Ngày 27-28/6/2025 – Hội thảo đánh giá rủi ro thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với ong trên cây có hoa đã diễn ra thành công trong hai ngày 27–28/6/2025 tại Hà Nội. Đây là hội thảo thứ hai trong chuỗi chương trình nâng cao năng lực đánh giá rủi ro thuốc BVTV đối với môi trường, do Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (TT&BVTV) phối hợp cùng CropLife Châu Á và CropLife Việt Nam tổ chức, trong khuôn khổ hợp tác “Khung quản lý thuốc BVTV bền vững” (SPMF).
Hội thảo vinh dự có sự góp mặt của 40 đại biểu tham dự, trong đó có 16 cán bộ đến từ Cục Bảo vệ Thực vật (PPPD), đại diện cho các đơn vị quản lý thuốc BVTV, phòng quản lý cây trồng, trung tâm kiểm định kiểm nghiệm thuốc BVTV và các trung tâm bảo vệ thực vật vùng trên cả nước.

Hội thảo lần II tập trung vào đánh giá tác động của thuốc BVTV lên loài ong – nhóm côn trùng thụ phấn có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái nông nghiệp. Thông qua các phiên thuyết trình chuyên sâu, thảo luận và thực hành, chương trình giúp đại biểu cập nhật kiến thức khoa học, tiếp cận các công cụ đánh giá hiện đại, đồng thời nâng cao khả năng ứng dụng công cụ đánh giá vào thực tiễn. Nội dung chương trình được dẫn dắt bởi các chuyên gia từ CropLife Châu Á – TS. Rakesh Kenjale và chuyên gia độc học Krishna Varma Kalidindi, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu độc tính và quản lý rủi ro môi trường.
Ngày làm việc đầu tiên của hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều nội dung chuyên môn thiết thực. Mở đầu chương trình, các đại biểu cùng chuyên gia từ CropLife Châu Á rà soát và phân tích kết quả sử dụng công cụ MEDRICE đã được tập huấn trong Hội thảo I để đánh giá rủi ro đối với sinh vật thuỷ sinh trong một số trường hợp thực tế tại Việt Nam, nhằm giải quyết những khó khăn gặp phải trong quá trình áp dụng, đồng thời củng cố tính kết nối xuyên suốt trong chuỗi tập huấn. Tiếp đó, ông Noppadon Mannoyen, đại diện Bộ Nông nghiệp Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình nâng cao năng lực đánh giá rủi ro môi trường đang được triển khai song song tại Thái Lan với sự phối hợp của CropLife Châu Á và trình bày kết quả thực hành đánh giá rủi ro đối với sinh vật thủy sinh để hai bên cùng so sánh và thảo luận nhằm rút ra kinh nghiệm áp dụng.
Cũng trong phiên sáng, các chuyên gia đến từ CropLife Châu Á đã giới thiệu những kiến thức và công cụ cốt lõi trong đánh giá rủi ro môi trường, bao gồm phương pháp xác định độc tính cấp tính trên ong mật (Apis mellifera) và mô hình BeeREX – công cụ hỗ trợ phân tích rủi ro đang được ứng dụng rộng rãi. Bên cạnh phần trình bày lý thuyết, các đại biểu tham gia thảo luận bài tập tình huống theo nhóm, nhằm thực hành đánh giá rủi ro và đề xuất biện pháp quản lý rủi ro phù hợp với bối cảnh thực tiễn.

Ngày làm việc thứ hai của hội thảo là dịp để các đại biểu kết nối lý thuyết với thực tiễn thông qua chuyến tham quan mô hình trồng nhãn kết hợp nuôi ong tại Thôn Bình Kiều, thị trấn Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đây là một mô hình tiêu biểu cho hướng tiếp cận nông nghiệp thân thiện với đa dạng sinh học, nơi mối quan hệ cộng sinh giữa cây trồng và loài thụ phấn được thể hiện rõ nét. Trong chuyến đi thực địa, các đại biểu đã trực tiếp lắng nghe chia sẻ từ người bác nông dân Đỗ Văn Độ về quá trình phát triển mô hình – từ việc chọn giống ong, bố trí đàn ong trong vườn nhãn đến những phương pháp giúp tạo điều kiện cho việc tăng năng suất cây trồng nhờ quá trình thụ phấn tự nhiên mà vẫn đảm bảo an toàn cho đàn ong khi phải sử dụng thuốc BVTV.
Tại phiên chiều, các đại biểu tiếp tục thực hành áp dụng mô hình BeeRex trên Excel để phân tích và tham gia tình huống giả định. Qua đó, giúp họ hiểu rõ hơn về lợi ích, cách thức áp dụng công cụ đánh giá rủi ro đối với thuốc BVTV và đưa ra các giải pháp giúp cân bằng giữa hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật và ông Ricky Ho, Giám đốc Khoa học và Pháp chế của CropLife Châu Á, đại diện hai đơn vị phối hợp tổ chức chương trình, đã đánh giá cao sự tham gia tích cực của các đại biểu trong quá trình hội thảo và tái khẳng định cam kết đồng hành trong việc nâng cao năng lực đánh giá rủi ro môi trường hướng tới phát triển nền nông nghiệp an toàn, bền vững và hài hòa với thiên nhiên. Hội thảo không chỉ làm giàu thêm nền tảng kiến thức chuyên môn mà còn mở ra không gian đối thoại cởi mở giữa cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp – những chủ thể quan trọng trong tiến trình xây dựng một nền nông nghiệp có trách nhiệm và bền vững./.
Bình luận