Các nhà khoa học Ghana từ Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Savanna (SARI) thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (CSIR) đã sử dụng công nghệ sinh học để phát triển hai loại cây trồng: lúa tiết kiệm đạm nước và đậu đũa biến đổi gen (BĐG), hay còn được gọi là đậu đũa kháng sâu đục quả (PBR).
Cả hai loại cây trồng này đều chưa được thương mại hóa, mặc dù chúng đã trải qua nhiều quy trình đánh giá an toàn và khảo nghiệm đồng ruộng. Hiện tại, đơn đăng ký của SARI về đậu đũa PBR đang chờ Cơ quan An toàn Sinh học Quốc gia phê duyệt. Cơ quan này được thành lập sau khi Ghana thông qua Luật An toàn Sinh học (số 831) vào năm 2011, đây cũng là cơ quan chủ quản các vấn đề liên quan tới sinh vật BĐG.
Với công nghệ BĐG, đậu đũa PBR được tăng cường khả năng tự bảo vệ chống lại sâu đục quả (Maruca vivatra) và các loại cỏ dại ký sinh khác như striga và alectra, do đó hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu và gia tăng năng suất. Đậu đũa thông thường thường được phun 8 đến 12 lần trong chu kỳ 3 tháng của nó, nhưng đậu đũa PBR giảm chỉ còn hai lần mỗi mùa. Điều này sẽ giảm đáng kể việc sử dụng hóa chất trong các trang trại đậu đũa, giúp bảo vệ sức khỏe của người nông dân và người tiêu dùng cũng như môi trường. Sản lượng nhờ đó cũng sẽ được tăng lên.
Theo một nghiên cứu kinh tế dự đoán tiến hành vào năm 2019 của Viện Thống kê, Xã hội và Kinh tế (ISSER) tại Đại học Ghana, phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI-Ghana) và Viện Nghiên cứu Chính sách Khoa học và Công nghệ (STEPRI-Ghana), nếu đậu đũa PBR được thương mại hóa ở Ghana, tổng giá trị tích luỹ gia tăng trong 6 năm lên tới 31 triệu đô la Mỹ, bổ sung vào giá trị sản xuất hàng năm hiện tại là 55 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, nếu quy trình cấp phép bị trì hoãn đến năm 2024, Ghana sẽ mất khoảng 20 triệu USD.
Nigeria là quốc gia đầu tiên phê duyệt và thương mại hóa đậu đũa GM vào năm 2019 và những nông dân trồng loại đậu này đang báo cáo năng suất tăng 20%.
Chính sách và quản lý cây trồng BĐG
Với tư cách là cơ quan quản lý, Cơ quan An toàn Sinh học Quốc gia đảm bảo rằng cây trồng BĐG phải được xem xét và đánh giá cần trọng từ khi phát triển cho tới khi thương mại hóa để đảm bảo an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường. Cơ quan này cũng đưa ra các hướng dẫn, quy định về giới hạn sử dụng, thử nghiệm đồng ruộng hạn chế, phóng thích ra môi trường, thương mại hoá và vận chuyển.
“Nguyên tắc cơ bản của an toàn sinh học là, nếu nó không an toàn thì nó không được rời khỏi phòng thí nghiệm” – Tiến sĩ Daniel Osei Fosu, nhà khoa học nghiên cứu của Viện Công nghệ Sinh học và Nông nghiệp Hạt nhân (BNARI) thuộc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Ghana (GAEC) cho biết. Fosu nói. “Trước khi bạn bắt đầu di chuyển DNA trong phòng thí nghiệm, bạn sẽ cần được cấp phép từ cơ quan quản lý cấp quốc gia và sau đó bạn sẽ phải đáp ứng tất cả các yêu cầu ở từng giai đoạn công việc của mình trước khi sinh vật được phát triển có thể được sàng lọc và thử nghiệm hạn chế.” Dữ liệu khoa học, tác động kinh tế xã hội và quan điểm chung của công chúng cũng là yếu tố then chốt trong việc xem xét cấp phép sinh vật BĐG, ông chia sẻ thêm.
Ama Kudom-Agyeman, một nhà tư vấn của NBA, giải thích rằng cơ quan này đang làm việc với các tổ chức đáng tin cậy khác để đảm bảo các sinh vật BĐG tại Ghana được quản lý một cách chính xác và phù hợp. Các tổ chức này bao gồm FDA, Cơ quan Tiêu chuẩn Ghana, Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp, Hải quan và Viện Nghiên cứu Cây trồng.
Bình luận