New York, ngày 19 tháng 04 – Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng số người mắc bệnh suy dinh dưỡng từ 83-132 triệu người lên đến 690 triệu người trên toàn thế giới. Điều này đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng đạt được các mục tiêu toàn cầu về an ninh lương thực và chế độ dinh dưỡng, đồng thời thúc đẩy các yêu cầu xem xét lại hệ thống lương thực thế giới. Toàn bộ những quan ngại trên đã được đưa vào thảo luận tại phiên họp thứ 54 của Ủy ban Dân số và Phát triển Liên hợp quốc.
Cuộc họp năm nay của Ủy ban Dân số và Phát triển đã diễn ra từ ngày 19 đến ngày 23 tháng 4. Các thành viên tham gia đã xem xét mối liên hệ giữa dân số, an ninh lương thực, chế độ dinh dưỡng và sự phát triển bền vững. Các cuộc thảo luận của Ủy ban đã thông báo về việc chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao về Hệ thống Lương thực, được Tổng thư ký Liên hợp quốc triệu tập vào tháng 9 năm nay.
Ông Liu Zhenmin, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chuyên phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội nhấn mạnh: “Tương lai của con cái chúng ta đang gặp nguy hiểm vì hệ thống lương thực không có tính bền vững. Ông cho biết: “Điều tồi tệ hơn đó là, ngay cả khi hành tinh này đang được khai thác để tạo ra lương thực một cách quá đà, thì hệ thống hiện tại vẫn bỏ lại hàng trăm triệu người vào tình trạng đói nghèo và hàng tỷ người vẫn không thể có một chế độ ăn lành mạnh. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi.”
Tiến sĩ Natalia Kanem, Giám đốc Điều hành của UNFPA – tổ chức sức khỏe sinh sản và giới tính của Liên hợp quốc cho biết: “Trong một bữa ăn, phụ nữ và trẻ em gái thường là những người ăn cuối cùng và ăn lượng thức ăn ít nhất, ngay cả khi họ đang mang thai hoặc đang cho con bú; điều này gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của họ và của con cái họ”.
“Hiện nay, đại dịch COVID-19 càng làm những vấn đề này trầm trọng thêm. Chúng tôi nhận thấy rằng, nạn bạo hành và nạn tảo hôn cũng như việc phụ nữ phải đối mặt với các rào cản trong tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản và giới tính trở nên gia tăng một cách đột biến. Điều này gây nên sự khủng hoảng nghiêm trọng cho phụ nữ. Tuy nhiên, đại dịch này cũng khiến chúng ta rút ra được bài học cũng như cơ hội để xây dựng một tương lai tốt hơn và công bằng hơn cho tất cả mọi người.”
“Mối liên hệ chặt chẽ giữa dân số, an ninh lương thực và chế độ dinh dưỡng đã cho thấy con người là trung tâm của sự phát triển bền vững cũng như là việc tạo ra hệ thống lương thực công bằng”- đây là chia sẻ của bà Agnes Kalibata – Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Đối thoại cấp cao về Hệ thống Lương thực năm 2021.
Ảnh: 17 mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc (Nguồn: UN.org)
Sự thay đổi dân số và nhu cầu về thực phẩm
Tình trạng liên tục gia tăng dân số, dự kiến sẽ đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050, cùng với sự tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người sẽ khiến nhu cầu lương thực tăng một cách đáng kể, đặc biệt là ở khu vực cận Sahara Châu Phi và Nam Á.
Sự già hóa dân số và tốc độ đô thị hóa ngày một tăng cũng sẽ làm ảnh hưởng đến nhu cầu lương thực. Sự khác nhau về nhu cầu lương thực giữa lớp thanh niên và lớp người cao tuổi cũng như về thói quen tiêu dùng giữa dân sống ở các khu vực thành thị và tại các khu vực nông thôn, sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về năng lượng tối thiểu trong khẩu phần ăn cũng như nhu cầu về các loại thực phẩm khác nhau.
Hệ thống thực phẩm hiện nay đang tụt dốc
Trên thế giới có hơn 3 tỷ người không có khả năng chi trả trong việc đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh. Có hơn 20% số trẻ em dưới 5 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh suy dinh dưỡng thể thấp còi và 7% mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính. Trong khi đó, theo một báo cáo của Liên hợp quốc được công bố trước cuộc họp thường niên của Ủy ban, có 6% số trẻ dưới 5 tuổi và 39% số người lớn được chẩn đoán là mắc bệnh thừa cân.
Trên toàn thế giới, chỉ có 19% số trẻ em từ 6–23 tháng tuổi ăn theo chế độ tối thiểu có thể chấp nhận được, trong khi tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng và thiếu máu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ góp phần gây ra thể trạng yếu và phát triển kém cho các bà mẹ và trẻ em. Chế độ ăn uống không lành mạnh hiện được cho là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong và tàn tật ở người trưởng thành trên toàn thế giới hơn so với việc sử dụng thuốc lá; và người cao tuổi ngày nay đang phải đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm do chế độ dinh dưỡng kém.
Tác động của hệ thống sản xuất lương thực lên trái đất
Sử dụng tới 50% lượng diện tích đất có thể sinh sống được trên Trái đất, hệ thống sản xuất lương thực là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng mất đa dạng sinh học, ô nhiễm không khí và nước, phá rừng, suy thoái đất và khan hiếm nước. Sản xuất lương thực chiếm đến 70% lượng nước ngọt tiêu thụ và tạo ra khoảng 1/4 lượng khí thải gây nên hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Những tác động này đặc biệt nghiêm trọng tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi nhiều người đang phải phụ thuộc vào nông nghiệp để kiếm sống và cũng là nơi có mức độ an ninh lương thực và khả năng thích ứng thấp.
An ninh lương thực và giới tính
Ở tất cả các châu lục trên thế giới, tỷ lệ mất an ninh lương thực ở nữ giới cao hơn nam giới. Điều này thường xảy ra ngay cả khi tất cả đều ở trong cùng một hộ gia đình và thậm chí ở cả phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú. Bên cạnh đó, tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng cũng liên quan đến nạn tảo hôn.
Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng hơn tình trạng dễ bị tổn thương ở nữ giới, cũng như làm suy yếu khả năng tiếp cận lương thực của họ và làm gián đoạn các dịch vụ quan trọng trước và sau khi sinh nở, bao gồm công tác hỗ trợ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Theo một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc, tình trạng khan hiếm lương thực và hạn chế di chuyển do lệnh đóng cửa vì dịch COVID-19 đã làm tăng tỷ lệ bạo lực giới và nạn tảo hôn, đồng thời làm tăng nguy cơ bị bóc lột tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Trong khi tỷ lệ phụ nữ làm nông chiếm hơn 37% trên thế giới – và ở các quốc gia có thu nhập thấp, con số này tăng lên 48% – thì họ thường gặp phải nhiều bất lợi trong việc tiếp cận các tài sản sản xuất, đầu vào và dịch vụ, bao gồm: dịch vụ đất đai, tài sản thừa kế, chăn nuôi gia súc, giáo dục cũng như các dịch vụ hỗ trợ sản xuất và tài chính.
COVID-19 đang làm gia tăng các khó khăn về lương thực một cách trầm trọng
Năm 20202, các lệnh phong toả và nhiều biện pháp giãn cách khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đã làm gián đoạn quá trình vận hành của chuỗi cung ứng thực phẩm cũng như làm suy thoái nền kinh tế, dẫn đến sự mất mát trong sinh kế và thói quen chi tiêu cho các loại thực phẩm bổ dưỡng. Việc đóng cửa trường học đã làm gián đoạn quá trình hoạt động của các chương trình giáo dục dinh dưỡng học đường được tổ chức cho khoảng 370 triệu học sinh. Đại dịch cũng khiến các hoạt động nâng cao giá trị nhân đạo được gia tăng.
Cần thay đổi các chính sách khẩn cấp
Chính sách của các nước có thể tạo ra nhiều ý tưởng nhằm khuyến khích thay đổi công tác sản xuất, đồng thời có thể triển khai các hoạt động giáo dục cho người tiêu dùng cũng như chương trình giảng dạy ở trường học nhằm xây dựng nhận thức về thói quen tiêu dùng. Phương pháp tiếp cận chính sách này bao gồm các chương trình khuyến khích, quy định pháp lý và hướng dẫn về chế độ ăn uống nhằm hỗ trợ người dân áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh với nguồn thực phẩm “xanh”.
Ước tính rằng sinh kế của khoảng 4,5 tỷ người trên toàn cầu gắn liền với hệ thống lương thực. Với những người lao động đang làm việc trong hệ thống sản xuất lương thực thường bị ảnh hưởng bởi nạn nghèo đói, thì việc chuyển đổi nền kinh tế cần phải tăng cường các cơ hội việc làm phi nông nghiệp, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc áp dụng các công nghệ mới trong nông nghiệp có thể nâng cao năng suất và thu nhập của các nông hộ và giúp đảm bảo tính bền vững của ngành nông nghiệp.
Những nỗ lực trong việc tăng cường giáo dục, ngăn ngừa nạn tảo hôn, làm giảm thiểu tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên, cũng như cải thiện chế độ dinh dưỡng và triển khai kế hoạch hóa gia đình có thể giúp giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe của phụ nữ và trẻ em. Các dự án liên quan đến giáo dục, bảo trợ xã hội, an ninh lương thực và chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục) nên được đi kèm với các hoạt động giáo dục kiến thức cũng như hỗ trợ về chế độ dinh dưỡng.
Đối với các chương trình bảo trợ xã hội có trọng tâm; các dự án bảo vệ những người lao động yếu thế đang làm việc trong hệ thống lương thực, bao gồm lao động nhập cư; bảo vệ các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng cường đa dạng và sức chống chịu của hệ thống sản xuất và phân phối – bao gồm cả những biện pháp đang được áp dụng tạm thời trong cuộc khủng hoảng COVID-19 – đều có thể đóng góp vào sự cải cách lâu dài của hệ thống lương thực.
Cùng theo dõi phiên họp thứ 54 của Ủy ban Dân số và Phát triển trên Web TV của Liên Hợp Quốc.
Giới thiệu lịch sử hình thành và mô hình hoạt động
Ủy ban Dân số và Phát triển
Ủy ban Dân số và Phát triển được thành lập bởi Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ, với vai trò chính là theo dõi, rà soát và đánh giá công tác thực hiện Chương trình hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển ở cấp quốc gia, trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994 ở Cairo – Ai Cập, các quốc gia đã thông qua một Chương trình Hành động, trong đó đưa ra tầm nhìn sâu rộng về mối liên hệ giữa dân số, sự phát triển và phúc lợi cá nhân cũng như tiếp tục lộ trình lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.
Để biết thêm thông tin về Ủy ban Dân số và Phát triển, vui lòng truy cập vào website: www.un.org/development/desa/pd/content/CPD
Để biết thêm thông tin về Hội nghị Cấp cao về Hệ thống Lương thực được chia sẻ bởi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, vui lòng truy cập: Hội nghị Cấp cao về Hệ thống Lương thực | Liên Hiệp Quốc
Bình luận