Tại sự kiện Lễ Trao giải Lương thực Thế giới (World Food Prize) vào tháng 11 tại Bang Iowa, Hoa Kỳ, trong khuôn khổ Hội nghị Đối thoại Borlaug, CropLife Quốc tế đã chủ trì một phiên thảo luận bên lền để giới thiệu về việc ứng dụng công nghệ Thực tế Ảo (VR) trong việc tập huấn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, hiệu quả. Trong phiên thảo luận, CropLife đã chiếu video giới thiệu chương trình tập huấn sử dụng công cụ này tại Thái Lan – xem video tại đây.
Khám phá công nghệ thực tế ảo để tập huấn nông dân
Công nghệ thực tế ảo (VR – Virtual Reality) hiện nay không chỉ giới hạn tính ứng dụng của nó trong ngành công nghiệp trò chơi (game). Với sự hỗ trợ của thiết bị điện thoại thông minh và kính thực tế ảo, nông dân Thái Lan gần đây đã được trải nghiệm phương thức tập huấn bằng công nghệ này về các phương thức thực hành tốt trong sử dụng thuốc BVTV – một cấu phần quan trọng trong việc quản lý các sản phẩm thuốc BVTV theo vòng đời (stewardship).
Thiết bị kính thực tế ảo cung cấp trải nghiệm 360 độ, giúp nông dân hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới vật lý bên ngoài và chìm đắm vào không gian trang trại mô phỏng số hoá. Khi đeo kính, nông dân sẽ sử dụng ánh mắt để điều khiển. Những lựa chọn sẽ xuất hiện trong không gian mô phỏng để họ có thể lựa chọn tương tự như khi chơi các trò chơi điện tử. Quá trình sử dụng thiết bị của họ sẽ được theo dõi trên nền tảng trực tuyến cho phép thu nhận phản hồi nhanh chóng và loại bớt các bài kiểm tra để đánh giá mức độ tiếp nhận của nông dân với các nguyên tắc sử dụng thuốc an toàn cũng như cách thức sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE)
Aditya Walia chia sẻ “Khi cần đào tạo các kỹ năng vận động, công nghệ VR luôn vượt trội hơn so với các công nghệ khác, ngoại trừ đào tạo trực tiếp ngoài đời thực. Công nghệ thực tế ảo cũng có ích trong việc giúp nông dân nhớ các kiến thức lâu hơn.” Aditya Walia hiện là Tổng giám đốc điều hành của công ty HindXR có trụ sở tại New Delhi. Ông là người thiết kế chương trình đào tạo thực tế ảo, tạo ra ứng dụng để học viên xem và tương tác với nội dung đào tạo cũng như cung cấp hệ thống quản lý nội dung để tích hợp nội dung vào điện thoại thông minh.
Dana Farbo, nhà sáng lập Immersive LD có trụ sở tại New York và cũng là người chuyển đổi giáo trình đào tạo truyền thống của CropLife Quốc tế về sử dụng thuốc BVTV sang định dạng thực tế ảo cho biết thêm “Bạn cứ hình dung rằng bạn có thể học cách điều khiển một chiếc máy gặt đập liên hợp mới tinh trước khi bạn đặt chân vào máy. Chúng tôi cho rằng công nghệ VR đang dần trở thành một công cụ đào tạo mới cho tất cả các khía cạnh của nông nghiệp, từ những kiến thức chuyên môn về thiết bị đến việc phun thuốc BVTV.”
Farbo và Walia đã hợp tác với nhau từ năm 2017 để hiện thực hóa tầm nhìn chung của họ về việc tích hợp phương pháp học tập nhập vai (immersive learning) trong cuộc sống hàng ngày. Farbo cũng giải thích “Công nghệ VR đem lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc giúp người học ghi nhớ tốt hơn và rút ngắn thời gian nắm bắt một kỹ năng nào đó. Công nghệ này đã ghi nhận tỷ lệ ghi nhớ lên đến 80% sau một năm kể từ khi bắt đầu quá trình tập huấn.”
Cơ hội học từ xa cho nông dân
Đào tạo VR cũng đem lại nhiều lợi ích khác như giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân sự đào tạo và giảm thiểu chi phí hậu cần khi tổ chức các lớp đào tạo trực tiếp, đặc biệt là khi học viên phải di chuyển đến địa điểm tập huấn. Khi sử dụng công nghệ này, nông dân có thể học học tập từ xa hoặc tập hợp thành những nhóm nhỏ tại cộng đồng để học tập cùng nhau. Walia cho rằng, “Khi nông dân học được cách sử dụng thiết bị VR, họ hoàn toàn có thể tham gia tập huấn và làm việc một mình.”
Vì học viên có thể giữ trạng thái truy cập vào chương trình đào tạo thông qua điện thoại, họ có thể ôn lại kiến thức hoặc chia sẻ với người khác. Điều này giúp việc tập huấn hiệu quả và có tác động rộng hơn. Tính năng nhập vai của công nghệ thực tế ảo cũng giúp nâng cao đáng kể chất lượng tập huấn.
Theo Fabro “Học tập nhập vai có thể tích hợp nhiều kỹ thuật học tập truyền thống khác nhau ví dụ các câu hỏi nhanh 2D, hình ảnh tĩnh và video. Phương pháp này cũng tạo ra những tính năng mới để thu hút học viên, như tác động lên các giác quan (xúc giác) giúp học viên cảm nhận rung động hoặc những cú sốc nhỏ khi lựa chọn sử dụng bộ đồ bảo hộ toàn thân.Chúng tôi xem xét nhiều yếu tố khác nhau để xác định kịch bản đào tạo và cách tốt nhất để tương tác với người học. Những câu chuyện được xây dựng dựa trên mức độ nhập vai mong muốn và những hạn chế về công nghệ của học viên, chẳng hạn như tốc độ đường truyền internet và các nguyên nhân khách quan khác. Chúng tôi tránh tạo ra những nội dung quá phức tạp và thay vào đó tạo ra những giáo trình đào tạo ngắn gọn, dễ hiểu. Chúng tôi thấy rằng việc học nhập vai bằng các thiết bị VR phát huy hiệu quả tối đa khi chương trình học được chia nhỏ. Lý do là vì học viên không muốn phải đeo thiết bị VR trong thời gian dài.”
Waila cũng bổ sung thêm “Nội dung thể hiện qua công nghệ VR phải thật sắc nét, có độ tương tác cao, có tính hình ảnh nhiều hơn với ít lý thuyết và nhiều hơn phần thực hành.”
Vượt lên trên công nghệ: Thúc đẩy môi trường hợp tác
Farbo đề cập rằng khóa đào tạo VR cũng bao gồm “yếu tố hành vi, trong đó chúng tôi cố gắng tạo ra hiệu ứng gây sốc mà không khiến việc học trở thành trải nghiệm đáng sợ. Ví dụ, trong giáo trình học đầu tiên về sử dụng PPE đúng cách, chúng tôi đã thêm một cảnh ở đầu khoá học mô phỏng việc các giọt thuốc BVTV bắn lên màn hình của thiết bị để nhấn mạnh thông điệp rằng thuốc BVTV có thể phun trúng người nông dân nếu họ không xử lý cẩn thận. Chúng tôi không muốn khiến học viên sợ hãi, nhưng học viên cần hiểu tầm quan trọng của việc mặc đồ bảo hộ“.
Để dẫn chứng, Walia đã kể lại câu chuyện của một nông dân có vấn đề về mắt và chưa bao giờ thấy việc đeo kính bảo hộ khi sử dụng thuốc BVTV là quan trọng. Tuy vậy, sau khi tham gia khóa đào tạo VR, anh chia sẻ với Walia rằng anh đã hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc này và sẽ phổ biến thông tin đã học đến với cộng đồng của mình. Walia rất vui mừng trước thay đổi này cũng như khi được nhìn thấy “nụ cười trên khuôn mặt của những người nông dân trong suốt khóa đào tạo. Các nội dung học mô phỏng trò chơi thực sự thu hút học viên và cũng góp phần thúc đẩy bầu không khí hợp tác khi những nông dân học nhanh sẽ giúp đỡ người học chậm hơn. Đó là điều mà chúng tôi không ngờ tới”. Theo ông “VR cũnglà một công cụ để thu hút thế hệ nông dân trẻ – những người luôn theo sát với công nghệ”.
Giảm chi phí và mở rộng phạm vi tiếp cận
Hạn chế lớn nhất hiện nay đối với việc áp dụng rộng rãi chương trình tập huấn VR là chi phí phát triển các giáo trình đào tạo và phân phối các thiết bị như bộ kính thực tế ảo một cách phù hợp. Hệ thống của HindXR đã cắt giảm chi phí của bộ kính VR từ 250 – 400 USD xuống chỉ còn 7 USD bằng cách tích hợp dữ liệu bài học vào điện thoại thông minh. Chi phí có thể sẽ được giảm thêm nếu chương trình tập huấn VR được mở rộng.
Walia cho biết “CropLife Quốc tế là tổ chức tiên phong trong việc áp dụng công nghệ này”. Ông cũng cho rằng chương trình tập huấn VR cũng đang thu hút sự chú ý trong các ngành công nghiệp khác như y tế, xây dựng, hàng không vũ trụ và ô tô, đồng thời nhấn mạnh “VR đang trở thành xu hướng của thị trường và CropLife đã nhanh chóng nắm bắt và phát triển cùng với công nghệ này”.
Tiến sĩ Andrew Ward, Giám đốc chương trình Stewardship của CropLife Quốc tế cho biết “Mỗi ngày, nông dân và môi trường đều phải chịu thiệt hại vì không thể tiếp cận kiến thức cần thiết. Chúng tôi muốn hành động nhanh chóng. Chúng tôi muốn học hỏi và làm việc với những nhiều người khác nhau để đảm bảo rằng nếu đây là một công cụ có giá trị, thì tất cả nông dân ở khắp mọi nơi đều có thể tiếp cận được”.
Phản ứng tích cực và triển vọng trong tương lai
CropLife Quốc tế đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp Thái Lan, Bộ Khuyến nông, Đại học Kasetsart, Cơ quan Đổi mới Quốc gia, GIZ, Global G.A.P. cũng như tổ chức liên kết của chính họ là TAITA để cung cấp chương trình tập huấn. Họ đã tổ chức một buổi tập huấn tại miền bắc Thái Lan và một buổi tại Bangkok. Waila cho biết: “Dựa trên các phản hồi mà chúng tôi nhận được, chúng tôi sẽ nâng cấp một số tính năng như tăng kích thước phông chữ của văn bản và bổ sung tùy chọn ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Thái”.
Sau phiên họp trao đổi với các quan chức nông nghiệp của Thái Lan, các quan chức và đại diện từ các tổ chức đối tác đã đưa ra các ý tưởng về chương trình giảng dạy mới có thể được áp dụng cho nông dân trên khắp cả nước, ví dụ như quản lý hiệu quả bệnh cây trồng, cách điều khiển thiết bị không người lái và nâng cao hiểu biết về các loại bệnh cây trồng.
Ông Ward cũng cho biết: “Chúng tôi đang tổng hợp phản hồi nhưng nhìn chung mọi người rất phấn khích trước tiềm năng của phương pháp tập huấn nông dân bằng công nghệ thực tế ảo”. Theo ông, các công ty thành viên của CropLife Quốc tế và mạng lưới toàn cầu các hiệp hội khu vực và quốc gia hiện đang đào tạo hơn 20 triệu nông dân hàng năm về các thực hành nông nghiệp tốt và quản lý thuốc BVTV một cách an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm.
Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong tập huấn tạo ra cơ hội có 1-0-2 để đào tạo và giúp nông dân trang bị kiến thức canh tác tốt hơn.
—
Bình luận