Có rất nhiều nguyên nhân, từ phong trào phản đối khởi xướng bởi những nhà phê bình và những nhà hoạt động phản đối công nghệ cho đến chính sách cấm đoán canh tác phi lý của nhiều quốc gia. Có lẽ quan trọng nhất, sự thiếu quyết đoán của EU trong quy trình phê chuẩn cấp phép cho cây trồng biến đổi gen, đang làm bào mòn niềm tin vào công nghệ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đổi mới.
Sau sự kiện Liên minh châu ÂU EU vừa phê chuẩn đề xuất nhập khẩu 3 sản phẩm đậu nành mới ứng dụng công nghệ sinh học, CropLife đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Ông Beat Spath, Giám đốc Công nghệ Sinh học Nông nghiệp của Hiệp hội ngành Công nghệ Sinh học Châu Âu EuropaBio để hiểu rõ hơn về lịch sử ngành khoa học cây trồng, ý nghĩa của những phê chuẩn mới đối với quá trình ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp và quy trình pháp lý về lĩnh vực này tại Châu Âu.
Hãy bắt đầu với lịch sử của cây trồng biến đổi gen ở Châu Âu.
Châu Âu chính là nơi khởi nguồn ngành Công nghệ sinh học (CNSH) ứng dụng trong nông nghiệp cách đây hơn 3 thập kỷ. Một số nhà khoa học đầu ngành hiện vẫn làm việc tại đây, nhưng vì nhiều yếu tố chính trị khác nhau dẫn tới nhận thức sai lệch về sự an toàn và lợi ích của cây trồng biến đổi gen mà Châu Âu giờ lại bị mang tiếng là châu lục “ghẻ lạnh” với công nghệ sinh học cây trồng. Hiện nay, phần lớn nông dân Châu Âu chưa thể hưởng lợi mà công nghệ này mang lại cũng như gieo trồng các giống cây này, mặc dù Châu Âu vẫn luôn cho phép nhập khẩu và sử dụng cây trồng CNSH.
Trên thực tế, chúng ta vẫn giao dịch bằng tiền giấy sử dụng bông biến đổi gen, mặc quần áo từ bông vải biến đổi gen và hàng năm chúng ta cho gia súc, gia cầm ăn đậu tương biến đổi gen bằng khối lượng của toàn bộ dân số Châu Âu cộng lại. Mặt khác, việc chấp nhận cho canh tác cây biến đổi gen mới đang chỉ được áp dụng giới hạn ở một số quốc gia, tiêu biểu nhất là Tây Ban Nha, và cũng chỉ với một giống ngô. Nông dân của chúng tôi đang bỏ lỡ một cơ hội về kinh tế và tính cạnh tranh.
Nhưng EU đã cho phép nhập khẩu 3 sản phẩm đậu nành biến đổi gen mới hồi đầu năm nay. Đây không phải là tin tốt cho ngành công nghệ sinh học ở Châu Âu hay sao?
Đúng là Uỷ ban Liên minh Châu Âu sau cùng đã cấp phép nhập khẩu cho 3 sản phẩm đậu nành biến đổi gen mới, nhưng điều này đáng lẽ nên được thực hiện từ lâu rồi. Thậm chí, thanh tra viên của EU còn có chỉ đạo hồi đầu năm nay rằng những quyết định phê chuẩn sản phẩm biến đổi gen không nên kéo dài quá 3 tháng rưỡi ở khâu ra quyết định cuối cùng bởi lẽ tại thời điểm đó, cây trồng vốn đã phải trải qua vài năm quy trình thủ tục, bao gồm cả một hệ thống đánh giá rủi ro kỹ lưỡng. Những phê chuẩn gần đây mất đến hơn 6 tháng, đồng nghĩa rằng việc thực hiện quy trình cấp phép hiện tại của EU rõ ràng có vấn đề. Hơn thế nữa, mặc dù đã được cho phép nhập khẩu nhưng việc canh tác cây trồng biến đổi gen vẫn bị cấm ở đa số các nước EU, bất chấp những lợi ích đa dạng của công nghệ sinh học đã được phổ biến.
Vậy làm thế nào để người nông dân có thể hưởng lợi từ công nghệ này?
Đầu tiên và cũng quan trọng nhất, cơ chế cấp phép cây trồng biến đổi gen hiện hành của EU cần phải được thực hiện đúng đắn và hợp lý. Điều này có nghĩa rằng những sản phẩm an toàn nên được cấp phép trong thời hạn dự kiến về mặt pháp lý.
Mặc dù đã nhập khẩu một lượng lớn đậu nành biến đổi gen và được hưởng lợi từ thương mại hóa cây trồng biến đổi gen, nhiều nước thành viên vẫn phản đối nền khoa học này. Những người có quyền quyết định nên tôn trọng trách nhiệm của mình trong phạm vi pháp chế hiện hành của EU và quyết liệt bảo vệ những quan điểm dựa trên khoa học trước những sự hù dọa vô căn cứ.
Theo ông thì việc EU quay lưng với cây trồng biến đổi gen là do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân, từ phong trào phản đối khởi xướng bởi những nhà phê bình và những nhà hoạt động phản đối công nghệ cho đến chính sách cấm đoán canh tác phi lý của nhiều quốc gia. Có lẽ quan trọng nhất, sự thiếu quyết đoán của EU trong quy trình phê chuẩn cấp phép cho cây trồng biến đổi gen, kể cả đối với những mặt hàng nhập khẩu, đang làm bào mòn niềm tin vào công nghệ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đổi mới.
Việc nhiều nước thành viên không bao giờ chấp nhận những cây trồng biến đổi gen là an toàn, được cho là bắt nguồn từ sự thiếu lòng tin từ công chúng, cứ như thế lặp đi lặp lại một vòng luẩn quẩn của sự sợ hãi và càng làm niềm tin bị bào mòn lớn hơn. Chống lại cây trồng công nghệ sinh học, vốn đã trải qua quá trình nghiên cứu an toàn và nghiêm ngặt, thường chỉ được viện trên những lý do tuỳ tiện và mơ hồ và quan trọng là hoàn toàn không có tính khoa học.
Sự trì trệ trong quá trình phê chuẩn cấp phép nhập khẩu cây trồng biến đổi gen đã ảnh hưởng như thế nào đến các nhà sản xuất và nông dân gieo trồng cây công nghệ sinh học?
Kinh doanh đậu nành và việc phê chuẩn cây trồng biến đổi gen có liên hệ mật thiết với nhau và cũng cần phù hợp với thời điểm gieo trồng. Khi có sự chậm trễ xảy ra trong quá trình phê chuẩn sản phẩm theo kế hoạch, thậm chí chỉ vài tuần thôi, có thể khiến nhà sản xuất thiệt hại hàng triệu Euro tuỳ theo thời điểm gieo hạt. Với Châu Âu, đậu nành nhập khẩu là một nguồn thức ăn chăn nuôi chính, nên chậm trễ cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định nguồn cung của thị trường.
Trên thực tế, người nông dân chăn nuôi gia súc ở Châu Âu phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu để trang trải khoảng 70% nhu cầu cây trồng giàu protein. Đậu nành nhập khẩu, với chủ yếu là các sản phẩm biến đổi gen, chính là nguồn cung cấp protein lớn nhất. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc ngưng nhập khẩu đậu nành vào 28 nước EU sẽ gây thiệt hại kinh tế đến gần 30 tỷ Euro mỗi năm cho toàn khối liên minh.
Vậy làm thế nào để người tiêu dùng Châu Âu có thể được đảm bảo chắc chắn rằng những sản phẩm công nghệ sinh học là an toàn?
Bằng chứng đã rõ ràng rồi: Các cơ quan công quyền và học viện khoa học có liên quan đã khẳng định rằng cây trồng biến đổi gen là an toàn giống như các cây giống cây thông thường. Thực phẩm và thức ăn chăn nuôi biến đổi gen nhập khẩu hay việc canh tác cây trồng biến đổi gen chỉ có thể được cấp phép trong Châu Âu sau một cuộc đánh giá an toàn nghiêm ngặt của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu EFSA. Cơ quan công quyền của chúng tôi có thể cải thiện mặt truyền thông và giúp người dân phân biệt rõ ràng nguy cơ thực sự liên quan đến thực phẩm với những gì chỉ là sản phẩm của nhận thức sai lầm. Ít nhất, quan trọng là họ sẽ chấm dứt được cái vòng luẩn quẩn nêu trên, chỉ đơn giản bằng cách tin vào những quyết định dựa trên khoa học của mình và tỉnh táo trước những lời đồn đoán hù dọa vô căn cứ.
Bình luận