Hội Khoa học cỏ dại Việt Nam (WSSV) đã phối hợp với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (CLRRI) và Uỷ ban Hành động về Kháng thuốc trừ cỏ (HRAC) thuộc Hiệp hội CropLife Châu Á tổ chức Hội thảo với chủ đề “Quản lý cỏ dại bền vững tại Việt Nam”
Trong khuôn khổ Đại hội thường kỳ, Hội Khoa học cỏ dại Việt Nam (WSSV) đã phối hợp với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (CLRRI) và Uỷ ban Hành động về Kháng thuốc trừ cỏ (HRAC) thuộc Hiệp hội CropLife Châu Á tổ chức Hội thảo với chủ đề “Quản lý cỏ dại bền vững tại Việt Nam” vào ngày 29/10/2021 vừa qua. Hội thảo được kết nối trực tuyến từ ba đầu cầu: đầu cầu Hà Nội tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đầu cầu Cần Thơ tại Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long và đầu cầu TP. Hồ Chí Minh tại công ty SPC. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham dự của hơn 200 đại biểu trong đó có hơn 120 đại biểu tham dự trực tuyến và 80 đại biểu tham dự trực tiếp từ 3 đầu cầu.
Mục tiêu chính của Hội thảo là giới thiệu hệ thống phân loại thuốc cỏ mới của HRAC nhằm cung cấp các thông tin giúp cho các đơn vị quản lý thuốc tại Việt Nam hiểu rõ hơn về hệ thống phân loại mới và áp dụng vào hệ thống quản lý nhãn thuốc hiện tại. Bên cạnh đó, đây cũng là diễn đàn để các nhà khoa học trong nước cập nhật và giới thiệu các kết quả nghiên cứu về cỏ dại và biện pháp phòng trừ tại một số viện nghiên cứu cũng như những báo cáo và phương pháp quản lý tính kháng thuốc trừ cỏ hiện nay. Hội thảo đã được lắng nghe tóm tắt 9 nghiên cứu từ các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu trong nước và nhiều công ty đa quốc gia trong lĩnh vực thuốc BVTV; các bài trình bày đã nhận được nhiều câu hỏi thảo luận sôi nổi từ các đại biểu tham dự
trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS TS Lê Trần Bình, Chủ tịch Hội các Ngành Sinh học Việt Nam cho biết cách nhìn nhận về khoa học cỏ dại trong 20 năm qua từ năm 2001 đến nay đã có những chuyển dịch đáng kể, trở nên toàn diện hơn và cân nhắc nhiều hơn về vai trò sinh thái nông học và môi trường của cỏ dại cũng như khả năng kiểm soát và tiềm năng sử dụng của chúng hướng tới tận dụng tối đa nguồn lợi thiên nhiên từ cỏ dại.
GS. TS. Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học cỏ dại Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một trong những nước áp dụng các biện pháp quản lý cỏ dại có hiệu quả theo hướng quản lý tổng hợp, các biện pháp canh tác đã được áp dụng để phòng trừ cỏ dại, nhiều loại thuốc trừ cỏ được thử nghiệm và áp dụng trong sản xuất lúa, cây công nghiệp, đặc biệt là những năm đầu của thời kỳ đổi mới, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây lương thực và thực phẩm trong những năm qua.”
“Tuy nhiên ngành khoa học cỏ dại ở Việt nam đối mặt với những thách thức trong sản xuất nông nghiệp như việc nghiên cứu các nhiệm vụ về cỏ dại còn hạn chế, dẫn tới thiếu các chuyên gia về lĩnh vực này; thuốc trừ cỏ còn sử dụng nhiều, nhất là ở các vùng sản xuất lớn, thiếu các biện pháp lựa chọn khác; nghiên cứu các biện pháp sinh học, chế phẩm sinh học phòng trừ cỏ dại còn hạn chế”, ông chia sẻ thêm.
Thay mặt cho Hiệp hội CropLife Châu Á, bà Delisa Jiang, Giám đốc các hoạt động bền vững và vận động chia sẻ: “Quản lý tính kháng của cỏ dại là rất quan trọng đối với nông dân và năng suất cây trồng. Trên thế giới có khoảng 250 loài cỏ dại đã được xác nhận là có khả năng chống lại ít nhất một cơ chế tác động (mode of action) hoặc vị trí hoạt động của thuốc trừ cỏ. Việc ngăn chặn sự hình thành của tính kháng thuốc là một lựa chọn dễ dàng và rẻ hơn so với việc xử lý tính kháng đã xuất hiện ở cỏ. Hơn nữa, quản lý tính kháng thuốc thông qua các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giúp làm giảm số lần sử dụng thuốc BVTV cho nông dân sẽ không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tiết kiệm thời gian, tăng cường an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe và đất đai của chúng ta”.
“Ở Việt Nam, vẫn còn rất nhiều nghiên cứu cần được tiến hành về khả năng kháng thuốc trừ cỏ. Vì vậy, sự kiện này sẽ là bước khởi đầu quan trọng trong hành trình dài hơn nữa nhằm cải thiện sinh kế nông dân và nông nghiệp ở Việt Nam, đồng thời cũng là điểm khởi đầu của sự hợp tác chặt chẽ giữa HRAC với các nhà nghiên cứu, học giả và cán bộ khuyến nông tại Việt Nam trong việc trao đổi kiến thức và các ý tưởng về quản lý tính kháng ở Việt Nam.”, bà chia sẻ.
Ủy ban Hành động về Kháng thuốc trừ cỏ (HRAC), là một cơ quan quốc tế thuộc mạng lưới CropLife Quốc tế, hoạt động nhằm hỗ trợ nông dân và những người canh tác cây trồng trong việc quản lý và hạn chế tình trạng kháng thuốc trừ cỏ. HRAC cam kết chia sẻ với Việt Nam các kiến thức quốc tế và các thực hành tốt nhất liên quan đến thuốc trừ cỏ và tính kháng. Tại Hội thảo HRAC đã giới thiệu những cập nhật về Hệ thống phân loại thuốc trừ cỏ theo Cơ chế tác động. Đây được xem là công cụ quan trọng trong việc phát triển các chương trình phòng trừ cỏ dại hiệu quả. Bên cạnh đó, HRAC cũng đã tạo ra các công cụ và nguồn dữ liệu khác nhau để hỗ trợ cập nhật hệ thống phân loại mới bao gồm: bảng tóm tắt các thay đổi về cơ chế tác động và các mô tả kỹ thuật chuyên sâu tương ứng, poster cập nhật các cơ chế tác động của thuốc trừ cỏ và website/app tra cứu phân loại cơ chế tác động.
Bình luận