Một cuộc khảo sát được tiến hành bởi Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế (International Food Information Council – IFIC) cho thấy hầu hết người tiêu dùng đều ủng hộ chính sách hiện tại về dán nhãn cho thực phẩm BĐG của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food and Drug Administration). Thêm vào đó, nhiều người còn cho biết họ chắc chắn sẽ mua thực phẩm được sản xuất bằng công nghệ biến đổi gen (BĐG) để thu được những lợi ích nhất định, như về dinh dưỡng.
Bất chấp tất cả những sự phản đối, các chương trình quảng cáo rùm beng, và việc đưa các thông tin gây nhiễu, không đúng sự thật về sự an toàn của các sản phẩm thực phẩm có chứa thành phần BĐG, đại đa số người tiêu dùng Mỹ không hề có ấn tượng gì về vấn đề này. Và họ cũng hoàn toàn thờ ơ trước đề xuất về việc nhãn nhãn thực phẩm phải ghi có sử dụng thành phần biến đổi gen.
Trong khoảng 16 năm qua, cuộc khảo sát liên tục cho thấy rằng đa số những người được hỏi – khi đã nắm được các thông tin cơ bản về những lợi thế về nông học và sức khỏe của công nghệ sinh học thực phẩm – đều đón nhận ý tưởng này, và đồng ý rằng truyền thông chính xác về công nghệ này có vai trò quan trọng trong việc định hướng và giúp họ lựa chọn mua thực phẩm một cách tốt hơn dựa trên cơ sở thông tin khoa học đầy đủ.
Chỉ có 4% người được hỏi trả lời họ đã muốn được biết thông tin về công nghệ sinh học hoặc những khái niệm có liên quan, đây là một con số cực kỳ thấp, khi xét đến toàn bộ chương trình quảng bá cho những nỗ lực về việc dán nhãn mác của Chính phủ.
Gần hai phần ba những người được hỏi cho biết họ ủng hộ chính sách hiện tại về dán nhãn cho thực phẩm BĐG của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Chính sách này chỉ yêu cầu dán nhãn khi công nghệ sinh học làm thay đổi đáng kể thành phần dinh dưỡng của thực phẩm, hay khi có một vấn đề tiềm ẩn về sự an toàn như dị ứng thức ăn.
“Nhiều năm vận động chính sách, bỏ phiếu cho các dự luật, và các chương trình quảng cáo dẫn dắt các thông tin sai về bản chất của công nghệ sinh học thực phẩm đã không làm ảnh hưởng nhiều đến sự ủng hộ của số đông công chúng đối với sách dán nhãn công nghệ sinh học của FDA”, Chủ tịch kiêm CEO của IFIC, ông David Schmidt cho biết.
Khoảng 71% người dân Mỹ nay đã có chút ít hiểu biết về công nghệ sinh học nông nghiệp, trong đó nhóm tuổi 18-34 có ấn tượng tốt hơn hẳn về công nghệ sinh học thực phẩm so với nhóm tuổi từ 35 trở lên.
Đa số trả lời họ chắc chắn sẽ mua thực phẩm được sản xuất bằng công nghệ sinh học vì nhiều lợi ích về dinh dưỡng – sức khỏe, và 72% chắc chắn sẽ mua thực phẩm được chế biến với dầu đã được biến đổi nhờ công nghệ sinh học để sản sinh ra nhiều chất béo có lợi cho sức khỏe hơn, như axit béo Omega-3. Hơn hai phần ba người được hỏi cho biết họ chắc chắn sẽ mua thực phẩm cải tiến nhờ công nghệ sinh học để giảm nguy cơ chứa chất gây ung thư, bảo vệ mùa màng khỏi sự tàn phá của sâu bệnh, và sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn.
7 trong số 10 người tiêu dùng tin rằng nông nghiệp hiện đại có thể bền vững nhờ sử dụng công cụ và trang thiết bị hiện đại, và rằng nó có thể sản xuất ra thực phẩm vừa an toàn vừa giàu chất dinh dưỡng. Trên một nửa người tham gia khảo sát có hiểu biết về khái niệm nông nghiệp bền vững, trong đó nhóm tuổi 18-34 có tỷ lệ số người hiểu về khái niệm này thậm chí còn cao hơn, đạt 61%.
Hai phần ba người tiêu dùng cho rằng việc thực phẩm họ mua hay tiêu thụ được sản xuất một cách bền vững là điều quan trọng (khái niệm “bền vững” ở đây được định nghĩa là đáp ứng những nhu cầu thực phẩm trong dài hạn bằng cách sản xuất nhiều thực phẩm hơn với chi phí vừa phải, sử dụng nguồn lực như cũ hoặc ít hơn, theo phương pháp tốt hơn đối với môi trường và khiến cho thực phẩm có giá cả phải chăng và tiếp cận được).
Tham khảo bài viết gốc (tiếng Anh): http://deltafarmpress.com/blog/hoopla-scare-tactics-aside-public-accepting-gmos
Bình luận