Trong khi các nhà hoạt động phản đối các sản phẩm công nghệ sinh học (CNSH) tiếp tục truyền bá những lời đồn rằng thực phẩm hữu cơ lành mạnh hơn và nhiều dinh dưỡng hơn so với thực phẩm thông thường, công nghệ gen di truyền đang tạo ra hàng loạt các giống cây trồng biến đổi gen (BĐG) và chỉnh sửa gen mới có hàm lượng dinh dưỡng mà những người canh tác hữu cơ đơn giản là không thể sao chép được.
Ngành công nghiệp thực phẩm hữu cơ đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Theo Hiệp hội Thương mại Hữu cơ (Organic Trade Association), doanh số thực phẩm hữu cơ đã tăng khoảng 125,1% trong giai đoạn 2009 – 2018, với tổng giá trị lên đến 47,862 tỷ đô và chiếm 5,9% tổng doanh số thực phẩm. Một trong những động lực chính cho sự tăng trưởng xuất sắc này này là từ một quan niệm sai lầm được truyền bá rằng thực phẩm hữu cơ lành mạnh hơn và nhiều dinh dưỡng hơn thực phẩm được trồng theo phương pháp thông thường.
Ví dụ, một khảo sát của Pew năm 2018 đã ghi nhận:
“Những người trẻ có xu hướng cho rằng thực phẩm hữu cơ lành mạnh hơn so với thực phẩm được trồng thông thường cao hơn so với những người lớn tuổi. Có 54% người trong độ tuổi từ 18 đến 29 và 47% người trong độ tuổi từ 30 đến 49 tin rằng hoa quả và rau củ hữu cơ thường tốt cho sức khoẻ hơn, so sánh với 39% người ở độ tuổi trên 65 có phát biểu tương tự.”
Trong khi các nhà hoạt động phản đối các sản phẩm công nghệ sinh học (CNSH) tiếp tục truyền bá những lời đồn rằng thực phẩm hữu cơ lành mạnh hơn và nhiều dinh dưỡng hơn so với thực phẩm thông thường, công nghệ gen di truyền đang tạo ra hàng loạt các giống cây trồng biến đổi gen (BĐG) và chỉnh sửa gen mới có hàm lượng dinh dưỡng mà những người canh tác hữu cơ đơn giản là không thể sao chép được. Một sản phẩm như vậy đã sẵn sàng đưa vào thị trường và một vài sản phẩm khác được kỳ vọng sẽ theo sau trong một vài năm tới. Sự phát triển này đặt ra một khoảng cách về dinh dưỡng giữa cây trồng hữu cơ và cây trồng BĐG, đồng thời làm lung lay câu chuyện về nông nghiệp hữu cơ.
Thực phẩm hữu cơ và dinh dưỡng: Những bằng chứng hiện có
Các nhà hoạt động chống CNSH thường căn cứ vào việc mô hình canh tác thực phẩm hữu cơ không sử dụng thuốc BVTV hoá học để khẳng định rằng thực phẩm hữu cơ lành mạnh hơn. Ronnie Cummins, giám đốc Hiệp hội Người tiêu dùng Hữu cơ, đã quả quyết rằng “canh tác thông thường đồng nghĩa với hoá chất, canh tác truyền thống là độc hại độc hại, và rằng toàn bộ câu chuyện về việc sử dụng công nghệ gen di truyền trong nông nghiệp thực chất là nguy hại cho sức khoẻ của chúng ta…” Viện Rodale – nơi được tự mô tả là “nơi khai sinh” của nông nghiệp hữu cơ cũng có quan điểm tương đồng với Cummins, nhưng cởi mở hơn về khía cạnh khoa học, vào năm 2012 đã ghi nhận như sau:
“Chúng ta có rất ít nghiên cứu dài hạn về tác động của việc phơi nhiễm mãn tính và ở mức độ thấp với thuốc BVTV lên sức khoẻ con người. Và nghiên cứu đang có hiện khá lộn xộn. Việc phơi nhiễm với những chất đó có mối liên hệ với sự phá vỡ hệ thống thần kinh trung ương và não bộ, gây vô sinh, ung thư và thậm chí làm thay đổi ADN của chúng ta…
“Sự thật là, những nghiên cứu về dinh dưỡng trên thực phẩm hữu cơ chủ yếu đang trong giai đoạn khởi động. Những tài liệu hiện có đang thiếu vắng những bằng chứng khoa học vững chắc chứng minh “thực phẩm hữu cơ giàu dinh dưỡng hơn một cách đáng kể so với thực phẩm thông thường,” như [các tác giả của một nghiên cứu vào năm 2012] đã kết luận, một phần bởi có rất ít nghiên cứu đề cập…”
Những kết luận cho rằng dư lượng thuốc BVTV trên cây trồng được canh tác theo phương pháp thông thường gây ra nguy cơ về sức khoẻ không được củng cố vững chắc bởi bằng chứng phổ biến. Mặc dù, hiện có một số nghiên cứu khuyến cáo rằng thực phẩm hữu cơ có thể có hàm lượng chất chống ôxy hoá cao hơn, nhưng phần lớn các nghiên cứu khác so sánh thực phẩm thông thường và thực phẩm hữu cơ đều kết luận rằng không có sự khác biệt về dinh dưỡng đáng kể nào giữa các phương pháp canh tác này. Một trong những nghiên cứu bao quát nhất so sánh hàm lượng dinh dưỡng giữa thực phẩm trồng hữu cơ và thực phẩm truyền thống được thực hiện bởi Đại học Stanford vào năm 2012. Các kết luận chính của nghiên cứu này được công bố như sau:
“Qua phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu tìm thấy rất ít điểm khác biệt về lợi ích đối với sức khoẻ giữa thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thông thường. Không có khác biệt nhất quán nào được tìm thấy trong hàm lượng vitamin của sản phẩm hữu cơ. Chỉ có dưỡng chất – phốt pho trong thực phẩm hữu cơ là cao hơn đáng kể khi so sánh với thực phẩm thông thường (và các nhà nghiên cứu lưu ý them rằng do không có nhiều người thiếu phốt pho, nên điều này không có nhiều ý nghĩa lâm sàng). Không có sự khác biệt nào về hàm lượng protein hay chất béo giữa sữa hữu cơ và sữa thông thường, dù một số bằng chứng từ các nghiên cứu dữ liệu hạn chế khuyến cáo rằng sữa hữu cơ có thể chứa lượng axit béo omega-3 cao hơn đáng kể.”
Trường Đại học Y Harvard cũng đã ghi nhận tương tự vào năm 2015:
“Mặc dù thực phẩm hữu cơ có ít thuốc BVTV và phân bón tổng hợp hơn, đồng thời không chứa hormone và kháng sinh, nhưng chúng có vẻ như không có lợi thế về dinh dưỡng hơn so với thực phẩm thông thường.”
Kathy McManus, giám đốc Khoa Dinh dưỡng tại Bệnh viện Phụ nữ và Brigham đã phát biểu với Harvard rằng “có một số các nghiên cứu phân tích hàm lượng chất dinh dưỡng vĩ mô và vi chất dinh dưỡng, nhưng dù được trồng hữu cơ hay thông thường, những thực phẩm này thực sự giống nhau về hàm lượng vitamin, khoáng chất và carbohydrate”.
Công nghệ gen di truyền có thể tạo ra thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn
Một loạt các giống cây BĐG bao gồm: chuối, cao lương, sắn và khoai tây đã được nghiên cứu phát triển để giải quyết vấn đề thiếu hụt vitamin A. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, nạn thiếu hụt vitamin A đã ảnh hưởng tới 250 triệu trẻ mẫu giáo – trong đó có khoảng 250.000 đến 500.000 trẻ bị mù mỗi năm. Một nửa trong số đó tử vong trong vòng 12 tháng kể từ khi mất thị lực. Công nghệ gen di truyền có thể làm giảm đáng kể những con số này thông qua việc sản xuất các cây trồng có hàm lượng betacarotene cao, được chuyển hóa thành vitamin A khi tiêu thụ.
Giống gạo vàng (BĐG) là ví dụ nổi tiếng nhất của cây trồng được làm giàu vitamin A. Giống lúa này được phát triển trong hơn hai thập kỷ qua và cuối cùng đang tiến tới giai đoạn thương mại hoá tại một số nơi trên thế giới và có thể mang lại các các động to lớn cho các quốc gia áp dụng. Hy vọng vào thời gian nào đó trong năm nay, Bangladesh sẽ trở thành quốc gia đầu tiên canh tác giống lúa này. Philippines được kỳ vọng sẽ nối tiếp ngay sau đó.
Nuseed, một chi nhánh của Công ty Nufarm Úc đã được USDA cấp phép vào tháng Tám 2018 để bắt đầu canh tác giống cải dầu omega-3 BĐG. Giống cây này được sản xuất bằng cách lấy các gen từ vi tảo và đưa chúng vào hạt giống cải dầu, từ đó cho phép cây trồng sản xuất ra axit Docosahexaenoic (DHA) giúp hỗ trợ sức khoẻ của mắt, hoạt động não bộ và có thể phòng chống một số bệnh bao gồm cả bệnh tim. Axit béo này được tìm thấy trong thịt của cá nước lạnh, và Nuseed ước tính một héc-ta cải dầu có thể cung cấp lượng omega-3 tương đương với 10.000kg cá đánh bắt tự nhiên.
Loại dầu sản xuất từ cây trồng BĐG này có thể được sử dụng cho thực phẩm và thức ăn chăn nuôi sau khi nhận được phê duyệt của FDA. Người khổng lồ trong lĩnh vực thực phẩm, tập đoàn Cargil đang liên kết với BASF nghiên cứu giống cải dầu omega-3 mà họ hy vọng sẽ đưa ra thị trường vào năm 2020.
Kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR tiếp tục nới rộng thêm khoảng cách
Các kỹ thuật chọn tạo giống hiện đại mới, bao gồm chính sửa gen CRISPR, cũng đang bắt đầu tạo ra một loạt các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Một trong những công ty đi đầu trong cuộc cách mạng chỉnh sửa gen cây trồng là công ty CNSH Calyxt có trụ sở tại Minneapolis. Vào tháng 4/2020, công ty này đã công bố mở bán lần đầu tiên loại dầu đậu nành chỉnh sửa gen sử dụng cho mục đích thương mại cho một chuỗi nhà hàng tại Trung Tây. Loại dầu này được sử dụng để chiên rán, trộn salad và các loại sốt, được chiết xuất từ cây đậu nành chỉnh sửa gen giúp sản xuất ra loại dầu có hàm lượng oleic cao, không chất béo chuyển hoá và ít chất béo bão hoà. Như công ty nhấn mạnh, những tính trạng dinh dưỡng này cho phép kéo dài thời hạn sử dụng của dầu và tăng tính cạnh tranh của dầu đậu nành với các loại dầu khác như ô liu, hướng dương và hoa nghệ tây. Calyxt cũng đã phát triển giống lúa mỳ chỉnh sửa gen giàu chất xơ mà có thể có mặt trên thị trường vào năm 2020. Theo ông Jim Blome, giám đốc điều hành của Calyxt:
“Nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm giàu chất xơ chưa bao giờ cao như thế, do chất xơ rất cần thiết cho hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, với tiềm năng giảm nguy cơ các bệnh liên quan đến thực phẩm như bệnh tim mạch vành hay béo phì. Hầu hết người trưởng thành chỉ tiêu thụ khoảng một nửa lượng chất xơ được khuyến nghị trong chế độ ăn của họ, nhưng với tiến bộ mới nhất này, chúng tôi đã bước một bước gần hơn tới phát triển một sản phẩm bột mỳ với lượng chất xơ cao gấp ba lần bột mỳ tiêu chuẩn.”
Với vị thế của lúa mỳ là một cây trồng chủ lực toàn cầu, một số dự án nghiên cứu khác đang được thực hiện nhằm cải thiện chất lượng dinh dưỡng của nó. Các nhà khoa học tại Trung tâm John Innes tại Anh đã phát triển một giống lúa mỳ cho ra loại bột mỳ trắng với hàm lượng sắt cao gấp đôi so với lúa mỳ phổ biến hiện nay, từ đó mang lại lợi ích to lớn cho những người bị thiếu máu – một bệnh lý có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng trong các trường hợp bị nặng. Các thử nghiệm trên đồng ruộng đối với các giống lúa mỳ này đang được triển khai trong giai đoạn 2019 – 2022. Các nhà nghiên cứu tại Tây Ban Nha và Hà Lan cũng đang phát triển loại lúa mỳ không chứa gluten – họ kỳ vọng loại lúa mỳ này nếu được thương mại hoá, sẽ giúp những người bị bệnh dị ứng gluten có thể tiêu dùng an toàn hơn.
Amfora, một công ty CNSH có trụ sở tại San Francisco, đang phát triển các giống gạo, lúa mỳ, đậu và một vài loại rau củ có chứa hàm lượng protein cao hơn 60% so với các giống cây hiện nay. Đặc biệt, lượng protein được tăng lên một cách đáng kể khi sử dụng chung với tinh bột và các loại carbohydrate khác, từ đó giúp tăng hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm làm từ những cây trồng này.
Các ví dụ như trên vẫn tiếp diễn: Dầu hạt cải với hàm lượng chất béo bão hoà thấp, cà chua với các lợi ích dinh dưỡng của ớt đỏ cay, đậu phộng không chứa chất gây dị ứng và rất nhiều cây trồng được tăng cường khác vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng kết quả thì rõ ràng. Trong khi ngành công nghiệp thực phẩm hữu cơ và các nhà hoạt động đồng minh quảng bá sản phẩm của họ là những lựa chọn thay thế lành mạnh hơn của thực phẩm canh tác truyền thống, thì công nghệ gen di truyền mới thực sự tạo ra các sản phẩm giàu dinh dưỡng và tốt hơn cho sức khoẻ.
Dầu đậu nành tốt cho sức khoẻ tim mạch của Calyxt chỉ là sản phẩm đầu tiên trong số rất nhiều thực phẩm được phát triển sử dụng công nghệ gen di truyền sẽ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Với ngày càng nhiều các sản phẩm tăng cường dinh dưỡng, hướng tới quyền lợi của người tiêu dùng như vậy được đưa ra thị trường trong những năm tới, ngành công nghiệp hữu cơ sẽ ngày càng khó phủ nhận lợi ích của CNSH cũng như biện minh cho giá cả sản phẩm bị đang bị thổi phồng của họ.
Bình luận