Đại dịch Coronavirus đang đe doạ với sinh kế của nông dân Mỹ, cũng như đối với rất nhiều nông dân khác trên khắp thế giới.
Nông dân Mỹ đang lo lắng!
Đại dịch Coronavirus đang đe doạ với sinh kế của nông dân Mỹ, cũng như đối với rất nhiều nông dân khác trên khắp thế giới. Tuy nhiên, không giống với các công ty sản xuất hàng hoá có thể bảo quản lâu, nông dân không có nhiều tính linh hoạt. Họ phải tuân thủ thời gian canh tác và thu hoạch nghiêm ngặt và không thể tăng hoặc giảm năng suất theo ý muốn.
“Một trái đào hôm nay trông ngon như vậy nhưng sẽ không còn tươi ngon vào ngày mai nữa. Chúng chín nhanh như vậy đấy” Chalmers Carr chia sẻ với CNN Business. Carr sở hữu và vận hành các trang trại Titan tại Ridge Spring, miền Nam Carolina, nơi ông đang trồng đào, ớt chuông và bông cải xanh trên khoảng 6200 mẫu (acre).
Ông cũng chia sẻ, đối với việt quất và dâu tây, “nếu để chúng trên cây hoặc dàn leo thêm một ngày, chúng hầu như không còn giá trị gì nữa”. Thậm chí đối với các loại cây dễ tính hơn như ớt chuông cũng chỉ có thời gian thu hoạch ngắn trong vòng hai tới năm ngày, ông Carr nói.
Tháng tư và tháng năm là thời điểm quan trọng để trồng trọt và thu hoạch của rất nhiều nông dân Mỹ. Họ cần nhân công lành ngành để làm việc trên ruộng, và một chuỗi cung ứng ổn định để vận chuyển hàng hoá – họ không có bất cứ thời gian nào để phí phạm.
Nếu nông dân không thể có đủ nhân công trợ giúp hoặc hoạt động canh tác của họ bị gián đoạn bởi đại dịch, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ có ít thực phẩm hơn hoặc phải mua với giá cao hơn vào mùa hè này. Và khi nông dân và chuỗi sản xuất của các nước khác cũng gặp tình trạng tương tự, người Mỹ có thể cũng không nhập khẩu đủ lương thực, nguồn cung bị hạn chế và nguy cơ giá thực phẩm tăng cao.
Trong vài tuần gần đây, nhiều người Mỹ đã sợ hãi khi tới các siêu thị và chỉ thấy những chiếc kệ rỗng. Mấu chốt của việc này là do sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, không phải do thiếu hụt thực phẩm, bởi vậy các siêu thị này có thể bổ sung hang lên kệ khá nhanh chóng.
Nhưng những gì diễn ra trong một vài tháng tới sẽ quyết định những sự gián đoạn này có nghiêm trọng hơn hay không.
Người nông dân đang nhanh chóng giải quyết những vấn đề phát sinh, và có vẻ như chúng ta sẽ không thiếu hụt lương thực. Nhưng năm nay và năm tiếp theo, thực phẩm có thể sẽ không dồi dào như chúng ta đã từng có.
Lực lượng lao động nước ngoài
Do những nỗ lực ngăn chặn đại dịch Coronavirus, các dịch vụ lãnh sự đang bị hạn chế, nông dân Mỹ còn lo lắng họ sẽ không thể thuê được những nhân công nước ngoài mà họ đang phụ thuộc.
“Chúng tôi phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài đang tới đây làm việc, đặc biệt cho việc canh tác và thu hoạch các cây trồng như hoa quả tươi và rau xanh“ theo ông Chuck Conner – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Hợp tác xã Nông dân Hoa Kỳ.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong năm tài khoá 2005, Chính phủ Mỹ đã cấp 48.000 thị thực H-2A, cho phép người nước ngoài tới Mỹ làm việc dưới dạng lao động nông nghiệp thời vụ. Vào năm tài khoá 2018, con số này đã tăng lên khoảng 243.000 thị thực. Do thời gian lưu trú trung bình được cấp theo thị thực là khoảng 5 tháng, cơ quan này ước tính những thị thực này tương đương với 108.000 vị trí việc làm toàn thời gian cả năm.
Con số người được cấp thị thực tăng vọt là “một trong những chỉ số rõ ràng nhất cho thấy tình trạng khan hiếm lao động trong nông nghiệp,” theo USDA.
Cũng theo Khảo sát Lao động Nông nghiệp Quốc gia giai đoạn 2015-2016 – một trong những báo cáo mới nhất, cho thấy 69% lao động được thuê đang làm việc trên các trang trại Mỹ sinh ra tại Mexico, chỉ 24% sinh ra tại Mỹ.
Lao động với thị thực H-2A được chính phủ coi là rất quan trọng, và được khuyến khích được cấp thịthực làm việc tại Mỹ. Những công nhân này có vẻ như không tránh tới Mỹ do sợ lây nhiễm Covide-19 do lợi ích kinh tế khá lớn đối với họ. Nhưng có thể cuối cùng họ sẽ quyết định việc nhập cảnh Mỹ trong thời điểm hiện tại là quá rủi ro.
Và nếu thủ tục tới Mỹ làm việc với họ quá khó khăn, nguồn lao động trong nước không chắc có thể lấp đầy khoảng trống này.
Nhân công trái ngành
Dường như có một giải pháp rõ ràng để giải quyết vấn đề này. Hiện nay, yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã đạt tới mức chưa từng thấy khi các doanh nghiệp phải đóng cửa do đại dịch. Đến hết ngày 21/3, số lượng yêu cầu trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã đạt mức 3,28 triệu (đã điều chỉnh theo mùa) – con số lớn nhất kể từ khi Bộ Lao động bắt đầu theo dõi chỉ tiêu này vào năm 1967.
Những người hiện thất nghiệp này có thể việc tại các nông trại. Tuy nhiên, phần lớn những lao động này lại không đủ tiêu chuẩn.
“Đó là công việc đòi hỏi lực lượng lao động lành nghề” theo Tom Stenzel, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Sản xuất Thực phẩm Tươi Hoa Kỳ. “Nhân công hái đào sẽ rất khác so với nhân công hái dâu. Cũng như khả năng xử lý khối lượng và đáp ứng tốc độ – đó là một công việc rất chuyên nghiệp.”
Những người không có kinh nghiệm về lý thuyết có thể chuyển sang làm nông nghiệp, ông nói. “Hiện tại các nông trại sẽ thuê bất cứ ai có thể, tôi cá với bạn là như vậy”. Tuy nhiên, họ sẽ làm việc không thật sự hiệu quả, và có thể làm chậm hoạt động của nông trại, ông cho biết thêm.
Và ít có khả năng lao động thất nghiệp tại Mỹ sẽ thực sự tìm kiếm công việc trong ngành nông nghiệp, hay di chuyển tới địa điểm khác để có được công việc đó. Carr chia sẻ rằng, nói chung, ông thấy rất khó để thuê được lao động Mỹ. “Chẳng có nguồn nhân công nội địa nào dành cho chúng tôi cả” ông nói.
“Đó là một công việc vất vả, bươn chải với ruộng đồng cả ngày” Stenzel nói. “Rất khó để người Mỹ làm công việc đó.”
Thủ tục hành chính phức tạp
Chính phủ đang chạy đua để sửa đổi các quy trình thông thường nhằm đáp ứng tình huống đặc biệt hiện nay, nhưng những nỗ lực này dường như chưa đủ.
Những điều chỉnh và sửa đổi trong quá trình cấp thị thực và các thủ tục khác đã được triển khai khi có vấn đề phát sinh. Trước những lo ngại rằng người lao động sẽ không được nhập cảnh bởi họ không thể tham gia phỏng vấn trực tiếp, Bộ Ngoại giao đã cho phép các nhân viên lãnh sự bỏ qua phỏng vấn đối với một số trường hợp. Tuy nhiên, khó có thể dự đoán những vướng mắc có thể phát sinh, đặc biệt khi các nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus đã thay đổi đáng kể và liên tục trong thời gian ngắn.
Theo Carr, những biện pháp tình huống hiện nay có thể vừa đủ. Nhưng nếu đại dịch khiến các lao động nông nghiệp trong nước không thể làm việc trong hai đến ba tháng tới, nông dân Mỹ sẽ cần một nguồn nhân công nước ngoài mới. Nhưng những điều chỉnh của chính phủ hiện nay không hướng đến khả năng đó.
Thêm vào đó, lao động nông nghiệp phải đối mặt với những nguy cơ tương tự người lao động trong các ngành thiết yếu khác. Mặc dù nhiều người Mỹ được khuyên nên ở trong nhà, nông dân được kỳ vọng vẫn sẽ ra ngoài làm việc hàng ngày. Họ có thể bị nhiễm bệnh và bị cách ly hoặc không thể làm việc. Hoặc họ có thể phải làm việc ít hơn để chăm sóc con cái hay người thân. Việc cách ly xã hội có thể làm gián đoạn hoạt động của họ, cũng như gây trở ngại cho quá trình canh tác thông thường.
Những lao động quan trọng khác của chuỗi cung ứng, ví dụ như lái xe tải, cũng đối mặt với các vấn đề tương tự. Và điều đó cũng đúng với những nông dân tại các quốc gia khác: Họ cũng có thể bị nhiễm bệnh, bị cách ly, hoặc phải ở nhà để chăm sóc gia đình, và cả những gián đoạn chuỗi cung ứng riêng mà họ phải lưu ý.
Những gián đoạn quốc tế
Rất nhiều các loại rau và hoa quả tươi tiêu thụ tại Mỹ được trồng tại nước ngoài. Năm ngoái, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thống kê mỗi năm có khoảng 30% rau tươi và 55% hoa quả tươi tiêu dùng tại Mỹ được nhập khẩu.
Điều đó không có nghĩa là một nửa số táo, hoặc một phần ba số khoai tây đến từ nước ngoài. Một số loại quả như chuối được trồng hầu như toàn bộ bên ngoài nước Mỹ. Và việc nhập khẩu có xu hướng tăng lên hay giảm đi phụ thuộc vào thời điểm trong năm – bạn có thể mua hoa quả trái mùa bởi chúng được trồng ở đâu đó khác trên thế giới.
Nếu những quốc gia khác không thể sản xuất nhiều như bình thường, người Mỹ sẽ thấy ít hoa quả và rau củ trái mùa hơn. Và những loại thực phẩm trái mùa sẽ có thể đắt hơn.
“Việc thiếu hụt nguồn cung sẽ đẩy giá lên cao, và đương nhiên, bạn sẽ nhận được ít hơn” theo Andrew Muhammad, Giáo sư về Chính sách Nông nghiệp, Thực phẩm và Tài nguyên Thiên nhiên tại Viện Nông nghiệp thuộc Đại học Tennessee.
Thậm chí kể cả các nông trại nước ngoài không bị ảnh hưởng thì hàng nhập khẩu có thể bị giữ lại do thiếu hụt nhân công tại các cảng vận chuyển. Và nếu tàu bị kẹt tại các bến cảng do thiếu hụt lao động, hoặc nếu các nhà kho không được giải phóng để có chỗ cho các sản phẩm mới, thì thị trường xuất khẩu tại các nước đó có thể chịu thiệt hại Giáo sư Muhammad cho biết thêm.
Dù vậy, không hẳn là các thị trường nước ngoài sẽ không đáp ứng được nhu cầu của nước Mỹ. Nhưng những nhà sản xuất, dù ở Mỹ hay nước ngoài, thực sự sẽ gặp khó khăn khi lên kế hoạch cho tương lai.
Tương lai bất ổn
Theo ông Ed O’Malley, Phó Chủ tịch Cung ứng và Bán hàng tại Imperfect Foods, một đơn vị cung cấp dịch vụ giao hàng tạp hoá giảm giá, nơi bán những sản phẩm hạng thấp nhằm giảm tình trạng lãng phí thực phẩm cho biết: “Nông dân hiện đang canh tác cho cuối vụ xuân – hè, họ đang băn khoăn xem nên trồng bao nhiêu mẫu rau diếp hoặc đậu xanh cho vụ tiếp theo?‘”
Ông cũng chia sẻ, trước đại dịch, nhu cầu dịch vụ thực phẩm “rất dễ dự đoán”. Nhưng hiện nay, khi những nhà hàng đóng cửa và các cửa hàng tạp hoá, siêu thị chứng kiến sức mua tăng vọt, người nông dân khó có thể biết họ sẽ bán được bao nhiêu và cho ai.
“Đối với một nông dân canh tác 2000 mẫu trong khi anh ta chỉ thực sự cần 1200 mẫu, thì đó là một đề xuất rất tốn kém,” O’Malley nói.
Việc không lên kế hoạch có thể làm trầm trọng hơn vấn đề lãng phí thực phẩm, khiến cho những người thiếu ăn khó tìm được thực phẩm hơn.
Các cửa hàng thực phẩm sẽ cần thời gian để tái thích ứng với những thay đổi về nhu cầu. Giá một số hàng hoá thiết yếu, như trứng, sẽ tăng vọt do nhu cầu vượt xa nguồn cung. Và một số ngân hàng thực phẩm của Mỹ “báo cáo sự sụt giảm mạnh từ các nhà tài trợ bán lẻ thực phẩm do việc dự trữ đang diễn ra trên cả nước” – ông Blake Thompson, giám đốc chuỗi cung ứng tại Feeding America, một mạng lưới quốc gia gồm khoảng 200 ngân hàng thực phẩm và 60.000 kho chứa thực phẩm và các chương trình bữa ăn, chia sẻ với CNN Business qua email.
Tuy nhiên, một số thực phẩm đã được điều hướng thành công từ địa điểm này sang địa điểm khác. Công ty Baldor, tại thành phố New York, thường bán thực phẩm cho các nhà hàng, trường học và các cửa hàng dịch vụ thực phẩm khác. Hiện nay, công ty đang cung cấp dịch vụ giao hàng cá nhân. Người đồng sáng lập công ty – Ben Chesler – cho biết, Imperfect Foods đã có thể chấp nhận thực phẩm vốn dành cho các hãng hàng không. “Chúng tôi thấy có rất nhiều lời đề nghị đến từ các công ty đã được thực hiện cho dịch vụ thực phẩm.”
Giữa những gián đoạn, sự không chắc chắn và những cú sốc xảy ra với chuỗi cung ứng toàn cầu, tình hình hiện nay bất ổn nhưng không phải không có hy vọng, theo các chuyên gia.
“Bạn không thể đưa ra kịch bản nào tồi tệ hơn cho các nhà sản xuất so với những gì đang hiện có” theo Conner từ Hội đồng Hợp tác xã Nông dân Hoa Kỳ.
“Hệ thống của chúng ta đang phản ứng tốt. Và tôi nghĩ điều này sẽ tiếp tục” ông chia sẻ thêm. “Tôi biết đó là một dự đoán táo bạo bởi thế giới hiện đang đảo lộn, và tôi nhận ra điều đó. Nhưng tôi rất tin tưởng vào khả năng của hệ thống trong việc phản ứng và đưa thực phẩm tới nơi có những người cần tới nó”./.
Bình luận