Trò chuyện với một số nông dân trên khắp thế giới để hiểu tại sao cây trồng CNSH là lựa chọn tốt nhất, đồng thời giải thích lý do công nghệ này mang tính sống còn đối với nền nông nghiệp bền vững.
Những chuyên gia thực sự trong sản xuất thực phẩm chính là nông dân, những chăm sóc cây trồng và vật nuôi – nguồn dinh dưỡng mà tất cả chúng ta đều phụ thuộc. Nhưng trong nhiều năm, cuộc đối thoại mở về nông nghiệp và công nghệ sinh học (CNSH) được chi phối bởi những tiếng nói khác, đó là các nhóm hoạt động môi trường với thái độ hoài nghi sâu sắc về kỹ thuật gen di truyền. Trong khi vẫn đang nhắn tin trên những chiếc iPhone đời mới nhất, các nhà hoạt động tại các tổ chức phi lợi nhuận như Tổ chức Hoà bình xanh hay Hiệp hội Người Tiêu dùng Hữu cơ vẫn hối thúc nông dân sử dụng các kỹ thuật có tuổi đời 100 năm mà chắcn không thể giúp sản xuất đủ thực phẩm để nuôi sống hàng tỷ người.
Cuộc đối thoại không cân xứng này đã và sẽ tiếp tục gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội. Tiếng nói của nông dân cần được lắng nghe; câu chuyện của họ về những vấn đề nghiêm trọng mà họ phải đối mặt cần được kể nhiều hơn. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển. Dưới bối cảnh như vậy, việc tiếp cận với những kỹ thuật mới nhất, bao gồm cây trồng biến đổi gen – BĐG (GMO) và chỉnh sửa gen, có thể cải thiện đáng kể khả năng của nông dân trên khắp thế giới để nuôi sống bản thân, gia đình và xã hội một cách có lợi và bền vững.
Tôi đã trò chuyện với một số nông dân trên khắp thế giới tại Hội thảo Bàn tròn Nông dân Toàn cầu, tổ chức bởi Trung tâm Phát triển Lúa mỳ và Ngô Thế giới (CIMMYT), đơn vị đã chứng minh một cách mạnh mẽ cây trồng CNSH là lựa chọn tốt nhất, đồng thời giải thích lý do người tiêu dùng, các nhà hoạt động và các chính trị gia nên cân nhắc tại sao công nghệ này mang tính sống còn đối với nền nông nghiệp bền vững.
Mexico
Gina Gutierrez là một nông dân thế hệ thứ 5 của một gia đình chăn nuôi bò sữa, đang trồng ngô, lúa mạch, đậu Hà Lan, tiểu hắc mạch và cỏ để ủ thức ăn đủ cho 480 con bò sữa, 380 con bê cái và bò cái cùng 60 con bò đực. Giá sữa giảm cùng chi phí vận hành tăng cao trong những năm gần đây đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của bà. Những công cụ như cây trồng BĐG sẽ giảm bớt một số gánh nặng về tài chính không đáng có này. Tuy nhiên, theo quy định nghiêm ngặt của Mexico, bà Gina không thể trồng cây trồng BĐG, và không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình này sẽ thay đổi một sớm một chiều. Nếu Gina có sự lựa chọn, bà ấy nói với tôi, mọi thứ sẽ khác:
“Nếu chúng tôi có thể tiếp cận được với cây trồng BĐG, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng chúng để có thể tận dụng những lợi ích mà chúng được tạo ra. Chúng tôi cho những con bò ăn khẩu phần được trộn lẫn từ đậu tương và ngô nhập khẩu từ Hoa Kỳ – đó là nguyên liệu BĐG. Chúng tôi nhập khẩu cây trồng BĐG và được phép cho gia súc ăn, và chúng tôi cũng ăn ngô BĐG, nhưng chúng tôi lại không được phép trồng nó. Chính phủ Mexico thường nói về việc tự chủ, nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu chúng tôi không bắt kịp được với những công cụ mới của thế giới. Tuy vậy, tôi vẫn mừng là chúng tôi vẫn được phép trao đổi, thương mại các sản phẩm này.”
“Chúng tôi cũng hoàn toàn mong muốn tích hợp những gen thích hợp trong nguồn gen vặt nuôi đang có có thể hạn chế sừng phát triển, bởi điều đó khiến việc chăn nuôi an toàn hơn, đặc biệt là chăn nuôi bò.”
Tôi đã hỏi Gina bà ấy nghĩ thế nào về cái gọi là “nông dân Facebook” – những nhà hoạt động chống BĐG thống lĩnh mạng xã hội, những người tuyên bố đại diện cho tiếng nói của người nông dân:
“Thật đáng thất vọng khi thấy họ đang có rất nhiều ảnh hưởng trong khi có thể họ chưa bao giờ đặt chân tới đồng ruộng, dành cả đêm trông chừng một con vật bị ốm hay đang chuyển dạ; sa sút sau khi mất mùa do một cơn bão hay bởi trời không mưa đủ. Giúp họ hiểu được những tình cảnh đó giống như yêu cầu một phép màu, việc kỳ vọng họ chấp nhận và hiểu ý nghĩa khoa học đằng sau công nghệ này chỉ là vô ích, nhưng tôi vẫn mong muốn họ sẽ hiểu được.
Nhưng bạn biết không? Tôi hy vọng họ không bao giờ bị đói, không bao giờ phải khổ sở. Tôi hy vọng họ tiếp tục an toàn bên trong ngôi nhà ấm áp dễ chịu và khô ráo, bởi tôi không nghĩ họ có thể đối mặt với tất cả những thách thức mà nông dân phải trải qua để nuôi sống dân số đang ngày càng phát triển. Tôi hy vọng họ không bao giờ phải mong chờ một công cụ mà có thể giúp họ cùng những người xung quanh giữ được sinh kế. Tiếng nói của họ lớn, nhưng tôi không nghĩ cơ bắp và ý chí của họ đủ mạnh mẽ để thức dậy hằng ngày, chăm sóc đàn vật nuôi và sống sót sau một ngày thu hoạch.
Nông dân rất mạnh mẽ và bền bỉ, và tôi mong trong tương lai gần, công việc của chúng tôi sẽ được trân trọng hơn, đồng thời có nhiều người hơn có thể hiểu chúng tôi đến từ đâu và tại sao chúng tôi làm công việc mà chúng tôi đang làm. Mọi người cần tin tưởng ở chúng tôi, tin vào khoa học và biết rằng, chúng tôi không phải đang ứng biến – chúng tôi đang nuôi sống thế giới.”
Ấn Độ
Thời tiết ngày càng khó dự đoán cũng là một mối đe doạ nghiêm trọng đối với nông nghiệp, theo Gaytri Devi – một nông dân Ấn Độ, người lớn lên trong nông trại gia đình tại một ngôi làng nhỏ, nơi hiện nay cô ấy vẫn tiếp tục trồng lúa mỳ và gạo. Lượng mưa lớn cùng hạn hán góp phần làm tăng chi phí lao động và phân bón, đồng thời làm giảm sản lượng.
Hiện tại Devi không canh tác cây trồng BĐG; không có giống lúa mỳ hay gạo CNSH nào được gieo trồng để đối phó với tình trạng khí hậu khắc nghiệt hiện nay, dù cả hai đều đang được phát triển. Nếu, hay khi những giống cây này sẵn có, Devi sẽ vui vẻ trồng chúng, cũng như các giống được phát triển sử dụng các kỹ thuật chọn tạo giống mới như chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 – miễn là chúng không làm tăng chi phí. Cô ấy nói cô ấy nhìn thấy rõ được giá trị của việc giảm thiểu ảnh hưởng biến đổi khí hậu thông qua công nghệ:
“Để đối phó với biến đổi khí hậu, chúng ta cần công nghệ có thể giúp chúng ta canh tác các loại cây trồng thực phẩm trong thời gian ngắn. Và với dân số đang phát triển, chúng ta cần CNSH để sản xuất nhiều thực phẩm hơn nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Nhưng ở cấp cơ sở, chúng ta cần nâng cao nhận thức giữa nông dân để họ có thể ứng dụng hiệu quả những đổi mới này. Vai trò của truyền thông là rất quan trọng trong việc tạo ra nhận thức này.”
Nigeria
Patience Koku là một nông dân người Nigeria và là người ủng hộ cho việc tiếp cận với các công nghệ mới nông nghiệp. Trong 12 năm qua, bà đã canh tác ngô, đậu đũa, đậu tương và gạo. Nhưng bà ấy thường chứng kiến sản lượng thu hoạch kém do cỏ dại, sâu bệnh, hạt giống và các nguyên liệu đầu vào (phân bón, thuốc BVTV) kém chất lượng.
Patience đang hồi hộp chờ đợi để trồng giống đậu đũa và bông Bt kháng sâu đầu tiên trong năm nay. Những cây trồng BĐG này có khả năng tự đề kháng chống lại những loại sâu bệnh gây thiệt hại nặng nề cho các nông trại trên khắp thế giới, đe doạ đến sinh kế của nông dân cùng gia đình của họ. Bà Patience đã mắt thấy tai nghe mối đe doạ đó nghiêm trọng như thế nào.
Người nông dân Nigeria ủng hộ công nghệ này cũng cởi mở với việc canh tác cây trồng được phát triển thông qua các kỹ thuật chọn tạo giống mới, miễn là chúng không gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người hoặc môi trường. Bà cho rằng những người chỉ trích công nghệ này nên dừng việc cố gắng nói thay cho người nông dân tại các quốc gia đang phát triển – những người cũng có tiếng nói riêng của họ:
“Tôi không hài lòng về điều này. Những người đó không có kết nối trực tiếp nào với những gì thực sự đang diễn ra trên đồng ruộng và bởi thế không biết nông dân cần gì. Người nông dân nên có quyền biện hộ cho họ. Tiếng nói của nông dân, không phải tiếng nói được uỷ nhiệm, mới là điều quan trọng.”
Bà ấy đặc biệt thất vọng với những nhà hoạt động, phát ngôn viên tự phong bởi những đe dọa có thể xảy do biến đổi khí hậu:
“Chúng tôi cần mọi công cụ sẵn có để chống lại biến đổi khí hậu. Các kỹ thuật nông nghiệp như kỹ thuật không-cày-xới cần được đẩy mạnh tại Nigeria. Các giống cây trồng chống hạn và có khả năng thích ứng tốt với khí hậu cũng cần có. Biểu đồ lượng mưa của chúng tôi đang thay đổi và mùa vụ có thể gieo trồng ngày càng ngắn lại. Tất cả các bên: chính phủ, nông dân, truyền thông, người tiêu dùng, các nhà khoa học và ngành công nghiệp – cần phải có mặt để giúp chúng tôi đối phó với những ảnh hưởng của sự quá trình nóng lên trên toàn cầu.”
Brazil
Yara de Geus canh tác đậu tương và ngô BĐG tại phía Nam bang Maranhão, Brazil. Bà hiện đang tiếp quản trang trại gia đình dưới sự hướng dẫn của cha, và nói rằng công nghệ sinh học là cần thiết để giúp điều hành hoạt động canh tác ra lợi nhuận:
“Đối với chúng tôi, canh tác nông nghiệp trong điều kiện nhiệt đới, việc sử dụng những công nghệ này rất quan trọng để ứng dụng chương trình kiểm soát dịch hại hiệu quả và hợp lý, đảm bảo sản lượng và chất lượng sản phẩm tốt hơn.”
De Geus tin rằng các kỹ thuật lai tạo mới mới chính là những công nghệ tuyệt vời sẽ tăng cường các tính trạng của cây trồng, đồng thời giúp cây trồng bà đang canh tác thích ứng với những điều kiện đặc trưng tại nông trại. Bình luận về những nhà hoạt động đang phổ biến thông tin sai lệch về CNSH, bà cho biết:
“Tôi nghĩ họ thật vô trách nhiệm và không biết gì về những thứ mà ngành nông nghiệp và sản xuất thực phẩm đang đòi hỏi. Không may thay, sự thiếu hiểu biết to lớn đó ảnh hưởng tới mọi người, khiến họ nghĩ rằng nông dân sử dụng công nghệ để làm điều gì đó xấu.”
De Geus cho biết thêm CNSH giúp nông dân tạo ra nhiều thực phẩm hơn với tác động môi trường hạn chế hơn. Nếu được hỏi sẽ cần gì, thì nông dân cần được thông tin nhiều hơn về những công cụ mới mà họ có thể chủ động lựa chọn.
“Nông dân cần được chuẩn bị. Chúng tôi cần được thông tin về các nghiên cứu mới nhất, được biết và chia sẻ với nhau. Chúng tôi cần sử dụng các công cụ bảo tồn đất kết hợp với các giống cây trồng mới thích nghi hơn để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, chống lại các dịch bệnh mới, chống chịu sâu hại và tối ưu hoá việc sử dụng chất dinh dưỡng.”
Kết luận
Nông dân là một lực lượng nền tảng của bất kỳ xã hội tiên tiến nào, và điều quan trọng là chúng ta hiểu được trải nghiệm của họ. Công việc của họ là một trong những lý do chính giúp chúng ta có thực phẩm trên bàn ăn mỗi ngày. Điều ít nhất chúng ta có thể làm là ghi nhận vai trò quan trọng của họ, đồng thời tôn trọng khả năng của họ trong việc đưa ra các quyết định sáng suốt. Vào cuối ngày, mục đích của tất cả nông dân là sản xuất đủ thực phẩm để nuôi sống mọi người – và chúng ta đều được hưởng lợi từ điều đó.
Bình luận