gặp phải trong chuỗi cung ứng tuy nhiên vì chúng ta đang chuyên môn hóa sản xuất, mỗi đơn vị sản xuất nên một bộ phận cấu thành. Do đó những nông hộ sản xuất nhỏ cần được hỗ trợ để tăng cường khả năng tiêu thụ sau thu hoạch và đưa các nông sản vào thị trường. Trong giai đoạn đường vận chuyển hàng không đang tạm dừng và hàng hóa không thể đưa sang nước khác, cần sắp xếp điều chỉnh lại việc cung cấp hàng hóa như thế nào. Đặc biệt là ở châu Á nơi mà sự phân bổ nông dân rất rời rạc thì cần có phương án để tổ chức lại nhằm bảo vệ những người nông dân này.
Để đối phó với những thách thức ngắn hạn này, việc tích trữ lương thực không thể giúp ích được. Ở nhiều nước trong đó có Singapore chính phủ nói rằng có đủ lượng gạo tiêu thụ trong vòng 2.5 đến 3 tháng tới, tuy nhiên trừ khi chúng ta có thể quay lại lao động sản xuất và vận chuyển hàng hóa như bình thường, mọi thứ sẽ không được sớm sử dụng. Vì vậy ta lại quay trở lại với câu hỏi làm thế nào để tăng cường khả năng cho nông dân tiếp cận các phương tiện vận chuyển, phương tiện trồng trọt khi mà vụ gieo trồng lúa đang đến gần, làm thế nào để có hạt giống và phân bón chất lượng, làm thế nào để tập hợp nhân lực cho việc thu hoạch và đóng gói,… Việc thiếu nguồn nhân lực tại các nông trại là do đóng cửa biên giới. Đây là một vấn đề cần giải quyết và chính phủ các nước châu Á đang cố gắng sắp xếp một nhóm tập thể, tuy nhiên với 80% trong số 520 triệu nông hộ sản xuất nhỏ ở châu Á và 100 triệu nông hộ ở ASEAN có độ tuổi trung bình là 60 – độ tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhất, vậy làm thế nào để bảo vệ họ để họ có thể tiếp tục ra ngoài và làm ruộng hiệu quả?
M: Cảm ơn ông, những thông tin này rất hữu ích. Như vậy chúng ta đã hiểu được những thách thức mà người nông dân nói riêng và cả chuỗi cung ứng nói chung đang phải đối mặt và không thể chỉ giải quyết một vấn đề riêng lẻ. Vậy những ưu tiên nào để hỗ trợ thu hoạch, duy trì và nâng cao năng suất trong thời kỳ khủng hoảng này?
T: Tôi phải nói rằng các chính phủ rất chủ động trong việc đảm bảo các dịch vụ thiết yếu cho ngành nông nghiệp và hỗ trợ nông dân. Chính phủ một số nước đã hỗ trợ thu nhập cho các nông dân như Ấn Độ hỗ trợ 2,000 Rupees (tương đương 2,235 triệu đô la), hay Malaysia dành 228 triệu đô cho quỹ an ninh lương thực. Đây là những con số rất vĩ mô, tôi không thể nói được cụ thể mỗi nông dân nhận được gì, nhưng tôi chỉ muốn cho bạn biết rằng mọi chính phủ đều có ý thức về cách hỗ trợ nông dân trong tình trạng hiện tại này để đảm bảo họ có thanh khoản và có thể bắt đầu canh tác và mua hạt giống cũng như nguyên liệu tốt để sản xuất cho xã hội đồng thời đảm bảo thu nhập cho chính họ.
Ngoài ra, có rất nhiều lời kêu gọi hay thông điệp từ chính phủ như Indonesia và nhiều chính phủ khác nhau trên khắp châu Á để đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan đều hiểu nông nghiệp là một làn đường xanh, không nên hạn chế di chuyển cho nông dân để họ có thể quay lại làm nông nghiệp. Chúng ta nên bảo vệ họ, hỗ trợ họ phát triển và đưa sản phẩm của họ vào thị trường. Vì vậy, những nỗ lực của các chính phủ trên khắp châu Á và trên toàn cầu thực sự đáng khen ngợi, họ đã đưa ra nhiều sự hỗ trợ để đảm bảo rằng việc canh tác vẫn sẽ được tiếp tục.
Các quy định cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Ví dụ như loài sâu keo mùa thu xuất hiện đầu tiên tại châu Phi vào năm 2016 sau đó lan ra toàn thế giới. Hiện nay, nó đã lan tràn khắp châu Á và tạo ra những thiệt hại rất lớn cho cây ngô. Cùng với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chúng tôi đã cố gắng nhanh chóng đăng ký các giải pháp để giúp nông dân đối phó với sự lây nhiễm và do đó ngăn ngừa mất mùa lớn. Vì vậy, hệ thống quy định chức năng là rất quan trọng, bao gồm việc cấp giấy phép, ứng dụng, vv. Hay như những gì chính phủ Philippines đã làm: vì các nhân viên phải làm việc ở nhà, họ đưa ra một hệ thống đệ trình điện tử để phê duyệt hay gia hạn giấy phép, nhờ vào đó quá trình đánh giá và cấp giấy phép vẫn được tiếp tục và các sản phẩm vẫn có thể được ra thị trường. Họ cũng hỗ trợ các công ty địa phương và cửa hàng giao dịch với các nhà bán lẻ. Vì vậy, chính phủ cần phải áp dụng các hệ thống mới mọi thứ nơi mà mọi quá trình đều là kỹ thuật số. Tôi nghĩ rằng các quốc gia của chúng ta đang cố gắng áp dụng nó và điều này càng khẳng định rằng một hệ thống quản lý chức năng không bị gián đoạn cũng sẽ giúp đảm bảo các công cụ và mọi thứ đã có mặt trên thị trường.
Vậy trước những thay đổi và hỗ trợ đó thì người nông dân đang thích nghi như thế nào. Chính phủ chủ yếu miễn trừ các ngành thực phẩm và nông nghiệp, nông dân đang thích nghi và thúc đẩy sản xuất lương thực, nhưng sự mất kết nối giữa các quyết định chính sách với tình hình thực tế vẫn còn tồn tại. Nhưng cuộc khủng hoảng này cũng có thể trở thành cơ hội. Bản chất mong manh của an ninh lương thực ở châu Á hiện đã rõ ràng, bây giờ chúng ta cần phải thúc đẩy sự cần thiết của của các nông hộ sản xuất nhỏ để có được năng suất cao và được bảo vệ nhất có thể đồng thời nâng cao vai trò của công nghệ. Những thách thức vẫn tồn tại khi các vấn đề từ Covid-19 ảnh hưởng đến các nông hộ sản xuất nhỏ chỉ làm trầm trọng thêm bởi việc phong tỏa, đóng cửa biên giới và hạn chế di chuyển.
Dù tiếp tục sản xuất nhưng người nông dân tất nhiên vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch như rửa tay và giãn cách xã hội. Chúng tôi cũng cố gắng làm việc với chính phủ cũng như các đại lý và gửi đi các thông điệp để đảm bảo rằng người nông dân, các nhà đóng gói và người vận chuyển có các thiết bị bảo hộ cá nhân thích hợp để giảm thiểu mức độ lây nhiễm .
Tình hình giãn cách xã hội hiện tại lại tạo cơ hội cho rất nhiều sự cải tiến. Ví dụ như ứng dụng thiết bị bay không người lái vào nông nghiệp như tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Chúng giúp cải thiện hiệu quả, giảm tiếp xúc với nông dân, tăng sản xuất và giảm chi phí. Nông nghiệp kỹ thuật số đã được phát triển nhanh chóng. Các quốc gia như Bangladesh đã tích cực trong việc áp dụng nông nghiệp kỹ thuật số thông qua các ứng dụng. Mọi người có thể kết nối với các nhà cung cấp rau hay các tiện ích khác như thời điểm trồng, khi nào sản xuất,…Hệ sinh thái dữ liệu và CNTT sẽ hỗ trợ phát triển và cung cấp các thông tin và dịch vụ kịp thời để mang lại lợi nhuận. Thông qua đổi mới nhân giống cây trồng, chúng ta cũng có thể tạo ra các giống cải tiến có khả năng tăng năng suất và thích nghi tốt hơn để chống lại sâu bệnh và các tác động của biến đổi khí hậu, như hạn hán hoặc lũ lụt, từ đó hỗ trợ nông nghiệp và an ninh lương thực bền vững. Một số công nghệ đã được triển khai ở Mỹ và chúng tôi hy vọng các quy định sẽ sớm có để áp dụng những công nghệ mới đó ở Singapore và mang lại lợi ích cho nông dân.
Chúng tôi muốn đảm bảo rằng cung và cầu được duy trì để đáp ứng nhu cầu của nông dân một cách kịp thời. Theo đó xã hội có thực phẩm an toàn với giá cả phải chăng. Tiếp tục miễn trừ cho nông nghiệp như một dịch vụ thiết yếu cũng như cung cấp các thiết bị và đào tạo cần thiết để đảm bảo sự an toàn của cộng đồng nông nghiệp. Thích ứng các quy định và chính sách để cung cấp kịp thời đầu vào nông nghiệp, nguyên liệu và công nghệ cho nông dân. Khuyến khích đổi mới thông qua việc tiếp cận quy định linh hoạt, bao gồm đăng ký nhanh, giới thiệu các giải pháp đổi mới nông nghiệp, chia sẻ xuyên biên giới dựa trên khoa học, các quy định có thể dự đoán để thúc đẩy các ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật số, tiện ích của máy bay không người lái, đổi mới nhân giống cây trồng,…
M: Cảm ơn những chia sẻ của ông. Phần tiếp theo mời ông trả lời một số câu hỏi từ người nghe. Câu hỏi đầu tiên từ một người nghe đến từ Ấn Độ: Những tác động có thể có từ việc phong tỏa tới vụ canh tác và sản xuất tới là gì?
T: Chúng ta sắp bước vào vụ mùa mới. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Damodardas Modi đã có các quyết định cho phép ngành nông nghiệp và nông dân hoạt động trở lại. 70-80% nguồn cung đầu vào đang được phân phối cho tất cả các bang. Chính phủ Ấn Độ đang làm rất tốt về mặt thử nghiệm, vì vậy theo tôi sẽ không có những sự tăng giá kỷ lục trong thời gian tới. Về việc đối phó với tình trạng khủng hoảng mua hàng, chúng ta đang có đầy đủ các thực phẩm cần thiết vậy chỉ nên mua những gì bạn cần, sau đó chúng ta tiếp tục hỗ trợ nông dân để khả năng sản xuất của họ không bị ảnh hưởng.
M: Cảm ơn ông. Một câu hỏi khác từ Philippine: các hàng hóa dễ hỏng nên được xử lý như thế nào trong tình hình Covid-19 hiện nay? Đã có kinh nghiệm thực tế nào từ việc bảo quản các hàng hóa này chưa?
T: Như tôi đã đề cập chính phủ đang giúp lưu trữ sản phẩm. Các hộ sản xuất nhỏ ở châu Á không có đủ cơ sở để quản lý sau thu hoạch, vì vậy ở nhiều quốc gia, các cơ sở cấp quốc gia đang được mở ra để giúp đỡ họ. Philippines là một ví dụ điển hình, chính phủ giúp bảo quản các nông sản để chúng có thể được đưa ra thị trường. Đây cũng là một báo động cho các chính phủ và vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, tuy nhiên theo nhận định của tôi các chính phủ đang cùng phối hợp để đảm bảo an ninh lương thực.
M: Cảm ơn câu trả lời của ông. Thêm một câu hỏi khác từ Ấn Độ: Có hướng dẫn cụ thể nào cho nông dân về cách họ nên làm để tự bảo vệ mình không?
T: Tổ chức CropLife châu Á đã có đưa ra một đồ họa để hướng dẫn cho các nông dân cách tự bảo vệ họ trong chuỗi giá trị và ngay tại chính trang trại của họ. Đồ họa này đang được dịch ra các ngôn ngữ khác nhau và chúng tôi rất vui được chia sẻ với bạn và cũng mong rằng bạn có thể giúp chúng tôi nhân rộng hơn nữa.
M: Cảm ơn ông. Chúng tôi vừa nhận được một câu hỏi như sau: Theo ông, yếu tố quan trọng nhất quyết định năng suất trong sản xuất thực phẩm tại thời điểm khó khăn này là gì?
T: Năng suất chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố ngoài vấn đề hạt giống và để đạt được năng suất cao toàn bộ việc thực hành nông nghiệp cần phải được áp dụng để quản lý đầu vào, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để làm giảm chi phí, áp dụng và đăng ký chứng nhập GAP.
M: Cảm ơn câu trả lời của ông. Câu hỏi tiếp theo là các nhà cung cấp đầu vào có thể đáp ứng nhu cầu của nông dân trong mùa Covid không? Nếu không thì sẽ mất bao lâu?
T: Nhìn chung, thị trường vẫn có thể cung cấp đầu vào mà không có bất kỳ trục trặc. Thị trường Trung Quốc cũng không thực sự đóng cửa và làm rất tốt trong việc bảo vệ và đưa công nhân trở lại làm việc. Mối quan tâm chính là liệu có thể vận chuyển các sản phẩm đến các đại lý và xuống trang trại. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với chính phủ để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của ngành nông vẫn được hoạt động, nông dân vẫn có nguyên liệu đầu vào để sản xuất.
M: Cảm ơn ông. Như vậy là các sản phẩm bảo vệ cây trồng vẫn có đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu nhưng để đưa chúng đến được với nông dân thì chuỗi cung ứng cần phải làm việc chăm chỉ hơn và chính phủ cần hỗ trợ tốt hơn. Ông đã chia sẻ rất nhiều về những gì người nông dân đang phải đối mặt và làm thế nào để có thể hỗ trợ nông dân trong tình hình hiện tại, vậy về phía người nông dân, làm thế nào để họ có thể biến tình huống khó khăn này thành cơ hội?
T: Như tôi đã đề cập ở trên, nông dân cần tận dụng việc số hóa nông nghiệp, các thông tin, số liệu được thu thập cho họ, các công nghệ thay thế như thiết bị bay không người lái để tiết kiệm thời gian công sức và hạn chế tiếp xúc. Các chính phủ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều quốc gia khác có nhiều chính sách cũng như quy định nhằm hỗ trợ cho các công nghệ cải tiến này. Việc áp dụng công nghệ mới càng sớm càng tốt có thể giúp nông dân đạt được nhiều lợi ích từ nó.
Thứ hai là dịch hay phong tỏa chỉ là tình hình tạm thời phải đương đầu. Điều mà nông dân phải đối phó thường xuyên đó là thời tiết, sâu bệnh hại vì vậy họ cần áp dụng các cải tiến khác như giống mới và các loại thuốc BVTV để bảo toàn năng suất.
M: Đúng như vậy, có rất nhiều công nghệ có sẵn. Một số quốc gia thực sự tiên tiến, một số chưa sẵn sàng. Vì vậy, có lẽ đây là thời điểm tốt để các quốc gia xem xét các cải tiến kỹ thuật, liệu chúng có thể giúp đỡ nông dân của mình không để giới thiệu và áp dụng nhằm không chỉ đối phó với tình trạng dịch bệnh hiện tại mà còn để đối mặt với các thách thức khác trong tương lai
T: Để kết thúc tôi muốn nói rằng: Nông nghiệp rất quan trọng đối với tất cả các quốc gia và chúng tôi cần giúp họ đảm bảo rằng nền kinh tế của họ ổn định.
M: Cảm ơn ông đã dành thời gian tham dự buổi trò chuyện ngày hôm nay.
###
Giới thiệu về Tổ chức năng suất châu Á (APO)
APO là một tổ chức liên chính phủ được thành lập năm 1961 nhằm tăng năng suất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua hợp tác lẫn nhau. APO đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực thông qua các dịch vụ tư vấn chính sách và nỗ lực xây dựng năng lực thể chế. Thông tin về APO xem tại website: https://www.apo-tokyo.org/
Giới thiệu về CropLife Châu Á và CropLife Việt Nam
Croplife châu Á là Hiệp hội phi lợi nhuận và là tổ chức tầm khu vực của CropLife Quốc tế đại diện cho tiếng nói của ngành khoa học thực vât. CropLife vận động cho một nền thực phẩm an toàn và bền vững, hướng đến tầm nhìn phát triển ứng dụng đổi mới khoa học trong nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực. Hiệp hội CropLife châu Á hỗ trợ hoạt động của 15 hiệp hội trong toàn châu lục và được dẫn dắt bởi 7 tập đoàn thành viên hàng đầu trong phát triển thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống và/hoặc nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học. Thông tin về CropLife châu Á xem tại website: www.croplifeasia.org
Bình luận