Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2021 – Hôm nay, Văn phòng Nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ (USDA) và Tổ chức CropLife Châu Á (CLA) đồng phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Tìm giải pháp bổ sung nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, một số Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và sản xuất các cây trồng công nghệ sinh học cũng như các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh nhu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) tại Việt Nam ngày càng tăng; đồng thời ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức do sự bùng phát của đại dịch Covid 19. Phát biểu mở đầu hội thảo, bà Sarah Gilleski, Quyền Tham tán Nông nghiệp tại Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết: “Hội thảo này tập trung vào việc chia sẻ các thông tin về nhu cầu, nguồn cung ứng các loại nguyên liệu TACN thiết yếu; dự báo thị trường nguyên liệu TACN và giới thiệu về ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong việc sản xuất nguyên liệu TACN chất lượng cao. Hội thảo cũng nhằm giới thiệu các lợi ích và thách thức trong việc ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học như một công cụ và cách tiếp cận đổi mới để tăng năng suất cây trồng, thu nhập cho người nông dân và bổ sung nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi cho thị trường trong nước.”
Tại hội thảo ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch VIPA, đã đưa ra đánh giá: “Là ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng, trong 10 năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng rất ấn tượng, bình quân 5-6%/năm. Trong đó ngành gia cầm có sự tăng trương nhanh nhất, đạt bình quân 7-8%/năm về đầu con và 11-12% về sản lượng thịt, trứng. Cùng với sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn công nghiệp (TACN) ở Việt Nam cũng đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân 13-15%/năm. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp”.
Tuy nhiên, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, nguyên liệu TACN trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, năm 2020 giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và NPL tăng 3,75% và chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tăng là 36,6% (số sơ bộ) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính được đưa ra của việc tăng giá TĂCN thời gian qua là do nguồn cung nguyên liệu TACN trên thế giới giảm, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến sản lượng một số loại ngũ cốc chính của một số quốc gia sụt giảm; các tác động của đại dịch Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng cộng thêm với nguồn cung trong nước còn hạn chế.
Nhu cầu về nguyên liệu TĂCN của Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo dự báo của VIPA, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ cần khoảng 28- 30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11 – 12%/năm, trong đó quá nửa sản lượng nguyên liệu TACN (14,5-15,0 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm. Tuy nhiên, nguồn cung và giá nguyên liệu TĂCN trên thế giới rất khó dự đoán trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh đại dịch covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên phạm vi toàn cầu, có thể tiếp tục làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.
Trước tình trạng đó, theo các chuyên gia, bên cạnh các giải pháp về chính sách thuế, thương mại, đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ, bài bản. Theo đó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, mà một trong các giải pháp đó là phát triển các loại cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học làm nguyên liệu TĂCN có năng suất và sản lượng cao nhằm bổ sung thêm nguồn cung nguyên liệu TĂCN để đáp ứng được nhu cầu và hạ giá thành sản xuất trong nước.
Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ cho biết, những nước đang cung cấp nguồn TĂCN trên thế giới bao gồm năng lượng (ngô) và protein (đậu tương) cũng là các quốc gia hàng đầu về canh tác và sản xuất cây trồng BĐG. Trên thị trường thế giới, không phân biệt đó là ngô được sản xuất từ giống thông thường hay giống BĐG, nếu được phân loại cùng phẩm cấp (thường dựa vào nước sản xuất, độ ẩm, tỷ trọng của hạt) thì sẽ được xem là như nhau trong quá trình vận chuyển, thương mại và sản xuất TĂCN. Hiện tại, ngô BĐG đang chiếm tỷ lệ lớn và đóng góp khoảng 75% nguồn cung trên toàn cầu. Báo cáo của AgroMonitor cũng chỉ ra rằng ngô là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về cả khối lượng lẫn giá trị.
Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam nhận định, hiện tại năng suất của các giống ngô lai truyền thống đã tới hạn, do đó, việc đưa vào sản xuất các giống ngô BĐG với năng suất cao và khả năng chống chịu tốt hơn đồng thời mở rộng diện tích canh tác ngô sẽ là các giải pháp cơ bản để tăng sản lượng ngô sản xuất trong nước. Báo cáo phát hành gần đây về “Tác động kinh tế xã hội của ngô BĐG giai đoạn 2015 – 2019 tại Việt Nam” cho thấy ngô BĐG đã giúp tăng năng suất thu hoạch thêm 30,4% (tương đương tăng thêm 2,03 tấn hạt tươi/ha hay 1,27 tấn hạt khô đã bỏ lõi/ha) so với các giống ngô lai truyền thống. Như vậy nếu mở rộng diện tích gieo trồng các giống ngô này, tiềm năng bổ sung thêm nguồn cung ngô hạt trong chuỗi TĂCN càng lớn. Bên cạnh đó, ngô BĐG cũng đang giúp nâng cao thu nhập ở cấp độ nông hộ từ 3.75 – 6.65 triệu đồng/ha. Đây là lợi ích đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, khi đảm bảo sinh kế cho nông dân, đẩy mạnh chuỗi cung ứng tại chỗ và đảm bảo an ninh lương thực đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngô BĐG cũng cho thấy khả năng chống chịu nổi bật trước sự xuất hiện của những dịch bệnh mới, trên 90% đối với sâu keo mùa thu. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và ứng dụng các giống mới năng suất cao và có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu cũng đang là định hướng để nâng cao sản lượng và chất lượng ngô thu hoạch trên mỗi đơn vị canh tác./.
—//—
Giới thiệu về Hiệp Hội Chăn Nuôi Gia Cầm Việt Nam
Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (tên tiếng Anh là Vietnam Poutry Association, viết tắt VIPA) là tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập từ năm 2003. Trụ sở chính của Hiệp hội đặt tại thủ đô Hà Nội và Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh.
Là một trong các hiệp hội ngành hàng nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, VIPA đang đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của ngành gia cầm nói riêng và chăn nuôi nói chung ở Viêt Nam. Các thành viên của VIPA bao gồm các doanh nghiệp, trang trại lớn, các đơn vị nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý, nhà khoa học và công dân Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu về giống; thức ăn chăn nuôi; thuốc thú y, vắc xin; giết mổ, chế biến; thiết bị chuồng trại có liên quan đến ngành gia cầm. Hiện nay Hiệp hội chiếm gần 60% thị phần về sản xuất con giống, gà thịt và trứng gia cầm trong nước. Vì vậy, VIPA có ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất gia cầm của Việt Nam.
Giới thiệu về CropLife Châu Á và CropLife Việt Nam
CropLife Châu Á là Hiệp hội phi lợi nhuận và là tổ chức tầm khu vực của CropLife Quốc tế – đại diện cho tiếng nói của ngành khoa học thực vật. CropLife vận động cho một nền thực phẩm an toàn và bền vững, và hướng đến tầm nhìn phát triển ứng dụng đổi mới khoa học trong nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực. Hiệp hội Croplife Châu Á hỗ trợ hoạt động của 15 hiệp hội trong toàn châu lục và được dẫn dắt bởi 6 tập đoàn thành viên hàng đầu trong phát triển thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống và/hoặc nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học. Thông tin về CropLife Châu Á xem tại website: www.croplifeasia.org.
Tại Việt Nam, CropLife và các công ty thành viên luôn cam kết hỗ trợ và triển khai các chiến lược dài hạn giúp hơn 25 triệu nông dân ứng dụng có hiệu quả các giải pháp khoa học trong canh tác nông nghiệp nhằm đẩy mạnh tăng trưởng, cải thiện năng suất cây trồng, tạo ra nông sản chất lượng cao trong khi hạn chế tối đa các tác động tiêu cực lên môi trường. Thông tin thêm về CropLife Việt Nam xem tại Thông tin thêm về Hiệp hội, truy cập tại www.croplifevietnam.org.
Bình luận