Ngày 24/7/2024 Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam” tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội nghị là diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về định hướng hợp tác – phát triển giữa cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp trong và ngoài nước liên quan tới nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng thuốc BVTV.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết: Hội nghị được tổ chức với mục đích đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin khoa học, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất thuốc BVTV với các doanh nghiệp trên thế giới và thúc đẩy hợp tác về phát triển trong lĩnh vực bảo vệ thực vật nói chung và sản xuất thuốc BVTV nói riêng. Đây cũng là diễn đàn để các nhà quản lý, các doanh nghiệp trao đổi, hợp tác hướng tới sản xuất các thuốc BVTV đảm bảo chất lượng cao, hiệu quả, ít độc hại, an toàn với con người, vật nuôi, hệ sinh thái và môi trường tại Việt Nam trong thời gian tới.”
Sản xuất thuốc BVTV Việt Nam là một trong những ngành sản xuất còn non trẻ và chỉ phát triển mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ra đời và có hiệu lực năm 2015. Việt Nam đang là một quốc gia có nhiều thế mạnh trong sản xuất thuốc BVTV như: vị trí địa lý vận chuyển sang các khu vực sản xuất nông nghiệp trong khu vực và quốc tế; số lượng tiêu thụ và sử dụng nội địa ổn định; có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp cận, làm chủ kỹ thuật và khả năng đầu tư dây chuyền trang thiết bị tiên tiến; có các cơ sở sản xuất thuốc BVTV các tập đoàn lớn của thế giới…
Cả nước hiện có 96 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật với công suất hơn 300.000 tấn/năm và sản xuất được 30 dạng thuốc. Đáng chú ý, theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, các doanh nghiệp chưa chủ động sản xuất được các hoạt chất. Việt Nam hiện chỉ có 1 cơ sở có sản xuất hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật hóa học, công suất khoảng 50 tấn/năm và chỉ dùng cho tiêu thụ nội địa, không xuất khẩu. Quy mô công suất hầu hết ở mức thấp; cơ sở sản xuất phân bố không đồng đều trong nước làm gia tăng chi phí vận chuyển; tỷ trọng sản xuất các dạng thuốc, dung môi yêu cầu kỹ thuật đơn giản; chưa có cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học chuyên hoá và quy mô lớn.
Tại hội nghị, các chuyên gia của Cơ quan Quản lý hóa chất nông nghiệp Trung Quốc (ICAMA), Hiệp hội CropLife Việt Nam, Hội doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) cùng nhiều công ty hàng đầu về thuốc BVTV đã chia sẻ chia sẻ bức tranh tổng quan về việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trên toàn cầu cũng như một số mô hình cụ thể về quy trình phát hiện, phát triển, sản xuất, đăng ký và bảo đảm an toàn các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật.
Xu hướng chung về sản xuất thuốc BVTV hiện nay đó là một mặt tập trung vào việc tối ưu hoá cơ chế tác động của các sản phẩm hiện có trong đó ưu tiên giảm lượng dùng; mặt khác phát triển thuốc có cơ chế tác động mới, ít độc và thân thiện hơn với môi trường. Một số xu hướng nổi bật khác như tăng cường tập trung vào công nghệ phối chế (cụ thể là các loại thuốc sinh học, thuốc phun bằng thiết bị không người lái – drone và tích hợp vào hệ thống nông nghiệp chính xác); cải thiện cơ chế kháng.
Theo chia sẻ của tổ chức CropLife Châu Á, để giới thiệu 1 hoạt chất thuốc BVTV mới ra thị trường, các thành viên hiện nay sẽ cần đầu tư trung bình 301 triệu đô la Mỹ và mất 12,3 năm. Nếu chỉ tính về kinh phí, thì mức đầu tư hiện nay đã tăng 25 lần so với mức của 20 năm trước. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thời gian và chi phí dành cho các bước đánh giá an toàn và đăng ký sẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng thời gian và chi phí để giới thiệu một hoạt chất BVTV mới, điều này cho thấy các công ty ngày càng cần đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về hiệu quả, tính an toàn và mức độ phù hợp mỗi khi cho ra đời một công nghệ BVTV mới.
Báo cáo của đại diện ICAMA và Hiệp hội Ngành thuốc BVTV Trung Quốc (CCPIA) cho thấy Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu thuốc hoá chất nông nghiệp hàng đầu thế giới với 1775 cơ sở sản xuất thuốc BVTV, 60% sản lượng phục vụ hoạt động xuất khẩu tới 188 quốc gia trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, ngành thuốc BVTV Trung Quốc đang tập trung vào 4 trọng tâm chính: chuyển đổi và tập trung hoá các khu vực sản xuất thuốc BVTV; áp dụng công nghệ sản xuất thông minh – số hoá; tích hợp sâu rộng hoạt động R&D theo hướng công nghiệp hoá; và nông nghiệp thông minh. Hoạt động nghiên cứu và phát triển BVTV của nước này đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Vào năm 2023, tổng chi phí R&D của 60 công ty thuốc BVTV đã niêm yết đạt xấp xỉ 1,400 triệu đô la Mỹ, chiếm 2,5% giá trị doanh thu. Tính đến cuối tháng 7/2019, Trung Quốc đã tạo ra 37 hoạt chất thuốc BVTV và đăng ký chính thức. Hiện nay, các hoạt chất phát hiện ở Trung Quốc chủ yếu tập trung cho thị trường nội địa.
Theo các chuyên gia, nghiên cứu và phát triển thuốc BVTV sinh học cũng là một xu hướng đang lên và cho thấy tiềm năng ứng dụng mạnh mẽ trong thời gian tới. Những công ty thành viên của CropLife đã gia tăng chi phí đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) thuốc BVTV sinh học, từ 16 triệu đô lên 26 triệu đô, tăng 62,5% so với mức của nghiên cứu trước đó. Trong khi đó, thống kê tại Trung Quốc cho thấy số lượng đăng ký các sản phẩm thuốc BVTV đang gia tăng; số lượng các công ty sản xuất thuốc BVTV sinh học hiện chiếm 18.61% tổng số các công ty sản xuất thuốc BVTV tại thị trường này.
Hội nghị lần này là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa lớn nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục BVTV và Cơ quan quản lý hóa chất nông nghiệp Trung Quốc (ICAMA). Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Viện nghiên cứu, đại diện các Sở NN&PTNT các tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An và Đồng Nai, cơ quan quản lý thuốc BVTV tại Trung Quốc, các tổ chức quốc tế cùng đại diện các hiệp hội VIPA, CropLife Việt Nam cùng nhiều đơn vị kinh doanh và sản xuất thuốc BVTV trong nước.
Bình luận