Diện tích canh tác cây trồng BĐG đã tăng gấp 110 lần sau 21 năm thương mại hoá – phát triển từ 1,7 triệu hecta (ha) năm 1996 lên tới 185,1 triệu ha vào năm 2016. Cây trồng BĐG tiếp tục cho thấy lợi ích lâu dài đối với nông dân, đồng thời nhấn mạnh tiềm năng phát triển và vai trò của một số giống cây mới được chấp thuận thương mại hoá trong thời gian gần đây đối với người tiêu dùng
Vào ngày 4 tháng 5 năm 2017, Tổ chức Quốc tế về Tiếp thu các Ứng dụng Công nghệ Sinh học trong Nông nghiệp (ISAAA) đã phát hành báo cáo thường niên cập nhật tình hình ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) hay cây trồng biến đổi gen (BĐG) trên toàn cầu; báo cáo cho thấy diện tích canh tác cây trồng BĐG đã tăng gấp 110 lần sau 21 năm thương mại hoá – phát triển từ 1,7 triệu hecta (ha) năm 1996 lên tới 185,1 triệu ha vào năm 2016. Báo cáo cũng tiếp tục cho thấy các lợi ích lâu dài của cây trồng BĐG đối với nông dân, đồng thời nhấn mạnh tiềm năng phát triển và lợi ích của một số giống cây mới được chấp thuận thương mại hoá trong thời gian gần đây đối với người tiêu dùng.
Ảnh 1: Ngô biến đổi gen trồng tại Việt Nam
“Cây trồng BĐG đã trở thành một trong các nguồn cung nông nghiệp quan trọng, mang lại lợi ích lâu dài cho nông dân trên toàn thế giới khi năng suất cây trồng được cải thiện cùng với các nỗ lực bảo tồn môi trường canh tác”, Chủ tịch ISAAA – Paul S. Teng, “Sự chấp thuận thương mại hóa và canh tác các giống khoai tây và táo biến đổi gen gần đây từng bước cho thấy những lợi ích trực tiếp dành cho người tiêu dùng khi thành tựu của CNSH đã tạo ra những sản phẩm ít bị thối hoặc bị hư hỏng, góp phần giảm bớt một cách bền vững thực phẩm bị lãng phí và chi phí mua sắm.”
Ảnh 2: Ruộng ngô Biến đổi gen
Khi nghiên cứu sâu hơn về lợi ích của CNSH, báo cáo ISAAA cũng chỉ ra rằng ứng dụng cây trồng BĐG đã giúp giảm lượng phát thải khí CO2 tương đương với việc ngừng hoạt động 12 triệu chiếc ô tô hàng năm; đồng thời giảm bớt tác động tiêu cực từ canh tác nông nghiệp lên môi trường thông qua việc giảm 19% nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc trừ cỏ. Thêm vào đó, tại các quốc gia đang phát triển, việc canh tác các cây trồng BĐG đã hỗ trợ giảm thiểu nạn đói khi giúp nâng cao thu nhập cho khoảng 18 triệu nông dân cùng gia đình của họ, từ đó giúp cải thiện và ổn định tài chính cho hơn 65 triệu người.
“Công nghệ sinh học, cụ thể là cây trồng biến đổi gen là một trong các giải pháp cần thiết giúp người nông dân canh tác được nhiều hơn trên diện tích đất ít hơn”, Điều phối viên toàn cầu của ISAAA – Randy Hautea – giải thích thêm. “Tuy nhiên, tiềm năng của cây trồng BĐG chỉ có thể được mở ra khi người nông dân có thể mua và trồng những loại cây này, thông qua quá trình xem xét pháp lý và cấp phép một cách khoa học.”
Khi các giống cây trồng BĐG được chấp thuận và thương mại hoá nhiều hơn, ISAAA kỳ vọng tỷ lệ ứng dụng các loại cây này trong canh tác nông nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng và làm lợi cho nông dân tại các nước đang phát triển nhiều hơn. Ví dụ, tại châu Phi – nơi có truyền thống tạo ra các trở ngại về hành lang pháp lý đối với việc ứng dụng cây trồng BĐG, đã cho thấy một số cải thiện bước đầu. Năm 2016, Nam Phi và Sudan đã tăng diện tích canh tác trồng ngô, đậu nành và bông BĐG từ 2,29 triệu hecta vào năm 2015 lên 2.66 triệu ha năm 2016. Tại các khu vực khác, một làn sóng chấp thuận mới cũng đang lan rộng tại Kenya, Malawi, Nigeria, Ethiopia, Ghana, Swaziland và Uganda, tạo ra nhiều cải tiến trong điều chỉnh pháp luật và chấp thuận thương mại đối với một số giống cây trồng BĐG.
“Thậm chí kể cả khi các quy định pháp lý còn nhiều khó khăn, nông dân tại Châu Phi vẫn tiếp tục canh tác cây trồng BĐG bởi họ nhận thấy giá trị về năng suất và tính ổn định của các giống cây này”, Hautea cho biết, “Khi có nhiều hơn các quốc gia điều chỉnh luật pháp nhằm tạo điều kiện cho những loại cây như chuối, đậu đũa và cao lương, chúng tôi tin rằng việc canh tác cây trồng BĐG sẽ tiếp tục được mở rộng tại châu Phi cũng như các khu vực khác.”
Cũng vào năm 2016, Brazil có diện tích canh tác ngô, đậu nành, bông và hạt cải dầu BĐG tăng 11% – duy trì là nước lớn thứ 2 sau Hoa Kỳ canh tác cây trồng BĐG trên toàn cầu. Tại Brazil, diện tích đậu nành BĐG chiếm 32,7 triệu hecta trong số 91,4 triệu hecta canh tác cây trồng này toàn cầu.
Năm 2016, theo báo cáo của ISAAA, các bước tiến trong việc thương mại hoá và canh tác rau quả BĐG đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng. Những bước tiến này bao gồm việc chấp thuận thương mại đối với khoai tây Innate Russet Burbank Gen 2, cấp phép bởi Cuc quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA); và khoai tây Simplot Gen 1 White Russet được cho phép bày bán tại thị trường thực phẩm tươi sống bởi Cơ quan sức khoẻ Canada (Health Canada). Những giống khoai tây BĐG này có mức asparagine thấp hơn, giúp giảm bớt sự hình thành của acrylamide trong quá trình nấu nướng với nhiệt độ cao. Thêm vào đó là việc giống táo Arctic được cấp phép thương mại đã cho thu hoạch vào năm 2016, cất trữ trong suốt mùa đông và sau đó bày bán tại các cửa hàng tạp hoá của Mỹ vào năm 2017.
Những điểm nổi bật khác trong báo cáo năm 2016 của ISAAA bao gồm:
- Diện tích canh tác cây trồng BĐG tăng trưởng, đạt 185,1 triệu ha so với 179,7 triệu ha vào năm 2015, thời điểm sụt giảm diện tích canh tác toàn cầu đối với tất cả các loại cây trồng, và 181,5 triệu ha vào năm 2014.
- Năm 2016, có tổng cộng 26 quốc gia, gồm 19 quốc gia đang phát triển và 7 nước công nghiệp, đã canh tác cây trồng biến đổi gen; trong đó, 54% được trồng tại các quốc gia đang phát triển và 46% tại các nước công nghiệp.
- 8 quốc gia tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, đã trồng 18,6 triệu ha cây BĐG vào năm 2016.
- Năm 2016, các quốc gia tiếp tục dẫn đầu trong việc canh tác cây trồng BĐG là Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, Canada và Ấn Độ. Diện tích canh tác cây trồng BĐG tại 5 quốc gia này chiếm tới 91% tổng diện tích canh tác toàn cầu.
- 4 quốc gia tại châu Âu – Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cộng hoà Séc và Slovakia – đã trồng hơn 136.000 ha ngô BĐG vào năm 2016, tăng 17% so với năm 2015, cho thấy nhu cầu của châu Âu đối với giống ngô kháng sâu bệnh đang tăng lên.
- Các cây trồng BĐG đa tính trạng chiếm 41% diện tích canh tác toàn cầu, xếp thứ 2 chỉ sau các loại cây mang tính trạng đơn kháng thuốc trừ cỏ với tỉ lệ 47%.
- Các giống đậu nành BĐG chiếm 50% diện tích canh tác cây trồng BĐG trên toàn thế giới. Thống kê tỉ lệ diện tích canh tác đối với từng loại cây trồng: 78% đậu nành, 64% bông, 26% ngô và 24% hạt cải dầu được trồng trên toàn thế giới là các giống BĐG.
- Các quốc gia canh tác 90% đậu nành BĐG là Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, Canada, Nam Mỹ và Uruguay; xấp xỉ 90% diện tích ngô BĐG được trồng tại Mỹ, Brazil, Argentina, Canada, Nam Mỹ và Uruguay; hơn 90% bông BĐG canh tác tại Mỹ, Argentina, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Nam Mỹ, Mexico, Úc và Myanmar; và khoảng 90% hạt cải dầu BĐG được trồng tại Mỹ và Canada.
Báo cáo đầy đủ và các tài liệu khác liên quan đến báo cáo ISAAA năm 2016, xem tại www.isaaa.org.
Bình luận