Ngày 11/11 vừa qua, Ủy ban kỹ thuật an ninh sinh học quốc gia Brazil (CTNBio) đã cấp phép nhập khẩu bột mỳ có nguồn gốc từ giống lúa mỳ biến đổi gen HB4 – được cấy một mã gen của cây hoa hướng dương vào giúp cây không những có khả năng chịu hạn tốt hơn mà còn gia tăng năng suất của cây. Giống lúa mỳ này được cấp bằng sáng chế bởi Conicet và Đại học Litoral; và do tập đoàn sinh học Bioceres thực hiện các thử nghiệm trên đồng ruộng kéo dài 20 năm.
Đây là một tin tức đáng chú ý, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu. Sau một thời gian dài chờ đợi, cơ quan quản lý Brazil đã phê duyệt giống lúa mì chịu hạn được phát triển hoàn toàn tại Argentina, kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và đầu tư từ khối tư. Các nhà khoa học từ Conicet – đứng đầu là tiến sĩ Raquel Chan tại Đại học Litoral đã thực hiện nghiên cứu này. Sau đó tập đoàn sinh học Bioceres đã tiến hành thử nghiệm đồng ruộng – công ty này cũng đã được cấp phép khai thác và sử dụng sản phẩm này trong 20 năm.
Gabino Rebagliati, Giám đốc truyền thông của Bioceres, đã đăng trên tài khoản Twitter của mình rằng: “Công nghệ này củng cố địa vị của Argentina trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Việc cải thiện khả năng chống chịu của cây trồng đối với các điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt được xem là trọng tâm của vấn đề an ninh lương thực – một trong những thách thức lớn đang tồn tại trong thế kỷ này. Chúng giúp các nhà sản xuất thực phẩm gia tăng sản lượng trên một héc-ta đất và hạn chế bớt tác động từ hạn hán. Chúng cũng mang lại lợi ích kinh tế cho Argentina nói chung do giảm bớt sự tiếp xúc với các hiện tượng khí hậu và môi trường, đồng thời hỗ trợ bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên bằng cách tăng năng suất trên mỗi héc-ta đất.”
Vào năm 2012, Bà Chan và nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Nông nghiệp Litoral đã cho ra mắt những cây đậu tương, ngô và lúa mì không chỉ có khả năng chống chịu hạn và mặn mà còn tạo ra năng suất cao hơn từ 20 đến 30% nhờ vào việc cấy mã gen (HaHB-4) từ cây hoa hướng dương.
Với khối lượng sản xuất của những cây trồng này, giống nào cũng mang lại thu nhập hàng tỉ đô la. Ước tính rằng năng suất cây trồng và diện tích canh tác có thể được cải thiện lần lượt tới 20% và 5%. Chan giải thích: “Phần trăm lợi nhuận tỉ lệ thuận với môi trường. Ở một số nơi, điều này diễn ra một cách hoàn hảo. Tỉnh Buenos Aires đã thu về kết quả vô cùng xuất sắc. Và điều quan trọng nhất là, nhờ vào công trình khoa học liên ngành khổng lồ đang được thực hiện này, chúng tôi có thể dự đoán được nơi nào hoạt động tốt và nơi nào không.”
Bà Chan, người có bằng tiến sĩ hóa học tại Rosario sau đó tham gia thực tập sau tiến sỹ Pháp và trở về nước vào năm 1993, kể từ đó bà đã dành hết tâm huyết cho lĩnh vực này. Bà bắt đầu tiến hành nghiên cứu sự phản ứng của gen với áp lực. Sau đó, bà tiếp tục tìm hiểu lĩnh vực cấu trúc di truyền và biến đổi của các loại cây trồng mục tiêu. Tập đoàn sinh học Bioceres đã tiến hành các thử nghiệm đồng ruộng trên một diện tích canh tác đáng kể và với hàng chục nghìn cây trồng khác nhau. Dựa trên kết quả đã được công bố trong các tài liệu khoa học, không có bất kỳ loại gen kháng hạn nào khác giúp tăng năng suất cây trồng. Gen của cây hướng dương “không bắt cặp” trong tích luỹ tại hạt và thậm chí có áp lực làm cây không “thấy được sự tiếp nhận” và do đó tiếp tục làm đầy hạt.
Sự kiện này đã nhanh chóng thu hút giới truyền thông quốc tế. Trong tuần báo Le Point của Pháp, nhà báo Géraldine Woessner đã viết rằng “ngày này nên được đánh dấu là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu” và đã miêu tả thành tích này như “một chiến công đáng gờm”. Bà cho biết thêm: “Tôi dự đoán rằng, một ngày nào đó nhà nghiên cứu Raquel Chan sẽ nhận được giải Nobel cho phát minh này”. Trên lý thuyết, công nghệ này có thể cho phép phát triển một loạt các giống cây trồng phù hợp để ứng phó với những thách thức do sự gia tăng dân số toàn cầu dự kiến lên tới 9 tỷ người vào năm 2050 gây ra.
Giống lúa mì HB4 đã được cấp phép tại Argentina vào năm 2020 nhưng vẫn chờ Brazil cấp phép bởi đây là thị trường tiêu thụ 85% sản lượng lúa mì của quốc gia này.
Bà Chan chia sẻ: “Đây là kết quả đến từ sự nỗ lực của rất nhiều cá nhân. Chúng tôi thực hiện rất nhiều công đoạn mang tính khoa học. Tất cả các thử nghiệm chính đều được thực hiện trên cùng một loại lúa mì nhưng không phải là loại lúa được gieo ở đây. Chúng tôi đã từng lo ngại rằng sẽ không thể thu về kết quả nếu tiến hành nghiên cứu trên một giống chất lượng, nhưng thực tế cho thấy kết quả thậm chí còn tốt hơn.” Bà cho biết thêm: “Tôi nghĩ công lao lớn nhất của tôi là sự kiên trì, tìm được tiếng nói chung với Bioceres, làm việc liên ngành, cũng như lắng nghe các ý kiến và mọi người ai cũng đều cống hiến hết mình cho công việc.”
Quá trình bỏ phiếu của cơ quan quản lý Brazil đã được đồng thuận dựa trên bản phân tích đầy đủ nhất có được từ trước nới nay. Bà Chan nhấn mạnh: “Nếu không nhờ có sự hỗ trợ của công ty, thì việc này sẽ không bao giờ thực hiện được. Tôi ước gì có nhiều công ty như Bioceres hơn trong tương lai”.
Nhà khoa học Raquel Chan và nhóm của bà cũng đã phát triển giống đậu nành theo nguyên tắc tương tự và đang chờ được phê duyệt ở Trung Quốc.
###
Tham khảo:
– Bloomberg: https://www.bloomberg.com/news/articles/2021-11-11/brazil-clears-genetically-modified-wheat-developed-by-bioceres
Bình luận