Sự phát triển của công nghệ sinh học trong nông nghiệp đã mang lại nhiều loại cây trồng có khả năng chống chịu thuốc trừ cỏ và kháng sâu bệnh, bao gồm ngô, bông và đậu nành. Từ năm 2000 đến năm 2024, Cơ quan Thống kê Nông nghiệp Quốc gia của USDA (Mỹ) đã thu thập dữ liệu thông qua Khảo sát Nông nghiệp hàng năm để theo dõi khả năng ứng dụng của các loại cây trồng này.

Hoa Kỳ bắt đầu thương mại hạt giống biến đổi gen (BĐG) của những cây trồng chủ lực từ năm 1996, với tỷ lệ ứng dụng tăng mạnh vào các năm sau đó. Hiện nay, hơn 90% diện tích trồng ngô, bông vải upland và đậu tương tại Hoa Kỳ là các giống BĐG. Cây trồng BĐG trong báo cáo này được phân loại thành ba nhóm chính bao gồm: chống chịu thuốc trừ cỏ (HT – Herbicide-Tolerant), giống kháng sâu (Bt – Bacillus thuringiensis), và giống tích hợp cả hai đặc tính HT và Bt. Mặc dù một số tính trạng BĐG khác đã được phát triển (chẳng hạn như kháng vi-rút và nấm, chịu hạn và tăng hàm lượng protein, dầu hoặc vitamin), nhưng HT và Bt vẫn là hai tính trạng phổ biến nhất trong ngành trồng trọt tại Hoa Kỳ. Ngoài ba cây trồng chủ lực trên, các giống mang tính trạng chống chịu thuốc trừ cỏ HT cũng được ứng dụng rộng rãi trên cỏ linh lăng, cải dầu và củ cải đường.
Cây trồng HT là các giống cây có khả năng chống chịu với các thuốc trừ cỏ mang hoạt chất mạnh như glyphosate, glufosinate và dicamba, bổ sung giải pháp quản lý cỏ dại hiệu quả cho nông dân. Dựa trên dữ liệu khảo sát của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), phần trăm diện tích đậu tương HT được trồng ở trong nước đã tăng từ 17% lên 68% trong giai đoạn 1997 – 2001, trước khi ổn định ở mức 94% vào năm 2014. Đến năm 2024, diện tích canh tác cây trồng này đạt tỷ lệ cao nhất với 96%. Diện tích trồng bông HT cũng tăng từ 10% vào năm 1997 lên 56% vào năm 2001, trước khi đạt ngưỡng 95% vào năm 2019. Đến năm 2024, diện tích trồng giống cây này đã đạt 93%. Trong khi đó, tỷ lệ trồng ngô HT lại tăng trưởng khá chậm sau khi hạt giống BĐG được đưa vào thương mại hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng mạnh trong giai đoạn sau với khoảng 90% diện tích ngô BĐG được trồng tính đến năm 2024.
Cây trồng kháng sâu chứa các gen từ vi khuẩn đất Bt (Bacillus thuringiensis) và các protein diệt côn trùng đã được ứng dụng trên ngô và bông từ năm 1996. Diện tích trồng ngô Bt đã tăng từ khoảng 8% vào năm 1997 lên 19% vào năm 2000, trước khi tăng lên 86% vào năm 2024. Diện tích trồng bông Bt cũng được mở rộng, từ 15% vào năm 1997 lên 37% vào năm 2001. Vào năm 2024, 90% diện tích trồng bông của Hoa Kỳ sử dụng các giống BĐG mang tính trạng kháng sâu.
Tỷ lệ trồng ngô Bt gia tăng bắt nguồn từ việc thương mại hóa các giống cây mới có khả năng kháng sâu đục rễ và sâu đục bắp (trước năm 2003, các giống ngô Bt chủ yếu mang tính trạng kháng sâu đục thân châu Âu). Tỷ lệ canh tác ngô Bt thường biến động tùy thuộc vào mức độ gây hại do sâu đục thân ngô châu Âu và sâu rễ ngô gây ra. Tương tự, tỷ lệ trồng bông Bt cũng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng do sâu thuốc lá, sâu đục quả và sâu hồng tấn công.
Các số liệu dưới đây cho thấy sự gia tăng trong tỷ lệ ứng dụng cây trồng BĐG đa tính trạng, chứa cả gen HT và Bt. Việc ứng dụng những giống cây này đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Đến năm 2024, khoảng 87% diện tích trồng bông và 83% diện tích trồng ngô là các cây trồng BĐG đa tính trạng.


—
Bình luận