Hướng tới tương lai, để giải quyết áp lực ngày càng lớn về nguồn phẩm cũng như nhu cầu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, việc áp dụng các công nghệ mới và hiện hữu như công nghệ sinh học là một trong các giải pháp cần thiết.
Ngày 5 tháng 6 vừa qua, kỷ niệm ngày Môi trường Thế giới của Liên hiệp quốc, hầu hết các nhà lãnh đạo trên thế giới đã tham dự và kêu gọi chúng ta kết nối với chương trình #WithNature và các hành động cụ thể để bảo vệ môi trường. Đó cũng là ngày Viện PG Economics phát hành bản báo cáo thường niên lần thứ 12 về tác động của cây trồng Công nghệ sinh học (CNSH) hay cây trồng biến đổi gen (BĐG) trên toàn cầu. Bản báo cáo một lần nữa đã nêu bật các tác động tích cực về kinh tế và môi trường mà cây trồng CNSH đã mang lại trong suốt 20 năm ứng dụng.
Nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn thực phẩm cho loài người, nhưng cũng là ngành sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên “hao tốn” nhất. Liên Hiệp Quốc đã dự báo dân số thế giới sẽ bùng nổ tăng lên khoảng 9 triệu người vào năm 2050, sản xuất thực phẩm cần phải tăng trưởng đáng kể để đáp ứng nhu cầu, cùng lúc đó không gây ra tổn hại lớn hơn ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên thiên nhiên. Để đạt được mục tiêu kép này, các cải tiến về khoa học công nghệ như công nghệ sinh học đóng vai trò rất quan trọng khi giúp nông dân sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật hiệu quả hơn, thực hành phương thức canh tác bền vững hơn và bảo tồn nguồn tài nguyên tự nhiên của trái đất.
Trong 20 năm qua, công nghệ sinh học đã giúp đỡ nông dân làm quen và ứng dụng nhiều phương thức canh tác bền vững như canh tác không làm đất – phương pháp đã giúp giảm bớt sử dụng nguyên liệu đốt và cho phép giữ lại carbon trong đất. Điều này đã góp phần giảm đáng kể lượng phát thải nhà kính. Hình dung đơn giản hơn, nếu không có cây trồng CNSH được canh tác chỉ riêng trong năm 2015, sẽ có thêm 26.7 tỷ kilogram CO2 sẽ được thải vào không khí – tương đương với lượng phát thải của 11.9 triệu ô tô lưu thông trên đường.
Công nghệ này cũng cho phép nông dân có thể gieo trồng nhiều hơn mà không cần phải mở rộng thêm diện tích đất trồng trọt. Nếu cây trồng CNSH không xuất hiện và không được canh tác vào năm 2015, để duy trì sản lượng sản xuất nông nghiệp như hiện tại, thế giới cần thêm khoảng 8.4 triệu ha để trồng đậu tương, 7.4 triệu ha để trồng ngô, 3 triệu ha để trồng bông và 0.7 triệu ha trồng cải canola. Tổng diện tích này tương đương với việc “nới rộng” diện tích canh tác của toàn nước Mỹ thêm 11%; 31 % với Brazil và 13% với Trung Quốc.
Sản xuất được nhiều hơn trong khi sử dụng ít nguồn lực hơn là lợi ích thường được nhiều nông dân trồng cây CNSH nói tới bởi vì công nghệ này giúp họ giảm bớt các thiệt hại gây ra bởi sâu hại và nhờ đó làm tăng năng suất cây trồng. Ví dụ, từ năm 1996 tới năm 2015, khi ứng dụng công nghệ biến đổi gen kháng sâu (IR) trên cây ngô, năng suất trung bình đã tăng khoảng 13.1% so với canh tác ngô truyền thống. Cũng tương tự như vậy, ở một số quốc gia, công nghệ biến đổi gen kháng thuốc trừ cỏ (HT) đã cải thiện năng suất với các phương thức quản lý cỏ dại hiệu quả hơn. Ví dụ tại Bolivia, đậu tương biến đổi gen có năng suất tăng khoảng 15%. Tại Argentina, công nghệ kháng thuốc trừ cỏ đã giúp nông dân trồng được thêm 1 vụ đậu tương gối sau lúa mỳ trong cùng một mùa vụ. Đánh giá một cách tổng quát, cây trồng CNSH trong suốt 20 năm qua đã đóng góp và sản xuất thêm được khoảng 180,3 triệu tấn đậu tương, 357.7 triệu tấn ngô; 25.2 triệu tấn bông và 10.6 triệu tấn canola.
Với cây trồng CNSH, nông dân có thể sử dụng các giải pháp bảo vệ thực vật tối ưu hơn. Lượng thuốc phun giảm bớt góp phần hạn chế các tác động tiêu cực lên môi trường, đồng thời tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công lao động đáng kể. Từ năm 1996 đến 2015, tổng lượng thuốc sử dụng từ việc canh tác cây trồng CNSH đã giảm đáng kể khoảng 8.1% trên phạm vi toàn cầu, tương đương với khoảng 619 triệu kilogram.
Thu được năng suất cao hơn, trong khi tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc cho việc quản lý sâu hại và cỏ dại, nông dân có được lợi nhuận nhiều hơn. Điều này càng có ý nghĩa hơn với nông dân tại các nước đang phát triển – những người canh tác với quy mô nhỏ. Năm 2015, nông dân tại các nước này thu được trung bình 5.15 đô la Mỹ cho mỗi 1 đô la Mỹ họ đầu tư cho cây trồng CNSH, và với thu nhập tăng thêm đó họ có điều kiện để có cuộc sống tốt hơn, cải thiện đáng kể chế độ chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho gia đình.
Hướng tới tương lai, để giải quyết áp lực ngày càng lớn về nguồn phẩm cũng như nhu cầu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, việc áp dụng các công nghệ mới và hiện hữu như công nghệ sinh học là một trong các giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, để công nghệ được ứng dụng hiệu quả, nó phải được kết nối tới nông dân và các quốc gia nhiều hơn nữa. Điều này sẽ dễ khả thi hơn nếu chính phủ và những người làm chính sách cho phép người dân và cả gia đình họ được lựa chọn canh tác và sử dụng công nghệ này.
Bình luận