Đây là loạt bài viết thể hiện quan điểm về mức độ chấp nhận thực phẩm và cây trồng biến đổi gen (BĐG) đang ngày một gia tăng tại các nước đang phát triển của tác giả Steven E-Cerier – một nhà kinh tế học tự do và người thường xuyên đóng góp nội dung cho trang Genetic Literacy Project (GLP).
Bài tiếp theo sẽ bình luận sâu hơn về các hành động cụ thể mà các quốc gia này đang triển khai để ứng dụng các sản phẩm này.
Mặc dù diện tích canh tác cây trồng BĐG đã nhanh chóng mở rộng trên toàn thế giới kể từ khi giống cây BĐG được trồng lần đầu vào khoảng từ giữa đến cuối những năm 1990, nhưng sản lượng chủ yếu vẫn tập trung ở một số ít các loại cây chính như bông, đậu nành và ngô ở một vài quốc gia. Điển hình như trong toàn bộ 190,4 triệu héc-ta đất canh tác cây trồng BĐG vào năm 2019, thì các quốc gia như Hoa Kỳ, Brazil, Argentina và Canada chiếm đến 84,5% tổng số diện tích đó.
Khá nhiều nước đang phát triển không mặn mà với việc trồng cây BĐG do nhiều lý do. Nguyên nhân đầu tiên là do lịch sử thuộc địa của họ với các quốc gia ở Châu Âu, nơi mà các sản phẩm BĐG bị né tránh vì cho rằng chúng “không được tự nhiên”. Việc phụ thuộc vào nguyên tắc phòng ngừa nhằm ngăn chặn bất kỳ rủi ro nào có thể xảy ra đối với sức khỏe của con người, động vật và môi trường, cũng như sự phản đối mãnh liệt của các cơ quan vận động hành lang về thực phẩm hữu cơ và chống BĐG đã kìm hãm sự phát triển của cây trồng BĐG ở khu vực châu Âu.
Sự phớt lờ của các nước Châu Âu trong việc tiếp nhận các sản phẩm BĐG đã phần nào ảnh hưởng đến các nước đang phát triển, đặc biệt khi EU được xem là thị trường xuất khẩu lớn của nhiều nước trong số đó. Hệ thống các quy định phê duyệt nghiêm ngặt của EU cũng như các yêu cầu chặt chẽ và gắt gao về nhãn mác cũng được cho là yếu tố làm kìm hãm sự phát triển của cây trồng BĐG ở nhiều quốc gia đang phát triển.
Vào năm 2020, Hội đồng Cố vấn Khoa học Học viện Châu Âu ghi nhận:
Việc EU áp đặt quá mức các quy định quản lý đối với sản phẩm BĐG đã gây ra những tác động tiêu cực đến khoa học cũng như các cải tiến ở những quốc gia đang phát triển khi họ lo ngại về thị trường xuất khẩu chính cũng như đối với những quốc gia có xu hướng đi theo sự dẫn dắt của EU trong vấn đề nghiên cứu và phát triển.
Không giống như Mỹ, EU không khuyến khích hoặc thúc đẩy sự phát triển của BĐG trong các chương trình hỗ trợ cho những quốc gia đang phát triển. Ví dụ, một trang web của FDA với tựa đề “Cây trồng BĐG tác động đến thế giới của chúng ta như thế nào” đã đặc biệt nêu rõ, “Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang làm việc với các quốc gia đối tác trong việc áp dụng kỹ thuật di truyền nhằm cải thiện các loại cây trồng chủ lực cũng như các loại thực phẩm cơ bản đóng vai trò thiết yếu trong khẩu phần ăn của người dân.” Hằng năm, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cũng xuất bản các báo cáo liên quan đến CNSH trong nông nghiệp cho nhiều nước đang phát triển nhằm theo dõi mức độ nhận thức của họ đối với việc phát triển cây trồng BĐG.
Nguyên nhân thứ hai được cho là sự ác cảm của nhiều tổ chức phi chính phủ lớn ở phương Tây như Greenpeace hay Friends of the Earth đối với BĐG đã làm ảnh hưởng đến nhiều nước đang phát triển. Nhiều tổ chức phi chính phủ trong số này có những hoạt động, có chi nhánh hoặc đóng góp tiền cho các tổ chức phi chính phủ ở các nước đang phát triển. Do đó, nhiều tổ chức phi chính phủ về môi trường và thực phẩm ở các quốc gia đang phát triển cũng phản đối kịch liệt việc phát triển cây trồng BĐG. Họ đang đi theo sự dẫn dắt của các đối tác của họ ở các quốc gia phương Tây. Tổ chức Greenpeace – một trong những tổ chức phi chính phủ hoạt động về môi trường có tầm ảnh hưởng nhất hiện nay đã chia sẻ rằng:
Cây trồng BĐG khuyến khích sự kiểm soát của doanh nghiệp đối với chuỗi thực phẩm cũng như vấn đề canh tác trong công nghiệp có sử dụng nhiều thuốc BVTV. Cây trồng BĐG cũng có thể làm hư hại tới các loại cây trồng khác và dẫn đến tình trạng bị xâm lấn nghiêm trọng bởi cỏ dại. Công nghệ này phải được kiểm soát một cách chặt chẽ để bảo vệ môi trường, nông dân cũng như lĩnh vực khoa học độc lập của chúng ta.
Nguyên nhân cuối cùng được cho là từ một bài báo được xuất bản trên Tạp chí Food and Chemical Toxicology của nhà sinh học phân tử người Pháp Gilles-Éric Séralini vào năm 2012 với mục đích tạo sự liên quan giữa việc tiêu thụ sản phẩm BĐG với bệnh ung thư để hạn chế sự phát triển của chúng đã làm ảnh hưởng đến nhiều nước đang phát triển. Bài báo dường như đã làm tệ hơn những sợ hãi mơ hồ của nhóm phản đối sản phẩm BĐG. Ví dụ như, Kenya đã áp đặt một lệnh cấm nghiêm ngặt liên quan đến vấn đề nhập khẩu sản phẩm BĐG vào năm 2012 theo nghiên cứu của Seralini. Mặc dù nghiên cứu sau đó đã được hủy bỏ và rút lại, nhưng nhiều dư âm của nó vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, bài báo tai tiếng đó đã được các nhóm phản đối sản phẩm BĐG quảng cáo và gây ra cho công chúng một nhận thức sai lầm về sự nguy hiểm của BĐG vẫn tồn tại trong nhiều năm.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đang phát triển ngày càng nhận thấy rằng kỹ thuật di truyền trên thực vật có thể là một công cụ quan trọng giúp nuôi sống lượng dân số ngày càng tăng trong việc chung sống với biến đổi khí hậu cũng như trong bối cảnh khi vấn đề đô thị hóa và sa mạc hóa đang làm giảm diện tích đất canh tác. Nếu không có một lĩnh vực canh tác hiệu quả hơn, thì nhiều quốc gia đang phát triển sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải hóa đơn về việc nhập khẩu lương thực do gia tăng dân số. Điều này hoàn toàn trái ngược với quốc gia phát triển, nơi dân số đang gia tăng với tốc độ rất cận biên hoặc đang tụt giảm:
Từ năm 2021 đến năm 2050, dân số Nhật Bản dự kiến sẽ giảm từ 126 triệu người xuống còn 105,8 triệu người, Đức sẽ giảm từ 83,9 triệu người xuống 80,1 triệu người và Ý sẽ giảm từ 60,4 triệu người xuống còn 54,4 triệu người.
Tuy nhiên, dân số Nigeria dự kiến sẽ tăng từ 211,4 triệu lên 401,3 triệu, Ethiopia sẽ tăng từ 117,9 triệu lên 205,4 triệu và Philippines sẽ tăng từ 111 triệu lên 144,5 triệu người.
Do đó, nhiều quốc gia đang phát triển bắt buộc phải tìm ra các biện pháp nhằm gia tăng sản lượng nông nghiệp của họ, cũng như cải thiện thu nhập của nông dân và hạn chế chi phí nhập khẩu lương thực. Và kỹ thuật di truyền được xem là giải pháp giúp đáp ứng những nhu cầu đó.
###
Bình luận