Nigeria đã đạt được dấu mốc quan trọng trong lịch sử nghiên cứu và phát triển nông nghiệp với việc ra mắt và thương mại hóa chính thức đậu đũa biến đổi gen (BĐG) kháng sâu đục thân tại một sự kiện được tổ chức vào ngày 29 tháng 6 năm 2021 ở Kano, Tây Nam Nigieria.
Đậu đũa BĐG kháng sâu đục thân (Pod Borer Resistant – PBR) là sản phẩm của một dự án hợp tác quốc tế theo điều phối của Quỹ Công nghệ Nông nghiệp Châu Phi (AATF) bao gồm các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Nông nghiệp (IAR) thuộc Đại học Ahmadu Bello, Zaria.Được giới thiệu ở Nigeria vào tháng 12 năm 2019, sự kiện kháng sâu đục thân PRB được đựa vào giống đậu đũa với tên SAMPEA 20-T – là cây lương thực BĐG đầu tiên ở Châu Phi ngoài Nam Phi. Đậu đũa này có khả năng chống lại côn trùng Maruca Vitrata, loài côn trùng gây thiệt hại đến 80% năng suất.
Tiến sỹ Denis Kyetere, Giám đốc Điều hành của AATF, mô tả sự kiện này là một bước tiến mang tính bước ngoặt sẽ giúp Nigeria đạt mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và tăng thu nhập cho nông dân. Trong bài phát biểu của mình tại buổi ra mắt giống cây trồng mới ở Kano, tiến sỹ Kyetere nói rằng đậu đũa BĐG sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nông dân và người tiêu dùng ở Nigeria. Ông nói: “Sản lượng đậu đũa toàn quốc sẽ tăng 20-100% như đã được ghi nhận và chứng kiến bởi nông dân trong các cuộc thử nghiệm hiệu suất quốc gia”, đồng thời nhận định rằng việc nhập khẩu đậu đũa số lượng lớn sẽ giảm. “Ước tính rằng 20% đậu đũa tiêu thụ ở Nigeria là nhập khẩu. Với đậu đũa BĐG kháng sâu đục thân, Nigeria sẽ tiết kiệm được hàng tỷ USD”, ông chia sẻ.
Tiến sĩ Kyetere nhấn mạnh thêm rằng đậu đũa BĐG sẽ mang lại nguồn cung protein, vitamin (thiamine) và khoáng chất dồi dào: “Nguồn cung đậu đũa tăng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng trong nước, đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ. Khi mọi người khỏe mạnh, họ sẽ làm việc hiệu quả.”
Thống đốc bang Kano, Abdullahi Umar Ganduje, đã biểu dương các nhà khoa học Nigeria từ Viện Nghiên cứu Nông nghiệp (IAR) – Zaria cùng sự hỗ trợ từ NABDA để phát triển và phát hành đậu đũa BĐG. Thống đốc cho biết: “Nhìn chung, ở Châu Phi, sản lượng nông nghiệp giảm liên tục. Trong khi ở các vùng khí hậu khác, nông dân là một trong những người giàu nhất thì tại lục địa của chúng ta nông dân là tầng lớp thấp nhất trong xã hội, phải vật lộn tự kiếm ăn và bán những gì còn lại để trang trải tiền học phí cho con cái”.
Tuy nhiên Thống đốc lạc quan rằng Nigeria có thể tận dụng tốt nhất các công nghệ và cải tiến mới nghiệp để phục hồi lại ngành nông nghiệp và tạo ra những lợi ích kinh tế to lớn. Ông tự hào phát biểu: “Ngày nay, Nigeria đã được công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho ra đời giống đậu đũa có khả năng chống lại Maruca, loài côn trùng phá hoại từng là cơn ác mộng đối với nông dân trên lục địa châu Phi.”
Ông Sabo Nanono, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nigeria, mô tả việc ra mắt đậu đũa BĐG là sự giải thoát cho nông dân Nigeria, những người đã phải đối mặt với cơn ác mộng không ngừng trong việc đối phó với tác động tàn phá của sâu Maruca.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng nói: “Trong vụ mùa năm 2020, các thử nghiệm đã diễn ra trên các trang trại tại 28 địa điểm trên khắp Adamawa, Bauchi, Kaduna, Kano, Katsina, Zamfara, Kebbi và Plateau và kết quả cho thấy tính ưu việt về mặt nông học của giống mới dẫn đến nhu cầu cao về hạt giống.”
Bộ trưởng lưu ý thêm rằng Chính phủ Nigeria hiện đang định vị lại các dịch vụ khuyến nông của đất nước để cung cấp cho nông dân thông tin mới nhất về giống và các lựa chọn tốt nhất để cải thiện năng suất nông nghiệp.
Ảnh: Đậu đũa BĐG là chìa khoá giúp Nigeria bởt phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực (Nguồn: Genetic Literacy Project)
Cải tiến là chìa khoá mở ra hệ thống canh tác tự cung tự cấp cho Châu Phi
Các nhà khoa học đã nhận định, việc ứng dụng quy mô lớn đối với các công nghệ và cải tiến nông nghiệp mới nổi hiện nay có thể là giải pháp cho những thách thức đặc thù mà nông dân sản xuất nhỏ ở châu Phi đang phải đối mặt, bao gồm dịch bệnh, sâu hại và áp lực khí hậu
Theo tiến sĩ Ogbonnya Onu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nigeria: “Công nghệ sinh học nông nghiệp là một trong những công cụ thú vị phù hợp với Nigeria, một quốc gia đang trong bối cảnh ngày càng gia tăng các vấn đề về lương thực và mất an ninh dinh dưỡng, nhờ vào khả năng ứng phó nhanh với năng suất thấp, dịch bệnh và sâu hại”.
Trong một cuộc họp trực tuyến ở thủ đô Nairobi, ông Kyetere cho biết: “Việc tiếp cận với các cải tiến nông nghiệp phù hợp với mức giá phải chăng chính là chìa khóa nhằm giải quyết những khó khăn mà nông dân châu Phi đang phải đối mặt, từ sự tác động của biến đổi khí hậu cho đến độ phì nhiêu của đất. Việc chuyển đổi hệ thống canh tác tự cung tự cấp ở châu lục này phụ thuộc vào việc tiếp nhận nhiều hơn các cải tiến và liên kết phát triển thị trường.”
Ông cho rằng mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa các chính phủ, ngành công nghiệp và các cơ quan nghiên cứu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các công nghệ và cải tiến ở khu vực châu Phi Hạ Sahara với mục đích tăng năng suất của các mặt hàng chủ lực như ngô, kê và gạo.
Ông cũng đề xuất các nước khu vực châu Phi phải nhanh chóng tạo ra một chính sách và môi trường pháp lý phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận các cải tiến nông nghiệp cho các nông hộ quy mô nhỏ cũng như tăng cường an ninh lương thực và thu nhập ở các vùng nông thôn.
Trong khi đó, AATF cho biết Nigeria chỉ có thể tận dụng tối đa các công nghệ mới trong nông nghiệp nếu các dịch vụ khuyến nông được tăng cường bên cạnh việc cung cấp tốt hạt giống được chứng nhận và hạt giống nền.
###
Tài liệu tham khảo:
– Environment News Nigeria: https://www.environewsnigeria.com/aatf-partners-unveil-genetically-modified-insect-resistant-beans/
– Xinhua: http://www.xinhuanet.com/english/africa/2021-06/29/c_1310032878.htm
Bình luận