Ngày 7/10 vừa qua, Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển đã trao giải Nobel Hoá học 2020 cho hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier và Jennifer Doudna vì phát hiện của họ về công cụ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9. Đây cũng như hồi chuông thức tỉnh các nhà hoạch định chính sách tại Châu Âu liên quan đến việc điều chỉnh luật pháp liên quan đến vấn đề này.
Là một trong những công cụ sắc bén nhất của công nghệ chỉnh sửa gen, với CRISP/Cas9 các nhà khoa học có thể thay đổi hay viết lại “mật mã của sự sống” chỉ trong vài tuần. Việc nhận được giải Nobel cho phát hiện này là một tin tức tuyệt vời đối với tiến bộ khoa học cũng như khả năng ứng dụng cho tất cả mọi người.
Trước sự kiện này, ông Marco Cappato và Marco Perduca, đồng sáng lập tổ chức Science for Democracy (Khoa học Dân chủ) cho biết “Bây giờ, các nhà hoạch định chính sách tại Châu Âu nên cho phép tiến hành thử nghiệm thực địa đối với các loại cây trồng đã được nghiên cứu trong nhiều năm nhưng bị buộc phải dừng lại do các vấn đề quy phạm.” Vào tháng 7/2018, Toà án Công lý Châu Âu đã ra phán quyết rằng các sinh vật tạo ra bằng các kỹ thuật gây đột biến trực tiếp, bao gồm cả các hình thức được thực hiện sử dụng kỹ thuật CRISPR kể từ 2012, sẽ được coi là sinh vật biến đổi gen (GMOs) và được điều chỉnh bởi Chỉ thị năm 2001 của Châu Âu về Biến đổi gen. Tổ chức Khoa học Dân chủ, kể từ khi được thành lập vào năm 2018, đã tích cực thúc giục các nhà lập pháp Châu Âu làm rõ phán quyết trên nên được diễn giải như thế nào.
Kể từ khi được phát hiện ra bởi hai nhà khoa học vào năm 2012, các nhà nghiên cứu thực vật đã áp dụng công cụ CRISPR/Cas9 vào rất nhiều các nghiên cứu quan trọng, tạo ra các loại cây trồng chống chịu được nấm mốc, sâu bệnh và hạn hán. Công cụ này còn tạo nên một tác động mang tính cách mạng đối với nền y học thế giới với tiềm năng trở thành một công cụ trị liệu mạnh mẽ cho nhiều bệnh di truyền hay do virus.
“CRISPR, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học mà chúng ta đang vinh danh, đã được hoàn thiện từ một thập kỷ trước. Những khả năng của kỹ thuật này phải được thử nghiệm kỹ lưỡng nhằm nêu bật giá trị của chúng, bởi lý do này, luật pháp trong nước và quốc tế cần được điều chỉnh để việc nghiên cứu và thử nghiệm chúng có thể được thực hiện rộng rãi. Hơn thế nữa, trên cơ sở Khuyến nghị chung của Liên hợp quốc về Khoa học công bố vào tháng 4 năm nay đã chỉ rõ trách nhiệm của các quốc gia cho mối quan hệ giữa bằng chứng khoa học và quá trình ra quyết định, những quyết định mới nên được đưa ra đối với kỹ thuật vừa đạt giải thưởng này” – hai nhà sáng lập cho biết thêm.
Cây trồng chỉnh sửa gen hay biến đổi gen (BĐG) không làm thay đổi gen của bạn!
Vậy cây trồng chỉnh sửa gen hay biến đổi gen có phi tự nhiên hay không? Liệu chúng có thể làm thay đổi gen của bạn? Câu trả lời cho mỗi câu hỏi này chắc chắn là “không”, thậm chí chỉ cần một đánh giá nhanh các bằng chứng cũng có thể xác nhận điều này. Bạn ngạc nhiên trước những tuyên bố này? Đó là bởi những câu chuyện hoang đường nhưng nghe có vẻ đáng tin cậy về công nghệ sinh học (CNSH) và thực vật BĐG đã bị phóng đại trong nhiều năm qua. Nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Trong tất cả những câu chuyện hoang đường về cây trồng BĐG, những chỉ trích cho rằng chúng không giúp gia tăng sản lượng cây trồng có lẽ là câu chuyện dai dẳng nhất. Các chỉ trích này có thể là kết quả của các nhóm hoạt động phản đối với các chiến dịch tuyên truyền gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, à thường họ có hiểu biết hạn chế về sản xuất thực phẩm và nông nghiệp. Mặc dù các cây trồng BĐG được thương mại hoá đầu tiên đều không được thiết kế để làm tăng năng suất, nhưng những bằng chứng rõ ràng trên khắp thế giới đã chứng minh khả năng này của chúng. Chẳng hạn, người nông dân khi canh tác cây trồng BĐG với các tính trạng kháng sâu bệnh và chống chịu thuốc trừ cỏ sẽ sản xuất được nhiều hơn bởi họ có thể kiểm soát tốt hơn cỏ dại cũng như các dịch hại gây thiệt hại tới năng suất tiềm năng.
Tuy nhiên, rất nhiều nhóm chống CNSH vẫn tiếp tục phớt lờ những dữ liệu khoa học và phóng đại những tuyên bố tai tiếng kể trên tại các quốc gia đang phát triển, thúc đẩy sự hoài nghi không có cơ sở về công nghệ gen di truyền đồng thời gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với những người có thể hưởng lợi rất nhiều từ công nghệ này.
Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang nỗ lực tạo ra những sản phẩm cải tiến mang lại lợi ích cho nông dân cũng như công chúng, đặc biệt với các công cụ mới như chỉnh sửa gen CRISPR. Tại Hoa Kỳ, cây trồng CNSH đang được canh tác và tiêu thụ rộng rãi. Việc truyền bá các thông tin sai sự thật, không dựa trên cơ sở khoa học cũng đang được đẩy lùi thông qua việc truyền thông các lợi ích của công nghệ gen di truyền trực tiếp tới cho công chúng. Đồng thời nhiều cuộc biểu tình liên quan đến công nghệ sinh học cũng được diễn ra để thúc đẩy các nhà lập pháp có những chỉnh sửa phù hợp đối với sinh vật biến đổi gen hay chỉnh sửa gen dựa trên các cơ sở khoa học.
Vào tháng 3/2019, Cappato và Perduca đã bị chặn lại bởi các nhà chức trách Bỉ trước Nghị viện Châu Âu bởi trong cuộc biểu tình “Cho CRISPR một cơ hội!” họ đã ăn gạo chỉnh sửa gen. Những bữa ăn nhẹ tương tự đã được diễn ra tại Rome, Milan và Bari mà không có bất kỳ phản ứng nào từ các nhà chức trách Ý.
###
Tài liệu tham khảo:
- Science for Democracy: https://sciencefordemocracy.org/the-crispr-nobel-should-wakes-legislators-across-europe/
- Genetic literacy: https://www.sciencemag.org/news/2020/10/crispr-revolutionary-genetic-scissors-honored-chemistry-nobel
- Plant science blog: https://www.plantscience-blog.com/post/give-crispr-a-chance
- KU Leuven News: https://nieuws.kuleuven.be/en/content/2016/doudna_and_charpentier
Bình luận