Tác giả: Dave Walton, một nông dân trồng ngô, đậu tương, cỏ alfalfa đồng thời là Giám đốc Hiệp Hội Đậu tương Iowa. Bài viết được lược dịch từ bài gốc của tác giả đăng trên trang Genetic Literacy Project
Những điểm chính trong bài viết
- Lượng Glyphosate sử dụng trên mỗi acre (0,4 ha) đất nông nghiệp chỉ bằng một lon soda
- Cây trồng chuyển gen và glyphosate cho phép chúng tôi chuyển sang phương thức canh tác bên vững hơn: “canh tác không cày đất”.
- Việc sử dụng Glyphosate không làm cho vấn đề “Siêu cỏ dại” trở lên nghiêm trọng hơn so với những hóa chất khác.
- Việc sử dụng các hóa chất độc hại nhất trong canh tác đang giảm dần, chỉ những nông dân còn canh tác theo phương thức truyền thống vẫn sử dụng
- Không sử dụng glyphosate sẽ làm gia tăng việc sử dụng các hóa chất độc hại hơn.
Nếu không có Glyphosate, điều gì sẽ thay đổi? Các lựa chọn thay thế liệu có tốt hơn hay sẽ làm tệ hơn hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện tại?
Hầu hết ai đang đọc bài viết này có lẽ đều quen thuộc với Glyphosate. Nó gắn liền với cái tên “thương mại” Roundup. Sản phẩm này luôn hoàn thành tốt chức năng của nó – đó là tiêu diệt cỏ dại. Nếu bạn đã từng làm ruộng hoặc bất cứ công việc làm vườn nào, thì có lẽ bạn đều đã từng mua nó trong cửa hàng ở địa phương và sử dụng nó một cách an toàn trong nhiều thập kỉ qua. Chúng tôi sử dụng glyphosate trên các loại cây trồng có khả năng chống chịu thuốc diệt cỏ như đậu nành. Có nghĩa là chúng ta có thể phun thuốc này đồng thời lên cả cây và cỏ dại, sản phẩm này sẽ chỉ giết chết cỏ dại mà không gây hại cho cây trồng. Tôi tin đối với nông dân và người tiêu dùng, đó là một điều tốt.
Nhưng nếu bạn là một nhà hoạt động chống GMO, thì glyphosate là gốc rễ của tất cả các tội ác. Họ nói rằng những người nông dân, như tôi, đang đầu độc cây trồng, biến nông dân thành những người nghiện thuốc hóa học; làm hại côn trùng có ích; Phá hủy sinh lực của đất; Dẫn đến sự hình thành siêu cỏ dại, và tệ nhất là nó sẽ giết tôi bằng bệnh ung thư. Khoa học nói rằng những điều này là không đúng, và bằng kinh nghiệm của bản thân mình tôi cũng nghĩ vậy. Tuy nhiên, các tổ chức tuyên truyền trên Internet đã quảng bá cho những câu chuyện đáng sợ này, và nhiều tuyên bố của họ được đưa lên những bản tin chính thống như thể chúng là sự thật. Điều này khiến tôi rất đau lòng.
Có những người thật sự tin rằng chúng tôi đang ngâm tẩm cây trồng bằng hóa chất. Những người chống lại GMO, các nhà hoạt động hữu cơ và những báo cáo thiếu trách nhiệm luôn sử dụng những cụm từ đó mọi lúc như ví dụ hình ảnh dưới đây trên trang GMOFreeUSA (một trang tin chống biến đổi gen – BĐG):
Có thật không?
Phải chăng GMOFreeUSA thực sự nghĩ rằng chúng ta chứa thuốc diệt cỏ vào những chiếc xe bồn lớn rồi đem tưới lên cây trồng trên đồng ruộng? Thứ nhất, họ không hiểu ý nghĩa của từ “phun thuốc”; Thứ hai, để thực sự tưới ướt một cánh đồng, chúng ta sẽ phải sử dụng loại máy bay chuyên dụng để rải thuốc như hình chữa cháy rừng mà ta thường thấy, rất tiếc đó không phải là cách chúng tôi vẫn thường làm.
Sự thật cần được tôn trọng.
Chúng tôi trồng cả cây GMO và cây trồng phi GMO trên cánh đồng của mình. Ở Iowa, khi thời vụ đến tôi bắt đầu sử dụng thuốc trừ cỏ để chuẩn bị đất trồng. Đối với những diện tích sử dụng phương thức canh tác không cày đất – phương thức canh tác nông nghiệp bền vững nhất, chỉ có thể thực hiện được khi trồng các giống cây trồng GM. Để trồng ngô, chúng tôi sử dụng phối hợp glyphosate, 2,4-D và metalachlor; Khi trồng đậu nành, chúng tôi sử dụng một hỗn hợp được bán sẵn của chlorimuron, flumioxazin và thifensulfuron. Với những diện tích canh tác theo phương thức làm đất thông thường thì chúng tôi không cần sử dụng glyphosate và 2,4-D vì phần lớn cỏ dại sẽ được loại bỏ khi cày đất.
Vậy, đâu là sự thật về việc tưới thuốc lên cây mà chúng ta vẫn nghe được? Trên đất trồng ngô, trước khi trồng chúng tôi dùng 16 ounce (0,47 lít) glyphosate cùng một lượng nhỏ các loại thuốc trừ cỏ khác. Như vậy, lượng glyphosate chỉ chiếm hơn phân nửa lượng thuốc trừ cỏ – khoảng 1 gallon (3,78 lít), được sử dụng trên 1 acre (0,4ha) đất, gần bằng với diện tích của một sân bóng.
Nói cách khác, lượng thuốc trừ cỏ được sử dụng trên mỗi square foot (khoảng 0,1m2) đất trồng ngô chỉ là 1/3 giọt, còn với đất trồng đậu nành, nó xấp xỉ 1/12 giọt. Và những gì chúng tôi làm là phun sương chứ không phải là giội lên cây trồng. Chúng tôi không “nhấn chìm” cây trồng trong thuốc bảo vệ thực vật.
Đây là cách tôi đã sử dụng để trồng trọt.
Một trong những vấn đề lớn nhất đối với tất cả nông dân trồng các giống cây thông thường và canh tác hữu cơ là làm thế nào để dọn sạch cỏ dại trước khi gieo trồng và ngăn ngừa sự cạnh tranh của cỏ dại trong quá trình canh tác. Là một nông dân, điều đầu tiên tôi cần phải quyết định trước khi vụ mùa bắt đầu, đó là loại mô hình canh tác nào tôi nên sử dụng: theo phương thức cày lật đất truyền thống, phương thức làm đất tối thiểu, hay canh tác không cày đất?
Chúng ta đã từng lệ thuộc vào phương thức canh tác cày đất truyền thống (hiện nhiều nông dân hữu cơ vẫn đang áp dụng phương thức này). Đất được cày xới sau vụ thu hoạch trước hoặc vào đầu mùa trước khi trồng. Việc dùng máy để cày lật đất này không làm cho đất tốt hơn – nó làm tăng tốc độ phân hủy tàn dư cây trồng và chất hữu cơ trong đất. Điều đó dẫn đến sự gia tăng lượng khí thải carbon từ đất như CO2. Điều này thật sự không tốt. Trong thực tế, có lẽ đã 25 năm qua, chúng tôi không còn sử dụng máy cày để cày đất (hình dưới).
Tiếp theo, trước khi trồng từ vài ngày đến vài tuần, chúng ta sử dụng máy có đĩa cày để san đất và loại trừ cỏ dại mới nảy mầm. Nếu vẫn còn cỏ dại, chúng ta sẽ thực hiện trừ cỏ thêm một lần nữa, sau đó gieo hạt.
Ngay sau khi gieo hạt, chúng ta phun một lần thuốc trừ cỏ để ngăn ngừa cỏ dại nảy mầm và cạnh tranh với cây trồng. Cỏ dại thật sự là một kẻ tội đồ. Chúng tăng trưởng mạnh mẽ, cạnh tranh với cây trồng, “ăn cắp” nước và chất dinh dưỡng. Những nông dân hữu cơ luôn than phiền rằng chúng là một trong những vấn đề lớn khiến họ luôn phải đau đầu.
Tùy vào từng đối tượng cây trồng, nhiều loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm khác nhau được lựa chọn. Các loại thuốc này có thể trừ cỏ lá rộng và một số loại cỏ khác nhưng chúng không đem lại có hiệu quả 100%. Vâng, có nghĩa là chúng ta phải trừ cỏ thêm một hay hai lần nữa, gọi là trừ cỏ giữa hàng. Như vậy, tổng số lần kiểm soát cỏ dại đã lên đến năm lần cho mỗi mùa vụ. Dù vậy, một khi cỏ mọc lại, chúng ta không có lựa chọn thuốc trừ cỏ an toàn cho cây trồng. Cỏ dại vẫn còn trên đồng ruộng làm giảm năng suất và gia tăng áp lực cỏ dại vào mùa tới.
Khi đã nhận thức rõ ràng về những bất cập của phương thức canh tác cày đất truyền thống, phương thức canh tác làm đất tối thiểu được áp dụng, giảm thiểu những tác động lên tầng đất mặt. Từ đó, cải thiện được hiệu quả sử dụng thuốc trừ cỏ, dù vẫn không thể nào hiệu quả 100%. Tuy nhiên, chúng tôi đã có thể cắt giảm số lần phun thuốc từ năm lần xuống còn hai lần.
Cuối những năm 1970, hệ thống sản xuất được gọi là canh tác không cày đất đã được phát triển. Điều thú vị là nó đã giải quyết được vấn đề tác động lên lớp đất mặt, nhưng vẫn chưa đủ để hình thành một hệ thống canh tác hoàn chỉnh bởi nó đòi hỏi phải có một quy trình quản lý đồng ruộng gắt gao. Mặc cho những lợi thế về sinh thái mà phương thức này đem lại, hầu hết người canh tác truyền thống (và cả những nông dân canh tác hữu cơ) đều đã không chấp nhận nó bởi vì nó không kiểm soát cỏ dại thật sự tốt – trừ khi bạn phải phun thuốc trừ cỏ nhiều lần, và rất ít người muốn làm điều đó.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào năm 1996, khi loại cây trồng chịu được thuốc trừ cỏ được đưa vào sử dụng. Đầu tiên là giống đậu nành Roundup Ready chống chịu với Glyphosate. Bạn có thể phun trùm glyphosate lên cánh đồng đậu nành để trừ cỏ dại, và ngay cả phun thuốc sau khi đậu nành đã lớn mà không hề gây tổn hại đến cây. Điều thú vị đã bắt đầu, việc sử dụng các loại thuốc trừ cỏ độc hại đã giảm đáng kể và được thay bằng glyphosate với hiệu quả mang lại cao hơn. Diện tích canh tác theo phương thức không cày đất cũng gia tăng mạnh mẽ. Đây là một bước nhảy vọt thúc đẩy chúng ta phát triển một nền sản xuất bền vững.
Cây trồng chống thịu thuốc trừ cỏ đã thay đổi nền nông nghiệp và bản thân tôi thế nào?
Người nông dân thế hệ trước thích nhìn những cánh đồng phẳng và sạch sẽ trước khi trồng. Họ tự hào về khả năng cày ruộng của mình, họ thích những thứ gọn gàng và trật tự. Khuynh hướng đó đã đi qua quá nhiều thế hệ. và họ đều cảm thấy ghét sự bừa bộn. Ban đầu, khi những người Nông dân ở vùng Midwest lần đầu tiên nhìn thấy kiểu canh tác không cày đất này, tàn dư cây trồng tồn tại khắp nơi trên cánh đồng, và cỏ dại “được” mọc ở một vài nơi vô hại. Mọi người coi đó là tội lỗi, là điều đáng xấu hổ. Đối với họ, rất khó để thay đổi quá trình sản xuất truyền thống.
Chúng ta hãy thử nhìn lại các chất diệt cỏ mà chúng ta đã sử dụng trong quá khứ, so với những gì chúng ta sử dụng bây giờ. Chúng ta vẫn sử dụng một loạt các hóa chất cũ, chủ yếu là acetachlor, metalachlor, pendimethalin, atrazine, dicamba, 2,4-D và glyphosate. Chúng đã được dùng trong nông nghiệp từ rất lâu, trước khi tôi bắt đầu làm nông từ thập kỷ 80. Glyphosate không phải là một chất mới. Không phải như những điều mà những người phản đối nói, Glyphosate không được phát minh chỉ để dùng riêng trên các cây trồng BĐG. Nó được đưa ra thị trường từ năm 1974, và nhanh chóng trở thành loại thuốc diệt cỏ BÁN CHẠY NHẤT trên thế giới. Tại sao? Vì nó có hiệu quả cao, và cho phép chúng ta thay thế các hóa chất độc hại hơn nhiều. Ví dụ, tôi đã giảm sử dụng paraquat – mặc dù cũng an toàn cho canh tác nhưng nó độc hơn Glyphosate 1,500 lần – nếu so với paraquat thì độc tính của glyphosate gần như chẳng có gì.
Vậy nhìn nhận thế nào về những chỉ trích cho rằng từ khi đưa cây GMO kháng thuốc diệt cỏ, chúng ta sử dụng nhiều hóa chất hơn so với trước đây? Đó không phải là những gì tôi đã từng trải, như tôi sẽ giải thích, bất chấp những gì bạn có thể đọc trên một số trang web. Chắc chắn, lượng thuốc trừ cỏ được sử dụng có gia tăng. Đó là điều tất yếu bởi hệ thống canh tác sử dụng thuốc trừ cỏ cùng với cây trồng BĐG được phát triển ngày càng lớn.
Nếu các nhà phê bình thực sự quan tâm đến phát triển bền vững, họ nên hỏi: “Liệu tổng lượng sử dụng thuốc hóa học, đặc biệt là các hóa chất có độc tính cao có tăng lên không?” Đó là những vấn đề thực sự quan trọng đối với đất và con người. Câu trả lời rõ ràng, theo thống kê của chính phủ. Theo USDA, trong một báo cáo năm 2014, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Hoa Kỳ đạt đỉnh điểm vào năm 1981 và đã có xu hướng giảm đáng kể từ đó. Dưới đây là hai đồ thị họ sử dụng để minh họa xu hướng. Lưu ý việc giảm đầu năm 1996 khi cây GMO được giới thiệu.
Trong khi lượng thuốc diệt cỏ glyphosate sử dụng nhiều hơn, nhưng tổng lượng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp là không tăng lên như một số chỉ trích.
Glyphosate, một chất có độc tính rất nhẹ, đã thay thế những chất độc hại hơn.
Thế còn những cáo buộc cho rằng glyphosate tạo ra “siêu cỏ dại”? Trên thực tế, hiện tượng kháng thuốc ở cỏ dại không có gì mới. Vì là dịch hại, dù là cỏ dại hay sâu hại thì đều tiến hóa. Theo Hiệp hội Khoa học về Cỏ dại của Hoa Kỳ thì hiện tượng cỏ dại kháng thuốc đã được ghi nhận từ 40 năm trước khi cây trồng BĐG chịu thuốc trừ cỏ ra đời. Trách nhiệm của nông dân là sử dụng thuốc và canh tác cây trồng đúng cách để hạn chế sự hình thành tính kháng ở cỏ dại. Việc cấm glyphosate sẽ không giải quyết được gọn gẽ các vấn đề.
Tính bền vững
Điều cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất mà tôi muốn chia sẻ, đó là hãy nhìn về phía trước thay vì nhìn lại. Bản thân tôi không thích thuật ngữ “bền vững” bởi vì đó là một khái niệm không rõ ràng. Canh tác bền vững là một thuật ngữ mơ hồ bởi tất cả mọi thứ chúng ta làm đều tạo ra tác động đến môi trường. Các hoạt động của Hiệp hội chúng tôi đều nhằm khuyến khích và bảo vệ ba trụ cột chính của hệ canh tác sinh thái, đó là phải bền vững về mặt kinh tế, thân thiện với môi trường và được chấp nhận về mặt xã hội. Quan niệm cần phải giữ gìn cho các thế hệ mai sau không chỉ đúng với chúng ta mà nó đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi gia đình, luôn bảo tồn và cải thiện tài nguyên đất để con cháu chúng ta được thừa hưởng những mảnh đất màu mỡ hơn. Điều này có ý nghĩa to lớn. Tôi phải chăm sóc đất đai để nó luôn màu mỡ cho cuộc đời của tôi và cho con cái của tôi, và cho tất cả các thế hệ mai sau.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu loại bỏ cây trồng chịu được thuốc diệt cỏ, mà cụ thể là cây trồng chống chịu với Glyphosate? Đơn giản, chúng ta chỉ có thể sử dụng những gì đã có: quay trở lại với mô hình sản xuất cũ kỹ, với nhiều phiền toái, phải cày xới nhiều hơn và đương nhiên sử dụng nhiều hóa chất ít thân thiện với môi trường hơn.
Bình luận