Hôm nay, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Tổ chức CropLife châu Á (CLA) đồng chủ trì hội thảo “Sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả hướng đến hệ thống thực phẩm bền vững”. Tại hội thảo, Trung tâm Phát triển nông thôn (RUDEC) thuộc IPSARD và các đối tác nghiên cứu quốc tế (Kynetec, ideas42) đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu về “Đánh giá của nông dân về vai trò các sản phẩm hóa chất nông nghiệp” và “Nghiên cứu hành vi của nông dân để cải thiện thực hành sử dụng hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm” hơn.
Tại hội thảo, Trung tâm Phát triển Nông thôn (RUDEC) thuộc IPSARD và các đối tác nghiên cứu là Kynetec và idea42 đã công bố hai nghiên cứu quan trọng đó là: “Đóng góp kinh tế – xã hội của các sản phẩm hoá chất nông nghiệp tại Việt Nam” và “Nghiên cứu hành vi của nông dân Việt Nam trong việc sử dụng hoá chất nông nghiệp” – đây là những nghiên cứu thực địa được tiến hành vào giai đoạn 2019– 2022 với sự hỗ trợ của CropLife Châu Á.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp đã và đang hướng tới phương thức sản xuất mới theo định hướng sản xuất xanh, sạch, an toàn và bền vững; nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp tối ưu nhất, tích lũy đa giá trị. Chính vì thế, việc quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Để sản xuất có trách nhiệm hơn nữa, việc xây dựng mô hình chuỗi liên kết chặt chẽ trong vấn đề kiểm soát từ vật tư đầu vào cho đến nâng cao giá trị nông sản Việt Nam là rất cần thiết.
Nhằm xây dựng các mô hình quản lý và sử dụng thuốc theo đúng mục tiêu đề ra, các nghiên cứu trên đã được tiến hành trong giai đoạn 2019-2022, kết quả của nghiên cứu đã được cập nhật tại hội thảo ngày 25/11, trên cơ sở đó thu hút sự tham gia của đại diện các đối tác trong chuỗi giá trị, khuyến khích đóng góp và đề xuất của các bên nhằm phát triển các mô hình quản lý và sử dụng thuốc BVTV một cách phù hợp với bối cảnh sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng của các sản phẩm hoá chất nông nghiệp; cân bằng giữa các mục tiêu bền vững và lợi ích kinh tế. Kết quả nghiên cứu và những thảo luận tại hội thảo sẽ là nền tảng để IPSARD và các đối tác tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án, đặc biệt trong việc tiến hành một số mô hình thử nghiệm nhằm cải thiện hành vi sử dụng thuốc BVTV của nông dân theo hướng bền vững hơn.
Nghiên cứu “Đánh giá của nông dân về vai trò của hóa chất nông nghiệp”, là một phần trong hoạt động nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế – xã hội của hóa chất nông nghiệp”, do Trung tâm Phát triển nông thôn (RUDEC/IPSARD) và Kynetec thực hiện năm 2019 thông qua phỏng vấn 520 nông dân trồng lúa, cà phê, chè, cao su, cây có múi, xoài, thanh long tại 7 vùng trồng và 36 chuyên gia (nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý địa phương, công ty sản xuất thuốc BVTV). Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người nông dân vẫn phụ thuộc vào thuốc BVTV và coi thuốc BVTV đóng góp quan trọng cho đầu ra sản xuất nông nghiệp của họ, cả về sản lượng và chất lượng. Nông dân trồng các cây lương thực và cây ăn quả (lúa, xoài, thanh long, cây có múi) đánh giá cao về đóng góp của thuốc BVTV hơn so với nông dân trồng các cây công nghiệp (cao su, cà phê). Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nông dân vẫn phụ thuộc vào thuốc BVTV và coi thuốc BVTV có đóng góp quan trọng cho mùa màng của họ, cả về sản lượng và chất lượng. Nghiên cứu cũng xác nhận, trong quá trình chuyển đổi sang các biện pháp thay thế cho thuốc BVTV hóa học đòi hỏi thời gian dài và các nỗ lực chung lớn hơn, giải pháp quan trọnghiện nay để chuyển sang mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững hơn là nâng cao nhận thức và cảithiện thói quen sử dụng hoá chất nông nghiệp và thực hành canh tác bền vững cho nông dân.
Tìm hiểu sâu hơn về những yếu tố ảnh hưởng tới thực hành sử dụng thuốc BVTV của nông dân, RUDEC/IPSARD đã tiếp tục phối hợp với ideas42 – một tổ chức quốc tế chuyên nghiên cứu về khoa học hành vi – tiến hành khảo sát 180 hộ nông dân trồng lúa, chè, xoài, cam và phỏng vấn chuyên sâu với 50 đối tượng khác (cán bộ BVTV, khuyến nông, công ty thuốc BVTV, cửa hàng bán thuốc BVTV, người thu gom nông sản, công ty xuất khẩu). Thông qua các phỏng vấn cá nhân trực tiếp, các rào cản chính đối với hành vi sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm của nông dân (từ khi mua thuốc cho tới khi sử dụng và bán sản phẩm sau thu hoạch) được xác định dựa trên các yếu tố tâm lý, kinh tế, yếu tố bên ngoài… Một trong các vấn đề được chỉ ra từ nghiên cứu đó là việc nông dân có rất ít hoặc chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề dư lượng cũng như cách thức quản lý dư lượng từ khâu canh tác. Một số nguyên nhân bao gồm: họ không trực tiếp nhận được phản hồi về mức dư lượng trên cây trồng của họ từ người thu mua; họ không có cách để kiểm tra dư lượng mà chỉ quan tâm nhiều tới năng suất, sản lượng và mẫu mã sản phẩm sau thu hoạch; kể cả khi nông dân tuân theo một số (không phải toàn bộ) các nguyên tắc sử dụng thuốc, thì họ vẫn tin rằng họ đang sử dụng thuốc BVTV đúng cách…Từ các kết quả đó, nghiên cứu đã đề xuất một số các giải pháp để tăng cường trao đổi thông tin, tập huấn cho nông dân về dư lượng và quản lý dư lượng cũng như cung cấp cho họ những công cụ đơn giản để kiểm tra dư lượng tại chỗ; đồng thời tăng cường khuyến cáo và phản hồi kịp thời để nông dân có thể điều chỉnh mức độ sử dụng và kiểm soát dư lượng ngay từ khâu canh tác.
Chia sẻ tại hội thảo, Bà Delisa Jiang – Giám đốc Bền vững và Hỗ trợ Chính sách, CropLife Châu Á cho biết: “Nông dân là lực lượng quan trọng nhất và là trung tâm của hệ thống nông nghiệp-lương thực và do đó, khi họ nắm bắt và thực hành canh tác nông nghiệp một cách an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm sẽ đóng góp vai trò rất lớn trong các hệ thống về nông nghiệp – thực phẩm bền vững. Vì lý do đó, những dự án mà chúng tôi trình bày hôm nay đã chú trọng nghiên cứu với nhiều đối tượng nông dân khác nhau trong từng bối cảnh cụ thể, từ đó đưa ra những khuyến nghị dựa trên bằng chứng và thực tiễn canh tác; đảm bảo hiệu quả của các khuyến nghị này nếu được đưa vào ứng dụng thực tiễn.”
TS Nguyễn Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: Thời gian tới, Nhà nước cần có một chiến lược quản lý thuốc BVTV toàn diện, cân nhắc các yếu tố khác nhau, không chỉ là các hoạt chất. Chiến lược can thiệp phải giảm thiểu tác động môi trường, bao gồm cải thiện thực hành sử dụng của nông dân và đưa ra các thực hành tốt nhất (ví dụ như không sử dụng các loại thuốc không được cấp phép/hiệu quả kém)…
Thực hiện cam kết đồng hành cùng Chính phủ và các bên liên quan trong việc tiếp tục đổi mới công nghệ và hỗ trợ nông dân sử dụng các công nghệ đó một cách có trách nhiệm, một trong các hoạt động trọng tâm của CropLife tại các nước trong những năm gần đây đó là tiến hành khảo sát, nghiên cứu và thu nhận phản hồi thực tế từ nông dân, chuyên gia cũng như các bên liên quan trong ngành về các vấn đề cần cải thiện trong hoạt động quản lý và sử dụng thuốc BVTV, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp cụ thể của mỗi địa phương. Đầu ra của các họạt động này sẽ tiếp tục đóng góp vào các thảo luận liên quan tới sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm và đề xuất các giải pháp để xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, dựa trên lợi thế địa phương theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và cạnh tranh. Trong giai đoạn từ năm 2017 – 2022, CropLife Châu Á đã hợp tác với nhiều đối tác khác nhau để triển khai các đánh giá về tác động của hóa chất nông nghiệp cũng như nghiên cứu hành vi của nông dân trong việc việc sử dụng an toàn hóa chất nông nghiệp tại Ấn Độ, Thái Lan và một số nước Châu Á.
Tài liệu tham khảo
Bình luận