Các vắc xin cứu sinh như Covishield và Covaxin cũng như nhiều loại thuốc được phát triển để điều trị bệnh trong thời gian gần đây đều là các sản phẩm của nền công nghệ sinh học hiện đại. Tiềm năng của kỹ thuật di truyền có triển vọng rất lớn, với công nghệ chỉnh sửa gen mở ra khả năng chữa khỏi các bệnh liên quan đến di truyền. Tương tự như vậy, cây trồng BĐG cũng đem lại những bước tiến lớn trong việc cải thiện năng suất cây trồng ở các quốc gia canh tác.
Tính đến năm 2019, diện tích đất trồng cây BĐG theo mô hình nông nghiệp chính xác đã tăng gấp 112 lần so với thời điểm cây trồng CNSH đầu tiên được giới thiệu vào năm 1996, trở thành công nghệ cây trồng được ứng dụng nhanh nhất trong những năm gần đây. Cũng trong năm 2019, có đến 79% diện tích bông; 74% diện tích đậu tương; 31% diện tích ngô và 27% diện tích cây cải dầu trên toàn cầu là cây trồng CNSH, không kể đến diện tích đất của 28 loại cây trồng nhỏ hơn khác. Hiện có nhiều nghiên cứu độc lập bàn về lợi ích kinh tế xã hội và môi trường của cây trồng CNSH. Một nghiên cứu trong số đó đã ước tính rằng thu nhập ròng từ nông trại trên toàn cầu đã tăng thêm 186 tỷ đô la trong 20 năm. Điều này đã hỗ trợ công cuộc xóa đói giảm nghèo cho hơn 16,5 triệu nông dân trên thế giới và giảm đến 8,2% lượng tiêu thụ thuốc BVTV trên toàn cầu.
Bông Bt – cây trồng BĐG duy nhất được bắt đầu áp dụng tại Ấn Độ vào năm 2002 – đã làm thay đổi ngành bông của quốc gia này khi năng suất bông tăng gần gấp đôi trong vòng 6 năm. Tỷ trọng bông Ấn Độ trong sản lượng bông toàn cầu đã tăng từ 12% vào năm 2002 lên tới 25% vào năm 2014. Từ một nước chuyên nhập khẩu bông, Ấn Độ nay đã trở thành quốc gia xuất khẩu bông lớn thứ hai thế giới.
Ảnh 1: Đã đến lúc nông nghiệp Ấn Độ cần triển khai nông nghiệp chính xác bằng việc sử dụng các công cụ hiện đại của CNSH
Sau khi bông BĐG được phê duyệt, nhiều tổ chức đã đầu tư cả nguồn lực lẫn nỗ lực vào việc nghiên cứu các tính trạng mới của cây trồng CNSH với hy vọng chúng sẽ đem lại những thay đổi ấn tượng tương tự cho ngành nông nghiệp Ấn Độ. Cây cà tím Bt là một trong những công nghệ được khuyến nghị thương mại hóa vào tháng 10 năm 2009, sau khi nó đã hoàn thành các đánh giá quy định trong vòng 7 năm, và hiện vẫn đang bị tạm hoãn. Trong khi đó, công nghệ này đã được áp dụng ở Bangladesh. Một nghiên cứu vào năm 2018 cho biết lợi nhuận ròng của nông dân Bangladesh tăng gấp sáu lần nhờ vào cà tím Bt và việc sử dụng thuốc BVTV trên cà tím đã giảm xuống 61%.
Một trường hợp khác cũng đang rơi vào bế tắc là mù tạt BĐG. Ấn Độ nhập khẩu hơn 65% số dầu ăn vì sản lượng hạt có dầu hiện nay của Ấn Độ gần như bị đình trệ. Điều này khiến họ tiêu tốn tới hơn 10 tỷ đô la hàng năm, với số lượng dầu ăn nhập khẩu ngày càng tăng. Mù tạt là một trong những loại cây trồng có dầu. Nhưng giống mù tạt có năng suất cao được phát triển trong nước bằng công nghệ sinh học vẫn chưa được phê duyệt để thương mại hóa. Hệ thống quản lý cây trồng CNSH thì không hoạt động, thậm chí các cuộc họp định kỳ của ủy ban quản lý cũng không được triệu tập. Những điều này dẫn đến các nghiên cứu CNSH trong những năm gần đây có xu hướng giảm mạnh.
Tình trạng bế tắc này là do sự phản đối phi lý đối với cây trồng BĐG mang đậm tính tư tưởng hơn là khoa học. Ấn Độ nhập khẩu hơn 15 triệu tấn dầu ăn hàng năm, trong đó bao gồm hơn 25% dầu đậu nành và dầu hạt cải (một biến thể của dầu mù tạt) với nguồn gốc từ đậu tương và hạt cải BĐG được trồng trên khắp nước Mỹ. Hơn 95% sản lượng bông được trồng ở Ấn Độ là bông Bt, và có khoảng 1,4 triệu tấn dầu hạt bông sản xuất từ bông BĐG được tiêu thụ. Tuy nhiên những người trồng mù tạt lại phải nhận sự phản đối cho những công nghệ tương tự như vậy. Khi nhắc đến vấn đề an toàn và hiệu quả của cây trồng CNSH, hơn 100 người đoạt giải Nobel đã cùng đưa ra một tuyên bố vào năm 2016 nhằm xác minh cho điều đó.
Đã đến lúc nông nghiệp Ấn Độ cần triển khai nông nghiệp chính xác bằng việc sử dụng các công cụ hiện đại của CNSH. Sự kích động từ phía nông dân phản ánh nỗi thống khổ sâu sắc của họ về khoảng cách ngày càng lớn giữa thu nhập từ ngành nông và thu nhập từ các ngành kinh tế khác. Thu nhập từ ngành nông là một hàm của giá cả trên thị trường và chi phí sản xuất. Trong khi giá thị trường đối với các mặt hàng nông sản chính của Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi giá quốc tế, thì chi phí sản xuất tỉ lệ với năng suất cây trồng. Năng suất hiện tại của hầu hết các loại cây trồng tại Ấn Độ đều thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên toàn cầu. Trước bối cảnh này, ngoài việc cải cách lại thị trường và chuỗi cung ứng, việc cung cấp những công nghệ tốt nhất cho nông dân là rất cần thiết. Các nước nông nghiệp phát triển đang nhanh chóng áp dụng các công cụ nông nghiệp chính xác mới, như hệ thống chỉnh sửa gen CRISPR CAS9.
Giải pháp thích hợp nhất nếu công nghệ sinh học cây trồng, đặc biệt là cà tím Bt và mù tạt BĐG được ưu tiên, tương tự như vắc xin COVID, để cải thiện khả năng cạnh tranh và gia tăng thu nhập cho nông dân Ấn Độ.
###
Bài báo này xuất hiện lần đầu tiên trong ấn phẩm ngày 20 tháng 4 năm 2021 với tiêu đề ‘Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp’. Tác giả bài báo là cựu thư ký của chính phủ Ấn Độ đồng thời là cựu chủ tịch của ủy ban thẩm định kỹ thuật di truyền.
Bình luận