Hà Nội , ngày 27 tháng 11, năm 2018 – Hôm nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban Thư ký Đối tác Phát triển Bền vững Việt Nam (PSAV) phối hợp với tổ chức CropLife Việt Nam tổ chức hội thảo:
“Nâng cao năng lực xuất khẩu và An toàn thực phẩm nông sản Việt Nam– Vai trò của quản lý hoá chất nông nghiệp” với mục cập nhật các yêu cầu kỹ thuật trong thương mại quốc tế, cụ thể là các tiêu chuẩn trong quản lý và sử dụng hoá chất nông nghiệp. Đồng thời, với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phát triển sản phẩm, sản xuất và phân phối; hội thảo đã thảo luận và đưa ra các giải pháp và trách nhiệm của các nhóm đối tác tham gia trong chuỗi giá trị nhằm thiết lập và thực hành các quy chuẩn phù hợp nhằm nâng cao tính cạnh tranh và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Phát biểu mở đầu hội thảo; Ông Lê Quốc Doanh – thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Nông nghiệp luôn là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm, đóng góp tỷ trọng GDP cao. Tới nay, Việt Nam đã trở thành một cường quốc xuất khẩu nông sản – năm 2018 dự tính, tổng giá trị xuất khẩu nông sản sẽ cán đích 40 tỷ đô la. Không chỉ tăng về lượng, chất lượng xuất khẩu nông sản của chúng ta cũng đạt được thành tựu đáng kể. Nhưng một trong các thách thức đồng thời là trọng tâm trong đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam đó là tăng cường chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm để hướng tới các thị trường tiềm năng với yêu cầu kỹ thuật cao.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông Sản, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Viêt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới; các mặt hàng nông sản của Việt Nam có mặt tại 180 nước trong đó xuất khẩu điều đứng vị trí số 1, tiêu đứng vị trí thứ 2 và gạo đứng vị trí thứ 3 trên toàn cầu. Đáng kể là các sản phẩm của Việt Nam đã thâm nhập được một số thị trường đặc biệt “khó tính” như Úc, Canada, Hoa Kỳ.
Tiềm năng phát triển nông sản của Việt Nam là rất lớn tuy nhiên một trong các yếu tố hạn chế năng lực xuất khẩu đó là các hàng rào kỹ thuật được đặt ra bởi các nước nhập khẩu, cụ thể là MRL. Theo ông Jason Sandahl, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, MRL (mg/kg) là hàm lượng tối đa của một tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm do Codex (CXL) hoặc cơ quan quản lý tại quốc gia (MRL) quy định. Đây không phải là tiêu chuẩn về ngưỡng độc tính mà là tiêu chuẩn thương mại thực phẩm quốc tế được thiết lập trên cơ sở GAP. Mục đích của việc thiết lập MRL là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh hàng nông sản và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Mặc dù Việt Nam đã có văn bản quy định và xây dựng các tiêu chuẩn về MRL tuy nhiên việc thực thi, quản lý còn gặp nhiều khó khăn do quá trình này đòi hỏi sự tham gia và trách nhiệm thực hiện của tất cả các đơn vị tham gia trong chuỗi giá trị bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị phát triển sản phẩm, công ty chế biến, sản xuất, đóng gói, nông dân và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn MRL hiện không đồng nhất giữa các quốc gia, dữ liệu thường xuyên cập nhật và việc truy suất dữ liệu không thuận lợi cũng tạo thêm các khó khăn trong quá trình thực thi.
Lấy ví dụ về ngành chè – một trong các cây trồng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Bà Nguyễn Ánh Hồng, Tổng Thư ký – Hiệp hội chè Việt Nam chia sẻ: “Việc sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV là cần thiết và các nước nhập khẩu cũng không cấm các sản phẩm chè sử dụng thuốc BVTV mà họ đưa ra các tiêu chuẩn về MRL. Điều quan trọng là cần nắm rõ các tiêu chuẩn này bởi có một số thuốc không cấm sử dụng trên chè tại Châu Âu nhưng hiện tại đang bị hạn chế sử dụng tại Việt Nam. Điều này sẽ gây trở ngại cho nông dân trong quá trình xử lý và canh tác để xử lý sâu bệnh. Ngoài ra, tiêu chuẩn MRL của Châu Âu thường thay đổi và cập nhật 6 tháng 1 lần, các cơ quan quản lý tại Việt Nam hiện tại đã rất chủ động trong việc theo dõi các thông tin này, tuy vậy chúng tôi vẫn mong muốn quá trình công bố, khuyến cáo các thông tin này tới nông dân hiệu quả hơn để tạo sự chủ động cho nông dân, cơ sở sản xuất và các đơn vị xuất khấu, tránh gián đoạn.”
Một trong các cách tiếp cận đang thảo luận hiện nay trên thế giới và ngay tại hội thảo là hài hòa hóa tiêu chuẩn MRL giữa các nước và trong khu vực. Cách tiếp cận này cho phép các nước có gói dữ liệu chung, công nhận kết quả thử nghiệm lẫn nhau và cùng áp dụng chung các mức dư lượng. Thực hiện được điều này một mặt tạo thuận lợi cho quá trình thương mại quốc tế, giúp khuyến khích các công ty phát triển đăng ký sản phẩm mớI từ đó nông dân có cơ hội tiếp cận thêm các sản phẩm và công cụ kiểm soát dịch hại cây trồng tiên tiến; mặt khác giảm đáng kể kinh phí và thời gian tiến hành các nghiên cứu – thử nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các quốc gia trong quá trình quản lý. Một số khu vực đã triển khai thành công mô hình này là khối các nước OECD, Đông Phi…
Một trong các giải pháp quan trọng khác được các diễn giả thống nhất đó là tăng cường vai trò hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước và đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn nông dân sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV đúng cách, an toàn và theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật được đặt ra. Ông Joroen Pasman – Giám đốc Xuất khẩu, công ty the Fruit Republic chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng và quản lý quy trình khép kín trong sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV khi làm việc với nông dân trồng hoa quả tại Việt Nam. Việc sử dụng thuốc BVTV là cần thiết quan trọng là nông dân sử dụng các công cụ đó đúng cách. Các nhân viên kỹ thuật của chúng tôi sẽ làm việc hàng ngày với từng nông hộ nhỏ, hướng dẫn họ chọn giống, các sản phẩm thuốc phù hợp, hướng dẫn phun thuốc và cách li đúng tiêu chuẩn… để đảm bảo rằng các sản phẩm rau quả sau khi thu hoạch và đóng gói luôn đáp ứng các chuẩn kỹ thuật để xuất khẩu sang các thị trường như Châu Âu. Chúng tôi cho rằng nhân rộng những mô hình này sẽ từng bước giúp nông dân Việt Nam có được thói quen và thực hành nông nghiệp an toàn và hiệu quả.”
“Việt Nam là đang trong quá trình hội nhập, 25 triệu nông hộ của Việt Nam không chỉ đang tạo đủ lương thực cho 100 triệu người dân trong nước mà còn giúp tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào hơn cho dân số toàn cầu khi các sản phẩm nông sản Việt đang có mặt tại khắp nơi trên thế giới. Nông dân luôn là trọng tâm trong các hoạt động của CropLife. Chúng tôi mong muốn nông dân Việt Nam giống như nông dân tại Mỹ hay Châu Âu có thể nắm bắt và sử dụng các giải pháp bảo vệ thực vật tiên tiến một cách kịp thời – đây là một trong các giải pháp nhằm tăng tính cạnh tranh trong sản xuất nông sản của Việt Nam với các nước. Song song với đó, trọng tâm hoạt động quan trọng của CropLife và các công ty thành viên là hướng dẫn nông dân sử dụng các sản phẩm đó một cách có trách nhiệm và đúng tiêu chuẩn. Chúng tôi tin rằng khi nông dân cảm thấy thuận tiện trong canh tác, các giá trị mang lại cho họ nhiều hơn, họ sẽ tiếp tục sản xuất nhiều hơn các sản phẩm an toàn, chất lượng cao cho thị trường.” – Tiến sỹ Tan Siang Hee – Giám đốc CropLife Châu Á chia sẻ.
Bình luận