Tổ chức CropLife Châu Á và các công ty thành viên kêu gọi chung tay hành động khi nông dân trong khu vực tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu.
Singapore, ngày 22 tháng Tư năm 2020 – Tổ chức CropLife Châu Á và các công ty thành viên kêu gọi chung tay hành động khi nông dân trong khu vực tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời nhấn mạnh những tiến bộ trong khoa học thực vật như một công cụ giúp giảm thiểu những điều kiện khí hậu thay đổi này một cách bền vững hơn, nhân ngày trái đất 2020. Các tác động của biến đổi khí hậu như hình thái khí hậu bất thường, sự lây lan của sâu hại và dịch bệnh, sụt giảm đa dạng sinh học và tình trạng khan hiếm nước vẫn sẽ tồi tệ hơn khi hành tinh này tiếp tục ấm dần lên. Ấn Độ và Pakistan đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài từ tháng Năm tới tháng Sáu năm ngoái khi nhiệt độ tăng vọt tới 510C tại một số thành phố. Mùa mưa tới muộn vào năm 2019 cũng đã tạo ra tình cảnh khó khăn cho rất nhiều nông dân trồng lúa tại các quốc gia xung quanh khu vực sông Mêkong như Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia, Việt Nam. Biến đổi khí hậu cũng có ảnh hưởng ngày càng trực tiếp hơn tới sinh kế và sức sản xuất của nông dân tại Châu Á và từ đó gây ra các hệ luỵ khó lường đối với an ninh lương thực của khu vực.
“Đối với toàn bộ khu vực nông nghiệp và khối sản xuất thực phẩm của khu vực, tác động xấu của biến đổi khí hậu đang gây ra sự tàn phá cho khu vực Châu Á,” Tiến sĩ Siang Hee Tan – Giám đốc điều hành của CropLife Châu Á cho biết. “Trước những áp lực mà biến đổi khí hậu đang gây ra đối với toàn bộ hệ thống sản xuất thực phẩm của khu vực, ngành khoa học thực vật đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân sản xuất được nhiều thực phẩm hơn với ít nguồn lực hơn và sử dụng ít đất canh tác hơn. Vào ngày Trái Đất năm nay, cũng như mọi ngày khác, chúng tôi giữ nguyên cam kết trong việc mang tới các công nghệ và cải tiến mới, hướng tới hỗ trợ người nông dân tại Châu Á giảm thiểu những tác động nghiêm trọng và ngày một gia tăng gây ra bởi biến đổi khí hậu.”
Để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), đặc biệt là mục tiêu về xoá đói giảm nghèo, nông nghiệp và hệ thống thực phẩm cần tăng trưởng năng suất một cách bền vững và hiệu quả. Dân số thế giới được dự đoán sẽ đạt gần 10 tỷ người vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất thực phẩm sẽ cần tăng trưởng 50% để đáp ứng với sự gia tăng về dân số và đảm bảo an ninh lương thực của xã hội. Sự tăng trưởng này là có thể đạt được, đồng thời không gây tổn hại lớn hơn tới môi trường, thông qua việc cải tạo các hệ thống thực phẩm, khuyến khích đổi mới, nghiên cứu và áp dụng các phương thức canh tác bền vững.
Nông nghiệp ước tính đóng góp 17% vào phát thải khí nhà kính. Công nghệ sinh học(CNSH) ứng dụng trong nông nghiệp và các giải pháp thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang giúp nông dân giảm bớt phát thải khí nhà kính khi canh tác. Các công cụ đó giúp giảm bớt mức độ cày xới tại các nông trại, giữ cho đất không bị xáo trộn và giữ lại khí carbon trong đất. Điều này đã giúp giảm phát thải 27 triệu kilogram khí CO2 – tương đương với việc loại bỏ 17 triệu ô tô lưu thông trên đường vào năm 2016.
Hiện tại ngành nông nghiệp đang sử dụng khoảng 70% lượng nước trên toàn cầu, do đó các giải pháp giúp tiếp tục canh tác để sản xuất ra nhiều hơn trong khi sử dụng nước ít hơn sẽ mang lại đóng góp rất lớn cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Liên hợp quốc ước tính khoảng một tỷ người tại các khu vực khô hạn có thể sẽ sớm phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học thực vật đã phát triển các giống cây trồng CNSH với các tính trạng chịu hạn và ít sử dụng nước. Ví dụ, giống ngô chịu hạn đã được trồng thương mại lần đầu vào năm 2013, cho thấy tăng trưởng về sản lượng khoảng 5% so với các giống khác. [i] Giống mía đường sử dụng nước tiết kiệm cũng có tiềm năng bảo vệ sản lượng đồng thời giảm nhu cầu sử dụng nước. Các giống CNSH và thuốc BVTVcũng cho phép nông dân canh tác không cần làm đất, nghĩa là nông dân không cần phải cày xới đất, từ đó giảm xói mòn đất và dòng chảy vào các rãnh nước, giúp nước sạch và an toàn hơn.
Hơn nữa, từ năm 1996 đến năm 2015, ứng dụng CNSH đã giúp sản xuất thêm 574 triệu tấn cây trồng trên toàn cầu, bao gồm đậu nành, ngô, bông và cải dầu. Thông qua việc canh tác nhiều hơn trên diện tích đất nông nghiệp hiện có, chúng ta có thể giúp bảo tồn rừng tự nhiên. Nếu các cây trồng CNSH với năng suất cao hơn không xuất hiện trong giai đoạn 1996-2017, chúng ta sẽ cần thêm 183 triệu héc-ta đất nông nghiệp để duy trì mức độ sản xuất lương thực như hiện tại trên toàn cầu.
###
Bình luận