Cuộc đời của Norman là một trong những nghịch lý phi thường – trở thành một trong sáu người trong lịch sử nhận được Huy chương Tự do của Tổng thống Hoa Kỳ, Huy chương vàng của Quốc hội, và Giải Nobel Hòa bình, cho một loạt những sáng kiến nông nghiệp đã đẩy lùi được tình trạng suy dinh dưỡng, nạn đói và cứu sống hàng triệu người.
Norman Borlaug, người cải tạo giống cây trồng được biết đến là Cha đẻ của Cách mạng Xanh, sẽ tròn 100 tuổi vào ngày 25/3/2014 (Ông qua đời năm 2009 ở tuổi 95). Tôi được vinh dự biết Norman như một người bạn và một người thầy, bất cứ khi nào tôi gặp hay nói chuyện với ông, tôi không thể không nghĩ rằng ông có một lý tưởng và lòng dũng cảm giống như của Jimmy Stewart trong vai diễn chính của bộ phim “Mr. Smith Goes to Washington” (tạm dịch: Ngài Smith đến Washington) và Gary Cooper trong “High Noon” (tạm dịch: Người hùng cô độc).
Cuộc đời của Norman là một trong những nghịch lý phi thường: một đứa trẻ lớn lên trên thảo nguyên Iowa trong thời kỳ Đại Suy thoái theo học tại trường chỉ có một lớp học, mơ ước trở thành một giáo viên dạy khoa học tại trường trung học phổ thông nhưng thi trượt kỳ khi đầu vào đại học – tuy nhiên sau cùng vẫn trở thành một trong sáu người trong lịch sử nhận được Huy chương Tự do của Tổng thống, Huy chương vàng của Quốc hội, và Giải Nobel Hòa bình, cho một loạt những sáng kiến nông nghiệp đã đẩy lùi được tình trạng suy dinh dưỡng, nạn đói và cứu sống hàng triệu người.
Công thức của Norman cho sự tiến bộ — khoa học, thường thức, và sự chăm chỉ – đã đem lại cho ông một vài sáng kiến mang tính cách mạng. Đầu tiên, ông và đồng nghiệp miệt mài lai chéo hàng ngàn giống lúa mỳ từ khắp mọi nơi trên thế giới để sản xuất ra một số giống mới có khả năng kháng bệnh gỉ, một loại gây hại phá hủy cây trồng. Việc này giúp tăng năng suất khoảng 20 đến 40%.
Thứ hai, ông đã tạo ra cái gọi là giống lúa mỳ lùn, nhỏ hơn giống cũ – loại cây cao đến vai người khi có gió thì uốn cong và chạm xuống mặt đất (vì thế không thể thu hoạch được); giống lùn mới chỉ cao đến đầu gối có thân đứng thẳng và cho nhiều hạt, làm tăng năng suất cao hơn.
Thứ ba, ông phát minh ra một kỹ thật tài tình tên là “chọn giống cây trồng luân phiên” – mỗi năm trồng hai vụ liên tiếp, thay vì một vụ như bình thường, ở nhiều vùng tại Mexico. Việc có hai đời lúa mỳ thử nghiệm mỗi năm đã giảm được một nửa số năm cần thiết để gây giống mới. Hơn nữa, vì hai vùng có những điều kiện khí hậu hoàn toàn khác nhau, giống mới nhanh chín, kháng bệnh gỉ được tạo ra có thể thích ứng được một cách rộng rãi trên nhiều vùng miền, độ cao và loại đất. Khả năng thích ứng rộng này, đi ngược lại nông nghiệp chính thống, đã chứng tỏ là vô cùng quý giá, và làm năng suất lúa mỳ Mexico đã tăng vọt.
Những thành công tương tự tiếp theo diễn ra khi những giống lúa mỳ Mexico được trồng ở Pakistan và Ấn Độ, nhưng chỉ sau khi Norman thuyết phục được chính trị gia các nước này thay đổi chính sách quốc gia nhằm cung cấp cả hạt giống được tăng cường lẫn số lượng lớn phân bón cần thiết cho việc trồng lúa mỳ. Nở một nụ cười tinh quái, Norman kể lại một chiến thuật mà ông đã sử dụng:
Bất cứ khi nào đặt chân đến New Delhi, câu đầu tiên mà tôi được hỏi là: “Lúa mỳ Mexico trồng ở Pakistan thế nào rồi?”, và hễ tôi cứ đặt chân đến Lahore, câu hỏi đầu tiên bao giờ cũng là: “Ấn Độ sử dụng giống mới đến đâu rồi?”
Với mỗi câu hỏi, tôi đều trả lời giống nhau: “Tất cả mọi thứ đều đang diễn ra rất tốt, thực sự rất tốt. Bạn sẽ phải làm việc thật chăm chỉ thì mới bắt kịp được chúng.”
Trong cuộc đời sự nghiệp của mình, Norman phải vật lộn với những trở ngại lớn, bao gồm cái mà ông gọi là “sự bi quan thường trực và liên tục phao tin đồn nhảm” của các nhà phê bình và người hoài nghi, những người đã dự đoán rằng bất chấp những nỗ lực của ông, nạn đói trên diện rộng là không thể tránh khỏi và hàng trăm triệu người sẽ thiệt mạng ở châu Phi và châu Á. Công trình của ông không chỉ đem lại việc tạo ra được những giống lúa mỳ năng suất cao, mà còn dẫn tới những phương thức nông học và quản lý mới làm thay đổi khả năng cung cấp lương thực của Mexico, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc và nhiều nơi tại Nam Mỹ cho người dân của họ.
Vậy những nỗ lực của Norman đã thành công đến đâu? Từ năm 1950 đến năm 1992, sản lượng hạt đầu ra của thế giới tăng từ 692 triệu tấn được sản xuất trên 1.70 tỷ mẫu Anh (Người dịch: tương đương 0.68 tỷ ha) đất trồng lên đến 1.9 tỷ tấn trên 1.73 tỷ mẫu Anh (ND: tương đương 0.69 tỷ ha) đất trồng — mức tăng ấn tượng hơn 150% năng suất tính trên một mẫu Anh. Về điểm này, Ấn Độ là một trường hợp điển hình. Thời kỳ trước Borlaug năm 1963, lúa mỳ mọc thành những dải thưa thớt, không đều, được thu hoạch bằng tay, và rất dễ nhiễm bệnh gỉ. Năng suất tối đa đạt 800 pao trên một mẫu Anh (ND: tương đương 908kg/ha). Năm 1968, nhờ những giống của Norman, lúa mỳ mọc dầy, kháng được bệnh gỉ, và năng suất tối đa lên đến 6000 pao trên một mẫu Anh (ND: tương đương 6810kg/ha).
Nếu không có nông nghiệp năng suất cao, hoặc là hàng triệu người sẽ bị chết đói, hoặc là mức tăng sản lượng lương thực đầu ra sẽ chỉ có thể được hiện thực hóa nhờ việc mở rộng diện tích cây trồng – như thế diện tích hoang dã nguyên sơ bị mất đi sẽ lớn hơn rất nhiều so với tất cả những mất mát do mở rộng đô thị, ngoại ô và thương mại.
Sau này Norman nhớ lại một cách không thù oán những trở ngại điên rồ đối với sự phát triển và ra đời những giống cây năng suất cao: “sự hỗn loạn mang tính quan liêu, sự chống đối từ những người chọn giống địa phương, và những phong tục tập quán, thói quen, và mê tín của người nông dân đã tồn tại hàng thế kỷ.” Nhớ về kinh nghiệm của mình tại Ấn Độ (đầu những năm 1960), ông nói:
Khi tôi hỏi về nhu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, cả các nhà khoa học lẫn các nhà quản lý đều trả lời, “Nghèo là số phận của nông dân, họ đã quen với nó rồi.”
Tôi được cho biết rằng những người nông dân tự hào về địa vị thấp kém của mình, và được đảm bảo rằng họ không muốn thay đổi. Sau những trải nghiệm của tôi ở Iowa và Mexico, tôi không hề tin những điều này.
Tại Pakistan và Ai Cập, các giám đốc nghiên cứu của chính phủ trên thực tế đã ngầm phá hoại những thử nghiệm hạt giống của Norman nhằm bác bỏ công trình của ông. Kết quả là người dân bị chết đói. Norman nhớ lại: “Ở Bombay trong những ngày kinh khủng đó, tôi nhìn thấy những đứa trẻ đang thương không nhà tụ tập xung quanh các khách sạn, không xin tiền mà chỉ xin những mẩu bánh mỳ. Mỗi buổi sáng, xe tải đi vòng quanh các phố, và mang những quan tài đi.”
Khi dân số thế giới tiếp tục tăng, nhu cầu tăng sản xuất nông nghiệp vẫn còn đó, và trong những năm sau này, Norman đã chuyển hướng những nỗ lực của mình nhằm đảm bảo thanh công cho sự kiện tương đương với Cách mạng Xanh của thế kỷ này — đó là ứng dụng kỹ thuật di truyền hiện đại (hay còn gọi là “biến đổi gen” hay BĐG) trong nông nghiệp. Norman và các nhà thực vật học khác nhận ra rằng, việc sử dụng thuật ngữ “biến đổi gen” để áp dụng chỉ cho những công nghệ gen mới nhất là một sự dùng từ sai đáng tiếc, vì các nhà thực vật học đã sử dụng những kỹ thuật thô và mất nhiều công sức để có được những biến thể di truyền mới của lúa mỳ, ngô và các cây trồng khác trong hàng thế kỷ. Những sản phẩm hiện đang được phát triển bằng kỹ thuật di truyền mang đến khả năng tăng năng suất cao hơn, sử dụng ít đầu vào hóa chất nông nghiệp và nước hơn, tăng dinh dưỡng, và thậm chí cả các loại văcxin uống chiết xuất từ thực vật.
Mặc dù vậy, một số ít những kẻ cực đoan trong phong trào môi trường đã và đang làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn tiến bộ khoa học, và những đồng minh của chúng ở các cơ quan quản lý quốc gia và tại Liên hợp quốc vô cùng sẵn lòng giúp đỡ. Những nhà hoạt động chống công nghệ đã tung ra những kiểu tin đồ tương tự nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi cho những người nông thôn kém học thức đã chống lại Norman một nửa thế kỷ trước – rằng cây trồng BĐG gây ra bệnh vô sinh, hoặc chúng gây hại cho vật nuôi chẳng hạn. Theo quan sát của Norman về sự phản đối hiện đại hóa canh tác nông nghiệp ở Ấn Độ những năm 1960, “tình hình được tạo ra nhằm phục vụ những kẻ mị dân, gieo rắc nỗi sợ hãi, tát nước theo mưa và những nhóm đối địch. Chúng tôi biết tất cả bọn chúng.” Ngày nay chúng vẫn tiếp tục tuôn ra thứ vũ khí độc địa chết người này.
Norman lo ngại rằng những kiểu tấn công như thế này là bằng chứng lịch sử lặp lại một nửa thế kỷ sau:
Vào thời điểm đó [của Cách mạng Xanh], Forrest Frank Hill, Phó Chủ tịch Quỹ Ford, nói với tôi, “Hãy tận hưởng hiện tại đi, vì sẽ không có điều tương tự đến với ông nữa. Cuối cùng những kẻ phản đối và những kẻ quan liêu sẽ xiết cổ ông đến chết, và ông sẽ không thể xin được cấp phép cho những nỗ lực này của ông được nữa.” Hill đã đúng. Dự đoán của ông ta đã tiên liệu được kỷ nguyên nghiền nát di truyền sẽ đến những thập niên sau đó… Những kẻ phản đối và những kẻ quan liêu đã được công nhận. Nếu trước đây những giống mới của chúng tôi cũng phải chịu những sự phê bình và yêu cầu quản lý như hiện nay công nghệ sinh học mới đang phải chịu, chúng chắc đã không bao giờ tồn tại” [nhấn mạnh theo nguyên gốc].
Thế giới quan của Norman được hình thành bởi gốc rễ và kinh nghiệm của ông khi còn trẻ. Trong suốt cuộc đời sự nghiệp của mình, ông đã áp dụng bài học mà ông học được trong cuối những năm 1930 khi ông nhận thấy việc trồng ngô ở Iowa thay da đổi thịt nhờ có hạt giống ngô lai mới và lượng phân bón phù hợp. Những tiến bộ này đã giúp tăng năng suất từ mức trần 30 giạ trên một mẫu Anh (ND: tương đương 1883 kg/ha) lên mức trung bình toàn bang đáng kinh ngạc là 75 (ND: tương đương 4708 kg/ha), đưa nông nghiệp Iowa từ chỗ chỉ đủ ăn đến chỗ cuộc sống đảm bảo hơn.
Norman đã bị sốc bởi những gì ông nhìn thấy khi ông học năm thứ nhất Đại học Minnesota vào mùa thu năm 1933: “Tôi thấy nhiều người lang thang trên phố trong lạnh giá, hầu hết là những người đàn ông và có cả những gia đình, ngủ trên những tờ báo, chìa tay ra, xin một đồng bạc kẽm, hay xin thức ăn. Cảnh tượng này diễn ra trước khi có những nơi phục vụ cháo.” Có lẽ vì bản thân Norman cũng thường bị đói trong thời thơ ấu và những năm đại học, nên cách sống của ông có thể được gói gọn lại trong một vài quan sát về tầm quan trọng của lương thực và sự ứng dụng khoa học để cung cấp lương thực cho những người bị đói.
Thứ nhất: “Không có thứ hàng hóa nào thiết yếu hơn lương thực. Không có lương thực, con người bị chết đói, các tổ chức xã hội và chính trị tan rã, và các nền văn minh sụp đổ.”
Thứ hai: “Bạn không thể ăn thứ tiềm năng.” Nói cách khác, bạn không thể thành công cho đến khi bạn đưa được những phát minh mới đến thực địa và thực sự vào trong dạ dày của mọi người.
Và cuối cùng: “Người ta dễ quên mất rằng khoa học đem lại nhiều hơn là một bộ kiến thức và một quy trình để thu nạp kiến thức mới. Nó nói cho chúng ta không chỉ những gì chúng ta đã biết mà chả những gì chúng ta chưa biết. Nó chỉ ra những lĩnh vực không chắc chắn và giúp ước lượng sự không chắc chắn đó lớn và quan trọng như thế nào.”
Norman gặp nhiều may mắn trong cuộc đời, dưới dạng những tập hợp con người và hoàn cảnh không mong đợi và không ngờ, điều khiến cho chúng ta nghĩ đến quan sát của nhà vi sinh học Louis Pasteur: “may mắn chỉ ủng hộ một trí óc đã sẵn sàng.” Norman Borlaug không chỉ sở hữu một trí óc đã sẵn sàng, mà cả một tấm lòng vô cùng nhân hậu và hào phóng. Một dòng văn bia thích hợp cho ông là một câu trong bài thơ của Matthew Arnold: một người đàn ông “nhìn cuộc đời như nó vốn có”. Tôi vô cùng nhớ Norman.
Bài viết gốc: Norman Borlaugh: A man for all reasons: http://www.forbes.com/sites/henrymiller/2014/04/03/2958/#267a771b535c
Bình luận