Ngày 17/9/2020, chuỗi hội thảo trực tuyến đối với Nông dân tại khu vực Châu Á đã tổ chức phiên thứ hai với chủ đề: Đại dịch Covid-19 – Kinh nghiệm của Nông dân Việt Nam.
Ngày 17/9/2020, chuỗi hội thảo trực tuyến đối với Nông dân tại khu vực Châu Á đã tổ chức phiên thứ hai với chủ đề: Đại dịch Covid-19 – Kinh nghiệm của Nông dân Việt Nam. Tham dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cùng các ông bà đại diện các phòng ban của Trung ương Hội cùng thảo luận với ông Duke Hipp, Giám đốc Đối ngoại và truyền thông của CropLife Châu Á về thực trạng và những thách thức mà người nông dân Việt Nam phải đối mặt từ đại dịch Covid-19 này.
Các chủ điểm chính được thảo luận tại hội thảo bao gồm:
Thiếu hụt lao động
Đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp và nặng nề tới thu nhập và sinh kế của người lao động tại Việt Nam, đặc biệt là lao động nghèo, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, lao động phải nghỉ việc, chuyển đổi công việc do việc làm không ổn định dẫn đến việc tiếp cận lao động cũng gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó đại dịch cũng làm gián đoạn quá trình lưu thông hàng hoá dẫn đến rớt giá, dồn ứ nông sản làm cho nông dân điêu đứng, lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí phá sản. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý 2/2020 giảm 2.4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2.6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm nhiều nhất trong 10 năm qua. Trong đó lượng lao động giảm tập trung chủ yếu tại nông thôn và lao động nữ: số người có việc làm tại nông thôn giảm 1.8 triệu người so với quý trước và gần 2.1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động nữ giảm 1.2 triệu người so với quý trước và 1.5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là nhóm dễ bị ảnh hưởng hơn khi thị trường lao động chịu các tác động từ chính sách hay thiên tai dịch bệnh.
Trước tình hình khó khăn của lao động trong việc tiếp cận công việc, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn cho người lao động trong đại dịch Covid, bao gồm các đối tượng bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, hỗ trợ người kinh doanh tạm ngừng kinh doanh. Bên cạnh đó Bộ Lao động và Thương binh xã hội cũng đang đề nghị bổ sung hỗ trợ cho người lao động tại các đơn vị sự nghiệp, cơ sở giáo dục, giáo dục công lập và ngoài công lập, hợp tác xã tổ chức không phải doanh nghiệp.
Để giúp đỡ cho nông dân vượt qua khó khăn trong đại dịch, Hội nông dân Việt Nam cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng chống dịch; tham gia giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, trên cơ sở đó kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn hơn, giảm rủi ro trong kinh doanh để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời Hội nông dân cũng đóng vai trò kết nối cung cầu lao động giữa doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, tăng cường sử dụng lao động tại chỗ, đảm bảo đủ lực lượng lao động khi bước vào giai đoạn sản xuất tăng cường sau dịch, nâng cao vai trò của hợp tác xã, kết nối người dân với nhau và với doanh nghiệp; khuyến khích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thu hút lao động là thanh niên quay trở lại phát triển nông thôn. Bên cạnh đó Hội nông dân cũng tổ chức đào tạo, đào tạo lại để nâng cao tay nghề cho nông dân, hội nhập cho nông dân là chủ trang trại để ứng dụng công nghệ cao. Hội nông dân tích cực chủ động kết nối với chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung ứng hoàn hoá thiết yếu nhằm kiểm soát tốt giá cả, không để tình trạng lộn xộn, ép giá người nông dân, cùng nông dân giải quyết 3 vấn đề khó khăn: đầu tư cái gì, hợp tác với ai, tiêu thụ sản phẩm ở đâu.
Giao thông, tiếp cận thị trường và thương mại điện tử
Đã có những trường hợp đau lòng ở khu vực Đông Nam Á về việc người nông dân phải vứt bỏ hoa quả và rau củ do sự gián đoạn trong vận chuyển khiến cho việc đưa các sản phẩm rau củ đến người tiêu dùng không thể thực hiện được. Điều này cũng xảy ra tại Việt Nam do trước đây việc bán hàng vẫn được thực hiện theo phương pháp truyền thống là mang ra chợ. Tuy nhiên gần đây người nông dân càng ngày càng tích cực hơn trong việc áp dụng công nghệ vào tìm kiếm thị trường, triển khai thương mại điện tử, nhờ đó thị trường nông sản nói chung và rau củ quả nói riêng cũng được ổn định hơn. Việc chuyển dịch từ kênh truyền thống sang thương mại điện tử giúp đảm bảo cung cầu cho thị trường nội địa.
Việc áp dụng công nghệ, thương mại điện tử đối với nông sản có thể được coi là trạng thái bình thường mới đối với ngành nông nghiệp tại Việt Nam vì đây là một giải pháp được đánh giá khá ổn định và bền vững để tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Trong những năm gần đây, doanh thu của thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng 20% hàng năm, và Việt Nam nhiều năm liền nằm trong nhóm thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn nhất thế giới. Thêm vào đó dân số lao động thuộc loại trẻ của Việt Nam sẽ giúp cho việc tiếp cận và áp dụng thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 72% dân số sử dụng Internet. Nắm bắt được điều này, trong những năm qua Hội Nông dân Việt Nam, được sự hỗ trợ của Google, đã đào tạo cho nông dân biết cách sử dụng điện thoại thông minh và Internet để tiếp cận thị trường tốt hơn. Nhận thấy ưu thế của việc áp dụng thương mại điện tử, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch, trong thời gian tới Hội Nông dân cũng sẽ ký kết với tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam xây dựng một hệ thống trung tâm cung cấp thông tin cho nông dân, đào tạo hướng dẫn nông dân về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân quảng bá tiêu thụ sản phẩm trên mạng và hướng dẫn nông dân xây dựng trang web để quảng bá sản phẩm đồng thời nông dân có thể bán sản phẩm trên trang thông tin này của Hội Nông dân.
Công nghệ và Đầu vào nông nghiệp
Việt Nam xây dựng một hệ thống các trung tâm hỗ trợ tại tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc nhằm kết nối, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc BVTV hay thiết bị nông nghiệp cho người nông dân. Nhờ sự kết nối giữa hệ thống hỗ trợ này với các nhà sản xuất và cung ứng, người nông dân Việt Nam không gặp mấy khó khăn liên quan đến nguyên liệu đầu vào. Đồng thời Hội Nông dân cũng thực hiện các đàm phán, thỏa thuận với nhà sản xuất và phân phối để người nông dân được sử dụng các nguyên liệu đầu vào dưới hình thức trả chậm với thời gian trả chậm ngắn nhất là một vụ mùa. Nghĩa là người nông dân có thể sử dụng trước các nguyên liệu để sản xuất và chỉ cần thanh toán tiền sau khi kết thúc một-hai vụ mùa.
Những tiến bộ trong công nghệ ngày nay còn giúp phát triển các nguyên liệu đầu vào để áp dụng trong sản xuất như thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ để nâng cao năng suất và chất lượng của nông sản, giúp không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước mà còn kết hợp với xuất khẩu. Đây là điều mà Chính phủ và nông dân Việt Nam đang hướng tới. Thực tế cho thấy các công nghệ tưới tiêu tiết kiệm và trồng thuỷ canh, bón phân, tưới nước tự động đang được dùng phổ biến hiện nay do đem lại nhiều hiệu quả đối với người nông dân. Bên cạnh đó công nghệ về giống cũng hết sức quan trọng, nguồn giống tốt sẽ giúp hạn chế sử dụng thuốc BVTV, tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất chất lượng và đặc biệt thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khoảng cách giữa chính sách quốc gia và thực tế thực thi tại từng địa phương
Việt Nam là một trong những nước ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, điều này có được do các chính sách phòng chống rất quyết liệt, kịp thời và đúng đắn của Chính Phủ. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra rất nhiều các chương trình hỗ trợ nông dân, giúp họ có được điều kiện an toàn và đủ tư liệu để tiếp tục sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Nhìn chung, các chính sách đều đã thực hiện đảm bảo giúp cho người nông dân vượt qua được khó khăn, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên cũng như ở tất cả các quốc gia khác, việc triển khai chính sách tại Việt Nam cũng có những độ trễ nhất định tại một số địa phương. Việc xây dựng và triển khai chính sách tại Việt Nam cũng có nhiều khó khăn hơn do đặc tính Việt Nam có 54 dân tộc khác nhau, vùng lãnh thổ trải dài qua 63 tỉnh thành với 4 mùa khí hậu khác nhau, các hộ gia đình với hoàn cảnh khác nhau,… khiến cho việc xây dựng chính sách phải thích hợp với tất cả các đối tượng. Ngoài ra một vài chính sách hỗ trợ cũng chưa đủ mạnh để giúp người nông dân thực sự trở lại với trạng thái bình thường. Để các giải pháp được triển khai kịp thời thì trước tiên các chính sách phải phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của người dân. Để làm được điều này cần có sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, đồng thời các tổ chức nông dân, như Hội Nông dân Việt Nam, cần tham gia vào quá trình giám sát thực thi chính sách để từ đó kiến nghị những chỉnh sửa kịp thời lên Chính phủ. Việc đối thoại giữa Chính phủ và người dân cũng cần được chú trọng trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách.
Bình luận