Vào tháng 6/2022, Hội đồng của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã thông qua hai chiến lược chuyên đề sẽ định hướng cho công việc của FAO liên quan đến biến đổi khí hậu và lĩnh vực khoa học, công nghệ và cải tiến trong thập kỷ tới tại Rome, Italy
Các chiến lược này được thiết kế nhằm xúc tiến việc thực hiện Khung chiến lược 2022-31 của FAO, từ đó thúc đẩy các nỗ lực của FAO trong việc chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp – thực phẩm và đẩy mạnh an ninh lương thực cho tất cả mọi người như mong muốn của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
Những chiến lược này đã được thông qua trong hai ngày 13 và 14/6 vừa qua tại phiên họp thứ 170 của cơ quan điều hành FAO tại Rome, trong thời điểm nạn đói leo thang và các mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh lương thực toàn cầu.
“Hai chiến lược này là kết quả phi thường từ những nỗ lực tập thể của chúng tôi”, Tổng Giám đốc FAO QU Dongyu phát biểu trước Hội đồng.
“Chiến lược về Biến đổi khí hậu sẽ hướng FAO vào việc tăng cường hỗ trợ cho các Thành viên đạt được mục tiêu giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong các hệ thống nông nghiệp – thực phẩm tại nước họ, đồng thời thực hiện Thỏa thuận Paris. Chiến lược về Khoa học và Đổi mới sẽ mang lại lợi ích cho hàng tỷ nhà sản xuất quy mô nhỏ cũng như gia đình của họ, những người đang rất cần khoa học, công nghệ và cải tiến tốt nhất hiện có nhằm đóng góp vào việc chuyển đổi hệ thống nông sản của chúng ta.” – Tổng giám đốc cho biết thêm.
Hai chiến lược chuyên đề liên quan đến toàn bộ hệ thống nông sản toàn cầu, gồm hành trình của thực phẩm trong chiến dịch từ nông trại đến bàn ăn (from farm to table) – bao gồm thời điểm thực phẩm được trồng, đánh bắt, thu hoạch, chế biến, đóng gói, vận chuyển, phân phối, buôn bán, mua, chế biến, tiêu thụ và xử lý. Hệ thống nông sản cũng bao gồm các sản phẩm phi thực phẩm, chẳng hạn như lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, bao gồm quản lý bền vững và bảo tồn các hệ sinh thái liên quan, cũng như tất cả các hoạt động, đầu tư và lựa chọn đều đóng góp một phần quan trọng trong việc cung cấp cho chúng ta những thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp cần thiết.
Biến đổi Khí hậu
Những hệ sinh thái đất, thủy sinh hiệu quả và có khả năng phục hồi là nền tảng của các hệ thống nông nghiệp – thực phẩm bền vững.
Bằng chứng khoa học mới nhất từ Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc xác nhận những rủi ro về khí hậu rõ ràng và chưa từng có mà trái đất đang phải đối mặt hiện nay là do sóng nhiệt tăng cường, mưa lớn và hạn hán, hỏa hoạn và bão lốc xoáy nhiệt đới.
Các hiện tượng cực đoan về thời tiết và khí hậu đang ngày càng gia tăng đã gây ra những thiệt hại cho nền kinh tế, khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng cũng như suy giảm an ninh nguồn nước. Các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) đang gặp rủi ro nghiêm trọng do nhiệt độ nước biển tăng, axit hóa đại dương và mực nước biển dâng cao.
Hội đồng nhận định rằng, do tác động hữu hình của các hiện tượng thời tiết cực đoan đối với an ninh lương thực, dinh dưỡng và đói nghèo, “tính cấp bách để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đã tăng lên đáng kể.”
Các hệ thống nông nghiệp – thực phẩm toàn cầu đang tạo ra một phần ba tổng lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời cũng là một trong những nạn nhân chính của biến đổi khí hậu. Chiến lược của FAO về Biến đổi khí hậu 2022-2031 trình bày về những hệ thống này như một phần của giải pháp.
Hệ thống nông nghiệp – thực phẩm được xem là bền vững, toàn diện có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu cùng các tác động của nó sẽ góp phần tạo ra nền kinh tế ít phát thải trong khi vẫn cung cấp đủ thực phẩm hiệu quả, an toàn và bổ dưỡng cho chế độ ăn uống lành mạnh, cũng như cung cấp các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp khác cho thế hệ hôm nay và tương lai, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chiến lược được đưa ra nhằm giải quyết một loạt các thách thức có liên quan đến nhau, bao gồm sự mất đa dạng sinh học, sa mạc hóa, suy thoái đất và môi trường, nhu cầu năng lượng tái tạo và dễ tiếp cận, cũng như an ninh lương thực và an ninh nguồn nước.
Chiến lược được tổ chức theo ba trụ cột: i) Cấp toàn cầu và khu vực (tăng cường chính sách và quản trị khí hậu toàn cầu và khu vực); ii) Cấp quốc gia (phát triển năng lực của các quốc gia cho các hành động về khí hậu); iii) Cấp địa phương (nhân rộng hành động về khí hậu trên thực địa).
Các nguyên tắc chỉ đạo của chiến lược bao gồm trao quyền và thu hút sự tham gia của nông dân, người chăn nuôi, ngư dân, người nuôi trồng thủy sản, người bản địa và những người sống phụ thuộc vào rừng sử dụng cả những biện pháp thực hành truyền thống và những cải tiến, đồng thời tiếp tục xây dựng chúng dựa trên cơ sở khoa học.
Chiến lược được cung cấp mang tính khoa học nhằm ưu tiên các giải pháp cải tiến và tính toàn diện, đồng thời nhận thức được tầm quan trọng của việc mở rộng quy mô lĩnh vực tài chính và đầu tư.
Khoa học và Cải tiến
FAO coi khoa học và cải tiến là động cơ mạnh mẽ nhằm chuyển đổi hệ thống nông nghiệp- thực phẩm và chấm dứt nạn đói, tình trạng thiếu dinh dưỡng. Nhưng nó cần được thúc đẩy bởi các thể chế mạnh, quản trị tốt, sự ủng hộ về chính trị nhằm thúc đẩy khuôn khổ pháp lý và các biện pháp quản lý hiệu quả để thúc đẩy sự công bằng giữa các bên tham gia.
Những bước tiến quan trọng trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ đã được triển khai bao gồm công nghệ sinh học, phân tích dữ liệu và kỹ thuật hạt nhân trong thực phẩm và nông nghiệp. Quan hệ đối tác công tư đang gia tăng trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, sự tập trung vào thị trường làm gia tăng lo ngại về khả năng tiếp cận không bình đẳng đối với các nguồn lực và tri thức giữa các quốc gia và giữa các nhóm xã hội.
Những thách thức trong việc khai thác khoa học và cải tiến cho các hệ thống nông nghiệp – thực phẩm bao gồm từ việc thiếu đầu tư vào nghiên cứu, cho đến những khoảng cách trong việc sử dụng khoa học và các bằng chứng để đưa ra quyết định.
Chiến lược Đổi mới và Khoa học của FAO tập trung vào ba trụ cột: i) Đẩy mạnh việc ra quyết định dựa trên khoa học và bằng chứng; ii) Hỗ trợ đổi mới và công nghệ ở cấp khu vực và quốc gia; iii) Phục vụ các quốc gia Thành viên hiệu quả hơn bằng cách tăng cường năng lực của FAO.
Để đạt được tầm nhìn chiến lược, tất cả các quốc gia đều cần được tiếp cận với khoa học và những cải tiến cần thiết để khắc phục những thách thức về xã hội, kinh tế và môi trường mà hệ thống nông nghiệp-thực phẩm của họ đang phải đối mặt. Đạt được tầm nhìn này một cách bình đẳng, toàn diện và bền vững trên toàn cầu đòi hỏi sự tham gia tích cực của những bên liên quan ít được đại diện hơn – chẳng hạn như phụ nữ và thanh niên.
Hai chiến lược chuyên đề này sẽ được thực hiện thông qua các Kế hoạch Hành động và sẽ được đánh giá giữa kỳ của Hội đồng trong vòng 5 năm sau khi thông qua.
====
Bình luận