Ông Kristjan Hebert không đồng ý với định kiến phổ biến và được lãng mạn hoá rằng một nông dân chân chất là phải mặc những chiếc áo sơ mi bạc màu, tất bật các công việc đồng áng nhỏ lẻ và thậm chí có lẽ đang “ngậm một nhánh lúa mì trong miệng”!
Hình ảnh đó vừa không giống với hình ảnh thực tế của nông dân ngày nay lẫn câu chuyện đầu tư của Hebert vào các thảo nguyên rộng lớn ở vùng Saskatchewan, Canada, nơi ông sử dụng 30,000 mẫu đất để canh tác cải dầu, mạch nha, lúa mì, đậu Hà Lan, yến mạch, lúa mạch đen và nhiều loại cây trồng khác.
Ông Hebert lớn lên ở một nông trại bé hơn rất nhiều, chỉ rộng khoảng 1,500 tới 2,500 mẫu, nơi cha ông trồng các lại ngũ cốc và chăn nuôi khoảng 1,250 gia súc. Giống như nhiều nông dân trẻ khác, ông Hebert thuê đất, cày cuốc chăm chỉ vào mùa hè và làm kế toán vào mùa đông. Tới năm 2008, ông quyết định nghỉ việc và tập trung cho công việc trồng trọt toàn thời gian. Đó cũng là thời điểm ông Hebert bắt đầu mở rộng quy mô nông trại khi tìm được một địa điểm lý tưởng – nơi mà ông có đủ tiền để thuê nhân công tốt và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình mình.
“Một khi chúng ta nhận ra rằng con người là nguồn lực quan trọng nhất quyết định sự phát triển doanh nghiệp thì dường như các cơ hội cũng theo đó mà tới”, ông Hebert chia sẻ. “Nếu bạn coi làm nông như lẽ sống thì thành thật mà nói, đó là một công việc kinh doanh khá bạc bẽo. Nhưng nếu bạn coi đó là một công việc kinh doanh thì nó có thể sẽ tạo ra cho bạn một cuộc sống rất tốt. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định vận hành mô hình nông nghiệp của mình theo hướng thứ 2.”
Trong suốt quá trình mở rộng, Hebert đã được dẫn lối bởi khái niệm về “sự bền vững” – dẫu ông thừa nhận “đó là một từ hơi đáng sợ. Bởi vì nếu chỉ nhìn nó một chiều, bạn có thể đưa ra một số quyết định thực sự tồi tệ.” Ông Hebert có một cách nhìn toàn diện hơn, thể hiện rõ qua bức tranh lớn được vẽ lên bức tường rong văn phòng của ông. Trong đó, cụm từ “di sản” được mạ crôm ở trên cùng, dưới đó diễn giải rằng di sản là những gì bạn để lại khi ra đi: từ đất đai, tình hình tài chính trang trại, cộng đồng con người cũng như cả ngành công nghiệp ở đó, tất cả đều phải được duy trì ở trạng thái tốt hơn so với ban đầu.
“Tôi tin rằng tất cả những điều đó đều gắn liền với sự bền vững”, ông Hebert chia sẻ. “Tôi không muốn gây ra tác động tiêu cực đến vùng đất này dù chỉ một chút và khi chúng tôi nỗ lực học hỏi nhiều hơn, chúng tôi ngày càng bảo vệ và thậm chí nuôi dưỡng đất tốt hơn. Nhưng tôi sẽ chẳng thể bảo vệ sức khoẻ đất nếu tôi phá sản. Do đó, phương thức thực hành bền vững cũng phải gắn chặt với tài chính bền vững cũng như sự bền vững trong phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Bởi lẽ, việc làm nông có thể sẽ bị cô đơn nếu cộng đồng nông thôn dần dần tan rã.”
Để triết lý đi đôi với hành động thực tế, Hebert đã thực hành canh tác bảo tồn trong ít nhất 25 năm nhằm lớp đất mặt. “Chúng tôi cũng rất ủng hộ các công nghệ tân tiến, chẳng hạn như hệ thống kiểm soát phân lớp giúp tiết kiệm đầu vào cũng như áp dụng tỷ lệ đa dạng để đảm bảo tỷ lệ dinh dưỡng đất đúng mức”, ông khẳng định. “Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều công việc liên quan đến cây trồng vụ thu và bắt đầu triển khai nghiên cứu cây che phủ.”
Thông qua việc điều chỉnh các phương pháp canh tác của riêng mình để thích nghi với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như băng tảng cao tới 2.4 mét và tuyết dày 0.6 mét suốt sáu tháng trong năm, Hebert dần tin rằng việc đạt được những mục tiêu quốc tế về chất lượng đất, tính bền vững và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu là khả thi. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng “những giải pháp địa phương và cần có dữ liệu để chứng minh phương pháp nào thực sự đem lại kết quả mong muốn là vô cùng cần thiết. Những phương pháp hiệu quả ở Canada có thể không hiệu quả ở Brazil, Châu Âu hay Trung Quốc.”
Ông Hebert cũng thải thích thêm khi đưa ra một ví dụ điển hình chính về việc giảm lượng khí thải carbon trong nông nghiệp. “Tôi lo lắng rằng nếu các chính sách được đưa ra đều dựa trên cơ sở từ thực hành, ví dụ như bạn canh tác bảo tồn hoặc sử dụng chất ức chế nitơ, thì đó cũng không hẳn là điều tốt nhất cho khu vực đó”.
Cụ thể, ông Hebert đã phân tích các mẫu đất được lấy trong 30 đến 40 năm qua và thực hiện đo dung khối cũng như đốt cháy carbon nhằm xác định chính xác lượng carbon được thu giữ ở mỗi bước trong quá trình. Mục tiêu là tạo ra dữ liệu có thể thúc đẩy chính sách về tín chỉ carbon, theo đó các công ty có thể đền bù lượng khí thải của mình bằng cách mua tín chỉ từ các hoạt động thu giữ carbon. “Điều này thực sự có thể trở thành dòng tiền chảy vào nền nông nghiệp”, ông chia sẻ. “Theo nghĩa đen, nó có thể là một quỹ tái thiết nông thôn cho hầu hết các quốc gia.”
Ông Hebert mong chờ sẽ có nhiều nguồn đầu tư hơn vào việc “nắm bắt được chính xác đất trồng của chúng ta cần gì để tạo ra nguồn thực phẩm lành mạnh bổ dưỡng, cũng như để đảm bảo rằng điều đó có thể duy trì một cách bền vững. Con người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về những mét đất đang nuôi lớn vụ mùa của mình.”
Ông Hebert vẫn luôn không ngừng phấn đấu để hiểu được bức tranh nông nghiệp chung toàn cầu và nắm bắt tình hình địa phương để hướng tới sự bền vững.
Ông chia sẻ: “Chúng ta muốn giải quyết những “câu đố” khó của ngành nông nghiệp. Đó không phải là thứ có thể nhồi nhét lại với nhau hay tách riêng thành từng mảnh. Đó càng không phải là việc chúng ta có thể hoàn thành trong vòng 30 giây. Việc của chúng ta là từ từ tìm ra vị trí phù hợp của từng mảnh, rồi hy vọng rằng đến cuối cùng, chúng sẽ ghép thành một bức tranh tổng thể hài hoà. Chỉ cần chúng ta đừng bao giờ ngừng cố gắng.”
Xem video ghi lại toàn bộ cuộc phỏng vấn đối với ông Krijstan Hebert tại đây
Ông Kristjan Hebert là thành viên của Mạng lưới Nông dân Toàn cầu, một tổ chức đại diện cho tiếng nói của nông dân trong việc thúc đẩy thương mại, công nghệ, canh tác bền vững, tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực. Tìm hiểu thêm về an mạng lưới này tại đây.
###
Bình luận