Kể từ khi bước sang thiên niên kỷ mới, dân số Châu Phi đã tăng 39%, tức là tăng gần 530 triệu người, gần tương đương với toàn bộ dân số Bắc Mỹ. Với tỷ lệ sinh trung bình hiện nay là 32.005 ca sinh trên 1000 người, dân số châu lục này được dự đoán sẽ vượt quá 2 tỷ người trong ba thập kỷ tới.
Những người ủng hộ gia tăng dân số đưa ra lập luận rằng tỷ lệ sinh cao sẽ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy lợi ích kinh tế như lực lượng lao động dồi dào, thị trường nội địa lớn và cạnh tranh hơn sẽ tạo đà cho việc đẩy mạnh hiệu quả kỹ thuật và đổi mới như thời “kỷ nguyên vàng” của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Điều này đúng một phần, bằng chứng là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trung bình hàng năm tại châu lục này là 4,7%, từ 587 tỷ đô la lên 2,98 nghìn tỷ đô la vào năm 2023. Đó là mức tăng 2,4 nghìn tỷ đô la, tương đương 4110 đô la cho mỗi cá nhân sinh vào hoặc sau năm 2000. Mặt khác, các quốc gia có GDP bình quân đầu người gần với con số trên vẫn đang gặp phải một thách thức chung: mất an ninh lương thực. Lý do cho điều này được mô tả rõ nhất bằng một câu ngạn ngữ tại đây, tạm dịch là mọi đứa trẻ ở đây đều được sinh ra đời cùng với một cái thìa và một cái đĩa rỗng.
Nền kinh tế của hầu hết các nước châu Phi vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp và mặc dù gần đây đã có những tiến bộ về nông nghiệp như cải thiện hiệu quả sử dụng phân bón, chất lượng hạt giống cao hơn và hệ thống canh tác bền vững hơn. Tuy vậy nền nông nghiệp vẫn chưa thể chuyển đổi từ sản xuất định lượng sang sản xuất định tính, chẳng hạn như cải thiện giá trị dinh dưỡng. Ngoài việc phải nỗ lực đáp ứng các nhu cầu cơ bản và giúp người dân có khả năng tự hiện thực hoá nhu cầu của mình, Châu Phi còn phải đối mặt với những thách thức toàn cầu như tác động tàn phá của biến đổi khí hậu và khủng hoảng chính trị Á-Âu – cả hai yếu tố đều có khả năng làm tê liệt chuỗi giá trị vốn đã mất ổn định bởi đại dịch Covid. Kết quả là, các quốc gia tại đây có thể bị cuốn vào một vòng luẩn quẩn phức tạp.
Khi nói về hạn hán, trong khi canh tác có tưới tiêu đã đạt được những tiến bộ đáng kể giúp bảo đảm an ninh lương thực, thì việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước ngầm đã dẫn đến tình trạng tăng độ mặn của đất, làm trầm trọng thêm các tác động tiêu cực của hạn hán. Do đó, thực tế rõ ràng cho thấy là diện tích đất canh tác đang bị thu hẹp nhanh chóng.
Vậy làm thế nào để có thể thoát ra khỏi vũng lầy này? Câu trả lời nằm ở một phát minh đoạt giải Nobel từ năm 2020 giúp làm thay đổi bộ gen và tất cả các ứng dụng của kỹ thuật này – Kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR-CAS. Là một nhà di truyền học phân tử thực vật, bài viết này sẽ chỉ đề cập đến khía cạnh liên quan tới cây trồng. Nói một cách đơn giản, công nghệ này cho phép các nhà khoa học thực hiện các chỉnh sửa chính xác đối với cây trồng, cho phép chúng phát triển những đặc điểm mong muốn đồng thời loại bỏ những đặc điểm không mong muốn. Kỹ thuật này có khả năng tạo ra cuộc cách mạng mới về lai tạo giống cây trồng ở Châu Phi, hạn chế đáng kể tình trạng mất mùa và đói kém. Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy công nghệ chỉnh sửa bộ gen cây trồng có thể cải thiện sản xuất cũng như chất lượng nông nghiệp đồng thời thúc đẩy khả năng phục hồi khí hậu ở Châu Phi. Một câu chuyện ứng dụng thành công công nghệ này ở Kenya đó là khi Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) đã sản xuất thành công giống chuối kháng Xanthomonas – một loại bệnh hại có sức tàn phá khủng khiếp tới nhiều nông trại ở khu vực Đông Phi.
Cho đến nay, một số quốc gia châu Phi đã xây dựng khung chính sách để ứng dụng công nghệ này, trong đó Nigeria là quốc gia đầu tiên. Hơn nữa, là một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm cải thiện dinh dưỡng, năng suất và khả năng thích ứng với khí hậu cho một số cây trồng lương thực ít được quan tâm (Orphan crops) ở Châu Phi, Hiệp hội Cây trồng It được Quan tâm tại Châu Phi (African Orphan Crop Consortium – AOCC) và Học viện Nhân giống Cây trồng Châu Phi cùng Đại học California Davis đã cam kết đào tạo các nhà chọn tạo giống cây trồng và chuyên gia về sinh học phân tử ở khắp các nước châu Phi để cải tiến và phát triển các tính trạng ưu thế cho cây trồng tại quốc gia của họ. Những sáng kiến này chỉ là phần nổi của tảng băng trôi về tiềm năng to lớn trong việc ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen ở Châu Phi. Sự hợp tác của các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà chọn tạo giống, nông dân và nhà hoạch định chính sách để triển khai kỹ thuật chỉnh sửa gen sẽ là hướng đi đảm bảo an ninh lương thực của Kenya và Châu Phi.
[Tiến sĩ Erick Amombo là nhà nghiên cứu người Kenya tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Bền vững Châu Phi, Đại học Bách khoa Mohammed VI, Maroc]
Bình luận