Nông nghiệp là một ngành kinh tế có mối quan hệ rất đặc thù với biến đổi khí hậu. Ngành công nghiệp này vừa là nguồn phát thải vừa đồng thời hấp thụ lượng phát
Nông nghiệp là một ngành kinh tế có mối quan hệ rất đặc thù với biến đổi khí hậu. Ngành công nghiệp này vừa là nguồn phát thải vừa đồng thời hấp thụ lượng phát thải khí nhà kính (greenhouse gas – GHG) và như hầu hết nông dân trên thế giới đang chịu ảnh hưởng bởi tình hình hạn hán năm nay hiểu quá rõ, nông nghiệp là một ngành chịu tác động sâu sắc và trực tiếp từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tất nhiên, mỗi một ngành nghề đều phải đóng góp một phần vai trò trong việc đáp ứng cam kết có tính ràng buộc pháp lý của chúng ta với mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Nông nghiệp, ngành hiện đang chiếm khoảng 10% tổng lượng phát thải GHG của Vương quốc Anh, cũng không phải là ngoại lệ.
Thế nhưng những chiến lược để giảm lượng phát thải từ nông nghiệp tại Anh không thể tách biệt với phần còn lại của thế giới. Những cú sốc gần đây đối với thị trường thực phẩm và năng lượng từ cuộc chiến tại Ukraine là một lời nhắc nhở rõ ràng về cán cân bấp bênh giữa lượng cung và cầu lương thực toàn cầu. Những biện pháp mà chúng ta thực hiện để hạn chế khủng hoảng khí hậu leo thang, đồng thời ngăn chặn sự mất đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn như đất đai, năng lượng và nước cũng cùng lúc phải giải quyết được nhu cầu lương thực của dân số thế giới đang bùng nổ.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Vương quốc Anh đã ước tính rằng thế giới cần phải tăng sản lượng lương thực và khả năng cung cấp lên tới 70% vào năm 2050 để theo kịp tốc độ gia tăng dân số này. Đó là lý do tại sao việc tiến hành các chiến lược giảm phát thải phải đi đôi với cải thiện năng suất nông nghiệp. Ở đây chúng ta không thể ban hành các biện pháp hạn chế sản xuất để giảm lượng khí thải, đồng thời lại làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu thực phẩm. Cách tiếp cận như vậy sẽ đơn giản chỉ tác động đến hệ thống lương thực của chúng ta và có thể gây ảnh hưởng không tương xứng đến những khu vực trên thế giới dễ bị ảnh hưởng hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, ở các nước châu Âu khác, có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại khi các biện pháp hạn chế sản xuất đang được hoạch định nhằm hạn chế phát thải từ ngành nông nghiệp. Ví dụ, nông dân ở Cộng hòa Ireland đã phản đối Kế hoạch Hành động vì Khí hậu của Chính phủ nhằm giảm phát thải khí nhà kính tới 30% vào năm 2030, bao gồm các biện pháp hạn chế sử dụng phân bón và “ổn định” số lượng đàn gia súc. Vào tháng 6, Chính phủ Hà Lan đã công bố kế hoạch giảm một nửa lượng khí thải mêtan và nitơ oxit từ các trang trại chăn nuôi của quốc gia này vào năm 2030, báo hiệu một “quá trình chuyển đổi không thể tránh được” đối với ngành nông nghiệp. Các báo cáo chỉ ra rằng mục tiêu này đồng nghĩa với việc giảm 30% số lượng vật nuôi nói chung và các chuyên gia nhận định nhiều trang trại sẽ buộc phải đóng cửa. Nông dân ở Hà Lan đang yêu cầu chính phủ xem xét lại kế hoạch trước khi nó có hiệu lực vào cuối năm nay.
Một khiếu nại thường gặp là người nông dân đang bị “đổ lỗi ” trong những nỗ lực cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính khi nhiều người hay coi nông nghiệp là mục tiêu đơn giản và trước nhất cho các hành động vì khí hậu. Thật vậy, giáo sư Gideon Henderson, nhà khoa học chính của Defra, đã gọi chăn nuôi gia súc nhai lại là “một mục tiêu dễ đạt được nhất” của việc giảm khí nhà kính trong ngắn hạn khi ông nói chuyện với Nhóm nghị sĩ liên đảng về Khoa học và Công nghệ trong Nông nghiệp, mà tôi hiện đang là chủ tịch, vào tháng Giêng năm nay. Tuy nhiên, ý kiến của Giáo sư Henderson được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Ủy ban Châu Âu công bố quyết định phê duyệt sử dụng phụ gia thức ăn chăn nuôi Bovaer, chất phụ gia đã được chứng minh là làm giảm 30% phát thải mêtan ở bò sữa và tới 90% ở bò thịt. Những cải tiến khác, chẳng hạn như giống cỏ và các giống cây trồng làm thức ăn chăn nuôi giúp gia súc dễ tiêu hóa hơn, kỹ thuật chọn tạo giống tiên tiến và tiếp nhận các giống vật nuôi có gen di truyền tốt hơn, cũng như theo dõi chính xác sức khỏe đàn, sẽ giúp mở rộng quy mô cắt giảm lượng phát thải.
Trong các phiên chất vấn của Quốc hội gần đây, Nghị sỹ Rt Hon Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đã được hỏi rằng liệu ông có đồng tình rằng mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 nên được thực hiện bằng cách ứng dụng công nghệ sản xuất carbon thấp và các giải pháp khoa học, thay vì các biện pháp làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm giảm mức sống hay không. Nghị sỹ Alok Sharma đã trả lời một cách đáng khích lệ, rằng điều này “hoàn toàn đúng. Công nghệ xanh và những sáng kiến đổi mới sáng tạo là những thứ sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0”. Ông đề cập đến công nghệ chỉnh sửa gen, cho phép sản xuất nhiều thực phẩm hơn từ cây trồng và vật nuôi sử dụng ít tài nguyên hơn, như một ví dụ điển hình về vấn đề này.
Tôi tin rằng các Bộ trưởng đúng khi ủng hộ hành động về biến đổi khí hậu hướng tới khoa học và đổi mới chứ không phải các mục tiêu hay hạn chế tùy tiện đối với hoạt động kinh tế. Đó là lý do tại sao Nhóm nghị sĩ liên đảng về Khoa học và Công nghệ trong Nông nghiệp gần đây đã mở ra một cuộc điều tra về công nghệ, sáng kiến và thực tiễn có thể giúp nông nghiệp Anh thực hiện các cam kết phát thải ròng bằng 0 của Vương quốc Anh. Mục đích của chúng tôi là củng cố cơ sở bằng chứng cho cách tiếp cận theo hướng đổi mới này. Khởi điểm của điều này là biến đổi khí hậu cần được giải quyết bằng cách khuyến khích các công nghệ xanh và các cải tiến khoa học mới, thay vì các biện pháp có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và mức sống. Tôi tin rằng lời kêu gọi này sẽ nêu bật lên một vài ví dụ thú vị về những bước tiến trong các lĩnh vực như chọn tạo giống cây trồng và vật nuôi, nông nghiệp chính xác, khoa học dữ liệu, canh tác trong nhà và các lĩnh vực khác có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp và sản xuất thực phẩm.
Do đó, trong vòng ba tháng tới đến ngày 14/12/2022, Nhóm nghị sỹ liên đảng đang mời các cá nhân và tổ chức gửi bằng chứng bằng văn bản về các công nghệ canh tác, các cải kiến và hoạt động sản xuất có thể giúp nông dân giảm thiểu các tác động đến khí hậu. Thông tin kết quả sẽ được sử dụng để viết một bản báo cáo nêu bật tiềm năng của khoa học và cải tiến trong nông nghiệp để giúp Vương quốc Anh thực hiện các cam kết phát thải ròng bằng 0 của mình. Báo cáo này sẽ lần lượt được trình bày cho các Bộ trưởng để giúp cung cấp thông tin chính sách hành động về khí hậu.
Tác giả bài viết: ông Julian Sturdy là nghị sĩ Đảng Bảo thủ cho khu vực bầu cử ngoại thành thành phố York. Ông chủ trì Nhóm nghị sĩ liên đảng về Khoa học và Công nghệ trong Nông nghiệp, và là thành viên của nhóm tư vấn Khoa học vì Nông nghiệp Bền vững.
Bình luận