Lần tới khi bạn lật một miếng ngô ngon ngọt trên vỉ nướng, hãy nhớ rằng: Món ăn mùa đông yêu thích của bạn không phải lúc nào cũng ngon như vậy đâu. Trên thực tế, tổ tiên của cây ngô – một loại cỏ dại có tên teosinte, không có nhiều nét tương đồng với loại rau giòn và ngọt mà chúng ta thường thấy hiện nay. Và đó không phải là trường hợp duy nhất.
Vậy làm thế nào chúng ta có được các loại rau và quả như hiện nay?
Sự thật là thông qua gây giống chọn lọc, chúng ta đã cải tiến gen của cây trồng trong thời gian hàng trăm năm. Qua kỹ thuật này, người nông dân lựa chọn và phát triển các cây trồng có tính trạng họ mong muốn qua thời gian, ví dụ như tính trạng giúp quả mọng hơn.
Sinh vật biến đổi gen (GMO) cũng trải qua quá trình tương tự, nhưng diễn ra nhanh chóng và chính xác hơn. Thay vì lựa chọn các loại gen một cách thủ công qua thời gian hàng trăm năm, các nhà khoa học BĐG có cách thức thực hiện tiến bộ hơn rất nhiều. Một báo cáo gần đây về 3 thập kỉ nghiên cứu cây trồng biến đổi gen kết luận “không có bất kỳ bằng chứng nào” cho rằng “thực phẩm GMO ít an toàn hơn so với thực phẩm truyền thống”.
Dưới đây là một số loại rau quả trông hoàn toàn khác biệt trước khi chúng ta bắt đầu thuần hóa và trồng chúng làm thực phẩm:
Ngô dại
Hơn 10.000 năm trước, nông dân tại khu vực Mexico ngày nay nhận thấy rằng không phải tất cả cây bắp của họ đều giống nhau. Một vài cây lớn hơn, và một vài cây ăn ngon hơn so với các cây còn lại. Bởi vậy, họ bắt đầu giữ lại hạt giống từ những cây mà họ thích hơn và gieo trồng vào mùa tiếp theo. Thông qua việc làm mà chúng ta ngày nay gọi là gây giống chọn lọc, những cây ngô trở nên lớn hơn và ngọt hơn qua thời gian.
Cây ngô tự nhiên, như hình trên, được thuần hóa lần đầu tiên vào năm 7.000 trước công nguyên và từng khô như khoai tây thô, theo một nghiên cứu của giảng viên hóa học James Kennedy.
Ngô hiện đại
Ngày nay, cây ngô lớn gấp 1.000 lần so với tổ tiên của chúng 9.000 năm trước, dễ lột vỏ và dễ trồng hơn rất nhiều. Đồng thời, ngày nay có tới 6.6% thành phần của cây ngô là đường, so với chỉ 1.9% ở cây ngô dại, theo Kennedy. Khoảng một nửa sự thay đổi này diễn ra từ thế kỷ 15, khi những nhà thám hiểm Châu Âu bắt đầu canh tác cây trồng này.
Cà tím dại
Cà tím không phải lúc nào cũng là loại rau lớn, với màu tím đậm như chúng ta thấy ngày nay. Có một thời, chúng từng có màu trắng. Một vài trái lại có màu xanh da trời nhạt. Một số trái (như chúng ta thấy trong hình) có màu vàng và hình tròn. Một trong số những cây cà tím được canh tác sớm nhất tại Trung Quốc. Và một số loại cà tím từng có gai tại cuống nơi nối với hoa của nó.
Cà tím hiện đại
Nhờ gây giống chọn lọc, cà tím không còn có gai và thay vào đó là hình dạng thuôn dài với màu tím đậm đặc trưng.
Chuối dại
Trước khi cây chuối hiện đại xuất hiện, con người có thể đã trồng cây Musa acuminate, một loại thực vật với vỏ mềm sau đó đã có thể được gây giống để tạo ra loại quả không hạt. Theo Smithsonian, loại cây mảnh khảnh này đã xuất hiện cách đây ít nhất 6.500 năm tại khu vực nay là Papua New Guinea. Tài liệu khảo cổ học cho thấy cây acuminate sau đó được gây giống với một loại cây họ hàng khác, Musa balbisiana, tạo ra cây chuối lá với vị ngon hơn. Cây chuối hiện đại được cho là con cháu của loại cây chuối lá này.
Chuối hiện đại
Bằng việc gây giống kết hợp hai loại giống cây dại với nhau, nông dân cuối cùng đã tạo được cây chuối được ưa thích ngày nay: loại thức ăn kèm ngọt ngào cho bất cứ món sandwich bơ lạc nào. Cây chuối chúng ta được hưởng ngày nay đã có được hình dạng vừa tay và vỏ ngoài dễ bóc nhờ kỹ thuật lai giống. Thêm vào đó, so với tổ tiên của chúng, cây chuối ngày nay có hạt nhỏ hơn, vị ngon vượt trội hơn và cũng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Dưa hấu dại
Bức tranh từ thế kỉ 17 của Giovanni Stanchi cho thấy rất nhiều sự khác biệt của dưa hấu dại so với dưa hấu ngày nay, như Vox chỉ ra. Khi quan sát kỹ hơn trái dưa hấu trong bức tranh này, được vẽ vào khoảng năm 1645 – 1672, bạn có thể thấy một vài hình khối cuộn xoáy bên trong một loại quả trông rất khô và trắng. Với rất nhiều hạt đen bên trong!
Dưa hấu hiện đại
Qua thời gian, tổ tiên của chúng ta đã gây giống dưa hấu để có được loại trái cây màu đỏ và nhiều thịt như chúng ta thấy ngày nay. Một vài người cho rằng trái dưa trong bức tranh của Stanchi có thể còn xanh hoặc bị khô, nhưng những hạt đen trong bức tranh cho thấy rằng trái dưa thực tế đã chín.
Cà rốt dại
Cây cà rốt được trồng sớm nhất vào khoảng thế kỉ thứ 10 tại khu vực phía Đông của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Những cây cà rốt đầu tiên được cho là có màu tím hoặc màu trắng, với rễ hình chạc mảnh. Qua chiều dài lịch sử, các nhà gây giống ưa thích những màu sắc khác nhau của cà rốt – lúc là màu tím, lúc là màu trắng, và ngày nay là màu cam.
Cà rốt hiện đại
Người nông dân đã thuần hóa loại cây rễ mảnh, màu trắng, với mùi vị mạnh và hoa nở hai năm một lần này trở thành loại rau màu cam với hình dạng lớn, mùi vị thơm ngon và được trồng vào vụ đông hàng năm. Đầu tháng này, các nhà khoa học đã có thể xác định chính xác gen của cà rốt tạo ra carotenoids, nguồn vitamin A quan trọng và là nguồn gốc màu sắc cam đặc trưng của cà rốt hiện nay.
Quả đào dại
Quả đào từng một thời có kích thước nhỏ, hình dáng giống trái sơ-ri với rất ít cùi. Chúng được thuần hóa lần đầu tiên vào khoảng năm 4.000 trước công nguyên bởi người Trung Quốc cổ đại, có vị như đất và hơi mặn, “giống như đậu lăng”, theo Kennedy.
Quả đào hiện đại
Nhưng sau hàng ngàn năm gây giống lựa chọn bởi người nông dân, quả đào hiện nay có khối lượng nặng hơn gấp 64 lần. Chúng cũng mọng hơn khoảng 27% và ngọt hơn 4%.
Vậy lần tới khi người nào đó nói rằng chúng ta không nên ăn thực phẩm biến đổi gen, bạn có thể nói với họ rằng, chúng ta đã đang ăn thực phẩm biến đổi gen từ lâu rồi đó.
Bình luận