Ngày 24 tháng 5 vừa qua, Liên đoàn Hạt giống Quốc tế (ISF) đã tham gia cùng 12 tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi cho các nhà lai tạo giống cây trồng trên toàn thế giới để cùng nhau đấu tranh chống lại các hành vi sử dụng hạt giống bất hợp pháp thông qua một Biên bản Ghi nhớ (MoU) mang tính lịch sử được ký kết tại Đại hội hạt giống thế giới ISF 2024.
Các tổ chức tham gia bao gồm ISF, Hiệp hội thương mại hạt giống châu Phi (AFSTA), Liên minh hạt giống châu Á và Thái Bình Dương (APSA), Euroseeds, Hiệp hội hạt giống châu Mỹ (SAA), Cục chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với vật liệu thực vật (AIB), Breeders Trust, CIOPORA (Cộng đồng quốc tế các nhà lai tạo cây trồng làm vườn sinh sản vô tính), CropLife Quốc tế, Gestión de Licencias Vegetales (GESLIVE), SICASOV, Liên minh bảo vệ cải tiến hạt giống (SIPA) và Sáng kiến đổi mới và bảo vệ hạt giống (SIPI).
Với Biên bản Ghi nhớ này, các tổ chức hướng tới việc nâng cao nhận thức và triển khai Thực hành về Hạt giống và Cây trồng Hợp pháp trên toàn thế giới. Các hoạt động này sẽ thúc đẩy giá trị tạo ra trong ĩnh vực nông nghiệp và làm vườn, đồng thời tiếp tục khuyến khích nông dân ứng dụng những cải tiến mới. Những cải tiến này trong lĩnh vực giống cây trồng đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng những nhu cầu hiện tại và cả trong tương lai đối với các nhà lai tạo giống, bao gồm tăng cường khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và mức độ chống chịu các loại sâu bệnh hại khác nhau.
Ông Marco van Leeuwen, Chủ tịch ISF chia sẻ “Đã đến lúc chúng ta cùng nhau hành động để nâng cao nhận thức về quy mô cũng như hậu quả nghiêm trọng mà các hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực hạt giống có thể gây ra, không chỉ về mặt kinh tế đối với các công ty sản xuất hạt giống, với nông dân mà còn đối với người tiêu dùng.”
Ông Michael Keller, Tổng thư ký ISF cũng khẳng định: “Biên bản ghi nhớ được ký kết tại đại hội kỷ niệm 100 năm của chúng tôi để gửi đi một thông điệp rõ ràng: Các sự kiện như Đại hội Hạt giống Thế giới ISF không có chỗ cho những hoạtđộng buôn bán hạt giống bất hợp pháp. Trên thực tế, ISF đã đưa ra một quy trình rõ ràng để loại trừ các tổ chức và cá nhân có hành vi sử dụng hạt giống bất hợp pháp khỏi các đại hội trong tương lai”.
ISP để chỉ những hoạt động “Thương mại bất hợp pháp trong ngành Thực phẩm và Gian lận Thực phẩm”
ISP (Illegal Seed Practices) để chỉ những hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực giống cây trồng bao gồm sản xuất và buôn bán hạt giống giả, gian lận trong dán nhãn, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm quy định pháp lý, vi phạm nhãn hiệu và trộm cắp vật liệu giống độc quyền.
Mặc dù không có dữ liệu cụ thể về thực trạng hạt giống bất hợp pháp trên toàn cầu, nhưng theo một cuộc khảo sát gần đây do ISF thực hiện, các hành vi sản xuất và buôn bán hạt giống bất hợp pháp đang rất phổ biến tại nhiều quốc gia, ảnh hưởng đến nhiều loại cây trồng, các thành phần trong chuỗi giá trị và thậm chí là người tiêu dùng. Tùy thuộc vào loại cây trồng và địa lý, hạt giống bất hợp pháp có thể chiếm tới 50% thị trường và gây ra hậu quả nặng nề cho nông dân, khiến họ phải đối mặt với tình trạng mất mùa nghiêm trọng và tổn thất kinh tế lớn. Nhìn chung, các hoạt động này đe dọa đến tính toàn vẹn của ngành hạt giống, đe dọa sinh kế của nông dân cũng như sản xuất lương thực và an ninh lương thực.Là một phần trong nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng, ISF đã viết một chương về những tác động của hoạt động sản xuất và buôn bán hạt giống bất hợp pháp trong ấn phẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có tựa đề “Buôn bán thực phẩm bất hợp pháp và gian lận thực phẩm”.
Trong ấn phẩm này, Doaa Abdel-Motaal, Cố vấn cấp cao của WTO, Ban Nông nghiệp và Hàng hóa, đã tuyên bố: “Hoạt động buôn bán bất hợp pháp và gian lận trong ngành nông nghiệp – thực phẩm gây ra ảnh hưởng cho nhiều bên liên quan, bao gồm người tiêu dùng, nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, cơ quan pháp lý và các nhà vận hành khác trong chuỗi thực phẩm. Mặc dù rất khó để xác định tổn thất chi phí toàn cầu của hoạt động gian lận đối với ngành thực phẩm do bản chất bí mật của hoạt động này, nhưng ước tính hàng năm cho thấy tổn thất nằm trong khoảng từ 30-50 tỷ đô la Mỹ (không bao gồm các khoản lỗ liên quan đến hoạt động buôn bán bất hợp pháp đồ uống có cồn).”
Ông Antonio Villarroel, Giám đốc điều hành của Gestión de Licencias Vegetales (GESLIVE) chia sẻ: “Chúng ta cần nhớ rằng những người lai tạo giống cây trồng đang làm việc mỗi ngày để tạo ra nhiều giải pháp cây trồng cải tiến cho nông dân và người tiêu dùng. Chúng ta đang phát triển thêm các giống cây trồng mới để chống lại biến đổi khí hậu, tạo ra nhiều thực phẩm hơn trong khi sử dụng ít tài nguyên hơn đồng thời giảm lãng phí thực phẩm”.
Mary Ann Sayoc, Chủ tịch Sáng kiến Bảo vệ và Cải tiến Giống cây trồng (SIPI) nhấn mạnh “Chúng tôi hiểu rõ rằng,cùng nhau, chúng ta có thể làm việc chăm chỉ hơn, hiệu quả hơn và tiếp cận được nhiều người hơn với thông điệp chunghướng tới việc chống lại các hành vi sử dụng hạt giống bất hợp pháp; đảm bảo rằng công chúng hiểu và đánh giá đúng những nỗ lực của chúng ta. Chúng ta phải luôn nhớ rằng, hạt giống chính là mắt xích đầu tiên trong chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp”.
Giới thiệu về AFSTA: Hiệp hội Thương mại Hạt giống Châu Phi (AFSTA) là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2000 nhằm bảo vệ lợi ích của các công ty hạt giống tư nhân ở Châu Phi. AFSTA được đăng ký tại Kenya như một Tổ chức Quốc tế. Hiện tại, Hiệp hội có khoảng 100 thành viên bao gồm các công ty hạt giống, các Hiệp hội Thương mại Hạt giống Quốc gia và các thành viên liên kết. Ngoài ra, AFSTA còn tham gia vào các cuộc thảo luận quốc tế về di chuyển hạt giống ở cấp độ ISF, OECD, UPOV cũng như FAO. Các hoạt động chính của AFSTA là tạo ra môi trường tốt nhất cho thương mại và cải tiến hạt giống chất lượng vì lợi ích của các thành viên và nông dân Châu Phi.
Giới thiệu về APSA: Liên minh Hạt giống Châu Á và Thái Bình Dương (APSA) là một hiệp hội hạt giống khu vực bao gồm khoảng 500 công ty hạt giống, đại diện cho hơn 50 quốc gia trong và ngoài khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hoạt động trong một thị trường hạt giống năng động và đa dạng, phần lớn các thành viên của APSA là các doanh nghiệp hạt giống vừa và nhỏ, trong đó 50% là các công ty hạt giống tích hợp, bao gồm các hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất hạt giống, chế biến hạt giống, bán hàng và tiếp thị. Sứ mệnh của APSA là hỗ trợ nông nghiệp bền vững thông qua việc sản xuất và thương mại hạt giống chất lượng cho thế giới.
Giới thiệu về Euroseeds: Euroseeds là tiếng nói của ngành hạt giống châu Âu. Tổ chức này đại diện cho lợi ích của những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, lai tạo, sản xuất và tiếp thị hạt giống của các loại cây trồng nông nghiệp, cây trồng làm vườn và cây cảnh. Hiện tại, Euroseeds có hơn 30 hiệp hội thành viên quốc gia từ các quốc gia thành viên EU và ngoài EU, đại diện cho hàng ngàn doanh nghiệp hạt giống, cũng như hơn 70 công ty thành viên trực tiếp, bao gồm các ngành công nghiệp liên quan đến hạt giống.
Giới thiệu về SAA: Hiệp hội Hạt giống Châu Mỹ (SAA) là một tổ chức phi chính phủ đại diện cho lợi ích của ngành công nghiệp hạt giống trong khu vực Châu Mỹ. Mục tiêu chính của SAA là thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển, thương mại và sự di chuyển tự do của hạt giống trên toàn châu lục, cũng như vận động cho các vấn đề luật pháp và quy định liên quan đến ngành công nghiệp hạt giống. Các thành viên của SAA bao gồm các quốc gia từ Châu Mỹ (Bắc-Mỹ-Trung-Nam), được đại diện qua các hiệp hội hạt giống quốc gia, các công ty liên quan đến hạt giống, các viện nghiên cứu quốc gia và các trường đại học.
Giới thiệu về AIB: AIB là Văn phòng Chống Xâm Phạm Quyền Sở Hữu Trí Tuệ đối với Vật Liệu Thực Vật, một hiệp hội quốc tế phi lợi nhuận được tạo ra bởi các công ty giống rau tích hợp để ngăn chặn và chống lại các hoạt động hạt giống bất hợp pháp trên toàn chuỗi giá trị. AIB có chuyên môn trong việc xử lý dữ liệu xâm phạm toàn cầu, quản lý các cuộc điều tra phức tạp và phối hợp các hành động thực thi chống lại các công ty bị nghi ngờ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc quy định về luật hạt giống.
Giới thiệu về Breeders Trust: Breeders Trust là một tổ chức của 12 công ty lai tạo giống khoai tây được thành lập vào năm 2008. Năm 2012, 10 công ty giống cỏ đã gia nhập Breeders Trust. Sứ mệnh của Breeders Trust là đóng góp vào việc sản xuất, chế biến và kinh doanh vật liệu nhân giống cây trồng (khoai tây giống/cỏ) trên một sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia. Thiếu quyền của người lai tạo giống cây trồng (PBR) thì sẽ không có cải tiến, và không có cải tiến thì không có an ninh lương thực!
Giới thiệu về CIOPORA: CIOPORA là cộng đồng của những người lai tạo giống cây trồng làm vườn sinh sản vô tính. CIOPORA được coi như một tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ độc lập tìm cách thiết lập các hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả cho ngành làm vườn. CIOPORA có quyền quan sát tại Văn phòng Giống cây trồng Cộng đồng (CPVO) và Liên minh Quốc tế về Bảo vệ Giống cây trồng mới (UPOV).
Giới thiệu về CropLife Quốc tế: CropLife Quốc tế là Hiệp hội phi lợi nhuận – đại diện cho tiếng nói của ngành khoa học thực vật. CropLife vận động cho một nền thực phẩm an toàn và bền vững, và hướng đến tầm nhìn phát triển ứng dụng đổi mới khoa học trong nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực. Hiệp hội CropLife Quốc tế hỗ trợ hoạt động của các tổ chức tầm khu vực, trong đó có CropLife Châu Á và được dẫn dắt bởi 6 tập đoàn thành viên hàng đầu trong phát triển thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống và/hoặc nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học. Thông tin về CropLife Quốc tế xem tại website: https://croplife.org
Giới thiệu về GESLIVE/ANOVE: Hiệp hội Các nhà lai tạo Giống cây trồng Tây Ban Nha (ANOVE) là hiệp hội tập hợp các công ty và trung tâm công cộng chuyên tạo ra giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp thực phẩm thông qua nghiên cứu, phát triển và khai thác các giống cây trồng mới. (www.anove.es / www.geslive.com)
Giới thiệu về SICASOV: SICASOV là một công ty hợp tác có trụ sở tại Pháp, quản lý quyền sở hữu trí tuệ được nắm giữ bởi 375 nhà lai tạo giống cây trồng ở 38 quốc gia. Để thực hiện mục tiêu này, SICASOV cấp hơn 8500 giấy phép hoạt động – bao gồm hơn 5000 giống cây trồng – cho 1150 nhà sản xuất tiếp thị hạt giống hoặc cây trồng của họ. Đổi lại, SICASOV thu tiền bản quyền, phân phối lại cho các nhà lai tạo và giám sát việc sử dụng đúng các quyền đã được cấp. SICASOV cũng quản lý và bảo vệ các phát minh, quy trình hoặc thương hiệu công nghệ sinh học. Trong trường hợp vi phạm, công ty cũng có thể tiến hành hành động pháp lý thay mặt cho những người nắm giữ quyền.
Giới thiệu về SIPA: SIPA cam kết thúc đẩy giá trị của các cải tiến và bảo vệ hạt giống, ngăn chặn và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ về hạt giống để đem lại lợi ích cho nông dân, các đối tác trong ngành, người tiêu dùng và cộng đồng nông nghiệp.
Giới thiệu về SIPI: Sáng kiến Bảo vệ và Đổi mới Hạt giống (SIPI) là một hiệp hội châu Á có trụ sở tại Singapore đại diện cho các công ty hoạt động trong ngành hạt giống rau ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (APAC). Các thành viên của chúng tôi là các công ty hạt giống rau tích hợp nằm bên trong và bên ngoài khu vực APAC, cam kết hỗ trợ ngành nông nghiệp bền vững thông qua đổi mới trong lai tạo giống rau và sản xuất hạt giống. Sứ mệnh của SIPI là phát triển một mạng lưới khu vực để chống lại và ngăn chặn các hoạt động hạt giống bất hợp pháp (bao gồm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ) trong khu vực APAC bằng cách nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ (IP) giữa các bên tham gia khác nhau.
=====
Bình luận