ISAAA công bố báo cáo “Kỷ niệm 20 năm ngày thương mại hóa toàn cầu của cây trồng công nghệ sinh học (1996-2015) và kết quả nổi bật năm 2015,” cho thấy sự gia tăng toàn cầu về diện tích canh tác cây trồng CNSH từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên 179,7 triệu ha năm 2015. Sự tăng trưởng gấp 100 lần chỉ trong 20 năm làm cho công nghệ sinh học trở thành công nghệ cây trồng được áp dụng nhanh nhất trong thời gian gần đây, phản ánh sự hài lòng của người dân đối với các loại cây trồng công nghệ sinh học.
Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng CNSH trong nông nghiệp (ISAAA) đã công bố báo cáo hàng năm về việc áp dụng cây trồng CNSH, “Kỷ niệm 20 năm ngày thương mại hóa toàn cầu của cây trồng công nghệ sinh học (1996-2015) và kết quả nổi bật năm 2015,” cho thấy sự gia tăng toàn cầu về diện tích canh tác cây trồng CNSH từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên 179,7 triệu ha năm 2015. Sự tăng trưởng gấp 100 lần chỉ trong 20 năm làm cho công nghệ sinh học trở thành công nghệ cây trồng được áp dụng nhanh nhất trong thời gian gần đây, phản ánh sự hài lòng của người dân đối với các loại cây trồng công nghệ sinh học.
Kể từ năm 1996, 2 tỷ ha đất canh tác – một diện tích lớn hơn gấp đôi so với diện tích đất canh tác của Trung Quốc hay Hoa Kỳ – đã được dùng để canh tác cây trồng công nghệ sinh học. Ngoài ra, nông dân của 28 quốc gia đã thu về hơn 150 tỷ đô la từ những lợi ích của cây trồng công nghệ sinh học. Điều này đã giúp xóa đói giảm nghèo cho hơn 16,5 triệu tiểu nông và gia đình của họ với khoảng 65 triệu người, là những người nghèo nhất trên thế giới.
“Càng ngày càng có nhiều nông dân ở các nước đang phát triển canh tác cây trồng công nghệ sinh học vì cây trồng CNSH đã được kiểm tra một cách nghiêm ngặt trong việc nâng cao năng suất cây trồng”, Clive James, người sáng lập và là chủ tịch danh dự của ISAAA, tác giả của báo cáo ISAAA trong hai thập niên vừa qua cho biết. “Mặc dù có những tuyên bố từ những người phản đối rằng công nghệ sinh học chỉ có lợi cho nông dân ở các nước phát triển, nhưng việc công nghệ được tiếp tục áp dụng tại các nước đang phát triển đã bác bỏ ý kiến đó” James nói thêm.
Trong bốn năm liên tiếp, các nước đang phát triển đã canh tác cây trồng CNSH nhiều hơn so với các nước công nghiệp (14,5 triệu ha). Năm 2015, diện tích canh tác cây trồng CNSH ở Mỹ Latin, châu Á và châu Phi đã tăng và đạt 54% tổng diện tích của toàn cầu (97,1 triệu ha /179,7 triệu ha) và trong 28 quốc gia canh tác cây trồng CNSH có tới 20 quốc gia là các nước đang phát triển. Từ năm 1996-2015, có đến 18 triệu nông dân, 90% trong số đó là các hộ nhỏ, nghèo tài nguyên ở các nước đang phát triển, được hưởng lợi từ việc canh tác cây trồng CNSH.
“Trung Quốc là một ví dụ về những lợi ích mà công nghệ sinh học mang lại cho nông dân ở các nước đang phát triển. Từ năm 1997 đến 2014, các giống bông CNSH đã mang lại lợi nhuận khoảng 17,5 tỷ đô la cho nông dân trồng bông ở Trung Quốc, và họ nhận được 1,3 tỷ đô la chỉ riêng năm 2014”, điều phối viên toàn cầu của ISAAA, Randy Hautea giải thích.
Cũng trong năm 2015, Ấn Độ đã trở thành nhà sản xuất bông hàng đầu trên thế giới với đóng góp không nhỏ từ giống bông Bt. Ấn Độ là nước trồng bông CNSH lớn nhất thế giới với 11,6 triệu ha canh tác và 7,7 triệu nông dân năm 2015. Trong các năm 2014 và 2015, 95% cây bông của Ấn Độ là giống biến đổi gen; và ở Trung Quốc là 96% trong năm 2015.
“Nông dân, những người thường sợ rủi ro, nhận ra giá trị của cây trồng CNSH mang lại lợi ích cho họ và cho người tiêu dùng, bao gồm cả khả năng chịu hạn, kháng sâu bệnh, dịch bệnh, thuốc trừ cỏ, và tăng dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm,” Hautea nói thêm. “Hơn nữa, cây trồng CNSH góp phần làm cho hệ thống sản xuất nông nghiệp bền vững hơn trước những thách thức của biến đổi khí hậu và an ninh lương thực toàn cầu.”
Sau một chặng đường 19 năm tăng trưởng ấn tượng liên tiếp 1996-2014, trong đó có 12 năm tăng trưởng hai con số, diện tích cây trồng CNSH năm 2015 là 179,7 triệu ha, giảm 1% so với năm 2014 (181,5 triệu ha). Sự thay đổi này chủ yếu là do tổng diện tích canh tác cây trồng toàn cầu suy giảm, kết hợp với giá các loại cây trồng hàng hóa thấp trong năm 2015. ISAAA dự đoán rằng tổng diện tích sẽ tăng trở lại khi giá cả nông sản được cải thiện. Ví dụ, Canada đã dự đoán rằng diện tích trồng cải dầu năm 2016 sẽ trở lại với mức cao hơn năm 2014. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến diện tích cây trồng CNSH vào năm 2015 bao gồm hạn hán tàn phá ở Nam Phi, dẫn đến sự sụt giảm tới 23% trong 700.000 ha cây trồng. Hạn hán ở miền đông và miền nam châu Phi trong 2015/2016 đã đẩy 15 – 20 triệu người nghèo vào nguy cơ mất an ninh lương thực và buộc Nam Phi, vốn là một nước xuất khẩu ngô, phải nhập khẩu ngô.
Những điểm nổi bật khác trong báo cáo ISAAA 2015 bao gồm:
- Một số cây trồng CNSH mới đã được phê duyệt và/hoặc thương mại hóa tại một số quốc gia trong đó có Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, Canada và Myanmar.
- Hòa kỳ lần đầu tiên đã thi hành một số chính sách bao gồm thương mại hóa những sản phẩm mới như:
- Khoai tây Innate™ Thế hệ 1, với hàm lượng acrylamide, một chất gây ung thư tiềm tàng, ít hơn và khả năng không bị thâm nâu. Innate™ Thế hệ 2, đã được phê duyệt vào năm 2015, cũng kháng bệnh mốc sương. Đáng chú ý là khoai tây là cây lương thực quan trọng thứ tư trên thế giới.
- Táo Arctic® không bị thâm khi cắt.
- Cây trồng đầu tiên tạo ra bằng công nghệ chỉnh sửa gen mà không chuyển gen được thương mại hóa trên toàn cầu, cây Cải dầu SU ™, đã được trồng tại Hoa Kỳ.
- Phê duyệt lần đầu tiên một loại thực phẩm cho người là cá hồi biến đổi gen.
- Cây trồng CNSH với nhiều đặc tính, thường được gọi là “đa tính trạng”, đã được trồng trên 58,5 triệu ha, chiếm 33 % tổng diện tích cây trồng công nghệ sinh học và tăng 14 % so với năm trước.
- Giống Ngô đa tính trạng, kháng sâu và kháng thuốc trừ cỏ là cây trồng CNSH đầu tiên được trồng tại Việt Nam.
- Ngô DroughtGard™, lần đầu tiên được trồng tại Hoa Kỳ năm 2013, đã tăng diện tích gieo trồng 15 lần từ 50.000 ha năm 2013 lên 810.000 ha năm 2015, phản ánh sự đồng thuận cao từ nông dân.
- Sudan tăng 30% diện tích trồng Bông Bt lên 120.000 ha ngay cả khi gặp rất nhiều trở ngại từ Burkina Faso.
- Tám nước châu Phi đang tiến hành thử nghiệm đồng ruộng các cây trồng ưu tiên cho xóa đói giảm nghèo, bước cuối cùng trước khi được phê chuẩn.
Hướng tới tương lai của công nghệ sinh học trong nông nghiệp, ISAAA đã xác định được ba cơ hội quan trọng để tiếp tục thúc đẩy việc áp dụng các cây trồng công nghệ sinh học như sau:
- Tỷ lệ áp dụng cao (90 – 100%) trong thị trường công nghệ sinh học lớn hiện nay còn rất ít cơ hôi cho việc mở rộng quy mô. Tuy nhiên, có một tiềm năng đáng kể ở các nước “mới” cho các sản phẩm được lựa chọn, chẳng hạn như ngô công nghệ sinh học với tiềm năng khoảng 100 triệu ha trên toàn cầu, 60 triệu ha ở châu Á, trong đó 35 triệu là ở riêng Trung Quốc, cộng thêm 35 triệu ha ở châu Phi.
- Hơn 85 sản phẩm mới, tiềm năng hiện đang được tiến hành thử nghiệm; bao gồm ngô chịu hạn từ dự án WEMA (Ngô sử dụng nước hiệu quả ở Châu Phi) dự kiến sẽ được trồng ở châu Phi vào năm 2017, Gạo Vàng ở châu Á, chuối giàu năng lượng và đậu đũa kháng sâu bệnh ở châu Phi.
- CRISPR (Clustered Regularly Interspersed Short Palindromic Repeats) – công nghệ chỉnh sửa hệ gen mới, đầy tiềm năng có những ưu điểm rõ rệt khi so sánh với công nghệ truyền thống và công nghệ chuyển: chính xác, tốc độ, ít chi phí và các quy định liên quan. Khi kết hợp với các tiến bộ khác trong khoa học cây trồng, CRISPR có thể làm tăng năng suất cây trồng theo phương thức “tăng cường bền vững” sử dụng 1,5 tỷ hecta đất canh tác và đóng góp một phần quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Thông báo cáo chí (Tiếng Anh): ISAAA Brief 51-2015: Press Release
Tham khảo tóm tắt báo cáo: Executive Summary
Giới thiệu về ISAAA:
Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng CNSH trong nông nghiệp (ISAAA) là một tổ chức phi lợi nhuận có mạng lưới các trung tâm quốc tế nhăm góp phần xóa đói giảm nghèo thông qua việc chia sẻ kiến thức và ứng dụng công nghệ sinh học trong cây trồng. Clive James, Chủ tịch danh dự và là nhà sáng lập ISAAA đã sống và làm việc trong 30 năm tại các nước đang phát triển ở Châu Á, Mỹ La tinh và Châu Phi, cống hiến nỗ lực của mình cho nghiên cứu nông nghiệp và các vấn đề phát triển mà trọng tâm là công nghệ sinh học cây trồng và an ninh lương thực toàn cầu
Bình luận