Các nhà sản xuất EU đã đệ đơn kiến nghị Ủy ban châu Âu cho phép sử dụng phần diện tích đất canh tác còn lại để sản xuất nông nghiệp vào năm 2022. Mục đích của hành động này là tạo ra “lá chắn lương thực” nhằm chống lại cú sốc do chiến tranh ở Ukraina, từ đó tránh được sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng của 27 Quốc gia thuộc EU. Đồng thời, áp lực đang ngày càng gia tăng đối với các nhà chức trách châu Âu trong việc xem xét lại các chiến lược về môi trường và đa dạng sinh học của họ nhằm bảo đảm an ninh lương thực.
Áp lực về nguồn cung thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tại Châu Âu kể từ khi chiến sự gia tăng
Ukraina và Nga là những nhà xuất khẩu lúa mì, ngô, hoa hướng dương lớn. Chiến sự tại Ukraina đã khiến hoạt động xuất khẩu từ Biển Đen bị gián đoạn. Theo dữ liệu của Farm Europe, có tới hơn 10 triệu tấn ngũ cốc không thể được xuất khẩu ra thị trường thế giới trong khi nhiều cánh đồng tại Ukraine đang dần bị bỏ hoang. Tác động dây chuyền xảy ra nhiều hơn, giá thực phẩm đã tăng lên kể từ khi xung đột bắt đầu xảy ra. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã đưa ra lời cảnh báo rằng, việc gián đoạn vụ thu hoạch ở Ukraina có thể “làm trầm trọng hơn nạn đói trên toàn cầu”.
Chỉ tính riêng tại Đức, theo số liệu từ Văn phòng Nông nghiệp và Thực phẩm Liên bang, có đến gần bảy triệu tấn ngô đã được tiêu thụ vào năm ngoái. Đức phải nhập khẩu hơn một nửa số lượng này từ các nước khác vì không có đủ diện tích trồng ngô để làm thức ăn chăn nuôi và hơn một nửa lượng ngô mà Đức nhập khẩu đến từ Ukraina. Giống như hầu hết các loại ngũ cốc khác, ngô chủ yếu được vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, theo Hiệp hội Nông dân Đức, vẫn còn khoảng 10 triệu tấn lúa mì và khoảng 8 triệu tấn ngô ở các cảng Biển Đen của Ukraina. Con số này tương ứng với khoảng một phần tư tổng sản lượng hàng năm của đất nước này. Thông thường, vào những tuần tiếp theo, phần lớn trong số đó sẽ được vận chuyển qua đường Biển Địa Trung Hải và qua eo biển Gibraltar để đến các cảng Biển Bắc của Đức và Hà Lan. Nhưng việc này không còn có thể thực hiện được nữa do Odessa – cảng lớn nhất của Ukraina – đang bị cháy. Và ngay cả tại các cảng Biển Đen của Nga – cũng là nơi quan trọng để xuất khẩu ngũ cốc – cũng không còn tàu buôn để vận chuyển do chiến tranh.
Người tiêu dùng Đức và ở châu Âu nói chung sẽ phải chi trả nhiều hơn cho thực phẩm và sẽ áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Đặc biệt, các nhà sản xuất thịt của EU sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự chi phí thức ăn chăn nuôi tăng nhảy vọt. Ở một số khu vực ở Trung Đông và châu Phi, nguy cơ lạm phát ngũ cốc sẽ làm ảnh hưởng đến hàng triệu con người. Tổ chức Copa-Cogeca – đại diện cho tiếng nói thống nhất của nông dân và các hợp tác xã tại EU, cho biết: “Cuộc chiến này sẽ gây ra hậu quả khắp nơi trên toàn thế giới trong nhiều năm.” Thế giới sẽ không chỉ mất đi một phần sản lượng thu hoạch từ năm ngoái mà vẫn có thể phải tiếp tục đối mặt với tình trạng này trong thời gian tới. Đặc biệt là mùa xuân này sẽ hầu như không có vụ gieo trồng nào trên các cánh đồng của Ukraina.
Bà Christiane Lambert, chủ tịch của Copa-Cogeca cho biết: “Vì chính phủ Nga sử dụng an ninh lương thực như một vũ khí, nên chúng ta phải chống lại nó bằng “lá chắn lương thực”. Bà cho biết thêm: “Giống như trong lĩnh vực năng lượng, đối với ngành nông nghiệp, chúng tôi tin rằng việc củng cố quyền tự chủ song song với việc đạt được những bước tiến bền vững là điều có thể thực hiện được”.
Theo nhiều chuyên gia Châu Âu, cuộc chiến giữa Nga và Ukraina cũng là lời cảnh tỉnh cho EU, người dân châu Âu đã nhận thấy rõ ràng hơn tầm quan trọng của việc tăng cường tự chủ về năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Nga, đồng thời đảm bảo sự tự chủ về lương thực.
Mở rộng diện tích đất canh tác và xem xét lại các chiến lược Farm To Fork
Tổ chức Copa-Cogeca cho biết, một trong những hành động đầu tiên để mở rộng sản xuất các mặt hàng nông sản thường nhập khẩu từ Nga, Ukraine và Belarus đó là sử dụng 2 triệu ha đất còn lại cho việc phục hồi và tái tạo. Diện tích này chiếm khoảng 25,9% trong 8 triệu ha sử dụng để hình thành Khu vực Sinh thái Tập trung (EFAs). Nếu quyết định được thông qua trong năm nay sẽ tác động tới quá trình sản xuất của năm tới.
Bên cạnh đó, tổ chức này cũng đề xuất Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều hành của EU xem xét lại mô hình đa dạng sinh học và chiến lược “Farm to Fork” (từ nông trại đến bàn ăn) – trọng tâm của Thoả thuận xanh Châu Âu với mục tiêu tạo ra các hệ thống thực phẩm bền vững ở tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị thực phẩm cùng các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính. Để đạt được điều này, châu lục này đặt ra các định hướng về hạn chế sử dụng thuốc BVTV và phân bón, tăng diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ… Theo đó, ước tính sản lượng nông nghiệp của Châu Âu sẽ sụt giảm đáng kể, cụ thể là khoảng 10% đến 15% sản lượng các mặt hàng chính như ngũ cốc, hạt có dầu, thịt bò và chăn nuôi bò sữa; giảm hơn 15% sản lượng lợn và gà; và giảm hơn 5% đối với các loại rau.
Ông João Pacheco, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Nông nghiệp của Liên minh Châu Âu, đồng thời là cựu đại sứ của Khu vực Châu Âu tại Brazil, chia sẻ rằng không còn nghi ngờ gì nữa về sự suy thoái nặng nề của ngành nông nghiệp ở EU. Ông cho biết: “Và thực tế điều này rất ít tới từ các tác động biến đổi khí hậu. Bởi nếu EU sản xuất ít hơn, quốc gia khác sẽ phải sản xuất nhiều hơn để bù đắp, kèm theo nhiều ảnh hưởng lớn đến hệ thống sản xuất lương thực và nguy cơ lạm phát gia tăng ”.
Theo ông Pacheco, đặc biệt là trong tình hình địa chính trị hiện nay, chính sách giảm sản lượng là không thể chấp nhận được. “Có những chính sách thay thế nhằm bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu, kết hợp với ứng dụng công nghệ nhằm gia tăng năng suất bền vững được đề xuất bởi Hoa Kỳ. Đây hiện là những vấn đề thực tế cần được quan tâm. Điều chúng tôi muốn nói là Ủy ban nên tận dụng thời điểm này để xem xét lại những chính sách vốn được đánh giá là quá mâu thuẫn”.
###
Tài liệu tham khảo:
– Zeit online: https://www.zeit.de/wirtschaft/2022-03/ukraine-russland-krieg-getreide-landwirtschaft-auswirkungen
Bình luận