Trước sự kiện Tổng thống Bolivia công bố một số giải pháp nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng kinh tế trong nước, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế của bang Tarija đã lên tiếng ủng hộ sử dụng hạt giống biến đổi gen/ chuyển gen (BĐG) nhằm cải thiện năng suất cây trồng, từ đó gia tăng dòng chảy ngoại tệ về cho đất nước. Dưới đây là tóm lược những nguyên nhân và giải pháp mà tổng thống Bolivia đã đưa ra để giải quyết khủng hoảng kinh tế đang diễn ra tại nước này.
Nguyên nhân cuộc khủng hoảng và tình trạng thiếu hụt đồng đô la
- Sự suy thoái của ngành Hoá dầu
Sản lượng hoá dầu sụt giảm mạnh trong bối cảnh giá trị sản xuất dầu mỏ giảm phi mã tới 54% trong khi khí đốt tự nhiên giảm tới 40% trong giai đoạn 2014 – 2023. Đồng thời, xuất khẩu khí đốt tự nhiên cũng giảm mạnh tới 54% tổng khối lượng 66% giá trị xuất khẩu.
Dẫu vậy, vị lãnh đạo đương nhiệm của Bolivia, vốn từng nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Kinh tế lại không đề cập tới thực trạng không có bất kỳ mỏ hóa dầu quy mô lớn nào được xây dựng trong suốt giai đoạn chính quyền Đảng Cộng hòa (MAS) lên nắm quyền. Tình trạng suy thoái, trong sản xuất và xuất khẩu hoá dầu đã làm sụt giảm đáng kể nguồn thu ngoại tệ. Điều này không chỉ là hậu quả của việc thiếu biện pháp ứng phó, mà còn là hệ quả của chính sách pháp luật yếu kém trong quản lý ngành hoá dầu, vốn thiếu hấp dẫn đối với các công ty và đầu tư trong lĩnh vực Năng lượng.
- Tăng nhập khẩu nhiên liệu
Năm 2014, 8,5 triệu thùng xăng được tiêu thụ trong nước, trong đó 78% được sản xuất trong nước và 22% được nhập khẩu. Năm 2023, 14,5 triệu thùng xăng được tiêu thụ, nhưng chỉ có 44% được sản xuất trong nước và 56% được nhập khẩu. Đối với dầu diesel, số lượng tiêu thụ năm 2014 là 11,4 triệu thùng, trong đó 50% được sản xuất trong nước. Năm 2023, con số đã thay đổi, 15 triệu thùng dầu diesel đã được tiêu thụ, trong đó lượng nhập khẩu chiếm đến 86%. Nói cách khác, nhập khẩu nhiên liệu đã tăng 128% trong giai đoạn 2014-2023, từ 1,11 tỷ đô la Mỹ lên 2,881 tỷ đô la Mỹ, tăng 160%.
Dù có tác động tương đối của việc tăng giá dầu trên thị trường quốc tế và mức tiêu thụ cao hơn từ các khu vực công và tư trong nước, sự gia tăng nhập khẩu nhiên liệu chủ yếu bắt nguồn từ chính sách trợ giá. Sự gia tăng này có thể được giải thích bởi sự sụt giảm trong sản xuất hydrocarbon quốc gia, tuy nhiên nguyên nhân chính là do xăng và dầu diesel rất rẻ, vô hình chung đã thúc đẩy hành vi buôn lậu, bất hợp pháp và tiêu thụ trong xe ô tô cũ kém chất lượng. Điều này tạo ra nhu cầu tăng, dẫn đến việc nhập khẩu chiếm khoảng 40% trong tổng cán cân thương mại.
Nhập khẩu nhiều hơn đồng nghĩa với dòng tiền đô la chảy ra nhiều hơn và do đó chi tiêu công tăng là một điều khá dễ hiểu. Nhập khẩu ít hơn đồng nghĩa với sản xuất nhiên liệu trong nước nhiều hơn và thương mại, sử dụng nhiên liệu bất hợp pháp giảm. Có vẻ chính phủ đã quên áp dụng công thức này trong nhiều năm. Nhưng giải quyết vấn đề về trợ cấp nhiên liệu là giải pháp then chốt để giảm bớt một phần chi tiêu tài chính và trên hết là hạn chế những méo mó gây ra cho nền kinh tế Bolivia.
Tóm lại, doanh thu ngoại tệ từ xuất khẩu khí đốt tự nhiên giảm, chi tiêu ngoại tệ tăng do nhập khẩu nhiên liệu tăng, dẫn đến thâm hụt lớn về thương mại và tài chính. Nhưng ngay cả như vậy, các vấn đề về cơ cấu vẫn chưa được giải quyết triệt để.
- Hiệu suất thấp của khu vực tư nhân trong thương mại quốc tế
Vấn đề này đã được đề cập trong các cuộc thảo luận về việc sử dụng ngoại tệ để tài trợ cho thâm hụt thương mại của khu vực tư nhân. Ví dụ, vào năm 2013, khu vực công có cán cân thương mại là 5.007 triệu đô la Mỹ, trong khi khu vực tư nhân có (-) 2.665 triệu đô la Mỹ, với cán cân toàn cầu là 2.673 triệu đô la Mỹ. Vào năm 2023, cán cân thương mại của khu vực công là (-) 707 triệu đô la Mỹ, và khu vực tư nhân là (-) 2.349 triệu đô la Mỹ, với cán cân toàn cầu là âm 571 triệu đô la Mỹ.
Hiểu theo cách nào đó, chính phủ đã quy trách nhiệm cho sự thiếu hụt đồng đô la là do sự kém hiệu quả của khu vực tư nhân, khu vực mà từ năm 2007, theo số liệu được trình bày, đã nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu tính theo giá trị đồng đô la, khiến nhà nước đã phải bù đắp sự chênh lệch này. Điều này khả thi trong giai đoạn kinh tế thịnh vượng và doanh thu cao từ xuất khẩu khí đốt tự nhiên, nhưng kể từ năm 2015, cán cân tổng thể đã ghi nhận âm, do tác động tiêu cực từ cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân.
Khu vực công vốn chịu trách nhiệm sản xuất và xuất khẩu hydrocarbon đang suy giảm, vì vậy trách nhiệm nên được chia sẻ giữa các bên liên quan. Bên cạnh đó, khu vực công cũng trở thành nhà nhập khẩu đô la lớn đối với nhiên liệu và tư liệu sản xuất hoặc đầu vào cho hơn 100 công ty nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc chi tiêu công đang lớn hơn so với nguồn thu. Vì vậy, việc xem xét hai mặt của vấn đề là cần thiết.
- Sự suy thoái của nền kinh tế
Theo chính phủ, có dấu hiệu của thủ đoạn phá hoại kinh tế do có 1.076,6 triệu đô la tín dụng bên ngoài đang bị chặn lại bởi các vấn đề chính trị, cho đến nay vẫn chưa được Hội đồng Lập pháp Đa quốc gia phê duyệt. Tuy nhiên, những khoản này được hiểu là sẽ được sử dụng vào mục đích tài trợ tài trợ cho đầu tư công, chứ không phải để nhập khẩu nhiên liệu, thanh toán dịch vụ nợ nước ngoài, hoặc để chuyển cho khu vực tư nhân thông qua các quỹ tín thác. Do đó, các nguồn lực này mặc dù có thể thúc đẩy và/hoặc tái kích hoạt nền kinh tế quốc gia, nhưng chúng sẽ không giải quyết được các vấn đề thiếu hụt thanh khoản bằng đồng đô la trong khu vực công hoặc khu vực tư nhân, ít nhất là trong ngắn hạn.
- Dòng vốn ròng của nợ nước ngoài
Chính phủ quốc gia cho rằng rằng trong năm 2023, dòng vốn ròng của nợ nước ngoài là -364 triệu đô la và cho đến tháng 8 năm 2024, dòng vốn tích lũy cũng là âm, đạt 715 triệu đô la Mỹ. Nguyên nhân là do thanh toán dịch vụ nợ nước ngoài lớn hơn các khoản giải ngân tín dụng nước ngoài. Điều này liên quan đến điểm đã đề cập trước đó, vì có nhiều khoản vay từ các tổ chức quốc tế chưa được phê duyệt hoặc giải ngân. Cần nhấn mạnh rằng điều này không đảm bảo sẽ đưa quốc gia thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, vì các khoản tín dụng nước ngoài nên được dùng vào mục đích đầu tư công, giáo dục, y tế, v.v., chứ không phải để tài trợ cho các khoản chi tiêu hiện tại như ghi nhận trong báo cáo của BCB về dự trữ ngoại hối ròng của Bolivia.
- Giá dầu tăng
Tương tự, theo chính phủ Bolivia, giá dầu mỏ tăng cũng có tác động tiêu cực đến chi tiêu cho nhập khẩu nhiên liệu. Cụ thể, giá dầu tăng 50 đô la Mỹ một thùng từ năm 2015 đến 2022 và giá quốc tế trung bình là 80 đô la Mỹ từ năm 2021 đến 2024. Tuy trên thực tế giá dầu quốc tế tăng sẽ khiến chi tiêu cho nhập khẩu nhiên liệu tăng theo, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc chi tiêu nhiều hơn cho việc nhập khẩu nhiên liệu, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhu cầu với dầu diesel và xăng vượt cung là do trợ cấp nhiên liệu và những hệ lụy kéo theo được giải thích trước đó. Do đó, vấn đề mang tính cấu trúc này cả về tài khóa và tiền tệ không hoàn toàn bị chi phối bởi thị trường dầu mỏ.
- Nhập khẩu lạm phát và bối cảnh quốc tế
Giải thích cho vấn đề này, tổng thống đề cập đến việc tăng giá dịch vụ vận tải container. Từ năm 2012 đến năm 2020, dịch vụ vận chuyển có chi phí trung bình là từ 1.800 đến 2.000 đô la Mỹ trên một container. Tình hình này đã thay đổi hoàn toàn vào tháng 9 năm 2021 khi giá dịch vụ tăng lên 10.375 đô la Mỹ, sau đó vào cuối tháng 12 năm 2022 lên 1.521 đô la Mỹ và vào tháng 7 năm 2024, giá lại tăng lên 5.937 đô la Mỹ.
Một điều dễ thấy là tại thời điểm trong và sau đại dịch covid, chi phí vận chuyển bằng container đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại quốc tế của Bolivia. Chi phí cao hơn đã dẫn đến giá cả của các mặt hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa cũng tăng cao.
Tương tự, trong bài phát biểu của mình, tổng thống cũng nhắc đến sự gia tăng của chỉ số giá thực phẩm và đồ uống, vốn đã đạt gần 150 điểm vào năm 2022 và cho đến năm nay vẫn ở mức gần 135 điểm. Bên cạnh đó, ông còn chỉ ra đến sự gia tăng của chỉ số giá đầu vào công nghiệp, bắt đầu tăng vào năm 2016, đến năm 2024 đã gần đạt 160 điểm. Cuối cùng, ông đưa ra thông tin về lạm phát toàn cầu, từ mức 2,9% năm 2020 đến 6,7% vào năm 2023.
Không thể phủ nhận những ảnh hưởng của bối cảnh quốc tế vì sau đại dịch, áp lực lạm phát trên toàn cầu vẫn không ngừng gia tăng và Bolivia không nằm ngoài khu vực chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, tình hình lạm phát hiện tại ở Bolivia đã vượt gấp đôi lạm phát năm 2023 với tỷ lệ tích lũy tính đến tháng 8 năm 2024 là 4,61%. Nguyên nhân chính là tình trạng thiếu hụt đồng đô la, dẫn đến tỷ giá hối đoái cũng như chi phí nhập khẩu hàng hóa trung gian và cuối cùng cao hơn, trong đó có cả hàng hóa nhập lậu. Đúng vậy, chi phí và giá sản phẩm quốc tế có tăng, nhưng giá đô la chợ đen và giá các sản phẩm được bán trên thị trường nội địa thậm chí còn tăng cao hơn.
- Biến đổi khí hậu & thời tiết cực đoan
Bên cạnh đó, một vấn đề được thảo luận khác là những tác động tiêu cực của các hiện tượng khí hậu như La Niña và El Niño đã gây ra hạn hán, sương giá hoặc lũ lụt cường độ mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp trong nước đặc biệt trong giai đoạn 2020 đến 2023. Vào năm 2024, hậu quả của chúng vẫn tiếp tục kéo dài và tác động mạnh đến sản xuất các mặt hàng chủ yếu như đậu nành, khiến thị trường nội địa tổn thương, xuất khẩu giảm và giá cả các mặt hàng lương thực bị đẩy lên cao.
Theo đó, giới học thuật Bolivia đã nhấn mạnh sự cấp thiết của việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp, cụ thể là sử dụng các giống cây BĐG để tăng cường sản lượng và năng suất cho ngành nông nghiệp của đất nước, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, tạo ra lượng nông sản dư thừa lớn để xuất khẩu. Qua đó, tạo ra dòng ngoại tệ mạnh hơn có lợi cho nền kinh tế của Bolivia.
Các giải pháp được đề xuất
- Phục hồi các hoạt động sản xuất trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên
Trong các giải pháp cấu trúc của chính phủ, tổng thống đề cập đến việc tái kích hoạt 56 giếng khoan dầu khí trên toàn lãnh thổ quốc gia. So sánh với chính phủ tiền nhiệm với số giếng thành công bằng 0, tổng thống nhấn mạnh trong thời gian ông cầm quyền, có 26 giếng được phê duyệt, 16 giếng đang được triển khai, trong đó có 6 giếng đạt kết quả tích cực, bao gồm cả Mayaya.
Chuyên gia cho rằng giếng này có tiềm năng lớn và có thể sẽ mang lại hiệu quả cho nền kinh tế Bolivia, mặc dù vẫn cần các nghiên cứu cụ thể hơn để xác định tiềm năng thực sự của nó, cả về thị trường nội địa lẫn thị trường quốc tế, đồng thời xem xét các yếu tố khác nhau bao gồm cả vị trí địa lý. Việc khẳng định giếng này sẽ giúp đưa Bolivia thoát khỏi khủng hoảng trong trung hạn là quá sớm, vì vấn đề bắt nguồn từ một vấn đề mang tính cấu trúc trong lĩnh vực dầu khí, với rất ít đầu tư từ YPFB và nguồn vốn nước ngoài không đến được do luật khí hydrocarbon hiện tại. Điều này cũng giải thích vì sao không có mỏ dầu khí lớn nào được phát hiện kể từ năm 2026.
- Sản xuất nhiên liệu sinh học
Việc triển khai hai nhà máy dầu diesel sinh học (biodiesel) cũng được đề cập. Cụ thể, một nhà máy ở Santa Cruz đã đi vào hoạt động với sản lượng 1.500 thùng dầu diesel mỗi ngày, và một nhà máy khác với cùng công suất đang được xây dựng tại La Paz. Chưa kể, có một nhà máy khác cũng tại Santa Cruz đang áp dụng công nghệ HVO (sử dụng dầu thực vật hydro hóa). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng để các nhà máy này hoạt động hiệu quả và bền vững, chúng cần nguồn cung nguyên liệu thô liên tục, bao gồm cả đậu nành. Thêm vào đó, mặc dù là nhiên liệu sinh học, hỗn hợp này vẫn yêu cầu ít nhất 50% dầu diesel. Do đó, để áp dụng công nghệ HVO, cần có sự tham gia mạnh mẽ và tích cực hơn từ ngành nông nghiệp Bolivia, cũng như việc ứng dụng công nghệ sinh học, tín dụng hoặc quỹ tín thác, các quy định pháp lý thuận lợi cùng khả năng thanh toán bằng đô la của cả khu vực công và tư để đối mặt với thách thức thay thế hàng nhập khẩu. Quá trình này dự kiến mất ít nhất 10 năm.
- Các biện pháp khuyến khích khu vực tư nhân cho nhà máy biodiesel (nhiên liệu sinh học)
Đã có đề cập đến các biện pháp khuyến khích khu vực tư nhân nhập khẩu máy móc và nhà máy để sản xuất biodiesel, với thuế nhập khẩu và VAT bằng 0. Bên cạnh đó, cũng có thảo luận về các quỹ tín thác nhằm tái khởi động và phát triển ngành công nghiệp trong nước.
Phân tích khả năng thực tế của khu vực tư nhân trong việc triển khai các nhà máy loại này cần dựa vào bối cảnh hiện tại. Rất ít công ty sẽ nhập khẩu loại thiết bị này vì nguồn ngoại tệ khan hiếm, chi phí cao, và việc đầu tư này đi kèm với rủi ro từ cả thị trường cung cấp lẫn thị trường tiêu thụ, trừ khi có các khoản tín dụng hấp dẫn và quy định phù hợp. Tuy nhiên, hiện tại đây không được coi là ưu tiên hàng đầu của khu vực tư nhân. Điều này cho thấy chính phủ vẫn đang gặp khó khăn về nguồn cung nhiên liệu và việc nhập khẩu nhiên liệu sẽ không được thay thế trong ngắn hạn. Nói cách khác, trước tiên, nền kinh tế cần phải ổn định.
- Thay thế nhập khẩu dầu diesel và các loại hàng nhập khẩu khác
Việc thay thế nhập khẩu dầu diesel cũng được đề xuất. Ước tính rằng với hai nhà máy biodiesel và nhà máy HVO, 60% lượng nhập khẩu nhiên liệu này sẽ được thay thế, với sản lượng từ các mỏ mới là 20% và từ ngành công nghiệp tư nhân là 10%. Nghĩa là, mục tiêu đến năm 2026 là sẽ thay thế 90% lượng nhập khẩu, chỉ còn nhập khẩu 10%. Đây là một dự án rất tham vọng so với tình hình kinh tế hiện tại và thời gian có hạn, đặc biệt là với điều kiện các yếu tố khác cần diễn ra suôn sẻ, từ các nhà máy nhà nước, nhà máy tư nhân đến sản lượng của các mỏ mới. Đây là một viễn cảnh không chắc chắn và không có gì đảm bảo, nguyên nhân như đã đề cập trước đó là nền kinh tế phải được ổn định ở mức độ vĩ mô trước khi đặt ra một mục tiêu không thể đạt được ngay cả khi có thặng dư ngoại tệ.
Cuối cùng, tổng thống cũng đề cập đến chính sách thay thế nhập khẩu thông qua các ưu đãi thuế đối với việc nhập khẩu và bán hàng hóa tư bản cũng như các nhà máy công nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Khoảng 70% trong tổng số sản phẩm người dân Bolivia tiêu thụ trong nền kinh tế hiện nay đều là hàng nhập khẩu, con số này có thể cao hơn nếu tính đến vấn đề buôn lậu. Quá trình thay thế nhập khẩu và công nghiệp hóa quốc gia cho đến nay vẫn chưa thành công; cần phải thay đổi mô hình kinh tế sao cho các điều kiện phát triển cho khu vực kinh doanh tư nhân được đáp ứng thông qua các khoản đầu tư trong nước hoặc nước ngoài.
Trong khi đó, chính phủ đang tìm cách tài trợ cho việc triển khai hơn 170 nhà máy công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, khiến chi tiêu công cũng như nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tư bản, công nghệ và nguyên liệu thô gia tăng, kéo theo đó là dòng vốn ngoại tệ thất thoát nhiều hơn. Chính phủ hiện tại có lẽ chưa nhận ra rằng, với tình hình kinh tế tại Bolivia, giải pháp tốt nhất không phải là tăng chi tiêu công mà là đầu tư thông minh hơn, đặc biệt là vào khu vực tư nhân, nơi những nguồn lực này sẽ được sử dụng một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Bình luận