Hà Nội, Việt Nam, Ngày 26 tháng 11 năm 2018 – Hôm nay Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội CropLife Việt Nam tổ chức hội thảo báo chí với chủ đề: “An toàn thực phẩm & Vai trò của Truyền Thông Khoa học”.
Hội thảo được tổ chức như một diễn đàn trao đổi mở giữa những phóng viên-báo chí trong nước với các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Châu Âu về sự về tầm quan trọng của việc áp dụng nguyên tắc khoa học trong quy trình đánh giá an toàn thực phẩm; khoảng cách giữa các chủ đề về khoa học với truyền thông đại chúng cũng như nhận thức hiện tại của công chúng về vấn đề này; qua đó khẳng định vài trò của công tác báo chí – truyền thông trong việc định hướng thông tin một cách chính xác và có trách nhiệm.
Phát biểu tại hội thảo, Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “An toàn thực phẩm là một vấn đề được Chính phủ, cộng đồng xã hội luôn đặc biệt quan tâm và là một trong các chủ đề chính được đăng tải và tuyên truyền trên các phương tiện báo chí, truyền thông tại Việt Nam trong những năm gần đây. Báo chí đã giúp công chúng ngày càng ý thức hơn tới quy trình sản xuất, cách thức tạo ra thực phẩm họ tiêu dùng hàng ngày và đề cao vấn đề an toàn và dinh dưỡng; bên cạnh đó những lo ngại về an toàn thực phẩm cũng là đề tài thu hút, rất dễ bị khai thác và “cường điệu hoá”. Điều đó cho thấy trách nhiệm của báo chí trong việc cung cấp thông tin một cách khoa học, đầy đủ ngày càng trở nên quan trọng, giúp công chúng có kiến thức trước khi đưa ra những lựa chọn tiêu dùng thông minh”.
Bài trình bày của Tiến sỹ Jason Sandahl – Chuyên viên Kỹ thuật về An toàn thực phẩm – Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã cung cấp các vấn đề lý thuyết về các nguyên tắc đánh giá an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp đầu vào, cụ thể là các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân tích một số thông tin nhiễu liên quan tới tính an toàn của các sản phẩm này, làm rõ các khái niệm về tồn dư thuốc BVTV (MRL), mức tiêu thụ hàng ngày có thể chấp nhận được (AID)… Theo ông sự thiếu sót trong việc cung cấp thông tin đầy đủ tới công chúng về những tiêu chí đánh giá này đã đẩy cao lo lắng của công chúng và dẫn tới những hiểu lầm rằng “thuốc BVTV là không an toàn”. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sử dụng các giải pháp BVTV tiên tiến nhằm đảm bảo đủ lương thực cho dân số toàn cầu như hiện nay; vấn đề mấu chốt là cần có một nền tảng pháp lý chuẩn khoa học và có sự tham gia của nhiều bên trong việc thực thi các phương thức thực hành nông nghiệp bền vững. “Nông dân, Chính phủ và các đơn vị sản xuất – phân phối đều có trách nhiệm và nghĩa vụ ngang nhau trong đảm bảo sản xuất ra lương thực an toàn và dinh dưỡng tới người tiêu dùng.” – Tiến sỹ Jason Sandahl chia sẻ.
Nhìn nhận cụ thể tại Việt Nam, Tiến sỹ Đào Xuân Cường – Giám đốc quỹ Syngenta Foundation, đại diện Hiệp hội CropLife Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, 24,5 triệu hộ nông dân nhỏ phụ thuộc vào các giải pháp BVTV để ngăn ngừa dịch hại và áp lực cỏ dại gây hại cho cây trồng làm giảm năng suất khi thu hoạch. Tuy nhiên lạm dụng sử dụng quá liều các vật tư nông nghiệp đầu vào như thuốc BVTV và phân bón hoá học; việc nhập khẩu thiếu kiểm soát và sai luật các sản phẩm kém chất lượng; thiếu truy xuất nguồn gốc cũng là các yếu tố khác ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm nhưng thách thức lớn nhất nằm ở việc thay đổi thói quen canh tác của đại đa số nông hộ nhỏ trong nước. Bên cạnh việc tổ chức các chương trình hướng dẫn nông dân sử dụng có trách nhiệm các sản phẩm thuốc BVTV, công tác truyền thông hướng tới nông dân cần được đẩy mạnh hơn nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của họ trong chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn và các tác động tiêu cực nếu sử dụng sai quy cách và hướng dẫn. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hài hoà hoá các khung đánh giá pháp lý đối với các sản phẩm thuốc BVTV. “Quy trình đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, dựa vào nền tảng khoa học sẽ là tiền đề quan trọng giúp loại bỏ các sản phẩm thuốc không còn phù hợp và đẩy nhanh việc giới thiệu các sản phẩm tiên tiến hơn đến với nông dân, giúp tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, dinh dưỡng và phong phú hơn.” – Ông Cường nhấn mạnh.
Giáo sư David Zaruk – đại học Odisee (Vương Quốc Bỉ) người có hơn 20 năm nghiên cứu về truyền thông đối với các vấn đề khoa học đã đưa ra các ví dụ minh hoạ về tác động của truyền thông trong việc đẩy cao cảm xúc của công chúng một cách có chủ đích hướng tới các mục tiêu thương mại hơn là nhìn nhận bản chất khoa học của vấn đề đó. Ông cũng phân tích sự khác biệt trong canh tác nông nghiệp tại Châu Âu, nguyên nhân về kinh tế – chính trị của một số các yêu cầu hạn chế sử dụng các sản phẩm hoá học trong nông nghiệp tại khu vực này. Một ví dụ được chỉ ra là hoạt chất glyphosate – một trong những loại thuốc trừ cỏ được giới hoa học và cơ quan đánh giá an toàn trên toàn cầu khẳng định là an toàn và phổ biến nhất hiện nay đang dưới áp lực phải xem xét lại do một số báo cáo khoa học dựa trên nguy cơ và những hoạt động truyền thông “gây sợ hãi”. Ông chia sẻ thêm: “Giới truyền thông làm việc trong một môi trường có tính phản ứng cao. Tuy nhiên cần nhìn nhận rõ rằng 80% công chúng gần như không có quan điểm rõ ràng. Với sự bùng nổ của mạng xã hội và tính tương tác ngày càng cao trong môi trường giao tiếp hiện nay, các kênh truyền thông chính thống muốn giữ mức độ tín nhiệm với công chúng cần đơn giản hoá thông điệp, đối chiếu thông tin thường xuyên hơn với các nhà khoa học và hạn chế suy luận cảm tính.
Tiến sĩ Trần Bá Dung – Hội Nhà báo Việt Nam nêu những bất cập của truyền thông về khoa học nói chung, truyền thông về an toàn thực phẩm (ATTP) nói riêng. Đáng chú ý là chất lượng thông tin về KH-CN trên báo chí chưa cao. Thông tin sai lệch hoặc thiếu chính xác về KH-CN, nhất là về ATTP; Hình thức thông tin về KH-CN trên một số tờ báo chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao (tính chất nghiệp vụ báo chí chưa cao). Còn có nhà báo chưa nêu cao đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội trong truyền thông về ATTP, chưa quan tâm tới tác động của thông tin thiếu chính xác về các tác nhân gây hậu quả về ATTP. Ông cho rằng: Cần nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí về KH-CN, đưa tin về lĩnh vực KH-CN, ATTP cần chính xác, cụ thể, kịp thời, có phân tích, có định hướng. Đặc biệt, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, kiến thức KH-CN cho các nhà báo viết về KH-CN, ATTP; Coi trọng đạo đức nghề nghiệp trong đưa tin KH-CN, ATTP.
Giới thiệu về Hội nhà báo Việt Nam
Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. Đến năm 2018, Hội có hơn 24.000 hội viên hoạt động ở hơn 850 cơ quan báo chí trên cả nước. Hệ thống tổ chức Hội gồm 63 Hội nhà báo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 19 Liên Chi hội và gần 200 chi hội trực thuộc Trung ương Hội. Hội Nhà báo Việt Nam có các nhiệm vụ, quyền hạn (theo Luật Báo chí 2016), trong đó có nhiệm vụ “Bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí cho hội viên”. Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, trong đó có nhiều hội thảo, tọa đàm, khóa bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí phối hợp với các tổ chức quốc tế. Thông tin về Hội Nhà báo Việt Nam, truy cập tại www.hoinhabaovietnam.vn
Giới thiệu về CropLife
CropLife là một Hiệp hội của các công ty hàng đầu thế giới về phát triển công nghệ trong nông nghiệp bao gồm Arysta, BASF, Bayer, Corteva, Sumitomo và Syngenta… CropLife hoạt động trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu hỗ trợ ứng dụng các thành tựu khoa học thực vật và các giải pháp khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Tại Việt Nam, CropLife và các công ty thành viên luôn cam kết hỗ trợ và triển khai các chiến lược dài hạn giúp hơn 25 triệu nông dân ứng dụng có hiệu quả các giải pháp khoa học trong canh tác nông nghiệp nhằm đẩy mạnh tăng trưởng, cải thiện năng suất cây trồng, tạo ra nông sản chất lượng cao trong khi hạn chế tối đa các tác động tiêu cực lên môi trường. Thông tin thêm về Hiệp hội, truy cập tại www.croplifevietnam.org hoặc www.croplife.org
Bình luận