Trong tháng 11 vừa qua, bộ Nông nghiệp Bangladesh đưa ra thông báo sẽ cấp phép cho thương mại hoá Gạo vàng và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận thực phẩm này. Gạo vàng được cho là có thể cứu được hàng trăm, hàng ngàn trẻ em ở các nước đang phát triển khỏi bệnh mù loà hay tử vong do thiếu dinh dưỡng. Dù được phát triển từ hơn 2 thập kỷ trước, Gạo vàng vẫn đang phải đấu tranh với việc chưa hiểu rõ về thực phẩm biến đổi gen (BĐG) và sự e ngại quá mức của các cơ quan quản lý. Việc cấp phép của Bangladesh có thể trở thành một khởi đầu quan trọng mở đường cho Gạo vàng được chấp thuận như là một loại thực phẩm trên toàn thế giới.
Hơn 2 thập kỷ trước, hai nhà khoa học thực vật Ingo Potrykus và Peter Beyer đã nghiên cứu và phát triển ra giống gạo chứa hàm lượng beta carotene cao – thành phần có thể chuyển hoá thành vitamin A trong cơ thể con người. Mục tiêu của gạo này là góp phần giảm sự thiếu hụt vitamin A có thể gây mù loà hoặc thậm chí tử vong cho trẻ nhỏ tại các nước nghèo, các nước đang phát triển nơi mà gạo là nguồn lương thực chính, đặc biệt ở châu Phi và miền Nam châu Á. Theo tổ chức WHO, “con số trẻ em thiếu vitamin A và bị khiếm thị hàng năm lên tới 250,000 đến 500,000 trẻ, ½ số đó có thể tử vong trong vòng 12 tháng giảm thị lực”. Cũng theo WHO, vài triệu phụ nữ mang thai trên toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ bị quáng gà và các vấn đề khác do thiếu vitamin A, kéo theo đó là tác động xấu tới sự phát triển của phôi thai.
Hiệu quả của gạo vàng trong việc cung cấp Vitamin A đã được chứng minh trong rất nhiều thí nghiệm từ những năm 2009 với sự tham gia của nhiều tình nguyện viên. Dù với những hứa hẹn như vậy nhưng gạo vàng vẫn vấp phải sự chỉ trích bởi những người phản đối thực phẩm BĐG ngay từ khi dự án này được công bố trên tạp chí Science năm 2000. Nhà vận động chống thực phẩm BĐG người Ấn độ, Vandana Shiva, đã gọi loại gạo vàng này là “một trò lừa đảo”. Greenpeace, một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận đấu tranh cho những vấn đề liên quan đến môi trường thiên nhiên toàn cầu, đã chế giếu về khả năng có thể làm thực phẩm cho sự tồn tại của con người là “Lừa đảo vàng”, “tất cả đều lấp lánh, nhưng không phải vàng”, “Cường điệu nhiều hơn là vật chất”, “ truyền giáo của ngành công nghiệp di truyền” và một “Ảo tưởng Vàng”.
Những người ủng hộ Gạo vàng, bao gồm hơn 100 nhà khoa học được đề cử giải Nobel, đã cùng nhau ký một bức thư vào năm 2016 để thuyết phục Greenpeace dừng việc chống đối các sản phẩm BĐG nói chung và Gạo vàng nói riêng. Sự phản đối của tổ chức Greenpeace được cho là nguyên do khiến cho việc cấp phép và giải phóng loại thực phẩm này bị chậm trễ. Tuy nhiên đó chỉ là một lý do. Thực chất trở ngại lớn nhất cho việc cấp phép và sử dụng Gạo vàng là do hệ thống phức tạp các văn bản yêu cầu của cơ quan y tế và nông nghiệp ở các quốc gia, những nơi mà các nghiên cứu được tiến hành cũng như ở những nơi mà loại gạo này được cần đến nhiều nhất.
Nói ngắn gọn lại, các cơ quan nhà nước được cho là cần bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người thì thay vào đó lại không có trách nhiệm đối với việc mù lòa và tử vong trong nhiều năm qua.
Nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này là do Nghị định thư Cartagena ra đời năm 2003, một giải pháp được Liên hợp quốc tài trợ đối với “an toàn sinh học”, bao gồm các quy định về việc mua bán đóng gói, vận chuyển và sử dụng các sản phẩm BĐG. Một phần quan trọng của nghị định thư này là nguyên tắc phòng ngừa, nhấn mạnh rằng “việc thiếu chắc chắn về mặt khoa học do thông tin khoa học liên quan không đầy đủ và các hiểu biết về các tác động bất lợi có thể có” của một sinh vật đối với môi trường và sức khỏe con người không thể cản trở các chính phủ trong việc có những động thái chống lại việc nhập khẩu các sản phẩm BĐG đang được nghi ngờ.
Điều này nghe như một dự luật “phòng bệnh còn hơn chữa bệnh” nhưng trên thực tế nó trở thành một chủ nghĩa quan liêu của việc “bị buộc tội cho đến khi chứng minh được mình vô tội”. Và tồi tệ hơn nữa là quy định đó cho phép việc áp đặt các quy định chặt chẽ đối với các sản phẩm BĐG mà không cần bất kỳ một minh chứng nào cho thấy chúng là nguyên nhân gây hại, hay thậm chí là một lý do hợp lý nhất để cho thấy chúng có thể gây hại.
Các chính phủ đáp lại không chỉ bằng sự cẩn trọng mà còn là quá cẩn trọng đối với sản phẩm BĐG. Điều này dẫn đến thực tế là sản phẩm BĐG được quản lý bởi một chuỗi các quy tắc do Liên minh Châu Âu đặt ra năm 2003, phụ thuộc vào một văn bản liên quan đến “sự cẩn trọng trong việc phóng thích của sinh vật biến đổi gen”. Quy định liên quan này đã ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu và nó chi phối hầu như tất cả các khía cạnh của nghiên cứu, phát triển và khảo nghiệm trên đồng ruộng. Quy định này đưa ra quy tắc, ví dụ, với một ai đó có ý định tiến hành một thí nghiệm đồng ruộng với sản phẩm BĐG phải tuân thủ và cung cấp một bộ hồ sơ kỹ thuật bao gồm các dữ liệu đầy đủ về cây trồng ở mức độ phân tử và nguồn gốc của chúng thật chi tiết.
Ingo Potrykus, người đồng sáng tạo ra Gạo vàng, cùng với Peter Beyer, đã ước lượng rằng thời gian cho các quy định chính phủ đối với sản phẩm BĐG do các tác động của nghị định thư Cartagena và nguyên tắc phòng ngừa đã làm cho việc cấp phép chậm tới 10 năm để có thể đưa ra được sản phẩm cuối cùng. Trong thời gian 1 thập kỷ này, một con số trẻ em không thể đếm được ở các nước đang phát triển đang tiếp tục bị mù loà và tử vong, sức khỏe của các bà mẹ mang thai cũng bị ảnh hưởng. Đó là một minh chứng mạnh mẽ cho sai lầm của việc quá thận trọng đôi khi có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Nếu Bangladesh thực sự chấp thuận cho Gạo vàng được phát hành, và nếu gạo được tiêu thụ bởi trẻ em thiếu vitamin A và cứu được thị lực và cuộc sống của họ, thì nhiều cơ quan quản lý và các nhà phê bình thực phẩm BĐG sẽ phải giải thích rất nhiều trước dư luận.
Bình luận