Ngày 22/5, tại Hà Nội đã diễn ra “Diễn đàn Đối tác bảo tồn đa dạng sinh học – Kỷ niệm 25 năm đồng hành cùng Công ước đa dạng sinh học”. Sự kiện này do Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) và Tổ chức CropLife Việt Nam tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2018 (Kỷ niệm 25 năm đồng hành cùng Công ước Đa dạng sinh học) và hướng tới mục tiêu tăng cường mối quan hệ đối tác trong bảo tồn đa dạng sinh học.
Phát biểu khai mạc của Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho biết, Công ước Đa dạng sinh học được thông qua tại Hội Nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển bền vững năm 1992 tại Rio de Janero (Brazin) và chính thức có hiệu lực từ ngày 29 tháng 12 năm 1993. Đây là văn bản đầu tiên có tính pháp lý trên phạm vi toàn cầu về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học với 03 mục tiêu chính: i) bảo tồn đa dạng sinh học; ii) sử dụng bền vững các thành phần của đa dạng sinh học; iii) chia sẻ công bằng và hợp lý những lợi ích thu được từ việc sử dụng tài nguyên sinh học.
Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước. Ngày 17 tháng 10 năm 1994. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm làm đầu mối quốc gia thực hiện Công ước này. Đến nay trên phạm vi toàn cầu có 196 quốc gia là thành viên của Công ước. Trong vòng ¼ thế kỷ đồng hành cùng Công ước đa dạng sinh học, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công cuộc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Trên cơ sở các định hướng của Công ước đối với các mục tiêu bảo tồn, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống các cơ quan quản lý, khung chính sách và pháp luật về đa dạng sinh học; hệ thống các khu bảo tồn đã được thành lập; các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm được bảo vệ bằng pháp luật và thông qua các chương trình hành động; tiếp thu và đẩy mạnh thực hiện các vấn đề mới của bảo tồn đa dạng sinh học như an toàn sinh học, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích có được từ việc sử dụng nguồn gen…. Bên cạnh đó, nhận thức về tầm quan trọng và vai trò của đa dạng sinh học đối với cuộc sống và phát triển bền vững đất nước ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ TN&MT, Việt Nam vẫn là 1 trong 10 điểm nóng toàn cầu về đa dạng sinh học, trong đó đáng chú ý là sự suy giảm nhanh chóng đa dạng sinh học rừng. Nguyên nhân được xác định là do áp lực tăng dân số, khai thác quá mức các nguồn đa dạng sinh học, tác động của biến đổi khí hậu cũng như hệ thống quản lý nhà nước về đa dạng sinh học chưa thống nhất.
Tại hội thảo các đại biểu đã cùng thảo luận về chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và huy động các nguồn lực để cùng chính phủ Việt Nam sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái. Nhìn lại 25 năm đồng hành cùng Công ước Đa dạng sinh học; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và những thành tựu trong hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học; trao đổi về những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, các đại biểu cũng đã ghi nhận thành quả đạt được của Việt Nam trong 25 năm đồng hành cùng Công ước đa dạng sinh học, tiêu biểu là: thành lập hệ thống các khu bảo tồn, bảo vệ các loài động thực vật nguy cấp bằng pháp luật và các chương trình hành động, chia sẻ sử dụng nguồn gen, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và vai trò của đa dạng sinh học.
Mai Chi
Bình luận