Sức khoẻ đất là khả năng đất duy trì năng suất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên môi trường. Đất khỏe mạnh hỗ trợ sự phát triển của cây trồng, bao gồm chu kỳ dinh dưỡng, khả năng thực vật có thể kiểm soát sinh học đối với các loài gây hại cũng như điều chỉnh nguồn nước và không khí sao cho phù hợp.
Vì vậy, nông dân trên khắp thế giới sử dụng một số công nghệ và phương thức thực hành nông nghiệp nhằm tăng cường sức khỏe của đất. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các công nghệ và giải pháp thực tiễn này, cũng như xem chúng được áp dụng như thế nào tại các khu vực địa lý khác nhau.
Nấm có lợi trong đất
Nấm rễ nội cộng sinh mycorrhiza (Arbuscular mycorrhizal fungi) là những sinh vật có ích trong đất, có những tác động tích cực tới sức khoẻ của đất. Nấm rễ nội cộng sinh mycorrhiza hình thành mối liên kết cộng sinh với rễ cây. Chúng tiếp xúc trực tiếp với các loại đường thực vật và cây trồng được hưởng lợi từ sự phát triển và kéo dài của rễ. Hiện nay trên thị trường đã có sẵn các chế phẩm sinh học để làm gia tăng số lượng loại siêu nấm này.
Che phủ đất bằng cây trồng
Cây che phủ giữ cho đất được bao phủ trong mùa đông và trong các giai đoạn khi cây trồng không phát triển nhằm giảm nguy cơ bị xói mòn. Sinh khối do cây che phủ tạo ra thường được lưu lại trong đất, góp phần nâng cao hàm lượng chất hữu cơ. Che phủ cây bằng rễ cái (taproot) có thể làm giảm sự nén chặt của đất và những cây có rễ xơ có thể tăng cường sự ổn định của đất. Các loại cây che phủ đất có chứa nấm rễ cộng sinh (mycorrhizal), chẳng hạn những loại cây thân gỗ như hoa hồng, có thể giúp gia tăng quần thể của các loại nấm có ích này. Cây họ đậu như đậu đũa hoặc cỏ ba lá cung cấp nitơ cho cây thông qua quá trình cố định nitơ. Cây che phủ cũng có thể giữ lại nitrat và các chất dinh dưỡng khác hay bị rửa trôi. Những lợi ích cây che phủ mang lại giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách lưu giữ nhiều carbon hơn trong đất, đồng thời cải thiện năng suất, chất lượng nước và sức khỏe của đất. Trồng cây hoặc trồng rừng ở những vùng đất cận biên cũng giúp giảm thiểu tình trạng xói mòn do nước và gió gây ra.
Duy trì chất hữu cơ trong đất (tàn dư cây trồng, phân chuồng, phân hữu cơ)
Các chất hữu cơ trong đất giữ được nhiều nước hơn, làm giảm thất thoát các chất hoá học, phù sa và tình trạng xói mòn trên các cánh đồng. Để duy trì hoặc tăng chất hữu cơ, đầu vào của chất này phải đáp ứng hoặc nhiều hơn những thất thoát do phân hủy. Cây trồng khỏe mạnh có thể là một nguồn chất hữu cơ có giá trị, vì vậy tàn dư cây trồng cần phải được trả lại cho đất ở một mức độ nào đó. Cây che phủ hoặc cây lâu năm, phân hữu cơ, phân động vật và phân xanh cũng giúp tăng cường chất hữu cơ. Cải thiện việc quản lý phân bón giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách giảm bớt lượng khí mê-tan và nitơ oxit, giảm khí thải từ sản xuất phân bón, đồng thời cải thiện chất lượng nước, chất lượng không khí và sức khỏe của đất.
Sử dụng những sinh vật săn mồi trong đất
Những vùng đất nông nghiệp khỏe mạnh thường có nhiều loại sinh vật săn mồi, ký sinh trùng và vi khuẩn sinh sống giúp ngăn chặn tình trạng sâu bệnh hại. Nhện, các loài nhện harvestmen thuộc bộ chân dài và bọ cánh cứng là những kẻ thù tự nhiên của côn trùng gây hại. Bọ cánh cứng góp phần quan trọng trong hệ thống nông nghiệp bằng việc kiểm soát côn trùng, hạt giống cỏ dại và các loài sên. Các chế phẩm vi sinh hỗ trợ đất bằng cách tăng số lượng các loài thiên địch tự nhiên.
Trồng các cây họ đậu
Cố định nitơ là sự chuyển đổi nitơ trong khí quyển thành amoniac trong đất để chuyển hoá sang dạng nitơ hữu cơ ở thực vật. Nitơ được vi khuẩn “cố định” trong các nốt sần của rễ ở cây họ đậu. Đất được cung cấp dưỡng chất thông qua quá trình này sẽ tạo điều kiện sinh khả dụng nitơ cho cả cây họ đậu và các loại cây trồng sau này.
Luân canh cây trồng
Đa dạng luân canh cây trồng giúp phá vỡ chu kỳ sâu bệnh hại trong đất cũng như quản lý cỏ dại tốt hơn, từ đó cải thiện sức khỏe cây trồng và đất. Nhờ vào việc luân canh, sâu bệnh phát triển trên một loại cây trồng nhất định sẽ không có cơ hội xây dựng quần thể theo thời gian. Luân canh cây trồng cũng giúp làm giảm dư thừa chất dinh dưỡng trong đất
Sử dụng hạt giống công nghệ sinh học
Cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) chịu được thuốc trừ cỏ cho phép thực hiện các phương pháp canh tác bảo tồn hay không cày xới nhờ vào việc kiểm soát cỏ dại tốt hơn, từ đó giảm tần suất sử dụng thuốc BVTV cũng như số lần phun thuốc trên đồng ruộng. Trong 25 năm qua, cây trồng CNSH kháng sâu và bệnh đã giúp nông dân canh tác hiệu quả hơn, cải thiện sức khỏe của đất, cũng như giảm tới 776 triệu kg hay 8,6% lượng sử dụng thuốc BVTV trên toàn cầu. Những cây trồng CNSH với khả năng tiết kiệm nitơ và nước giúp tận dụng các nguồn tài nguyên tốt hơn và giữ lại nhiều dưỡng chất hơn trong đất.
Duy trì độ pH trung tính trong đất
Duy trì độ pH của đất sao cho phù hợp với cây trồng sẽ cải thiện chất dinh dưỡng sẵn có và giảm thiểu độc tố. Mặc dù có một số trường hợp ngoại lệ, nhưng hầu hết các loại cây trồng đều phát triển tốt nhất với độ pH trong khoảng từ 6–7. Khi độ pH của đất giảm xuống dưới 6, nhôm và mangan có thể tăng lên đến mức độc hại. Các khu vực có khí hậu ẩm ướt có xu hướng dư axit trong đất, vì vậy chúng ta cần phải bón vôi để trung hòa độ chua của đất. Các sinh vật trong đất cũng bị ảnh hưởng bởi độ pH của đất; giun đất và vi khuẩn thích độ pH gần trung tính trong khi nấm không bị ảnh hưởng bởi yếu tố này, chúng thường chiếm ưu thế ở những vùng đất dư axit.
Quản lý tốt chất dinh dưỡng trong đất
Việc cung cấp chất dinh dưỡng đúng lượng, đúng lúc, đúng cách sẽ giúp cây phát triển tối đa và giảm thiểu tình trạng dư thừa chất dinh dưỡng. Duy trì hàm lượng canxi đầy đủ sẽ giúp giun đất phát triển mạnh và cải thiện sự kết dính của đất. Đất khỏe mạnh hơn khiến cây cối có sức sống hơn, phát triển nhanh chóng hơn và có thể chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, việc bón phân quá mức cho cây trồng có thể làm gia tăng các vấn đề sâu bệnh. Cải thiện việc quản lý phân bón nitơ (về tỷ lệ, thời gian, hình thức, vị trí, hệ thống nông nghiệp chính xác) có thể giúp giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu bằng cách giảm thiểu phát thải oxit nitơ, đồng thời cải thiện lợi nhuận, cũng như chất lượng nước và không khí.
Thực hành canh tác bảo tồn hoặc không cày xới đất
Việc canh tác không cày xới giúp lưu giữ hàm lượng carbon trong đất, cải thiện không khí, nước và đời sống tự nhiên. Điều này thúc đẩy đa dạng sinh học và sự phong phú của các động vật săn mồi trong đất giúp kiểm soát côn trùng gây hại. Mặt khác, việc cày xới đất quá nhiều còn có hại vì làm gia tăng lượng oxy trong đất, kích thích hoạt động của vi sinh vật và quá trình phân hủy chất hữu cơ. Cày xới đất cũng phá vỡ sự kết dính của đất, làm lộ ra các phân tử hữu cơ, tạo điều kiện cho các vi sinh vật tiêu thụ. Việc xáo trộn đất hay đảo lớp đất cũng làm giảm tàn dư cây trồng, khiến đất dễ bị xói mòn hơn. Nếu bắt buộc phải sử dụng phương pháp làm đất thì cần bổ sung bù chất hữu cơ bằng tàn dư cây trồng, phân chuồng và phân trộn. Trồng cây trồng lâu năm làm thức ăn gia súc với các loại cây trồng hàng năm yêu cầu cày xới đất là một cách khác để giảm cường độ làm đất theo thời gian. Việc giảm cày xới đất cũng có thể giảm thiểu tình trạng xói mòn, cũng như cải thiện sức khỏe của đất và chất lượng nước.
Hạn chế tác động lên đất
Khi có quá nhiều người và thiết bị lưu thông, đất sẽ có xu hướng bị nén chặt lại hơn, đặc biệt là khi đất ẩm. Việc nén chặt làm giảm không gian lỗ rỗng và tăng mật độ khối, dẫn đến quá trình thấm và thoát nước kém, cũng như làm tăng lượng nước tràn ra. Việc nén chặt cũng làm tăng độ cứng của đất, khiến rễ cây khó phát triển hơn. Nén và loại bỏ tàn dư trên bề mặt đất cũng làm giảm độ ẩm của đất và không gian sống cho các sinh vật sống trong đất.
###
Bình luận