Trước những cảnh báo về nguy cơ mất an ninh lương thực ngày một gia tăng gia tăng trong đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia và tổ chức đang đặc biệt nỗ lực để đảm bảo ngành nông nghiệp được hoạt động ổn định – coi đây là một ngành kinh doanh thiết yếu, giúp đáp ứng đủ nguồn cung thực phẩm bổ dưỡng, giá thành hợp lý mà người tiêu dùng có thể tiếp cận kể cả khi tiến hành các lệnh hạn chế di chuyển và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng.
Ảnh 1: Tình trạng mất an ninh lương thực đang diễn ra tại nhiều quốc gia
(Nguồn: World Bank- Photo credit: Jharkhand State Livelihoods Promotion Society)
Khi cuộc khủng hoảng virus corona bùng phát, sự gián đoạn xảy ra trong chuỗi cung ứng lương thực tại nhiều nước, các cú sốc khác ảnh hưởng đến sản xuất lương thực, mất thu nhập và lượng kiều hối giảm đang tạo ra những căng thẳng nghiêm trọng và rủi ro về an ninh lương thực ở nhiều nước. Mặc dù giá lương thực toàn cầu ổn định nhưng nhiều quốc gia đang trải qua mức độ lạm phát giá lương thực ở các cấp độ khác nhau do thực hiện các biện pháp phòng chống lây lan của COVID-19.
Các nhà sản xuất thực phẩm cũng phải đối mặt với những thất thoát lớn khi thực phẩm dễ hỏng, nhu cầu tiêu dùng ngày càng hạn chế cộng thêm với mô hình tiêu dùng cũng đang thay đổi. Mặc dù tình trạng mất an ninh lương thực phần lớn không phải do tình trạng thiếu lương thực gây ra, nhưng sự gián đoạn trong việc cung cấp các nguyên liệu đầu vào cho nông nghiệp như phân bón, hạt giống hoặc tình trạng thiếu lao động có thể dẫn tới sản lượng thu hoạch giảm trong các vụ mùa sắp tới. Nếu nông dân rơi vào tình trạng đói nghèo nghiêm trọng, họ cũng có thể sẽ ưu tiên mua lương thực tích trữ hơn là đầu tư gieo trồng tiếp – và điều này sẽ làm tăng nguy cơ thiếu lương thực trong thời gian sắp tới.
Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) trong báo cáo về “An ninh lương thực và dinh dưỡng trên toàn cầu vào năm 2020” đã đưa ra những đánh giá và dự đoán tình hình biến chuyển của thế giới vào năm 2030 dựa trên các xu thế đang diễn ra và số liệu của thập kỷ trước. Theo đó, có nhiều bằng chứng cho thấy thế giới sẽ có thể lỡ tiến độ cho việc đạt đạt được mục tiêu không đói nghèo vào năm 2030. Châu Phi đang chệch hướng đáng kể để đạt được mục tiêu này vào năm 2030. Nếu tốc độ tăng trưởng hiện tại vẫn duy trì, tỷ lệ suy dinh dưỡng (PoU) sẽ tăng từ 19.1% lên 25.7%. Châu Mỹ Latin và vùng Caribê cũng đang chệch hướng, mặc dù với mức độ thấp hơn rất nhiều. Chủ yếu là do sự suy giảm trong những năm gần đây, tỷ lệ PoU dự kiến sẽ tăng từ 7.4% vào năm 2019 đến 9.5% vào năm 2030. Châu Á, mặc dù đang có những tiến triển, nhưng cũng sẽ không đạt được mục tiêu năm 2030 dựa theo các xu hướng gần đây. Báo cáo cũng dự báo Châu Á sẽ vẫn là sẽ có gần 220 triệu người đói nghèo vào năm 2030, tuy nhiên tỷ lệ về số lượng người đói nghèo của châu lục này so với trên thế giới sẽ giảm đáng kể. Châu Phi sẽ vượt qua Châu Á trở thành khu vực với số lượng người suy dinh dưỡng cao nhất (443 triệu), chiếm 51.5% tổng số.
Các “điểm nóng” về an ninh lương thực bao gồm:
- Các quốc gia nghèo và bị ảnh hưởng bởi xung đột, nơi các hoạt động logistics và phân phối gặp nhiều khó khăn ngay cả khi không có dịch bệnh và cách ly xã hội;
- Các quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra (lũ lụt, hạn hán) và dịch hại như nạ châu chấu hiện nay – loại dịch hại được cho là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua đang ảnh hưởng đến sản xuất lương thực ở 23 quốc gia;
- Các nước có tiền tệ bị mất giá, (làm tăng chi phí nhập khẩu lương thực) và các nước có giá hàng hóa suy giảm (hạn chế khả năng nhập khẩu lương thực).
- Những người nghèo, dễ bị tổn thương, thực tế là có hơn 690 triệu người vốn đã bị mất an ninh lương thực thường xuyên trước khi đại dịch COVID-19 , các lệnh hạn chế di chuyển và việc giảm thu nhập xảy ra.
Afghanistan
Các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động canh tác, khiến nông dân Afghanistan không thể gieo cấy đúng thời vụ, trong khi ở các khu vực thành thị, giá lương thực tăng cao và tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp lương thực ngày càng trở nên cấp thiết. Afghanistan tiếp nhận khoản tài trợ 100 triệu đô la Mỹ từ World Bank cho Dự án Cung cấp Thực phẩm và Nông nghiệp Khẩn cấp (EATS) nhằm cải thiện an ninh lương thực bằng cách tăng sản lượng lương thực địa phương và củng cố các chuỗi cung ứng thực phẩm thương mại quan trọng và cung cấp việc làm ngắn hạn ở các khu vực nông thôn trong việc phát triển tài sản sản xuất.
Angola
Angola có một lịch sử bùng phát dịch bệnh lâu đời, từ dịch tả, sốt rét, bại liệt và sốt vàng da, đất nước này đã chuẩn bị tốt và có những người đủ năng lực để đối phó với các đợt bùng phát, bao gồm cả nhân viên y tế. Do đó, chính phủ Angola đã sớm thực hiện các bước đối phó ngay lập tức khi đại dịch COVID-19 bùng phát, bao gồm khóa cửa toàn quốc, đóng cửa biên giới và ngừng các chuyến bay quốc tế. Mặc dù điều này có tác dụng giữ cho các trường hợp COVID-19 mới ở mức thấp, nhưng nó lại khiến nhiều người mất kế sinh nhai. Angola hiện nay đang nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm mở rộng và cải thiện hoạt động của các hợp tác xã nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp quy mô vừa và nhỏ để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương trong thời kỳ đại dịch.
Trung Quốc
Mặc dù mùa màng ở Trung Quốc bội thu nhiều năm qua, chính phủ nước này vẫn kêu gọi người dân duy trì cảnh giác về nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực do tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại với Mỹ kéo dài. Trung Quốc cũng trải qua lũ lụt và dịch bệnh khiến cho nguồn cung thực phẩm bị gián đoạn. Mưa lớn tại đây từ đầu tháng 6/2020 gây lũ lụt nghiêm trọng, nhấn chìm một diện tích lớn đất nông nghiệp ở miền Nam Trung Quốc, vốn là khu vực trồng lúa chính của nước này. Trước tình hình phức tạp này, chính phủ Trung Quốc kêu gọi người dân ngưng lãng phí lương thực và gia tăng sản lượng nông nghiệp nội địa thông qua công nghệ biến đổi gen.
Cuba
Cuba đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng thực phẩm do lệnh phong tỏa kinh tế của Hoa Kỳ gây ra những khó khăn trong việc nhập khẩu. Tình trạng thiếu hụt càng trở nên tồi tệ hơn trước các diễn biến của đại dịch dịch Covid-19. Từ việc thiếu hụt tiền tệ để nhập khẩu sản phẩm, Cuba buộc phải chuyển sang sản xuất nội địa và để làm được điều này, chính phủ Cuba đã quyết định cấp phép sử dụng cây trồng BĐG trong nông nghiệp. Ông Armando Rodríguez, thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết Cuba đang hướng đến cách tiếp cận sử dụng công nghệ BĐG phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu tối đa các tác động lên môi trường. Mặc dù trước kia bị chỉ trích rất nhiều, nhưng ngày nay thực phẩm biến đổi gen sẽ là một công cụ trong giải pháp tổng thể để xây dựng chủ quyền thực phẩm cho Cuba.
###
Tài liệu tham khảo:
- World Bank: https://www.worldbank.org/en/topic/agriculture/brief/food-security-and-covid-19
- Science Mag: https://www.sciencemag.org/news/2019/07/feed-its-14-billion-china-bets-big-genome-editing-crops
- Đông Phương thời báo: http://www.dongphuongnews.com/doi-mat-kho-khan,-trung-quoc-canh-bao-nguy-co-khung-hoang
- Oncubanews: https://oncubanews.com/en/cuba/economy/cuban-economy/cuba-opens-door-to-gm-crops-amid-food-crisis/
- Báo cáo An ninh lương thực và dinh dưỡng trên toàn cầu vào năm 2020 của FAO: http://www.fao.org/3/ca9692en/online/ca9692en.html#chapter-executive_summary
- Ủy ban châu Âu: https://ec.europa.eu/knowledge4policy/publication/angola-acute-food-insecurity-situation-july-september-2019-projection-october-2019_en
Bình luận