Một lệnh cấm toàn cầu về cây trồng biến đổi gien sẽ làm tăng giá lương thực và làm tăng thêm gần 1 tỷ tấn các-bon điôxit vào không khí.
Đây là kết quả một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Đại học Purdue.
Thông qua việc sử dụng một mô hình để đánh giá giá trị kinh tế và môi trường của cây trồng biến đổi gien, các nhà kinh tế nông nghiệp phát hiện ra rằng việc loại bỏ các cây ngô, đậu tương và bông biến đổi gien, thay thế vào đó là các giống cây thông thường trên toàn thế giới sẽ khiến chi phí lương thực thực phẩm tăng từ 0,27-2,2%, tùy thuộc vào khu vực, với các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng nhất. Theo nghiên cứu được công bố ngày 27/10/2016 trên tạp chí Bảo vệ môi trường, một lệnh cấm cây trồng biến đổi gien cũng sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực về môi trường: Việc chuyển đổi đồng cỏ và rừng thành đất trồng trọt để bù đắp cho tình trạng năng suất thấp hơn ở các giống cây trồng thông thường sẽ phát hành một lượng đáng kể các-bon vào khí quyển.
Ngược lại, nếu các nước đã trồng cây trồng biến đổi gien mở rộng việc sử dụng các loại cây trồng biến đổi gen để phù hợp với tốc độ trồng cây biến đổi gien ở Mỹ, phát thải khí nhà kính toàn cầu sẽ giảm 0,2 tỷ tấn các-bon điôxit và sẽ cho phép 0,8 triệu ha đất trồng trọt (khoảng 2 triệu mẫu Anh) được quay về trạng thái rừng và đồng cỏ.
Cây trồng biến đổi gien là nguồn gốc tranh cãi ở Mỹ và các nước khác, do một số người tin rằng cây trồng biến đổi gien gây ra những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường. Ba cơ quan quản lý của Mỹ là Bộ Nông nghiệp, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm và Cục Bảo vệ môi trường đã coi cây trồng biến đổi gien là thực phẩm an toàn. Nước Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc trồng các loại cây trồng biến đổi gien và phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp.
Nhưng ở nhiều nước châu Âu và châu Á, người tiêu dùng và các vấn đề kinh tế đã dẫn đến các quy định nghiêm ngặt về cây trồng biến đổi gien, với lệnh cấm một phần hoặc toàn phần về việc trồng cây biến đổi gien.
Mô hình này được thiết lập để đánh giá giá nông sản năm 2011, sản lượng và điều kiện phát triển và bao gồm nhiều hiệu ứng như sự thay đổi của một ngành tác động đến các ngành khác như thế nào.
Mô hình GTAP-BIO dự đoán mức tăng khiêm tốn và các vùng cụ thể sẽ trải qua tình trạng chi phí lương thực tổng thể tăng khi có lệnh cấm cây trồng biến đổi gien toàn cầu do các loại cây trồng không biến đổi gien có năng suất thấp hơn. Tyner nói người dân ở các vùng nghèo sẽ phải chịu gánh nặng nhất của việc tăng giá, do họ phải chi tiêu khoảng 70% thu nhập vào thực phẩm, so với khoảng 10% tại Mỹ.
Các nước xuất khẩu nông sản sẽ đạt được lợi nhuận kinh tế do việc tăng giá thực phẩm, trong khi các nước nhập khẩu nông sản sẽ bị bất lợi. Kết quả là, nước Mỹ mặc dù là nước trồng cây trồng biến đổi gien nhiều nhất, sẽ được lợi khi có lệnh cấm cây trồng biến đổi gien vì nước này là nước xuất khẩu nông sản. Trung Quốc, nước nhập khẩu nông sản chính, sẽ phải chịu tổn thất là 3,63 tỷ USD.
Việc cấm các loại cây trồng biến đổi gien cũng sẽ dẫn đến sự gia tăng diện tích đất trồng toàn cầu là 3,1 triệu ha (khoảng 7,7 triệu mẫu Anh) để bù đắp cho tình trạng sản lượng thấp hơn ở các giống cây trồng thông thường. Việc chuyển đổi rừng và đồng cỏ thành đất nông nghiệp là một quá trình gây tác động lớn đến môi trường, giải phóng các-bon được lưu giữ trong cây rừng và đất, và việc mở rộng đất trồng trọt sẽ tăng thêm 0,92 tỷ tấn các-bon điôxit vào khí quyển.
Nguyễn Minh Thu
Bình luận