CropLife Châu Á và các thành viên trong tổ chức hưởng ứng lời kêu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiếp tục triển khai những hoạt động có ý nghĩa xung quanh vấn đề “Canh tác An toàn” nhân ngày An toàn Thực phẩm Thế giới 2021.
Việc tiếp cận với nguồn thực phẩm an toàn là điều cần thiết đối với sức khỏe và hạnh phúc của con người. Đại dịch toàn cầu cũng như tác động của biến đổi khí hậu đã cho thấy hệ thống cung cấp lương thực trên thế giới rất dễ bị ảnh hưởng. Nông dân vừa phải chống lại nhiều loại dịch hại, vừa phải bảo vệ nguồn cung lương thực cho thế giới. Và để làm được điều đó, họ cần áp dụng những biện pháp mang tính cải tiến và bền vững nhằm giữ cho cây trồng khỏe mạnh và được bảo vệ khỏi sâu bệnh.
Giống như ý nghĩa của lời kêu gọi “Canh tác An toàn” được đề xuất bởi FAO/WHO, vấn đề an toàn thực phẩm được bắt nguồn từ chính các nông trại. Tổ chức CropLife Châu Á và ngành khoa học thực vật tiếp tục hợp tác, làm việc với các bên liên quan, các hiệp hội tại các quốc gia nhằm khuyến khích nông dân trong khu vực sản xuất nguồn thực phẩm an toàn, bổ dưỡng với giá cả phải chăng thông qua việc giới thiệu một loạt các cải tiến công nghệ, chương trình tập huấn nông dân cũng như các phương pháp sản xuất thúc đẩy tính bền vững. Một trong những giải pháp đó là phương pháp Quản lý Dịch hại Tổng hợp (IPM). Phương pháp này hỗ trợ nông dân sử dụng cùng lúc nhiều công cụ và kỹ thuật khác nhau để quản lý dịch hại. Hiện có khoảng từ 100.000 đến 300.000 nông dân và công nhân nông nghiệp được đào tạo mỗi năm về phương pháp IPM cũng như các phương pháp ứng dụng kỹ thuật, công cụ nông nghiệp có trách nhiệm khác. Kể từ năm 2005, mạng lưới của tổ chức CropLife đã đào tạo cho gần 4 triệu nông dân và công nhân nông nghiệp tại 82 quốc gia trên thế giới.
Tiến sĩ Tan Sianghee, Giám đốc Điều hành của CropLife Châu Á cho biết: “Khi các mối đe dọa mới ngày một nhiều hơn và đang đe doạ tới an ninh lương thực toàn cầu, điều quan trọng là phải đảm bảo nông dân được tiếp cận kịp thời với các công cụ và công nghệ tiếp tục hỗ trợ họ trong sản xuất thực phẩm an toàn, bổ dưỡng với giá cả phải chăng.” Ông chia sẻ thêm: “Ngành khoa học thực vật luôn duy trì cam kết về việc đảm bảo nông dân được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cũng như những cải tiến công nghệ mới nhất để giúp họ đạt được điều đó.”
Vào năm 2020, nhiều nông dân Ấn Độ đã phải đối mặt với mối đe dọa kép từ đại dịch COVID-19 và sự tấn công diện rộng của dịch châu chấu. Tổ chức CropLife Ấn Độ đã tăng cường đẩy mạnh chương trình tập huấn cho nông dân với mục đích tập trung không chỉ vào việc chia sẻ kiến thức về quản lý dịch hại trên cây trồng mà còn vào các biện pháp an toàn có thể giảm thiểu sự lây lan của COVID-19. Điều này vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ bảo vệ nông dân đồng thời đảm bảo hoạt động của ngành nông nghiệp trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.
Là một phần trong nỗ lực cung cấp các giải pháp nông nghiệp cho cộng đồng, CropLife Ấn Độ đã tạo ra các áp phích, tờ rơi cũng như các công cụ tuyên truyền thông tin khác nhấn mạnh các biện pháp kiểm soát châu chấu, các phương pháp thực hành an toàn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng như vai trò của thiết bị bay không người lái – drone. Những tài liệu này đã được dịch sang tiếng địa phương và được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, thông qua các đối tác khác nhau cũng như qua một loạt các cơ quan chính phủ, các trường đại học nông nghiệp và các dịch vụ khuyến nông khác. Tài liệu thông tin còn đặc biệt nhấn mạnh đến các bang Rajasthan, Punjab và các bang khác – nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc tấn công của châu chấu.
Kết quả của những nỗ lực này có thể kể đến việc một số cộng đồng nông dân đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn châu chấu định cư trên đồng ruộng và thậm chí Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng drone để phun thuốc BVTV một cách chính xác nhằm kiểm soát tình trạng dịch hại. Nông dân trở thành những “nhà vận động” cho việc sử dụng thuốc BVTV an toàn tại địa phương, bằng cách chia sẻ những kiến thức mình có được với hàng xóm và những nông dân khác trong cộng đồng của mình. Ở nhiều nơi, sự ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của nông dân đã khơi dậy niềm tự hào, thúc đẩy tình đoàn kết và tinh thần chia sẻ trách nhiệm chung trong cộng đồng nông thôn.
Trong khi đó, tại Indonesia, vào năm 2015, CropLife Indonesia đã khởi xướng một chương trình với tên gọi “Chương trình Thực hành Sản xuất Nông nghiệp Tốt của Indonesia”, viết tắt là INDOGAP nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh trong sản xuất rau quả của nước này trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. INDOGAP đã tập huấn cho nông dân và cán bộ khuyến nông về cách sử dụng thuốc BVTV hiệu quả nhằm giúp họ các sản phẩm của họ đủ đáp ứng các yêu cầu để được chứng nhận xuất khẩu. Mục tiêu chung của quốc gia là gia tăng sản lượng nông sản xuất khẩu, đồng thời cải thiện độ an toàn và chất lượng của sản phẩm cũng như đẩm bảo an ninh lương thực.
Để tạo điều kiện cho việc tiếp cận cộng đồng cũng như tầm ảnh hưởng của chương trình, CropLife Indonesia đã thiết lập các mối quan hệ đối tác mang tính chiến lược với các trường đại học, các ngành liên quan, các bộ cũng như các văn phòng nông nghiệp địa phương. Chương trình đã mở rộng khả năng tiếp cận cộng đồng thông qua các hoạt động truyền thông, bao gồm tương tác trên mạng xã hội, thực hiện các chương trình talkshow cùng chuyên gia trên đài phát thanh, các thông báo về dịch vụ công và các hoạt động đối vui trực tiếp. Chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm của CropLife Indonesia đã mang lại một số tiến triển tích cực dựa trên kết quả của chiến dịch INDOGAP, cụ thể: 70% tỷ lệ nông dân chấp nhận sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE); và thu nhập của nông dân tăng thêm 20%.
###
Bình luận